Hành trình giải mã văn hóa

Một phần của tài liệu Giả trinh thám trong Tên tôi là Đỏ của Orhan Pamuk (Trang 62 - 70)

6. Đóng góp của luận văn

2.3. Hành trình giải mã văn hóa

Khi Tên tôi là Đỏ ra mắt độc giả, nhiều câu hỏi được đặt ra cho Orhan

Pamuk. Một câu chuyện trinh thám nói quá nhiều các vấn đề không liên quan đến vụ án. Như vậy, ý nghĩa tác phẩm nằm ở đâu? Cuốn tiểu luận Những màu khác đã phần nào giải đáp những băn khoăn đó. Ban đầu, nhan đề tác phẩm liên quan đến tình yêu. Tuy nhiên, “cái nhan đề đó đã bỏ đi gắn kết với vấn đề trung tâm nhất của cuốn sách. Tên tôi là Đỏ đi vòng quanh câu hỏi này, đề cập nó từ mọi góc độ: nếu Shirin yêu Hursev do nhìn thấy bức tranh vẽ anh, tranh vẽ Hursev chắc chắn phải được thực hiện theo phong cách chân dung

phương Tây, bởi vì tiểu họa theo phong cách Hồi giáo khắc họa cái đẹp một cách khái quát hơn nhiều. Sau khi nhìn bức tranh, nàng có thể nhận ra chàng trên đường phố… Liệu có thể nào yêu một người nào đó trông giống y hết thảy mọi người khác? Cuốn sách của tôi mở ra các chủ đề này. [39, 310]. Vì vậy, ở tầng sâu thẳm và quan trọng nhất chính là câu chuyện giải mã văn hóa.

Đọc Tên tôi là Đỏ, người đọc thường phải tạm gác sự hồi hộp với một

cốt truyện vụ án sang một bên để nhường chỗ cho sự say mê với những hoạt cảnh đời sống muôn màu muôn vẻ: những nguyên tắc pháp điển của Hồi giáo về hôn nhân và gia đình, vai trò của người đưa tin - môi giới trong xã hội, sinh hoạt của những người thuộc dòng khổ tu, bối cảnh trong các quán cà phê Thổ Nhĩ Kỳ với những người kể chuyện rong thuở xa xưa, nạn làm tiền giả khi đế chế Ottoman giao thương với Venice… và, trên tất cả là sự say mê khám phá lịch sử của nền nghệ thuật tiểu họa Thổ Nhĩ Kỳ.

Sử dụng cấu trúc “truyện trong truyện”, tác giả đã trình bày vốn kiến thức tuyệt vời của mình về sự thăng trầm của nghệ thuật tiểu họa qua bao tiếp nối giữa các vương triều, về sự nghiệp của những nhà tiểu họa bậc thầy, về tình thế tồn tại của các nghệ sỹ tiểu họa trong quan hệ với các bậc đế vương, về cơ sở mỹ học và triết học của nghệ thuật tiểu họa, về những chuyện “bếp núc” kỹ thuật của nghề vẽ tranh minh họa. Ở phương diện này, chương 31, được đặt Tôi là Đỏ, là một triết luận thăng hoa về màu đỏ, và là một nghiên cứu rất chi tiết về bí quyết chế tạo màu đỏ của nghệ sỹ tiểu họa Thổ Nhĩ Kỳ thuở xưa. “Tất cả sự hiểu biết phong phú và tường tận ấy của Orhan Pamuk về quá khứ văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ đều đã được ông “chuyện kể hóa” bằng một “giả kim thuật ngôn từ” đầy lôi cuốn” [36]. Trong chín chương người kể chuyện vô danh là các nhân vật trong tranh minh họa, chín câu chuyện về nghệ thuật được trình bày với giọng văn hài hước. Dù chỉ xuất hiện một lần duy nhất nhưng những bức tranh biết nói đã đem lại sự khác biệt hấp dẫn. Đặc

biệt, khi màu đỏ cất tiếng, sự tự tin về quyền uy của nó trong thế giới sắc màu đã tạo niềm phấn chấn cho độc giả. Không chỉ là màu sắc trong tranh minh họa, màu đỏ còn là máu của hai nhà tiểu họa bị sát hại và máu của nhà tiểu họa sát nhân đã đổ ra để đền tội. Màu đỏ là màu của vinh quang dành cho các nhà tiểu họa bậc thầy khi họ ở đỉnh cao danh vọng. Màu đỏ là máu của các nhà tiểu họa khi họ lao vào các cuộc đấu tranh ngấm ngầm để tranh giành quyền lực, danh vọng và tiền vàng. Màu đỏ cũng là “máu” của các tác phẩm minh họa Hồi giáo bị tàn phá trong các cuộc chiến tranh, bị xé nát, bị đốt, bị vứt xuống sông khiến nước các con sông nhuộm đỏ. Màu đỏ cũng là máu của binh lính và dân đen đổ ra trong các cuộc chiến tranh giành quyền lực, lãnh thổ của các bậc đế vương... Và đậm nét hơn cả, màu đỏ cũng là biểu trưng cho tiếng khóc bi ai thống thiết của một người con Thổ Nhĩ Kỳ khi chứng kiến sự mai một của văn hóa truyền thống, chứng kiến cuộc đấu tranh giằng xé giành quyền tồn tại giữa hội họa Tây phương và hội họa Hồi giáo.

