Thuật ngữ thái độ có nhiều định nghĩa khác nhau. Theo Shaver (1977) thì thái độ là “tâm thế ủng hộ hay phản đối với một nhóm đối tượng nhất định”. Theo Tourangeau và Rasinksi (1988) cho rằng thái độ là “những mạng lưới của các niềm tin kết đan chéo nhau vốn được lưu giữ lâu dài trong trí nhớ của chúng ta và được kích hoạt khi chúng ta gặp đối tượng của thái độ hoặc vấn đề liên quan”.
Theo từ điển Tiếng Việt: "Thái độ biểu hiện cách nghĩ, cách nhìn, cách hành động theo một vấn đề, một tình huống” [32]
Còn theo từ điển Xã hội học: Thái độ của một cá nhân đối với một đối tượng là một trong những nhân tố chính gắn cá nhân và quyết định ứng xử của cá nhân với đối tượng [44]
Nói tóm lại, thái độ luôn bao hàm những yếu tố:
- Được qui nạp, kết tinh và khái quát hóa từ kinh nghiệm sống.
- Mang tính tổng hợp. Một thái độ có thể tổng hợp từ nhiều hành vi khác nhau.
- Có sẵn trong tâm trí chúng ta, giúp tiết kiệm thời gian tư duy và phản ứng nhờ việc đưa ra những mô hình đã chương trình hóa.
- Được coi là nguyên nhân của hành vi
- Nó có hai cực. Tuy nhiên, một cá nhân có thể có tâm trạng nước đôi. Một trạng thái trong đó cá nhân tồn tại cả hai thái độ “ủng hộ” và “phản đối”.
Nhiều khi khái niệm thái độ và ý kiến được sử dụng như thuật ngữ đồng nghĩa. Giữa thái độ và ý kiến có quan hệ như sau:
- Ý kiến là biểu hiện của những thái độ cơ bản. Vì vậy, ý kiến phải phù hợp với thái độ.
- Ý kiến đề cập tới một vấn đề đơn lẻ, trong khi đó thái độ mang tính khái quát hơn. [34]
Thái độ về QHTD THN chính là những đánh giá đồng tình hay phản đối về hiện tượng này. Thái độ được hình thành trên cơ sở các ý kiến về QHTD THN trong hoàn cảnh cụ thể.