Điểm nhìn trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy (Trang 75 - 79)

5. Cấu trúc của luận văn

3.1.Điểm nhìn trần thuật

Như chúng ta đều biết: Nghệ sĩ không thể miêu tả, trần thuật các sự kiện về đời sống được nếu không xác định cho mình một điểm nhìn đối với sự vật, hiện tượng, nhìn từ góc độ xa hay gần, cao hay thấp, nhìn từ bên trong ra hay từ bên ngoài vào…Do vậy điểm nhìn trần thuật là một trong những yếu tố hàng đầu của tác phẩm nghệ thuật. Với một tác phẩm văn học nào cũng vậy, không thể có nghệ thuật nếu không có điểm nhìn, bởi nó thể hiện sự chú ý quan tâm và đặc điểm của chủ thể trong việc tạo ra cái nhìn nghệ thuật. Giá trị của sáng tạo nghệ thuật một phần không nhỏ là đem lại cho người thưởng thức một cái nhìn mới đối với cuộc sống. Sự thay đổi của nghệ thuật bắt đầu từ thay đổi điểm nhìn. Lựa chọn cho tác phẩm của mình những điểm nhìn thích hợp là tác giả đã cung cấp một phương diện nghệ thuật để người đọc có thể nhìn sâu vào cấu trúc nghệ thuật và nhận ra đặc điểm phong cách ở trong đó.

Vấn đề điểm nhìn trần thuật trong văn bản, theo Iu.Lôtman “bao giờ cũng là quan hệ giữa sáng tạo và cái được sáng tạo”. Về điểm nhìn nghệ thuật trong tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy vì ông viết về mình và đồng đội nên người kể chuyện biết hết mọi điều, mọi người và dẫn dắt nhân vật, chèo lái câu chuyện theo ý mình, tùy nhiên nhà văn sử dụng những lát cắt thời gian trong đời một con người nên nhân vật hoàn toàn vận động một cách khách quan và theo logic tính cách. Số lượng điểm nhìn trong ba tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy là tương đối phong phú với tính chất khá đa dạng. Ở tiểu thuyết Những bức tường lửa, chúng ta thấy có điểm nhìn nhân vật Giáo sư kiêm nhà văn Trương Đình Lân, Hùng Phong, Lương Xuân Báo và điểm nhìn

từ người kể chuyện. Trên thực tế thì tiểu thuyết sử thi giai đoạn 1945-1975 về cơ bản là những tiểu thuyết đơn thanh, người trần thuật giữ vai trò quyền năng tuyệt đối, câu chuyện diễn ra theo quan điểm của người trần thuật. Như vậy kết cấu theo hướng phân tuyến đối cực địch-ta, cùng với đó là điểm nhìn cơ bản từ hai phía này của tiểu thuyết sử thi 1954-1975 đã bị phá vỡ, thay vào đó là hệ thống điểm nhìn được đặt rộng và biến hóa linh hoạt hơn, hiệu quả hơn. Việc đa dạng hóa hệ thống điểm nhìn với sự biến đổi linh hoạt dựa trên trục thời gian quá khứ và hiện tại trong Những bức tường lửa đánh dấu sự đổi mới hiệu quả vấn đề điểm nhìn đối với nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết sử thi sau 1975. Điểm nhìn từ giáo sư Lân xuất hiện với tần suất nhiều nhất và đa chiều, như một trục trung tâm, nói như Nguyễn Thanh Tú thì đó là: “người trong cuộc nên cái nhìn rất thật, tươi nguyên; như được “bảo hiểm” của nghề nghiệp, địa vị “giáo sư” nên cái nhìn như được “kiểm chứng” khắt khe, chính xác nên đáng tin cậy, là nhà văn nên cái nhìn dường như bay bổng, thi vị và nhân văn hơn” [35, tr. 98-99].

Trong tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy ta thấy có sự dịch chuyển điểm nhìn, tuy nhiên sự dịch chuyển này diễn ra chậm và thường “cách quãng”. Điểm nhìn cố định, tác giả “dừng” ở đó lâu nhất chính là chiến trận. Tuy nhiên ngay ở điểm nhìn này, cũng có sự dịch chuyển điểm nhìn trong “nội bộ” của nó kéo theo sự dịch chuyển về cả về không gian và thời gian. Trong Những bức tường lửa, phần mở đầu mang tính dẫn chuyện, điểm nhìn tập trung ở nhà của giáo sư Trương Đình Lân. Lúc đầu là bối cảnh vợ chồng giáo sư Lân biết tin Hùng Phong từ trần khi xem tivi, rồi cuộc hồi tưởng của giáo sư Lân về chuyến viếng thăm của Hùng Phong lần cuối cùng tới nhà mình, sau đó là “nhóm cựu chiến binh” tới tụ tập tại nhà ông trước ngày diễn ra lễ tang Hùng Phong. Ở phần thứ nhất Trong hào quang thời cuộc, điểm nhìn có sự dịch chuyển đáng kể, bắt đầu là nơi sơ tán ở huyện Phúc Lộc, nơi các bạn học sinh lớp 10B đang học, sau đó đến làng Vân Hương (quê Lân và

