Nghệ thuật miêu tả hành động của nhân vật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy (Trang 42 - 48)

5. Cấu trúc của luận văn

2.1.3Nghệ thuật miêu tả hành động của nhân vật

Trong tác phẩm tự sự, hành động của nhân vật là một yếu tố không thể thiếu để bộc lộ tính cách, để thúc đẩy sự diễn biến trong mối quan hệ ứng xử với các nhân vật khác và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. Hành động của nhân vật có thể được thể hiện qua ngôn ngữ của người kể chuyện, cũng có thể được biểu hiện qua ngôn ngữ của nhân vật khác trong tác phẩm. Sở dĩ ở tiểu thuyết, nhiều nhân vật còn thật hơn cả con người “thật”, bởi nhân vật ấy không chỉ xuất hiện trong ngoại hình mà còn ở hành động, suy nghĩ, tính cách. Một nhà viết tiểu thuyết giỏi là xây dựng được những nhân vật sống động với một chuỗi các hành động thống nhất, biểu hiện trên cơ sở một thế giới nội tâm phong phú. Thông qua hành động, người viết thể hiện được suy nghĩ, tâm trạng, tính cách của nhân vật, cũng từ đó làm nổi bật tư tưởng nghệ thuật mà tác phẩm muốn đề cập.

Có thể nói, đọc tiểu thuyết Khuất Quang Thụy, ta có thể khẳng định ông không chỉ thành công trong việc miêu tả ngoại hình nhân vật, mà nhà văn còn tỏ ra khéo léo khi miêu tả hành động của nhân vật. Những hành động của nhân vật từ chính đến phụ, nam đến nữ, từ già đến trẻ đều được miêu tả cụ thể, sống động, rất hợp quy luật tâm lý nhưng lại riêng biệt, cá thể, tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt. Nhân vật Hùng Phong trong Những bức tường lửa được Khuất Quang Thụy xây dựng như một điển hình cho những anh hùng thực sự nơi chiến trận, nhưng trong đời thường thì cũng đầy hỉ nộ ái ố rất đỗi tự

nhiên, đúng như lời Côn đã từng nhận xét về Hùng Phong với Lân: “Chúng ta sống với Hùng Phong, hiểu rất rõ con người thật của anh ta. Chúng ta biết rất kĩ cả những điểm tốt và cũng biết tường tận những điều xấu xa của anh ta, chúng ta biết anh ta có những hành động anh hùng nhưng chúng ta cũng biết anh cũng là một kẻ cơ hội, biết chiều đời, lựa gió mà tiến thân”. Có thể trong toàn bộ tác phẩm, Hùng Phong là nhân vật được nhà văn đặc biệt chú ý xây dựng như một nhân vật trung tâm của cả tác phẩm. Nhân vật Hùng Phong là nơi tập trung toàn bộ bút lực của Khuất Quang Thụy trong nghệ thuật xây dựng nhân vật từ việc miêu tả ngoại hình, miêu tả hành động của nhân vật, rồi miêu tả đời sống nội tâm của nhân vật đó. Có thể nói, các hành động của nhân vật Hùng Phong luôn luôn nhất quán, phù hợp với đời sống nội tâm phức tạp của anh. Khi mang tên Phạm Xuân Ban, tuy là “cậu ấm” con ông phó chủ tịch huyện, song Hùng Phong không hèn nhát, thờ ơ trước vận mệnh đất nước để mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Không chịu làm “thằng con quan huyện” như bạn bè chế nhạo, Xuân Ban hòa vào lớp thanh niên đang trào sôi khí thế, không thua bạn kém bè. Anh rất quyết tâm cho sự ra đi của mình, anh khôn khéo dùng chính “ông bố” để được ghi tên vào quân số trúng tuyển, tuy hơi “thủ đoạn” nhưng qua đây đã phản ánh nhiệt huyết cách mạng của anh cũng như lớp thanh niên trí thức tiểu tư sản hồi đó.

