Như Hồ Chủ Tịch đã dạy: " Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", chúng
ta phải giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng và trình độ trí tuệ của cán bộ, công chức. Mọi cán bộ, công chức phải gương mẫu, gìn giữ đạo đức cách mạng, khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Phòng ngừa tội phạm hối lộ gắn liền và dựa trên cơ sở đấu tranh xoá bỏ tệ quan liêu, cửa quyền của cán bộ, công chức Nhà nước. Trong mối quan hệ giữa cán bộ, công chức với nhân dân cũng như mối quan hệ giữa cán bộ, công chức ngành này với cán bộ, công chức ngành khác đã nảy sinh, phát triển tâm lý chạy theo, làm theo đồng tiền. Mặc dù ai cũng căm ghét tệ cửa quyền, nhũng nhiễu đòi hối lộ nhưng phải chấp nhận việc "lót tay, bồi dưỡng" cho những người có
chức vụ để mong được giải quyết nhanh chóng, hoàn hảo yêu cầu chính đáng hợp pháp của mình. Xuất phát từ tình trạng trên đã dẫn đến tệ quan chức, cán bộ đòi hối lộ. Tệ "quan liêu", "cửa quyền" là mảnh đất phát sinh, phát triển
của tệ hối lộ. Muốn đấu tranh có hiệu quả với tội phạm hối lộ chúng ta không chỉ dựa trên cơ sở kiên quyết đấu tranh xoá bỏ tệ cửa quyền ở các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cũng như chính ngay trong bản thân cán bộ, công chức mà phải tiến hành thường xuyên công tác vận động tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân và trong các cơ quan Nhà nước bằng mọi
hình thức, phương tiện thông tin truyền thông, tạo nên dư luận xã hội nhất trí lên án mạnh mẽ tệ quan liêu cửa quyền, hối lộ. Chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên nhằm rèn luyện nâng cao phẩm chất cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phát động và nuôi dưỡng phòng trào học tập và làm theo lời dạy của Hồ Chủ Tịch: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa, con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng" (Hồ Chủ Tịch - Nói về
chống quan liêu - Báo Nhân dân ngày 04/8/1l963). Các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cần phải thực hiện triệt để tinh thần lời dạy của Hồ Chủ Tịch về chống quan liêu: "Phải sát công việc thực tế, phải theo dõi và giáo dục cán bộ, gần gũi quần chúng, phải kiểm tra đến nơi đến chốn đối với công việc";
phải có quy chế nghiêm cấm việc nhận lót tay, quà biếu dưới bất cứ hình thức nào khi tiếp xúc với nhân dân và cán bộ ngành khác. Chúng ta phải thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với những người vi phạm; cần khắc phục quan điểm cho rằng việc đưa quà biếu, quà tạ ơn đối với người có trách nhiệm giải quyết công việc cho mình là vấn đề tình nghĩa thể hiện tấm lòng chân thành trọng tình, trọng nghĩa theo phong tục tập quán của nhân dân. Cán bộ, viên chức nhà nước là người đầy tớ trung thành của nhân dân nên không được phép coi việc thực hiện trách nhiệm quyền năng của cán bộ là việc "làm ơn". Nếu cho phép cán bộ viên chức nhà nước được nhận "quà biếu" trước hoặc sau khi đã sửdụng quyền năng, trách nhiệm để làm một việc có lợi cho đương sự thì sẽ dẫn đến khả năng người có chức vụ, quyền hạn sẽ bị kẻ xấu tấn công mua chuộc với hình thức cao hơn đó là việc đưa và nhận hối lộ. Thực chất sự lót tay, quà tạ ơn mà có giá trị lớn thì đó là nguồn thu nhập bất hợp pháp do việc sử dụng quyền năng mà có, cần phải điều tra xem xét xác định rõ nếu có sự giao hẹn thoả thuận trước giữa người đưa và người nhận quà biếu thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ, còn nếu xác định không có sự quan hệ giao hẹn thoả thuận tr- ước thì cũng cần xử lý nghiêm khắc về kỷ luật hành chính, nhằm nâng cao
tính liêm khiết của cán bộ viên chức nhà nước và ngăn chặn hành vi đưa và nhận hối lộ.
