6. Đóng góp của luận văn
2.1. Hành trình truy tìm hung thủ
Với một cốt truyện trinh thám, trung tâm của nó bao giờ cũng là vụ án bí hiểm. Từ cái cớ bí hiểm đó, các nhà trinh thám phát triển câu chuyện dựa trên sự điều tra. Theo từng trang truyện, người đọc xâm nhập vào hành trình soi sáng sự thật. Laurence Devillairs, tiến sĩ triết học người Pháp cho rằng: “Trung tâm của một cốt truyện trinh thám không phải là tội ác mà là cuộc điều tra. Trong tiểu thuyết trinh thám, cái chết không xuất hiện như là một sự phi lý, quá đáng, không thể tưởng tượng được, mà nó như một phương trình,
một ẩn số thích hợp để cấp cho nó một giá trị” [24, 75]. Tên tôi là Đỏ hội tụ những chi tiết cần có của một cốt truyện trinh thám: án mạng thảm khốc (thậm chí có tới hai xác chết), kẻ sát nhân tàn bạo với những dấu vết để lại trên hiện trường. Sự thắt nút này kéo đến cuộc điều tra của Siyah cùng những người đồng hành, và được mở nút ở những trang cuối. J.L.Borges cho rằng: “Không thể hình dung một truyện trinh thám không có phần mở đầu thắt nút và cởi nút”, tức là không có nhân vật thám tử và hành trình điều tra vụ án của anh ta. Nói một cách khác, hành trình truy tầm thủ phạm chính là hạt nhân truyền thống của văn chương trinh thám. Xét về mặt này, có thể nói, Orhan Pamuk vẫn ưa thích lối văn tạo sự tò mò khám phá cho độc giả thông qua những suy đoán logic. Ông đã sử dụng trinh thám như một phương diện nghệ thuật đắc lực với một văn phong lôi cuốn, mê hoặc. Người đọc không khó tìm ra trò chơi đấu trí của thám tử và kẻ sát nhân. Như vậy, trước hết, Tên tôi là Đỏ đã khoác lên mình cái hình thức của thể loại tiểu thuyết trinh thám. Hệt như ở những tiểu thuyết trinh thám thông thường, tác phẩm có những đoạn thám tử ráo riết xác minh, tìm kiếm các bí mật. Câu chuyện đưa lại cảm giác háo hức đón chờ sự thật được bóc tách một cách nhanh chóng.
Trong tiểu thuyết trinh thám truyền thống, người đọc bị lôi cuốn vào câu chuyện tội ác của kẻ sát nhân và hành trình xác định tên sát nhân của thám tử. Trong đó, câu chuyện thứ hai và cũng là câu chuyện trung tâm được trình bày sau như một sự hồi cố, hoặc cũng có thể hai câu chuyện đồng hành. Tên tôi là Đỏ là một “phiên bản của truyện trinh thám”.
Xét đến cùng, xung đột tạo ra biến cố, và biến cố chính là sự sống còn của cốt truyện. Trong Tên tôi là Đỏ, độc giả được chứng kiến những “xung đột nảy lửa, những mâu thuẫn gắt gao, những tâm hồn không thể tìm ra tiếng nói chung, kết cục dẫn đến ba cái chết bi thảm” [28, 76]. Hai cái chết đầu tiên (Zarif và Enishte) là bí ẩn, điểm khởi đầu của cuộc điều tra. Ở cái chết thứ ba,
Hasan giết chết thợ cả Zeytin, không nằm trong chuỗi những vụ án. Cái chết của Zeytin do sự nhầm lẫn và ghen tuông. Mặc dù án mạng này không tạo ra bí ẩn, nhưng nó là cách giải quyết vấn đề mà tác giả lựa chọn và nó hợp lý theo quy luật nhân quả. Cái chết thứ ba là một kết cục cần có của một vụ án, khi mà thám tử được khen ngợi và tên sát nhân phải bị trừng phạt. Vì thế, đây vẫn được xem là một án mạng, là một chi tiết của cốt truyện trinh thám. Các vụ án mạng được thống kê như sau:
STT Thời gian Không gian Nạn nhân Thủ phạm
Vụ án 1 Đêm ngày thứ nhất
Cạnh giếng
hoang Thợ cả Zarif Thợ cả Zeytin
