PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM HỐI LỘ
Tình hình tội phạm hối lộ vẫn còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Để phòng ngừa có hiệu quả loại tội phạm này đòi hỏi chúng ta tiến hành một cách mạnh mẽ, kiên quyết với nhiều biện pháp đấu tranh có hiệu quả hơn. Đó là các biện pháp phòng ngừa chung và các biện pháp phòng ngừa riêng.
Pháp luật và pháp chế có vai trò quan trọng trong lĩnh vực phòng ngừa tội phạm. Trật tự xã hội, kỷ cương đất nước được đảm bảo đến mức nào một phần phụ thuộc vào các biện pháp pháp luật, thể hiện ở toàn bộ quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật. Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh hợp lý sẽ tạo ra trật tự phù hợp với yêu cầu của đời sống thực tế, sẽ có tác dụng ngăn ngừa các hành vi hối lộ. Đấu tranh phòng và chống tội phạm hối lộ phải gắn với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thật sự tạo ra được một hành lang pháp lý an toàn, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Luật ban ra phải có tính khả thi trên thực tế và kịp thời, không được mâu thuẫn chồng chéo nhau và phải được thi hành một cách triệt để. Trong đường lối xử lý cần sử dụng tổng hợp các biện pháp như hành chính, kinh tế, kỷ luật, hình sự. Chống lạm dụng xử lý hành chính, nội bộ, thay hình phạt bằng phạt. Những vụ án lớn, quan trọng cần xử lý nghiêm nhưng đối với những vi phạm nhỏ cũng không được bỏ qua. Các giải pháp đấu tranh, những đối sách cụ thể phải bảo đảm có cơ sở khoa học và thực tiễn từ đó xác định được nhiệm vụ, bước đi phù hợp; xác định chính xác đối tượng cần đấu tranh, tránh tình trạng lấy các chỉ thị, nghị quyết không có cơ sở khoa học và pháp lý để đấu tranh chống tội phạm hối lộ.
Hiện nay, chúng ta đã có một số văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm hối lộ như Bộ luật hình sự năm 1999, pháp lệnh chống tham nhũng, pháp lệnh cán bộ công chức... Nhưng qua một thời gian thực hiện và thực tế đấu tranh cho thấy còn nhiều bất hợp lý, hạn chế như đã được phân tích ở phần nguyên nhân. Nên để phòng ngừa tội phạm hối lộ , chúng ta cần tạo ra khung pháp lý hoàn thiện, đầy đủ hơn để tạo khả năng cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhân dân cùng phòng ngừa.
Đấu tranh chống tham nhũng không phải là của riêng mỗi quốc gia. Để phòng ngừa tội phạm tham nhũng, hối lộ, đòi hỏi sự liên minh, liên kết giữa các quốc gia trên thế giới. Đáp ứng nhu cầu phòng ngừa tội phạm của cộng đồng quốc tế, Chúng ta đã ký công ước của Liên hợp quốc về chống tham
nhũng. Một số vấn đề trong công ước chưa được đề cập trong pháp luật quốc gia. Đặc biệt là Bộ luật hình sự. Nên chúng ta cần nghiên cứu bổ sung một số tội danh mới như hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài hoặc quan chức của các tổ chức quốc tế. Đây cũng là yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá khi tham nhũng không còn dừng lại trong biên giới quốc gia của mỗi nước mà là tội phạm xuyên quốc gia và có sự liên kết với các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nguy hiểm khác; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những điều luật cụ thể trong nhóm tội phạm hối lộ có trong Bộ luật hình sự 1999 như: Chuyển tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ sang mục A - Các tội phạm về tham nhũng, vì mặc dù chủ thể thực hiện tội phạm có thể là người không có chức vụ quyền hạn nhưng hành vi đưa hối lộ có quan hệ mật thiết với hành vi nhận hối lộ và chúng đều xâm hại vào hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; do vật chất và tinh thần là hai giá trị có thể đáp ứng nhu cầu của con người, và qua đó có thể làm ảnh hưởng đến các quyết định đúng đắn của người có chức vụ, quyền