CHƯƠNG 2 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
2.1.2. Khái quát về địa bàn nghiên cứu
Khu Công Nghiệp Thăng Long, nằm khoảng giữa tuyến đường từ Hà Nội đến sân bay quốc tế Nội Bài. KCN Thăng Long được đầu tư bởi một liên doanh giữa Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty cơ khí Đông Anh thuộc Bộ Xây dựng, trong đó đối tác Nhật Bản đóng góp 58% vốn, 42% còn lại là của đối tác Việt Nam. Được thành lập theo Giấy phép đầu tư số 1845/GP do Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam cấp ngày 22/2/1997. Mục tiêu liên doanh là xây dựng một khu công nghiệp hiện đại tại phía Bắc thủ đô với tổng diện tích 300 ha, chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ 1997 đến 2000) gồm 128 ha; giai đoạn 2 (2004-2005) 75 ha; giai đoạn 3 (2005-2006) 83 ha. Cho đến nay, KCN Thăng Long đã được xây dựng xong toàn bộ cơ sở hạ tầng, thu hút gần 60 nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn là Nhật Bản, sản xuất các linh kiện điện tử, lắp ráp điện tử, sản xuất linh kiện ô tô và xe máy với dây chuyền hiện đại, công nghệ cao.
KCN Thăng Long, Nội Bài trong thời gian qua đã thu hút một lượng lớn nguồn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó đã thúc đẩy sự tăng trưởng công nghiệp của Thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Không chỉ đứng đầu về thu hút được tổng vốn FDI là 1,2 tỷ USD, chiếm 2,5% vốn FDI của cả nước và 5,38% vốn FDI của Hà Nội., KCN Thăng Long còn nổi tiếng là KCN xanh, sạch, đẹp, với 100% các nhà đầu tư đều áp dụng công nghệ sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Và một điều quan trọng nữa là KCN đã thu hút được khoảng 40-45 ngàn lao động.
Hầu hết các nhà đầu tư có mặt tại KCN Thăng Long đều là những tập đoàn của Nhật Bản. Có vẻ tiêu chuẩn quá khắt khe của KCN Thăng Long khiến các doanh nghiệp trong nước không dễ tiếp cận. Đó là, ngay từ khi thành lập, KCN Thăng Long đã xác định chỉ lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao. Chính điều đó khiến các doanh nghiệp đang ở trình độ công nghệ thấp khó vào. Tiêu chuẩn của KCN Thăng Long là tiêu chuẩn quốc tế, trong khi đó các doanh nghiệp Nhật Bản rất kỹ tính trong việc lựa chọn những điều kiện môi trường, địa điểm, công nghiệp phụ trợ; giá cả, chi phí đầu tư, chi phí hoạt động có hợp lý không... Đó là lý
do các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn KCN Thăng Long. Thực trạng đóng góp của các doanh nghiệp trong KCN Thăng Long đến phát triển kinh tế Việt Nam; Kim ngạch luỹ kế đầu tư vào KCN là 1,38 tỷ USD; Kim ngạch xuất khẩu là 920 triệu USD (năm 2006), 1,58 tỷ USD (năm 2007) chiếm 3,3% của cả nước; thuê trực tiếp người lao động là 39.000 người (trong đó có 370 người Nhật Bản) [45, tr. 29a].