Chắp nối những mảnh ghép trong các câu chuyện của nhà tiểu họa và nhân vật vô danh trong tranh, cùng với phần niên biểu ở cuối tác phẩm, độc giả tìm được bức tranh hoàn chỉnh về lịch sử hội họa Hồi giáo. Nửa sau thế kỷ XVI, vua Murat III của Ottoman lên ngôi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vị vua có tầm nhìn mở về văn hóa này đã cho thực hiện hàng loạt những cuốn sách được trang trí bằng tiểu họa. Những nhà tiểu họa xuất sắc nhất của Ottoman thời đó được mời đến. Và thông qua những nhân vật này, sự va chạm về quan điểm nghệ thuật, những mối ràng buộc về tôn giáo, những băn khoăn giữa đổi mới và truyền thống, những dằn vặt trong việc tiếp cận giữa Đông và Tây… đã hình thành nên ẩn số về nghệ thuật ở Tên tôi là Đỏ. Với giáo luật nghiêm ngặt cấm thờ ngẫu tượng, hội họa Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng trên cái nền ảnh hưởng hội họa Trung Hoa, theo vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn cuốn về hướng Tây. Các nhà tiểu họa chiếm một vị trí khiêm tốn trong mặt bằng văn hóa chung.

Họ làm một công việc duy nhất, vẽ đến thuộc lòng những hình mẫu minh họa xưa. Ngay đến một chi tiết nhỏ nhất, khác biệt, nơi cái mũi của một con ngựa cũng trở thành vấn đề. Họ có thể mù mắt mà vẫn là bậc thầy hội họa, khi chỉ cần quen tay và vẽ theo trí nhớ. Trong bối cảnh ấy, ngay bên cạnh họ, rất gần, là trường phái mỹ thuật Venice đang trong thời kì Phục Hưng đầy tự do, với những quan niệm cởi mở và thành tựu lẫy lừng nhất. Trên hành trình truy lùng hung thủ và tìm kiếm tình yêu, các nhân vật đã đồng thời khám phá những bí ẩn về hội họa. Đây không phải sự trật hướng, mà con đường này dẫn đến con đường khác, đáp án của câu hỏi này là gợi ý cho việc giải đáp một bí mật khác. Hành trình giải mã văn hóa phục vụ quá trình điều tra phá án và nối kết những trái tim yêu thương. Và việc giải mã văn hóa cũng là hành trình cuối cùng mà các nhân vật cần đạt đến.

Bằng một cách khéo léo không gợi chút phô trương, Orhan Pamuk đã biến Tên tôi là Đỏ thành cuốn tiểu thuyết của nghệ thuật minh họa Hồi giáo, thuật lại lịch sử ra đời, phát triển và những thăng trầm của môn nghệ thuật bất hạnh này. Không phải ngẫu nhiên một cuốn tiểu thuyết được nhà văn dành nhiều bút lực cho một niên biểu chính xác, khoa học. Tác phẩm có cốt truyện điều tra phá án nhưng niên biểu không phải dành cho vụ án. Mốc thời gian được nhắc tới không phải ngày giờ ba án mạng xảy ra, các nghi can và nhân chứng làm gì trong khoảng thời gian đó. Ngược lại, niên biểu dựng lên lịch sử đất nước Ottoman từ ngàn đời với những dấu mốc rõ ràng, có cả vinh quang và thất bại, có cả màu đỏ của máu và màu đỏ của hoan lạc. Chính tác giả đã khuyên độc giả chú ý vào niên biểu công phu này và không coi nó là một phần phụ của tác phẩm. Điều đó cho thấy, bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa của đất nước Hồi giáo này mới là bí ẩn lớn nhất. Cùng với vụ án và tình yêu, nhà văn giới thiệu những quan điểm, suy ngẫm, những tự biện triết học về nghệ thuật của các nhà tiểu họa thời đó. Quan điểm về kiếp mù và ký ức, quan