hạn nên Bộ luật hình sự cần quy định giá trị tinh thần cũng là vật hối lộ, kể cả đối với trường hợp đưa và nhận hối lộ; đối với tội nhận hối lộ cần thể hiện chặt chẽ hơn và giảm bớt nghĩa vụ chứng minh cho các cơ quan chức năng. Trong nhóm tội hối lộ, cần xử phạt nặng hành vi nhận hối lộ vì do chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn nhưng tội đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ cũng cần xử phạt nghiêm khắc. Trong cấu thành tội phạm mà Bộ luật hình sự năm 1999 quy định đối với tội đưa hối lộ và làm môi giới hối lộ là hành vi đưa hối lộ; làm môi giới hối lộ mà của hối lộ có giá trị dưới năm trăm ngàn đồng nhưng ... hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị ... Tức là nếu chủ thể ở đây thực hiện hành vi đưa hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ hai lần trở lên mà của hối lộ mỗi lần (có thể là mười ngàn, năm ngàn ... năm trăm ngàn đồng) dưới năm trăm ngàn
đồng thì đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác điểm d khoản 2 của điều 289 (tội đưa hối lộ) và điều 290 (tội làm môi giới hối lộ) có quy định tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần". Như vậy chỉ cần chủ thể trong hai trường hợp này thực hiện 04 lần mỗi lần (có thể là10.000đ; 20.000đ ...) dưới
500.000đ. Tổng số tài sản hối lộ có thể chưa đến 500.000đ thì đã bị định khung tăng nặng ở khoản 2 của điều luật. Trong khi đó hành vi nhận hối lộ của chủ thể có chức vụ, quyền hạn thực hiện "rất, rất nhiều" lần nhưng mỗi lần đều dưới (có thể là 459.000đ) năm trăm ngàn và chưa lần nào bị xử lý kỷ luật về một số hành vi đã nhận hối lộ đó thì lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Về tổng thể giá trị của hối lộ trong trường hợp nhận hối lộ lớn hơn rất nhiều lần hành vi đưa hối lộ (hoặc làm môi giới hối lộ) mà lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một điều nghịch lý và bất công bằng, không tạo điều kiện để người đưa, làm môi giới hối lộ tố giác hành vi nhận hối lộ của quan chức. Theo chúng tôi nên chăng quy định đối với tội phạm đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ cũng là hành vi đưa ... dưới năm trăm ngàn đồng nhưng ... hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi đưa hối lộ (hoặc môi giới hối lộ).
Chúng ta cần rà soát phát hiện những sơ hở thiếu sót của những đạo luật có liên quan đến phòng ngừa tội phạm hối lộ như luật ngân hàng, thuế, đất đai, đầu tư, xuất nhập khẩu... nhằm bịt kín những sơ hở thiếu sót, không để người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng để thực hiện nhiều hành vi hối lộ trong một thời gian dài (ví dụ: Vụ 40 cá nhân nhận hối lộ từ hợp đồng 17 triệu USD tại Tổng công ty dầu khí; vụ nhận hối lộ ở Hải quan tỉnh Lạng Sơn; vụ nhận hối lộ ở công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex; vụ nhận hối lộ ở thanh tra tỉnh Nam Định). Đặc biệt cần ban hành ngay đạo luật phòng, chống tham nhũng thay thế cho pháp lệnh chống tham nhũng vì có rất nhiều những điểm những vấn đề mâu thuẫn với Bộ luật hình sự; và trên thực tế tội phạm hối lộ lan tràn và ngày càng có nhiều vụ hối lộ rất lớn, trở thành đường dây, thành lực lượng chống lại những lực lượng chống tham nhũng bằng mọi cách, mọi thủ đoạn. Những người chống tham nhũng tích cực không được bảo vệ bằng luật pháp luật cho nên không phát động được mọi người chống hối lộ. Do vậy, cần có luật chống tham nhũng quy định rõ các tội danh và hình phạt đối với tội phạm hối lộ ...; có các điều khoản bảo vệ người tích cực chống hối lộ và nghiêm khắc trừng trị đối với những kẻ lợi dụng vu cáo. Trong luật phòng, chống
tham nhũng cần quy định thành lập cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng đi vào tổ chức trong thực tế.