Việc quản lý, giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ viên chức nhà nước phải thật sự chặt chẽ, đổi mới trong công tác tổ chức cán bộ, cải tiến các thủ tục hành chính theo Nghị quyết 38 của Chính phủ, rà soát và loại bỏ ngay những cấp trung gian không rõ chức năng nhiệm vụ chồng chéo, làm cho bộ máy Nhà nước các cấp tinh giản có hiệu quả. Từ đó, cải tiến phong cách, lề lối làm việc và nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ viên chức nhà nước "vì nhân dân phục vụ" thì mới loại bỏ được tệ quan liêu, cửa
quyền của cán bộ viên chức nhà nước. Biện pháp này có ý nghĩa rất quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm hối lộ.
Pháp luật còn tồn tại nhiều thiếu sót, bất cập nhưng điều cơ bản dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật lại ở bản thân con người thực thi pháp luật tức là ở việc suy thoái đạo đức của cán bộ, công chức nhà nước mà cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Cho nên, để đấu tranh phòng và chống tội phạm hối lộ thì chúng ta cần xây dựng đội ngũ các bộ, công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp, có trí tuệ, kiến thức, năng lực hoạt động thực tiễn, sáng tạo, gắn bó với nhân dân; có cơ chế và chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo cán bộ, trọng dụng những người có tài. Thực hiện đúng nguyên tắc đảng thống nhất lãnh đạo của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ, làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ. Đánh giá bồi dưỡng, lựa chọn và sử dụng cán bộ trên cơ sở tiêu chuẩn, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Đổi mới, trẻ hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục kế thừa và phát triển. Thực tế cho thấy rất nhiều tội phạm bắt nguồn từ chế độ cất nhắc, đề bạt cán bộ. Tội phạm hối lộ thường kéo theo người môi giới, người thực hiện, ăn chia, bao che... nên cần có đồng bọn. Việc kéo bè, kéo cánh không gì tin tưởng bằng người thân trong gia đình, gia tộc của mình. Để ngăn ngừa vấn đề này thì trong giai đoạn nhà nước phong kiến, vua Minh Mạng đã ban bố "luật Hồi
ty" nhằm hạn chế những trường hợp vì tình riêng đạp lên phép nước, kéo bè kéo cánh, nhũng nhiễu, hà hiếp nhân dân, nhận hối lộ... Luật Hồi ty cấm các quan lại đứng đầu tỉnh không được là người điạ phương, Thông lại không được làm việc ở huyện nguyên quán mà phải đi làm việc ở huyện khác, trong nha môn có nhiều người là bố, vợ, anh em ruột, vợ chồng, chồng chị, chồng em của vợ... đều phải hồi ty. Các vị quan được bổ nhiệm cai trị một địa phương nào đó phải bảo đảm tín vô tư khách quan, không được vị thân, vị kỷ, nếu tự mình thấy có thân nhân ở địa phương phải khai báo xin Hồi ty qua địa phương khác làm việc.
Hiện nay, pháp lệnh cán bộ công chức và một số văn bản pháp luật khác cũng đề cập đến vấn đề này nhưng trong thực tế lại hoàn toàn khác. Có rất nhiều cơ quan, tổ chức có những người lãnh đạo, cán bộ chủ chốt có quan hệ ruột thịt, thân thuộc đã tạo nên một êkíp tham nhũng để bao che, bọc lót nhau thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, chúng ta cần phải xây dựng và hoàn thiện hơn nữa những văn bản pháp luật này, luật được ban ra phải được thực thi triệt để vào trong cuộc sống xã hội.