Vụ án 2 Đêm ngày thứ tư Nhà Enishte Kính mến Enishte Kính mến Thợ cả Zeytin Vụ án 3 Đêm ngày thứ chín Ngoài đường, gần xưởng vẽ Hoàng cung Thợ cả Zeytin Hasan và đồng bọn Bảng 2.2
Cốt truyện trinh thám của cuốn tiểu thuyết có những sự kiện chính liên quan đến bộ ba nạn nhân – sát thủ - thảm tử. Chuyện mở đầu bằng cái chết bí hiểm của nhà tiểu họa Zarif – một trong bốn thợ cả tài hoa nhất ở xưởng vẽ Hoàng cung dưới sự quản lý của sư phụ Osman. Sau gần bốn ngày mất tích, xác của thợ cả Zarif được tìm thấy dưới đáy một cái giếng hoang cạn nước. Cái chết đau đớn chưa rõ nguyên nhân đó gây hoang mang trong giới tiểu họa Istanbul và dẫn đến sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các nhà tiểu họa. Ngay trong đêm dự đám tang của thợ cả Zarif về, Enishte Kính mến lại bị giết chết dã man. Ông bị kẻ thủ ác ra tay bằng cách đập bình mực cổ vào đầu và mặt cho đến chết. Ông là người được Đức vua bí mật giao cho trọng trách làm một
cuốn sách kỉ niệm năm thứ một ngàn lịch sử Hồi giáo và thể hiện sức mạnh của vương quốc Ottoman. Để hoàn thành ý nguyện này, Enishte đêm đêm bí mật gặp gỡ bốn nhà tiểu họa Zeytin, Zarif, Leylek, Kelebek, giao cho mỗi người một phần việc và không ai được thấy bức tranh hoàn chỉnh. Nàng Shekure xinh đẹp – con gái duy nhất của Enishte, bốn năm sau cái chết của người chồng đầu tiên đang trong thời gian về ở nhà mẹ đẻ dưới sự bảo trợ của cha mình – đã bí mật bàn chuyện kết hôn và điều tra thủ phạm với chàng Siyah – người được Enishte Kính mến tin tưởng và có ý định giao phó lại việc hoàn thành quyển sách bí mật. Một ngày sau khi Enishte chết, cái chết của ông được công bố và Siyah, giờ đây là con rể hợp pháp của Enishte đã vào cung xin gặp Trưởng ngân khố, nhân vật quyền uy thứ hai của vương quốc, để trình báo sự việc. Lan tràn trong giới tiểu họa lúc này là không khí hoang mang và nỗi sợ hãi trước những cái chết thảm khốc xảy ra liên tiếp không rõ nguyên nhân. Đức vua ra lệnh bằng mọi giá phải tìm ra kẻ sát nhân. Sư phụ Osman và Siyah được giao trọng trách trong ba ngày phải tìm ra hung thủ, nếu không tất cả các nhà tiểu họa sẽ phải chịu tội. Với manh mối duy nhất là bức phác thảo một con ngựa đã nhàu nát và nhòe nước mà hung thủ để lại trên người nạn nhân thứ nhất, hai người được phép vào Quốc khố hoàng cung để nghiên cứu những bức vẽ, tìm hung thủ. Sau hai ngày ba đêm, với sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử và các trường phái hội họa cổ cũng như sự thấu hiểu các học trò, sư phụ Osman đã tìm ra kẻ vẽ con ngựa kia. Đó chính là thợ cả Zeytin tài hoa, xuất sắc nhất trong Xưởng vẽ Hoàng cung.
Sau khi xác định được người đã vẽ bức tranh ngựa với cái mũi bị rạch kì quái để lại trên xác nạn nhân thứ nhất, sư phụ Osman tự đâm mù mắt mình để lưu giữ những hình ảnh tuyệt đẹp của hội họa. Chàng Siyah, bằng hành động dũng cảm và quyết liệt, đã đâm mù mắt kẻ sát nhân, buộc hắn nhận tội. Thợ cả Zeytin, trong phút cuối điên loạn, đã đâm Siayh và trốn thoát. Trên đường
chạy trốn khỏi Istanbul, hắn bị Hasan, tình địch của Siyah chém đứt đầu do ghen tuông và nhầm lẫn. Những dòng kết đem lại cảm giác thỏa mãn khi Siyah đa tình và tài hoa sống hạnh phúc bên Shekure xinh đẹp đến cuối đời.
