1. Những thành tựu của Liên Xô trong công cuộc xây dựng chủ
2.1.3. Hệ nguyên nhân văn hoá xã hội
Trong lịch sử phát triển của mình, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô đã từng được coi là chế độ “kiểu mẫu” với rất nhiều tính ưu việt của nó trong việc thực hiện các chính sách xã hội, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, y tế, phúc lợi xã hội… Tuy nhiên, những khiếm khuyết trong lĩnh vực kinh tế, chính trị cũng đã có những tác động tiêu cực tới lĩnh lực văn hoá, xã hội của Liên Xô.
Khi tìm hiểu về hệ nguyên nhân này, chúng tôi đã nhận thấy có những ý kiến khác nhau bàn về những sai lầm của Liên Xô. Có tác giả cho rằng đó là sai lầm về mặt văn hoá tinh thần của nhân dân nói chung, có tác giả lại cho rằng đó là sai lầm về văn hoá tư tưởng của tầng lớp lãnh đạo nhưng cũng có tác giả lại cho rằng sai lầm trong lĩnh vực này thuộc về sự lạc hậu của khoa học kỹ thuật.
Về mặt văn hoá - xã hội: Tác giả Nguyễn Duy Quý đã chỉ ra những sai
lầm của Liên Xô trong lĩnh vực văn hoá - xã hội. Đó là “sự vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, sự không nghiêm minh trong việc thực hiện pháp luật, kỷ luật cũng như những hạn chế trong việc thực hiện công bằng xã hội… đã cản trở sự phát triển tính tích cực, chủ động và năng lực sáng tạo của con người” [44; tr. 102]. Điều đó đã “vi phạm pháp lệnh xã hội xã hội chủ nghĩa” mà Liên Xô đã nêu ra.
Tác giả còn chỉ ra những sai lầm của Liên Xô trong lĩnh vực văn hoá tinh thần. Đó là “Tính hình thức và bệnh giáo điều đã làm cho công tác giáo dục hệ tư tưởng và ý thức xã hội xã rời thực tế cuộc sống, lý luận tách rời thực tiễn” [44; tr. 103]. Vì thế, “Các hoạt động văn hoá tinh thần vốn là hình thức biểu hiện sự phong phú về nhân cách và các cá tính sáng tạo đã có thời kỳ rơi vào sự đơn điệu, nghèo nàn, không phản ánh một cách chân thực và khách quan đời sống của xã hội và của cá nhân với sự tăng lên không ngừng nhu cầu văn hoá tinh thần của nó” [44; tr. 103].
Ngoài ra, theo tác giả, sai lầm của Liên Xô trong lĩnh vực văn hoá tinh thần còn được thể hiện ở chỗ do quá đề cao tinh thần “tự hào và tự tôn dân tộc” nên Liên Xô đã không mở rộng sự giao lưu văn hoá quốc tế để học tập và tiếp thu các giá trị, các thành tựu của văn hoá thế giới để làm phong phú mình. Chính điều đó đã khiến Liên Xô “tự cô lập mình” làm cho nền văn hoá xã hội trở nên nghèo nàn, lạc hậu và cũng tạo điều kiện cho kẻ thù bên ngoài dễ dàng cô lập Liên Xô.
Tác giả đã chỉ rõ những hạn chế về mặt văn hoá, tư tưởng đã có tác động rất xấu đến xã hội, “làm chậm bước tiến của chủ nghĩa xã hội, kìm hãm việc khai thác và phát huy các nguồn lực phát triển rất tiềm tàng của chủ nghĩa xã hội trong đó có nguồn lực con người” [42; tr. 103].
Về mặt văn hoá - tư tưởng: Tác giả Nguyễn Chí Mỳ cũng đã bàn đến nguyên nhân văn hoá - tư tưởng dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Xuất phát điểm của tác giả là từ những khủng hoảng trong chính trị đã dẫn đến “tình trạng hỗn loạn về mặt tư tưởng” như một điều không thể tránh khỏi.
Sự hỗn loạn trong tư tưởng của Liên Xô được thể hiện trên báo chí, các diễn đàn, các trung tâm lý luận chính trị trong đó “nổi lên những pháo đài phản kích chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội và Đảng Cộng sản. Những pháo đài gắn liền với những nhân vật cơ hội chính trị hữu khuynh lại không bị phê phán, không bị ngăn chặn cho nên nó phát triển nhanh như diều gặp gió” [44; tr. 12].