Ban nổi tiếng khi là Hùng Phong, tiêu biểu cho lý tưởng thanh niên cả nước của một thời chống Mỹ. Và đến khi trở thành Hùng Phong, một chỉ huy thông minh, gan dạ đã được tác giả khắc họa khá kỹ lưỡng, sống động với một chuỗi các hành động thống nhất, biểu hiện một thế giới nội tâm phức tạp và phong phú. Phải thừa nhận, Hùng Phong là một anh hùng, một người anh hùng của chiến trận thực sự. Ông trưởng thành từ một người chiến sĩ rồi lên tiểu đội trưởng, trung đội phó, trung đội trưởng, đại đội phó. Cứ thế, ông thăng tiến rất nhanh đến tận chức sư đoàn trưởng nhờ những chiến công mà ông và đơn vị lập được. Ở cương vị nào, ông cũng tỏ ra là người chỉ huy

thông minh, sáng suốt, được cấp trên hết sức tin tưởng, tín nhiệm, được đồng đội yêu mến, cảm phục. Nhiều trận đánh, ông tỏ ra hết sức quyết đoán và tin tưởng, bình tĩnh chỉ huy bộ đội chiến đấu và chiến thắng. Người đọc có thể dễ dàng tìm thấy hình ảnh Hùng Phong chỉ huy bộ đội của mình chiến đấu trong suốt tác phẩm: “Hùng Phong bật dậy hét lớn:

-Trung đội ba, theo tôi!

Các chiến sĩ bật dậy lao lên trong ánh chớp đạn.

[…] Hùng Phong tranh thủ khoảnh khắc ấy lao vụt lên - Khá lắm! Hạ nốt thằng bên phải kia.

- […] Anh trung đội trưởng này vẫn đang hùng hục thúc bộ đội tiến sâu vào trong căn cứ địch mà có thể không đề phòng bị địch bao vây cô lập”[27, tr 374 – 376].

Càng về sau chúng ta càng thấy Hùng Phong trưởng thành mạnh mẽ hơn trong từng trận đánh: “Hùng Phong dẫn lực lượng dự bị của đại đội lao thẳng vào trung tâm căn cứ để trợ chiến cho mũi xung kích đang đánh phá ầm ĩ ở bên trong”[27, tr. 426].

Chiến tranh là như vậy, Hùng Phong cũng đau đớn và ân hận khi không mang được xác của đồng đội ra khỏi khu vực phòng thủ của địch: “Trên trời, ba chiếc trực thăng thu hẹp vòng lượn, dọi đèn pha sáng quắc, đến nỗi nhìn rõ từng hòn sỏi trên triền đồi, nhìn thấy cả những xác người đang bốc khói. Nấp sau một ụ pháo cũ, Hùng Phong cũng nhận ra một trong những cái xác ấy là đại đội trưởng Đồng Tiến Phi. Anh biết không còn cách nào vào đó để lấy xác đại đội trưởng ra được nữa, đành nghiến răng, nuốt nước mắt bò trở lui ra cửa mở” [27, tr. 487]; hay là lúc Hùng Phong ôm xác đồng đội mà nấc lên từng chập vì sự ra đi vội vàng và quá bất ngờ: “Hùng Phong cảm thấy toàn thân nhũn ra, không còn hơi sức nữa. Anh quị xuống ôm lấy mặt, nấc lên từng chập” [27, tr. 505]. Hay chuyện Hùng Phong còn day dứt về việc đã đến muộn để chi viện cho trung đội của Hướng dù vào thời điểm và bối cảnh đó

rất khó để anh thực hiện việc đó: “Nhưng chúng tôi đã đến quá muộn…Nếu chúng tôi quyết đoán hơn, chi viện sớm hơn, cơ động nhanh hơn thì có lẽ trung đội trưởng Nguyễn Đình Hướng đã không phải hi sinh!”.[27, tr. 628] Nhân vật thật ở chỗ, tác giả không miêu tả Hùng Phong như một kẻ cơ hội thuần túy, ông ta thông minh, một tài năng tự đào tạo mà từ thực tiễn sinh động của trận mạc trở thành nhà lý luận quân sự xuất sắc, góp phần tổng kết cuộc chiến tranh. Các hành động của nhân vật diễn ra khá nhất quán, phù hợp với quy luật khách quan của cuộc sống và làm nổi bật chiều sâu suy nghĩ, tính cách của nhân vật. Trong một lần tấn công địch, Hùng Phong cùng một lúc chỉ huy trên cả ba điểm chốt. Một trong những điểm chốt đó là trung đội của Nguyễn Đình Hướng, bằng kinh nghiệm và sự dũng cảm của mình, với tài chỉ huy và đoán định tình hình của một vị chỉ huy, ông đã không đợi mệnh lệnh từ cấp trên, tự ý đi sâu vào trận địa của địch với mong muốn cứu viện cho trung đội của Hướng. Qua từng hành động dứt khoát, quả cảm, và mạnh mẽ người đọc được hiểu thêm về phẩm chất anh hùng của Hùng Phong: “Hùng Phong dẫn bộ đội bám theo rìa làng tiến về phía Bắc, […] Hùng Phong phải hết sức thận trọng, vừa cơ động vừa nghe pháo địch vừa phải canh chừng đám trực thăng và máy bay trinh sát […] Hùng Phong hét lên trong tiếng súng máy và rốc két nổ chát chúa” [27, tr. 786-787] và kết quả của trận đánh đó là đã đánh bật đợt tiến công cuối cùng của địch, mặc dù cũng không thể tránh khỏi những mất mát đau thương. Bên cạnh một Hùng Phong anh hùng trên trận mạc thì chúng ta cũng thấy Khuất Quang Thụy khắc họa một Hùng Phong có nhiều mưu mẹo, tính toán và xảo trá trong tình yêu, phá hoại hạnh phúc của người khác. Những “vết đen” của tính cách Hùng Phong có ít nhiều sự cơ hội, lợi dụng để hòng thỏa mãn những đam mê, toan tính riêng của mình. Hùng Phong tuy không hề yêu Đào mà vẫn ngủ với Đào, Hùng Phong bịa câu chuyện về tấm ảnh của Thanh anh đã lấy cắp của Lân, rồi lợi dụng tình cảm và ngủ với Thanh đến mức cô có thai nhưng khi lấy vợ thì Hùng Phong lại