Với điều kiện của nền kinh tế thị trường hiện nay, các quan hệ sản xuất kinh doanh diễn ra hết sức sôi động và đa dạng đòi hỏi cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế. Tạo điều kiện và môi trường cạnh tranh lành mạnh, an toàn cho các hoạt động kinh tế để mọi tổ chức, kinh tế, mọi người dân an tâm bỏ vốn làm ăn, xây dựng được một kỷ cương cho tất cả các hoạt động muôn màu muôn vẻ trong sản xuất kinh doanh, thiết lập một trật tự quản lý, chống mọi sự hỗn độn, trốn thuế, lừa đảo, chiếm dụng vốn, chiếm đoạt tài sản của nhau. Tội phạm hối lộ phát sinh và ẩn náu nhiều trong quan hệ hoạt động liên doanh, liên kết giữa các tổ chức kinh tế. Vì vậy cũng cần rà soát để bổ sung hoàn thiện các chế định pháp lý về tài chính tiền tệ, chế định xây dựng và bảo toàn vốn, thuế... bảo đảm vai trò, quản lý của Nhà nước về kinh tế đối với các xí nghiệp quốc doanh. Tiếp tục hoàn thiện luật kế toán thống kê, thanh tra, kiểm tra tài chính.
Ngoài ra, để phòng ngừa có hiệu quả tội phạm hối lộ cần ban hành các văn bản pháp luật sau đây:
Thứ nhất, Luật nhận quà biếu, trong đó quy định liên quan đến cán bộ,
công chức nhận quà biếu; nguồn nhận quà biếu trong nước, nước ngoài; giá trị của quà biếu; trách nhiệm khai báo với cơ quan có thẩm quyền; trách nhiệm nộp quà biếu sung quỹ nhà nước; xử lý với những trường hợp nhận quà biếu mà không khai báo.
Thứ hai, Luật kê khai tài sản, kê khai thu nhập của cán bộ, công chức,
trong đó quy định những tài sản phải kê khai, những nguồn thu nhập phải kê khai; trách nhiệm và trình tự kê khai; xử lý những trường hợp không kê khai hoặc kê khai không đúng, đủ.
Thứ ba, cần ban hành sớm Bộ luật hành chính quy định rõ và đầy đủ
trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan cấp trên, cấp dưới, quy định các chế tài hành chính tạo điều kiện cho việc xử lý nghiêm minh các vi phạm hành chính
bởi lẽ trong nhiều trường hợp, vi phạm hành chính là điểm khởi đầu của tội phạm hối lộ là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ tư, Luật công chức. Nhà nước cần quy định rõ ràng trách nhiệm giữa
tập thể và cá nhân người phụ trách, chức danh viên chức nhà nước trên cơ sở đó quy định những chế tài hành chính, kinh tế để buộc những người đứng đầu ngành, đầu cấp, đơn vị phải gắn trách nhiệm của mình với hiệu quả điều hành hoạt động trong phạm vi quyền hạn của mình và trách nhiệm đấu tranh phòng chống hối lộ trong ngành, địa phương, đơn vị mình.
Ngoài ra, Quốc hội nên tổ chức rà soát lại toàn bộ những văn bản pháp luật đã được ban hành, phát hiện và kịp thời bổ sung, sửa đổi để bịt những sơ sở mà cán bộ, công chức có thể lợi dụng tham nhũng, gây thiệt hại cho lợi ích nhà nước, xã hội và công dân. Ví dụ, bổ sung tính công khai, minh bạch trong chính sách xã hội, trong phân bổ ngân sách, trong mua sắm công, trong đấu thầu, đầu tư, xây dựng cơ bản v.v. .
Tựu trung lại, chúng ta phải xây dựng được một nhà nước pháp quyền dân chủ thực sự trong đó mọi cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân biết tự giác chấp hành pháp luật, tạo cơ sở vững chắc để đấu tranh phòng và chống tội phạm hối lộ.