Lâu nay, ngoài hệ thống cơ quan dân cử được bầu chọn công khai thì việc tổ chức và sử dụng cán bộ trong guồng máy nhà nước chỉ là vấn đề len lỏi trong những vấn đề khác, không định hình rõ rệt và thường được xem như lãnh địa riêng của những ai có quyền sắp xếp. Việc sắp xếp cất nhắc cán bộ chưa theo một hệ thống nguyên tắc quy phạm tiêu chuẩn nào. Đây là mảnh đất tốt cho tội phạm hối lộ phát sinh, phát triển nên cần phải có một hệ thống những nguyên tắc, quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động tổ chức, sắp xếp, sử dụng cán bộ theo đúng tiêu chuẩn, chỉ tiêu biên chế của nhà nước. Cần tăng cường chế độ nhân sự cán bộ trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, kiện toàn chế độ tuyển cử dân chủ xã hội, đảm bảo kết hợp tốt giữa chịu trách nhiệm trước quần chúng nhân dân. Việc đề bạt cất nhắc cán bộ phải theo đúng tiêu chuẩn chức danh nhà nước đã quy định và những yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Chống tư tưởng cục bộ bản vị cảm tình nể nang, chủ quan
duy ý trí trong việc đề bạt, chấm dứt tình trạng khi cất nhắc cán bộ chỉ căn cứ vào lý lịch mà xem nhẹ năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần phải xây dựng và hoàn thiện chiến lược đào tạo giáo dục cán bộ, tạo điều kiện vật chất tinh thần cho con người nhằm xây dựng tác phong tư duy lề lối làm việc trong sạch, khoa học, nhanh gọn, tôn trọng và có ý thức pháp luật. Đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực vô trách nhiệm. Bổ sung và đào tạo lại đội ngũ cán bộ viên chức cho phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Đó là đội ngũ cán bộ công viên chức phải đủ cả số lượng lẫn chất lượng, phù hợp với từng ngành nghề nhất định, đáp ứng được năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà những ngành nghề đó đòi hỏi, loại bỏ những phần tử đã tha hoá biết chất. Xoá bỏ tư tưởng luôn sống với quá khứ mà bỏ quên hiện tại, tương lai với tư duy trì trệ quan liêu, kém năng động: "chúng ta phải rất chú trọng việc giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng và trình độ trí tuệ của cán bộ đảng viên. Mọi cán bộ đảng viên phải gương mẫu, giữ gìn đạo đức cách mạng, khắc phục chủ nghĩa cá nhân" [40]. Phải giáo
dục cán bộ đảng viên tinh thần "quyền lực có nghĩa là trách nhiệm, chức vụ có nghĩa là "cống hiến", "sinh nghề, tử nghiệp", tăng cường giáo dục lý tưởng, niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, giáo dục về việc tuân thủ kỷ luật, pháp luật, liêm khiết cống hiến cho sự nghiệp công cho cán bộ đảng viên, công chức và kiện toàn lại các cơ quan bảo vệ pháp luật đặc biệt là toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, phải thải loại những phần tử tiêu cực ra khỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật. Xác định trách nhiệm của cơ quan chống tham nhũng, trình tự, thời hạn, thủ tục giải quyết trả lời công dân về đơn thư tố giác hành vi tham nhũng. Tăng cường quyền hạn cho các cơ quan bảo vệ pháp luật đang trực tiếp đấu tranh chống tham nhũng. Xây dựng một đội ngũ cán bộ chống tham nhũng trong sạch có năng lực, được trang bị đầy đủ kinh phí, phương tiện hoạt động hiện đại. Phối hợp chặt chẽ công tác bảo vệ pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý đúng pháp luật các hành vi phạm tội, không để trường hợp kéo dài thời gian xử lý.
Công tác phát hiện tội phạm cần được chú trọng hơn nữa vì khi phát hiện được ngay tội phạm thì sẽ làm cho kẻ phạm tội không kịp có thời gian chuẩn bị ứng phó, thủ tiêu tang vật chứng. Tôn trọng tính độc lập của các cơ quan bảo vệ pháp luật, chống mọi hành vi, sự can thiệp bất hợp pháp, thô bạo vào cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm soát. Đảm bảo điều kiện vật chất tối thiểu cho các cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ pháp luật hoạt động ổn định. Tăng cường phát động khả năng tự phát hiện tội phạm của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân để hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm tiềm ẩn.