Giọng điệu trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy (Trang 88 - 89)

5. Cấu trúc của luận văn

3.3.Giọng điệu trần thuật

Giọng điệu là một trong những yếu tố thể hiện hình bóng của tác giả trong tác phẩm giúp người đọc nhận ra thái độ, tình cảm chủ quan, cách đánh giá của nhà văn đối với con người và những hiện tượng được miêu tả mà người đọc có thể cảm nhận qua sắc thái biểu cảm của giọng văn. Nền tảng của giọng điệu bao giờ cũng được bắt nguồn từ cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Giọng điệu cũng là một tiêu chí không thể thiếu để xác định tài năng và phong cách độc đáo của người nghệ sĩ. M.B Khrapchenko trong Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học cho rsằng giọng điệu là yếu tố cơ bản của phong cách nghệ thuật. Một nhà văn tài năng bao giờ cũng tạo ra được một giọng điệu độc đáo. Theo ông, đề tài, tư tưởng, hình tượng chỉ được thể hiện trong một môi trường giọng điệu nhất định đối với đối tượng sáng tác, đối với những mặt khác nhau của nó. Hiệu suất cảm xúc của lối kể chuyện, của hành động kịch, của lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu chủ yếu vốn là đối tượng của tác phẩm văn học với tư cách là một tổng thể thống nhất, hoàn chỉnh.

Trong đời sống hàng ngày, giọng điệu là cái làm nên lời nói. Còn trong văn học, giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng đạo đức của nhà văn đối với hiện thực được miêu tả thể hiện trong lời văn, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính, suồng sã, ngợi ca hay châm biếm. Việc tìm ra một giọng điệu nổi bật, tiêu biểu cho phong cách tác giả là việc làm cần thiết. Nó sẽ góp phần mở cánh cửa đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn và trở thành một trong những nét cá tính sáng tạo khác biệt trong tương quan với các nhà văn khác.

Xuất thân là người chiến sĩ cầm súng, gắn bó cả cuộc đời với quân đội và Cách mạng, nhà văn Khuất Quang Thụy mang trong mình cái chất lính rắn rỏi, giản dị và khiêm nhường. Chính cái chất đặc biệt ấy đã đi vào tiểu thuyết làm nên giọng điệu vừa riêng vừa chung của một nhà văn quân đội. Khác với tiểu thuyết viết về chiến tranh trong chiến tranh, thường mang giọng điệu ngợi ca trang trọng; tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy như một nốt trầm trong bản nhạc chung của nền văn học sau năm 1975. Viết về chiến tranh, nhà văn nói được hiện thực chiến tranh và những vấn đề liên quan đến số phận con người. Viết về người lính, nhà văn luôn thể hiện một giọng điệu ôn hòa, thân thiết và trìu mến. giọng điệu có khi vui, khi buồn, khi hóm hỉnh và cả những khắc khoải, thâm trầm, giằng xé. Nhà văn từng bước hóa thân vào nhân vật, sống cùng nhân vật để khám phá và tìm hiểu cái nội tâm ẩn kín trong mỗi nhân vật. Cùng với giọng trữ tình đó là giọng khách quan, lạnh lùng nhưng vương vấn những khắc khoải, đau đớn, buồn bã khi đồng đội hi sinh, trước những cái chết và hiện thực chiến tranh khốc liệt. Chiến trường buộc người lính phải biết quên và biết lạnh lùng. Vừa mới đau đớn, xót xa nhưng ngay sau đó họ lại có những phút giây bên đồng đội. Khi ấy, giọng văn hóm hỉnh, nhẹ nhàng như chính đời lính chiến trên mặt trận.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy (Trang 88 - 89)