điểm về phong cách và chữ ký..., làm sáng tỏ những nét đặc trưng và giá trị nghệ thuật đích thực của tranh minh họa Hồi giáo. Với Tên tôi là Đỏ, Orhan Pamuk đã chứng tỏ ông là người viết tiểu thuyết lịch sử bậc thầy, cụ thể hơn, là lịch sử của nghệ thuật hội họa Thổ Nhĩ Kỳ, nghệ thuật minh họa Hồi giáo - môn nghệ thuật bị cấm sáng tạo. Bởi vì giáo lý đạo Hồi cấm tôn thờ ngẫu tượng và khẳng định chỉ có Thượng đế mới có quyền sáng tạo. Những tác phẩm mà danh tiếng đã đi vào lịch sử của nghệ thuật hội họa Hồi giáo được kể lại bằng một giọng văn đầy lôi cuốn. Con đường hội họa Tây vực đi vào xưởng vẽ tranh Herat được kể bằng chuyến du lịch đến Venice của Enishte Kính mến. Sự tích các bức minh họa trong Quốc khố được thể hiện theo phương thức phân tích, lý giải để phá án. Bức tranh tình yêu kinh điển của Hursev và Shirin được kể qua mối tình của Siyah và Shekure. Bức tranh của bậc thầy vĩ đại Bihzad về Hoàng tử Shiruye giết Đức cha Hursev để đoạt ngôi và cưới người vợ Shirin xinh đẹp của cha mình, được kể qua nỗi sợ hãi của kẻ sát nhân. Đặc điểm từng bức tranh được miêu tả tỉ mỉ với niềm say mê đáng kinh ngạc. Trong hầu hết các chương, nhân vật nào cũng đem đến những câu chuyện liên quan đến hội họa.

Để có thể viết ra được tất cả những điều đó một cách tinh tế và điêu luyên như Orhan đã từng làm trong Tên tôi là Đỏ, hẳn nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ này phải có một tầm hiểu biết văn hóa truyền thống hết sức sâu rộng. Không chỉ vạch ra được phong cách, đặc trưng riêng của từng họa sư danh tiếng hay mô tả sinh động những minh họa nổi tiếng trong lịch sử, ông còn chứng tỏ được sự dày công nghiên cứu văn hóa truyền thống khi mô tả những công trình kiến trúc nổi tiếng của đế quốc Ottoman như cung điện Tokapi với những đường lối như mê cung, quốc khố với sự giàu có, xa hoa khó hình dung. Thông qua lịch sử của hội họa, lịch sử các triều đại trị vì đất nước Hồi giáo này cũng được soi sáng. Tất cả những âm thanh xưa cũ ấy cứ reo vang

trong từng trang sách khiến độc giả thấy như thể bị lạc bước vào thế giới quen thuộc của Nghìn lẻ một đêm.

Với dung lượng chiếm khoảng bốn phần năm tác phẩm, những sự kiện liên quan đến nền tiểu họa cho thấy mối quan tâm lớn nhất của tác phẩm mang danh tiểu thuyết trinh thám này lại không nằm ở tội ác và tìm ra kẻ gây tội. Câu chuyện lịch sử về nền tiểu họa Thổ Nhĩ Kì mới chính là trọng tâm của tác phẩm. Như vậy, mục đích của Pamuk không hẳn là viết ra một truyện vụ án thật hay, hoặc thậm chí hủy cấu trúc một truyện vụ án hay – đúng hơn, nó là ý tưởng về sự đối mặt của Hồi giáo với phương Tây được nhìn thông qua một kỳ án. Đọc như một phúng dụ, Tên tôi là Đỏ đặt ra một bài toán hóc búa không chỉ cho các nhà tiểu họa, mà cho nhân loại nói chung, về sự lựa chọn truyền thống hay hội nhập, Đông hay Tây. Nhưng Pamuk, cũng như nhiều trí thức Hồi giáo tiến bộ khác, hiểu rằng Hồi giáo mang nặng mặc cảm tự ti và nỗi sợ hãi sâu xa việc tự phê phán và thay đổi.

Cái “sự thật” tưởng rất quan trọng là truy tìm “thủ phạm” đã được Orhan Pamuk chuyển hướng sang giải mã văn hóa. Và hành trình giải mã này vẫn đang tiếp diễn.

Tiểu kết

Khoác lên mình hình thức của thể loại tiểu thuyết trinh thám, Tên tôi là Đỏ đã đan lồng nhiều tuyến cốt truyện. Cùng với hành trình truy lùng hung thủ là hành trình tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc và quá trình giải mã bí ẩn văn hóa. Ba hành trình này xem cài vào nhau khiến đường tới đích càng gian nan và bí hiểm hơn. Trên hành trình này, các nhân vật nhiều khi lúng túng, hoang mang. Họ không chỉ bước vào một cuộc đấu trí mà còn phải đánh đổi cả sức khỏe và mạng sống. Chính những lúc đó, nhân vật cho thấy nỗ lực của loài người trên con đường tìm ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Tính chất kép cốt truyện này đã tạo nên hiện tượng phi trung tâm cho tác phẩm.