chọn con gái một vị tướng dù cô này chẳng có gì là đẹp, thậm chí “xấu và gầy nhẳng” với mục đích để được thăng tiến trong con đường binh nghiệp. Chính người đã nâng đỡ, ưu ái cho Hùng Phong là chính ủy Lương Xuân Báo đã kết luận về con người này trong cuốn sổ tay “bìa xanh” của anh: “Mình giận quá, chồm ngay tới, dang tay tát một cái thật lực vào mặt hắn rồi gầm lên: “Mày là một thằng khốn nạn! Một thằng đểu, nghe chưa?” [27, tr. 78]. Bức xúc này của chính ủy Báo nhận được sự đồng tình của giáo sư Lân: “Đúng lắm. Hắn là một thằng đểu. Giáo sư Lân cũng cảm thấy hả hê khi đọc đến những dòng này” [27, tr. 178]. Vậy rồi, vào lúc cay nghiệt nhất của đời mình, Hùng Phong gọi công an gô cổ thằng con nghiện đi cai, bà vợ con ông tướng bỏ đi, ông lại đưa cho Lân cuốn nhật ký của chính ủy Lương Xuân Báo ghi khá nhiều chuyện xấu về mình. Đây cũng là nét đáng quý ở ông, có vẻ như ông dám sống, dám chịu trách nhiệm về mình, đã “làm xấu một cách trung thực.”

Nếu trong kịch, hành động kịch là quan trọng, cần thiết thì ở tiểu thuyết hành động của nhân vật là then chốt để câu chuyện phát triển dẫn đến những mâu thuẫn, tạo nên những kết cục bất ngờ, hấp dẫn, giàu ý nghĩa. Miêu tả hành động của nhân vật, Khuất Quang Thụy đã biến nhân vật của mình trở thành những con người thực sự đang sống, đang cảm xúc, suy nghĩ. Một điểm đặc biệt trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy là thế giới hành động của nhân vật không đơn giản, một chiều mà hết sức phức tạp, tinh vi, hành động của nhân vật này đan xen trong hành động của nhân vật khác. Dĩ nhiên, khi miêu tả hành động của nhân vật, tác giả luôn đặt trong mối quan hệ với hoàn cảnh và tính cách, tâm lý nhân vật. Từ hành động bật ra tính cách, bật ra những góc cạnh của cuộc sống mà chúng ta thường gặp thường thấy nhưng ít khi tổng kết, xem xét. Những người lính trinh sát mà tác giả rất thiện cảm cũng có người không được như số đông đồng đội. Nhà văn đã rất khách quan khi dựng lên nhân vật Vững trong đội hình lính trinh sát của tiểu đoàn Bảy. Sự hèn nhát và dũng cảm, yếu đuối và mạnh mẽ đôi khi chỉ cách nhau gang tấc, nếu như

không giữ vững được lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng thì người lính sẽ rất dễ dàng đánh mất mình. Vững-người cùng làng với Lân trong một lần đi “ị” đã dẫm phải một lon Côca Cola dưới lá đa khô nhưng tưởng là dẫm phải mìn, sợ đến mức: “mặt mũi cậu ta lúc này thật thảm hại, cắt không còn một giọt máu. Hai hàm răng va vào nhau lập cập…” [27, tr. 236], rồi thì Vững… ị cả ra quần. Sau đó thì Vững đã đớn hèn khi ăn cắp tiền của Lân và đảo ngũ. Điều trớ trêu là khi hòa bình lập lại, khi Lân trở thành Phó Tiến sĩ, về quê để trình báo với tổ tiên thì tình cờ Lân lại được biết anh chàng Vững ngày xưa giờ đã là chủ tịch huyện. Đến lúc này, khi gặp Vững thì Lân chỉ “nhếch mép cười, nói cảm ơn rồi bỏ đi. Anh không muốn biết thêm bất cứ điều gì về cái thằng đào ngũ này nữa”[27, tr. 419].

