Về chính trị

Một phần của tài liệu Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô - một số quan điểm lý luận chủ yếu (Trang 32 - 34)

1. Những thành tựu của Liên Xô trong công cuộc xây dựng chủ

1.3.1.Về chính trị

Trong những thập kỷ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, tình hình chính trị của Liên Xô tương đối ổn định. Đảng Cộng sản Liên Xô đã phát huy tối đa vai trò trong việc lãnh đạo nhân dân Xôviết đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vô sản. Tuy nhiên, từ những năm 70, tình hình chính trị của Liên Xô có nhiều thay đổi với những biểu hiện của sự khủng hoảng. Điều đó được thể hiện trên một số điểm sau:

Thứ nhất: Đảng Cộng sản Liên Xô đã thể hiện sự bao biện quyền lực, không xác định được rõ sự khác nhau trong quyền hạn, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước dẫn đến hiện tượng tiếm quyền, lạm quyền. Bộ máy hành chính vì thế trở nên cồng kềnh, hoạt động chồng chéo, kém hiệu quả. Một số bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tha hoá về quyền lực, quan liêu, lợi dụng quyền lực tập thể để mưu lợi cho bản thân dẫn đến tình trạng mâu thuẫn về quyền lợi, mất đoàn kết trong Đảng, đấu tranh và lợi dụng đấu tranh để “thanh trừng” lẫn nhau.

Thứ hai: Đảng và Nhà nước duy trì quá lâu cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, nặng về mệnh lệnh, hành chính dẫn đến tình trạng xơ cứng,

rập khuôn. Do đó, bộ máy quản lý kinh tế, xã hội của Liên Xô rơi vào tình trạng thụ động, hoạt động kém hiệu quả, nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại. Ngoài ra, Đảng Cộng sản Liên Xô cũng không tạo ra được cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện tối ưu cho việc áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào sản xuất và đời sống. Điều đó đã khiến nền kinh tế và đời sống xã hội của Liên Xô đóng kín với bên ngoài, chậm đổi mới và rất khó bắt nhịp với sự phát triển của thời đại.

Thứ ba: Nóng vội, chủ quan, duy ý chí trong việc khẳng định công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã thành công nên đã vội vàng tiến hành xây dựng “chủ nghĩa xã hội phát triển”, xây dựng chủ nghĩa cộng sản mà bỏ quên thời kỳ quá độ. Điều đó làm nảy sinh ảo tưởng, tư tưởng tự mãn dân tộc, chủ quan, tạo nên nhận thức sai lệch của chính những cán bộ Đảng viên về thời đại mình, dân tộc mình. Vì vậy, họ dễ dàng đánh mất mục tiêu, xa rời lý luận và thực tiễn, nảy sinh tâm lý coi thường các đối tác bên ngoài.

Thứ tư: Mắc nhiều khuyết điểm về nguyên tắc khi tiến hành cải tổ. Mục tiêu của cuộc cải tổ là đưa Liên Xô thoát khỏi cuộc khủng hoảng và tiếp tục phát triển nhưng cách thức, bước đi lại mắc nhiều sai lầm. Đó là việc chọn cải tổ bắt đầu từ chính trị, tuyên truyền xu hướng tự do, dân chủ hoá nhưng lại không kiểm soát được dẫn đến tình trạng vô chính phủ, tự do vô nguyên tắc. Điều đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh và sự thống nhất trong Đảng Cộng sản Liên Xô, làm nội bộ rối ren, từng bước xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội.

Thứ năm: Trong nội bộ Đảng và Nhà nước có nhiều tiêu cực kéo dài. Một số cán bộ, đảng viên cao cấp có nhiều biểu hiện suy thoái về đạo đức, lạm dụng chức quyền để “tẩy chay” những người cộng sản trung kiên, dao động về lập trường tư tưởng, ảo tưởng về phương Tây nên dễ dàng mất phương hướng, xa rời nhân dân, quan liêu, cá nhân chủ nghĩa. Tình trạng đó

kéo dài và ngày càng trầm trọng. Điều đó làm suy giảm uy tín của Đảng với nhân dân.

Thứ sáu: Trong quá trình tiến hành công nghiệp hoá và hợp tác hoá, quyền dân chủ của nhân dân đã không thực sự được tôn trọng. Nhân dân nhiều nơi bị ép vào hợp tác hoá bằng hình thức cưỡng chế, ép phải phục tùng mọi mệnh lệnh của cấp trên, ép phải “tuyệt đối trung thành với công cuộc cải tổ”… Điều đó đã hạn chế rất nhiều quyền tự do, dân chủ của nhân dân và không thể hiện được hết tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.

Một phần của tài liệu Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô - một số quan điểm lý luận chủ yếu (Trang 32 - 34)