Quá trình đi tìm hung thủ là yếu tố hấp dẫn li kì của một cốt truyện trinh thám. Những nút thắt, mở bất ngờ và việc truy tìm hung thủ gay cấn đã cuốn người đọc đến những dòng cuối cùng. Tuy nhiên, không phải lúc nào người đọc trinh thám cũng được thỏa mãn. Với lối kể chuyện không liền mạch, người đọc phải tự ráp những mảnh ghép với nhau. Xen vào giữa cao trào vụ án, Pamuk để thần kinh người đọc giãn ra với những câu chuyện ngoài lề. Lời tử thi đậm chất trinh thám ở chương một, chợt rẽ sang lời của nhân vật Siyah tưởng chừng như không có mối liên hệ ở chương hai, rồi nhảy sang lời của con chó láu lỉnh ở chương ba. Sau đó người đọc mới tiếp tục trở lại hành trình của vụ án khi kẻ sát nhân lên tiếng ở chương bốn. Tiếp đó, sự xuất hiện của cái cây, đồng tiền vàng, Shekure, Orhan, Esther… tiếp tục làm loãng đi câu chuyện của vụ án. Nếu xác định đây là cuốn truyện trinh thám đơn thuần, người đọc sẽ bị thử thách lòng kiên nhẫn. Qua từng chương, Pamuk cung cấp cho người đọc những mảnh ghép trong một bức tranh khổng lồ. Nhiều lúc, độc giả sẽ băn khoăn liệu người kể chuyện có đang nhầm lẫn khi dẫn độc giả đi vào truyền thuyết, lịch sử hội họa, hay thế giới tình yêu cổ tích lãng mạn. Cùng với lối kể trổ nhánh đó, hai mươi nhân vật kể chuyện độc lập kéo độc giả vào một diễn đàn, nơi mà tất cả đều bình đẳng được nói, kể cả nạn nhân đã chết và kẻ thủ ác.
Lời của tử thi thứ nhất, thợ cả Zarif, cho người đọc biết ông ta đã có vợ con, chết cách đây bốn ngày trong tư thế ngâm nửa người dưới nước. Người đọc được dẫn dắt vào ngay bầu không khí tội phạm: “Kẻ sát nhân đó là ai mà chọc giận tôi đến thế? Tại sao hắn giết tôi theo kiểu đầy bất ngờ như vậy?”, với một giả thiết đầy chất trinh thám: “Cái chết của tôi ẩn chứa một âm mưu
ghê rợn nhắm vào đạo giáo của chúng ta, nhắm vào các truyền thống và thế giới quan của chúng ta” [38, 13]. Những giả thuyết theo kiểu này thường là những định hướng để một câu chuyện trinh thám phát triển. Ngôn ngữ của tử thi kích thích sự khao khát khám phá chân tướng vụ việc. “Trên hết, hãy tìm ra kẻ đã giết tôi! Vì cho dù quý vị có chôn tôi trong ngôi mộ huy hoàng nhất, nhưng chừng nào tên khốn nạn đó còn được tự do, thì tôi vẫn còn lăn lộn không yên trong huyệt mộ, chờ đợi, gây cho tất cả quý vị cảm giác không đáng tin cậy” [38, 13]. Những dòng đầu tiên này thôi thúc sự truy tìm, vừa để thỏa mãn nạn nhân tội nghiệp, vừa để thỏa lòng hiếu kì của người nghe. Vì thế, sự trông chờ của độc giả ở chương tiếp theo là quá trình điểu tra. Tuy nhiên, phải chờ đến chương bốn, cốt truyện trinh thám này mới tiếp tục. Kẻ sát nhân cũng là một nhà tiểu họa mà như cách hắn tự giới thiệu “không ai trong số họ có thể qua mặt tôi trong việc pha màu, trong việc tạo ra và tô điểm phần lề trang giấy, bố trí các trang và chọn đề tài, vẽ các khuôn mặt, các con thú, các vị vua… [38, 30]. Nhân vật kể tỉ mỉ hành vi tội ác: “Tôi đập hắn mau lẹ và tàn bạo đến độ nhất thời tôi hoảng hốt, như thể cú đánh ấy đã giáng xuống đầu chính tôi vậy… Rất lâu sau khi tôi thả hắn xuống giếng, tôi đã ngẫm nghĩ xem sự tàn bạo trong hành động của mình hoàn toàn không phù hợp đến thế nào với vẻ trang nhã của một nhà tiểu họa” [38, 37]. Rõ ràng vụ án xảy ra vì mâu thuẫn trong nghề nghiệp, tên sát nhân không bị động, nhưng hắn vẫn không ngừng day dứt về hành động của mình. Tên sát nhân đối thoại với người nghe ẩn tàng, tự biện bạch cho mình: “Các vị thấy rằng, thực ra tôi giải thích tất cả việc này bởi vì chúng liên quan đến tình trạng khó xử của tôi… Tôi xin phép không dừng lại ở một chi tiết đơn lẻ nào, hãy để tôi giữ lại một số manh mối cho riêng mình: Hãy cố khám phá tôi là ai qua cách chọn lựa từ ngữ và màu sắc của tôi, vì những người cảnh giác giống các vị có thể nghiên cứu dấu chân để bắt một tên trộm” [38, 30, 31]. Kẻ giết người tự giãy
bày, nhưng hắn “gây rối” bằng cách úp mở, vừa kể chân thực, vừa che giấu. Nạn nhân và thủ phạm đều chạm được đến lòng ham muốn tìm ra sự thật của độc giả. Đến đây, người ta mong chờ thám tử xuất hiện để thay cho họ thâm nhập vào câu chuyện, gỡ rối vụ án.