3.2.2 Cải cách hành chính bộ máy nhà nƣớc.
Đúng như ông Klaus Rohland - Giám đốc ngân hàng thế giới đã nói: Để
hạn chế tham nhũng, hối lộ thì trừng phạt những kẻ tham nhũng là chưa đủ và không phải là trọng tâm của chiến lược chống tham nhũng vì tham nhũng là cả một đường dây gồm những kẻ đưa và nhận hối lộ và họ sẽ bảo vệ quyền lợi của nhau nên trừng phạt mạnh cũng không thể giúp giảm bớt tham nhũng. Mà, chìa khoá để chống tham nhũng, hối lộ là phải cải cách hành chính. Nền hành chính công khai sẽ hạn chế các quan chức chính phủ lạm dụng quyền lực. Nói một cách khác, một hệ thống hành chính công khai và minh bạch sẽ giúp người dân quyền giám sát và làm hạn chế các công chức làm theo ý mình để tư lợi. [20]
Công tác phòng ngừa tội phạm hối lộ phải gắn liền với việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý mới; gắn liền với cuộc cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Những biện pháp đúng đắn của Đảng và nhà nước nhằm xoá bỏ hẳn cơ chế quản lý hành chính, tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế quản lý thị trường không chỉ có tác dụng thúc đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội mà còn là một biện pháp lớn đánh vào nguồn gốc sâu xa của tội phạm hối lộ. Bởi lẽ, chính cơ chế cũ là miếng đất dung dưỡng bệnh tập trung quan liêu bao cấp đồng thời là nguồn gốc trực tiếp của các hành vi hối lộ. Trong khi xoá bỏ cơ chế quản lý cũ thì phải đi liền với việc xác định cơ chế quản lý mới. Chuyển sang cơ chế mới khó tránh khỏi những yếu tố của cơ chế cũ đã lạc hậu vẫn còn tồn tại đan xen với những yếu tố mới chưa được hoàn thiện. Chúng ta không thể vì quá say mê với cái mới, chủ quan nóng vội mà xem nhẹ những nguyên tắc, pháp luật và những công cụ quản lý khác nhằm hướng nền kinh tế đi vào đúng quỹ đạo, đúng pháp luật. Nhà nước cần khắc phục tình trạng buôn lỏng quản lý trên nhiều lĩnh vực; tình trạng những người lãnh đạo, chỉ đạo điều hành hoạt động của mình thiếu trách nhiệm hoặc tuỳ tiện, khắc phục thói quen coi thường kỷ cương pháp luật như hiện nay.
Nhà nước cần phải sử dụng triệt để các công cụ quản lý như các chính sách, pháp luật, bảo đảm sự kiểm tra, kiểm soát thật nghiêm ngặt ngay trong quá trình thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, sửa đổi, bổ sung và ban hành các chính sách, chế độ, cơ chế quản lý phù hợp với thực tế nhằm tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước, khắc phục các cơ sở làm thất thoát tài sản của nhà nước, tiến tới xoá bỏ hẳn tình trạng nửa vời, nửa cơ chế cũ, nửa cơ chế mới, bao cấp ở đầu vào còn đầu ra thì hạch toán kinh doanh [50, tr.88]. Tăng cường vai trò quản lý nền kinh tế của nhà nước theo hướng ngày càng đồng bộ, thích ứng và có hiệu lực trong cơ chế thị trường nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi có trật tự, tạo lập sự cân đối tổng thể, hướng dẫn và kiểm soát, điều tiết hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi thành phần kinh tế.
Xây dựng và hoàn thiện bộ máy hành chính trong sạch, tinh giản có sự phân công, phân nhiệm giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các ngành nghề phải
rõ ràng mạch lạc. Xác định đầy đủ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp chính quyền ở trung ương và địa phương; của người đứng đầu các cấp, các ngành để mọi cấp, ngành cũng như người đứng đầu đủ khả năng, sức lực, trí lực giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật những nhiệm vụ mà cuộc sống đặt ra và nhân dân đòi hỏi. Mở rộng dân chủ ở cơ sở, loại bỏ tư tưởng quen thân thì việc gì cũng giải quyết được, còn khi đã quen thân thì việc gì cũng có thể trông trước. Đặc biệt, chúng ta cần phân biệt