Hùng Phong), rồi lại quay ngoắt ra thao trường của đại đội Chín. Điểm nhìn được quay trở lại với nơi sơ tán ở huyện Phúc Lộc rồi ra địa bàn đóng quân của sư đoàn khi đang vào Nam. Tiếp theo đó, điểm nhìn quay lại với lớp 10B rồi lại chuyển đến vị trí cơ bản sư đoàn vừa cơ động đến là Lương Sơn (Hòa Bình). Tiếp theo điểm nhìn lại chuyển đến ngôi nhà của Lân rồi đến lớp “quân sự đặc biệt” huấn luyện trinh sát. Kết thúc phần thứ nhất, điểm nhìn trở lại ngôi nhà giáo sư Lân, nơi ông tiếp Hùng Phong trong chuyến thăm cuối cùng của nhân vật này. Sở dĩ có sự thay đổi điểm nhìn đó là người trần thuật đã xen kẽ những chuyện hiện tại và quá khứ có liên quan đến nhau, cùng một sự việc, sự kiện của một hay một nhóm nhân vật. Đó là chuyện của Phạm Xuân Ban (tức Hùng Phong), của Ban và Đào, Ban và Côn, Côn và Đào, chuyện của nhóm bạn Ban, Lân, Côn, Hướng khi còn học ở lớp 10B và khi họ đã nhập ngũ đang huấn luyện ở đơn vị trước khi đi B. Cùng với sự dịch chuyển điểm nhìn về không gian là sự dịch chuyển điểm nhìn về thời gian. Điểm nhìn dừng ở hiện tại rồi quay về quá khứ, rồi lại về hiện tại. Đó là thời khắc đám học sinh lớp 10B nơi sơ tán, đó là những ngày huấn luyện của đám bạn Côn, Hướng, Lân, Ban; ngày trở về thăm lớp 10B của Hướng, ngày Đào lên thăm Xuân Ban, ngày tiểu đội trưởng Phạm Xuân Khoái bị bắt... Sự chuyển dịch linh hoạt giữa điểm nhìn thời gian cuộc đời đã tạo nên sự xen kẽ các câu chuyện một cách tự nhiên. Ngoài ra điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong cũng xuất hiện ở trong phần thứ nhất của tiểu thuyết.

Sự chuyển dịch điểm nhìn mang tính chất tổng thể đã diễn ra bởi toàn bộ phần hai, phần ba đồng thời là những phần chính của tiểu thuyết. Từ điểm nhìn bên ngoài chính là tác giả tiểu thuyết, giờ đây đã có sự xuất hiện của điểm nhìn bên trong, đó là diễn biến tâm lý Hùng Phong và nhiều nhân vật khác như Côn, Lân, Hướng.... Sự di chuyển điểm nhìn không gian thời gian và bên ngoài vào bên trong và ngược lại đã khiến cho hiện thực về những năm

tháng chiến tranh ở cả tiền tuyến cũng như hậu phương, trong cả tâm hồn con người được soi sáng từ nhiều góc cạnh, đa chiều hơn. Ở hai phần này, điểm nhìn tập trung ở chiến trường Đường Chín-Bắc Quảng Trị, nơi có cái gọi là “Hàng rào điện tử Mắc Namara”. Đây mới thực sự là “tường lửa” mà các nhân vật và toàn bộ tiểu thuyết phải “vượt qua”. Đây là một điểm nhìn lắng đọng, có ý nghĩa khái quát và biểu hiện to lớn. Đây là điểm nhấn trong hệ thống điểm nhìn đa dạng, biến chuyển linh hoạt trong tiểu thuyết. Cùng là tiểu thuyết sử thi nhưng điểm nhìn trong Dấu chân người lính của Nguyễn Mĩnh Châu lại khá “đơn điệu”, chỉ tập trung ở chiến trường đường Chín với thời gian tuyến tính. Việc “phân tán”, “luân chuyển” hệ thống điểm nhìn trong

Những bức tường lửa là một thành công, đem lại sự lôi cuốn của tác phẩm, làm “mềm hóa” nội dung và hình thức của các tiểu thuyết sử thi vốn rất dễ được coi là khô khan, kém sức thu hút người đọc.

Khác với hệ thống điểm nhìn của Những bức tường lửa, trong Không phải trò đùa điểm nhìn lại phù hợp với lối kết cấu song tuyến nhân vật của tác phẩm. Ở mỗi chương, điểm nhìn lại thay đổi về cả không gian và thời gian. Đó là bối cảnh miền Bắc sau năm 1997, cái địa phương mà người lính tên Tình trở về, là Hà Nội nơi Tuấn bắt đầu ra đi vào miền Tây Nam chiến đấu. Đó là chiến trường Tây Ninh nơi Tuấn và đồng đội đang chiến đấu với bọn “Pôn Pốt”, là đơn vị cũ Tình trở về xác nhận trường hợp hy sinh của Thái. Trong Góc tăm tối cuối cùng, chỉ có ba điểm nhìn cơ bản xét về mặt không gian: điểm nhìn ở xóm Đỉa nơi sinh sống của ông Dần, nơi có cái bãi bên bờ sông mà hàng ngày ông đi chôn các “sinh linh bé bỏng”; điểm nhìn thứ hai là khoa sản bệnh viện và nhà xác, điểm nhìn ở chiến trường nơi ông Dần và bà Nụ chiến đấu và gặp “bi kịch” năm xưa. Sự đa dạng trong điểm nhìn nghệ thuật khiến cho nhân vật được khám phá từ nhiều hướng khác nhau.

Như vậy, qua phân tích khái quát về nội dung tác phẩm, qua những nhận định trên chúng ta thấy điểm nhìn trần thuật của Khuất Quang Thụy qua qua các tác phẩm về cơ bản là hợp lý và khéo léo. Cách chọn điểm nhìn nói trên góp phần không nhỏ vào sự thành công của tác phẩm. Nó càng chứng tỏ Khuất Quang Thụy là cây bút bản lĩnh, sắc sảo và rất mực tài năng.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Khuất Quang Thụy (Trang 75 - 79)