Câu chuyện mở đầu của nạn nhân và thủ phạm cho độc giả biết họ là hai người bạn suốt hai mươi lăm năm. Thủ phạm không phải kẻ sát nhân chuyên nghiệp. Hắn mang những nỗi dày vò nhưng không hối hận. Hắn tìm cách giết người để giải quyết mâu thuẫn về thế giới quan, “không để cho những cáo buộc sai trái của một kẻ dại dột gây nguy hiểm cho cả cộng đồng những nhà tiểu họa” [38, 28]. Nếu vụ án thứ nhất được biết đến nhờ vào sự hồi cố của các nhân vật trong cuộc, thì vụ án thứ hai dường như diễn ra ngay trước mắt người đọc. Đêm ngày thứ tư, tại nhà riêng, Enishte Kính mến bị giết chết một cách dã man bằng bình mực cổ trăm năm tuổi. Chương 28 và 29 là một cảnh nhưng được kể theo điểm nhìn của hai nhân vật – kẻ giết người và nạn nhân. Khi màn đêm buông xuống, không gian vắng lặng, tên sát nhân tìm đến nhà Enishte với tư cách một học trò. Hai người thân quen, nên sau cuộc trò chuyện về nghệ thuật, cái chết đến với Enishte khá bất ngờ.
Chắp nối tất cả đầu mối liên quan đến kẻ giết người, người đọc phần nào biết được đặc điểm của hắn. Đó là “người nghệ sĩ tài hoa mà những dòng chữ tuyệt đẹp và cách sử dụng màu sắc đầy ma lực. […] Không một nhà tiểu họa nào biết được độ đặc nhuyễn của thuốc màu và những bí mật của nó bằng anh. Anh luôn chuẩn bị những màu thật nhất, rực rỡ nhất, tỏa sáng nhất” [38, 237]. Nhưng nếu không biết về hội họa và thấu hiểu tài năng của từng nhà tiểu họa, thì người đọc cũng không thể tìm ra hung thủ trong số ba người tài năng nhất được giao nhiệm vụ hoàn thiện cuốn sách bí mật của Đức vua. Hung thủ tinh quái che giấu thân phận của mình đằng sau cái mặt nạ, như hắn thú nhận: “Khi kể lại những chuyện Alif, Ba và Djim, tôi luôn chú ý đến cái
nhìn của các vị”. Hắn luôn chủ động đối phó để không dễ dàng bị phát hiện. Hắn ý thức được những điều mình nói ra và những cử chỉ, điệu bộ hắn thể hiện với mọi người. Leylek, Kelebek, Zeytin, ai là thủ phạm? Ngay cả khi xác chết của Zarif đáng thương được phát hiện và trong đám tang, kẻ sát nhân xuất hiện với vai trò một người anh em thân thiết, cũng đau đớn tiếc thương và oằn mình khóc lóc không kém bất kì ai. Kẻ sát nhân chơi trò ú tim với độc giả khi hắn công khai tiết lộ: “Tôi đã sử dụng giọng thứ hai…. Nhưng khi tôi nói với nghệ danh của mình, tôi sẽ không bao giờ nhận mình là kẻ sát nhân” [38, 141].
Những án mạng liên tiếp đã khiến triều đình phải vào cuộc. Siyah trở thành thám tử với sự giúp sức của sư phụ Osman. Theo đó, ba nhà tiểu họa Zeytin, Leylek và Kelebek phải vẽ một con ngựa trên nền giấy thô. Kẻ sát nhân tỉnh táo và xảo quyệt như trước giờ hắn vẫn thế, đã ung dung trước phép thử này của thám tử. Ba ngày trong quốc khố, sư phụ Osman và Siyah đã phân tích hàng ngàn bức tranh theo các trường phái khác nhau của nhiều bậc thầy cổ xưa, đối chiếu với bức tranh vật chứng và từng bức tranh của ba nhà tiểu họa. Bức tranh vật chứng với hình ảnh con ngựa bị rạch mũi là đầu mối. Khi đại quân Mông Cổ tung vó ngựa xâm chiếm khắp nơi, để ngựa đi được xa và lâu hơn, người ta rạch mũi ngựa để chúng dễ thở và khỏe mạnh hơn. Con ngựa bị rạch mũi dần trở thành khuôn mẫu ăn sâu vào đầu óc của các nhà tiểu họa. Khi người Mông Cổ rút lui và bắt đầu triều đại Tamerlane, một trong số các bậc thầy Herat đã vẽ lại con ngựa có cánh mũi bị rạch. Qua các thế hệ, các họa sĩ được truyền lại kinh nghiệm này mà dần quên đi gốc gác của biểu tượng. Chỉ có Zeytin là người gắn bó nhất với các bậc thầy xưa, hiểu cặn kẽ