Trò chơi trinh thám không phải chỉ dành riêng cho thám tử mà còn dành cho chính người đọc. Trong mê lộ của vô vàn những bỏ ngỏ, những chỉ dẫn thậm chí cả việc bị đánh lạc hướng, người đọc vẫn hứng thú tìm ra sự thật. Và quan trọng hơn, truyện trinh thám hình thành ở người đọc thói quen tra vấn về những điều bí ẩn. Bí ẩn không chỉ nằm trong cuộc chạy trốn và truy tìm của kẻ phạm tội và thám tử. Bí ẩn nằm ngay trong những vấn đề gần gũi của cuộc sống: tình yêu, hạnh phúc và những giá trị văn hóa ngàn đời.

Khi nói về cuốn tiểu thuyết của mình, Orhan Pamuk cũng cho rằng đây không phải tiểu thuyết của vụ án và cuộc điều tra, “đây là cuốn sách về nghệ thuật, cuộc đời, hôn nhân và hạnh phúc. Vấn đề Đông – Tây ẩn khuất đâu đó ở hậu cảnh” [39, 309]. Điều này càng khẳng định vấn đề trung tâm của Tên

tôi là Đỏ không nằm ở cốt truyện truy tìm hung thủ, nó khiến tác phẩm được

CHƢƠNG 3.

THOÁT KHỎI MÊ CUNG TỘI LỖI

Mê cung vốn là một kiến trúc rối rắm mà đường vào thì dễ, đường ra thì khó. Phải chăng chức năng mặc định của mê cung là thử thách con người. Khi lỡ bước chân vào, con người buộc phải huy động mọi năng lực để vượt thoát khỏi mê cung. Bỏ lại sau lưng sự hoang mang, trên tất cả, chỉ còn lại niềm vui chiến thắng thử thách và chính mình. Thần thoại Hy Lạp kể lại câu chuyện thoát khỏi mê cung đầy ngoạn mục của người anh hùng Theseus và Daedalus. Nếu Theseus đi vào mê cung tìm giết Minotaur và lần theo sợi chỉ của công chúa si tình Ariadne thoát ngược ra, thì Daedalus đi tới tâm điểm của mê cung và bay ra ngoài bằng đôi cánh sáp ong tự chế. Có nhiều cách để thoát khỏi mê cung. Nhưng lối thoát chỉ dành cho những người thông minh và dám dấn thân. Khi thoát khỏi mê cung, Daedalus hòa vào bầu trời xanh, nhưng không ai dám chắc không gian rộng lớn mênh mông và vô định đó không phải là một mê cung mới dành cho chàng.

Thám tử Siyah và những người đồng hành đã đi trọn hành trình của mình: tìm ra kẻ sát nhân. Chàng và Shekure đã tìm được bến đỗ hạnh phúc sau một chặng đường dài rượt đuổi tình yêu. Như vậy, hành trình truy lùng hung thủ và tìm kiếm tình yêu của các nhân vật đã đi tới đích, nghĩa là truyện trinh thám và truyện tình yêu lãng mạn đã làm tròn nhiệm vụ của mình. Các nhân vật đã thoát khỏi mê cung vụ án, hạnh phúc trong đời sống riêng của mỗi người. Nhưng cũng như Daedalus, thoát khỏi mê cung này lại tiếp tục bước vào mê cung khác. Mã văn hóa đặt ra câu đố cho các nhân vật xuyên suốt hành trình điều tra vẫn còn để ngỏ. Kết thúc tác phẩm tưởng chừng đã giải quyết cặn kẽ hết vấn đề, nhưng thực chất, nhân vật và độc giả vẫn lúng túng trong mê cung văn hóa. Đây chính là một trong những dấu hiệu giả trinh

thám của tác phẩm. Tìm được kẻ giết người, tức bí ẩn của vụ án đã được giải, nhưng không đồng nghĩa với tác phẩm đã khép lại và mê cung được phá bỏ. Thoát khỏi mê cung tội lỗi nhưng các nhân vật vẫn chưa tìm được lời giải cho câu hỏi về văn hóa. Mê cung văn hóa vẫn giam cầm các nhân vật với vô số ngả rẽ khác nhau.

Một phần của tài liệu Giả trinh thám trong Tên tôi là Đỏ của Orhan Pamuk (Trang 62 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)