Nói về xây dựng hành động của nhân vật, ta không thể bỏ qua những trang viết về ông Dần trong Góc tăm tối cuối cùng. Những hành động của ông Dần có chút kì quặc khác người nhưng nó lại rất cần trong cuộc sống này. Ông coi nhà xác như là ngôi nhà thứ hai của mình, cũng tại cuộc sống của ông cô độc, ngoài túp lều nơi xóm Đỉa thì chỉ có bệnh viện là nơi ông gắn bó. Ở đó ông được làm những công việc mà theo ông đó là những công việc thiện, gánh vác bớt những đau khổ của nhân loại. Một ngày bắt đầu với ông Dần từ rất sớm, khi ông đưa những hài nhi về nơi an nghỉ cuối cùng trên bờ sông của huyện, với nhiều người đó là một hành động kỳ quặc, ghê sợ và không thể lý giải được. Nhưng với ông Dần đó hoàn toàn là hành động tự nguyện bắt nguồn từ một mục đích sống và những quan niệm sâu xa về công việc và cuộc sống, và ông đã làm công việc đó hàng chục năm nay rồi. Hay hành động trông coi nhà xác mà theo cách gọi của ông là nhà vĩnh biệt. Đối với nhiều người đây là nơi thực sự đáng sợ, sặc mùi tử khí thì với ông lại coi đó là một sự may mắn vì “ông được tới đây hàng ngày, ông chứng kiến sự ra đi của bao nhiêu con người, nên ông thấm thía đến từng chân tơ kẽ tóc cái sự phù du của

kiếp người. Và từ đó ông nảy nở một tình thương bao la đối với con người”[28, tr. 16]. Ngày nào ông cũng tới bệnh viện, sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người. Ông chắt nhặt từng điều lành, từng việc thiện như một kẻ hám tiền chắt nhặt từng đồng từng xu vậy. Không chỉ làm mỗi việc ở nhà xác mà ông Dần còn làm rất nhiều những việc không tên ở cái bệnh viện nơi huyện lị hẻo lánh này như dọn phòng mổ, phụ giúp các bác sỹ y tá hay hộ lý được nhiều việc như: gánh nước, đun nước, dọn vệ sinh các phòng bệnh... Việc ông ra đi ngay đoạn kết của tác phẩm, cũng không khỏi gây cho người đọc sự ám ảnh. Ai cũng nghĩ ông Dần xứng đáng được hưởng những ngày vui vầy tuổi già với bà Nụ, thế nhưng cuộc đời không đơn giản như những điều ta vẫn mong muốn, Khuất Quang Thụy đã để cho ông Dần ra đi như một sự cố ý tạo dựng một cái kết đầy ám ảnh cho tác phẩm, nhưng cũng nhờ hành động này mà nhân vật ông Dần được đi tới tận cùng cảm xúc, tính cách và phẩm giá của ông, trước sau vẫn vậy luôn từ bị, hỉ xả coi sự hạnh phúc yên ổn của những người xung quanh là hạnh phúc là lẽ sống của mình. Rõ ràng những gì có được ở ông Dần đã được Khuất Quang Thụy đẩy lên một bậc, tô đậm về một mẫu hình nhân vật điển hình, qua đó chất hiện thực của tác phẩm được phơi bày đầy đủ hơn, sâu sắc hơn.

Có thể nói, cùng với ngoại hình, hành động của nhân vật được tác giả khéo léo miêu tả trong mối quan hệ chặt chẽ với tính cách và hoàn cảnh. Qua đó ta thấy được sự vững vàng trong bút pháp, sự đa dạng trong việc miêu tả và am hiểu trong khắc họa tính cách nhân vật của Khuất Quang Thụy. Từ ngoại hình, hành động, người đọc hiểu kỹ, hiểu sâu hơn thế giới nội tâm của nhân vật, điều vô cùng quan trọng trong việc đánh giá nhân vật, tác phẩm.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy (Trang 42 - 48)