Tác giả cũng chỉ rõ những tác động tiêu cực của sự khủng hoảng tư tưởng ấy: “ Những người cách mạng bị gán cho là bảo thủ, trì trệ, những kẻ phản bội được mệnh danh là tiên tiến” [44; tr. 12]. Điều đó đã làm cho tình hình xã hội của Liên Xô trong thập kỷ 80 diễn ra khá phức tạp. Điều đó trở thành “chất xúc tác khá mạnh “dẫn đến sự khủng hoảng và sụp đổ của Liên Xô.
Về sự lạc hậu của khoa học, kỹ thuật: Khi nghiên cứu về tình hình văn
hoá, xã hội của Liên Xô trong giai đoạn này, tác giả Ngô Hoan đã khẳng định: “Cuộc cách mạng khoa học, công nghệ ở Liên Xô không theo kịp sự phát triển chung của toàn nhân loại” [20; tr. 25].
Từ những thập kỷ 50 cho đến những năm 70, Liên Xô vẫn là nước có nền khoa học, kỹ thuật phát triển mạnh mẽ, có nhiều ngành khoa học đứng hàng đầu thế giới, nhất là ngành khoa học vũ trụ. Điều đó đã góp phần quan trọng trong việc làm thay đổi căn bản diện mạo của nền kinh tế - xã hội Liên Xô. Liên Xô đã thực hiện thành công công cuộc cơ giới hoá và điện khí hoá toàn quốc, phá vỡ được thế độc quyền của Mỹ về bom nguyên tử và vũ khí hạt
nhân. Tuy nhiên, từ cuối những năm 70, do ảnh hưởng của sự “khép kín” trong chính sách kinh tế, nền khoa học, kỹ thuật của Liên Xô cũng chậm đổi mới. Bởi vậy, Liên Xô đã không bắt nhịp được với tiến trình phát triển chung của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, không kế thừa được những thành tựu khoa học, kỹ thuật hiện đại của thế giới: “Do trình độ công nghệ, khoa học kỹ thuật chưa phát triển cao nền kinh tế Liên Xô, tiêu thụ năng lượng lớn hơn gấp 2 hoặc 3 lần cho một đơn vị sản xuất so với các nước phương Tây” [20; tr.25]. Trong Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng cũng nhận thấy việc cần phải “nhấn mạnh trọng tâm dồn sức cho ngành chế tạo máy như cơ sở cho tiến bộ khoa học kỹ thuật như cơ sở cho tiến bộ khoa học, kỹ thuật và cho việc tổ chức xây dựng lại cho nền kinh tế đất nước” [20; tr. 26]. Tuy nhiên, điều đó đã không cải thiện được tình hình mà càng làm cho nền khoa học, kỹ thuật của Liên Xô vẫn rơi vào tình trạng tụt hậu. Nó đã “tác động tiêu cực trực tiếp tới đời sống kinh tế, xã hội, văn hoá, chính trị, tinh thần đối với mọi thành viên trong xã hội. Kinh tế kém phát triển, năng suất lao động thấp, đời sống nhân dân giảm sút đã đặt đất nước đứng trước cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội…” [20; tr. 26]. Tác giả đã coi đây là “một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô”.
Cũng nói về sự lạc hậu về khoa học, kỹ thuật, I.V.Anđrôpốp đã thừa nhận do các nhà lãnh đạo Liên Xô quá tự hào về vị trí “cường quốc khoa học” của mình nên đã một thời gian dài chủ quan, không lưu tâm phát triển khoa học, kỹ thuật để theo kịp sự phát triển chung của toàn thế giới. Điều đó có ảnh hưởng không nhỏ đến việc áp dụng những thành tựu của khoa học vào sản xuất: “Đương nhiên có thể có nhiều nguyên nhân. Trước hết phải thấy rằng công tác của chúng ta trong lĩnh vực hoàn thiện và cải tổ guồng máy kinh tế, những phương thức và phương pháp quản lý còn lạc hậu so với những yêu
cầu được đặt ra bởi trình độ phát triển về phương tiện vật chất - kỹ thuật xã hội và tinh thần mà xã hội Xôviết đã đạt được” [3; tr.19]. Nếu Ngô Hoan gọi đây là “nguyên nhân gián tiếp” thì Anđrôpốp lại gọi đây là “nguyên nhân chủ yếu” dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô. Theo chúng tôi, mặc dù sự lạc hậu về khoa học, kỹ thuật là một yếu tố khiến nền kinh tế - xã hội của Liên Xô gặp nhiều khó khăn và bị cô lập với sự phát triển chung của thế giới nhưng đó không phải là nguyên nhân quyết định sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa của Liên Xô bởi lẽ khoa học, kỹ thuật tuy rất quan trọng nhưng chỉ là thước đo đánh giá sự khác nhau giữa các thời đại kinh tế xem nó “sản xuất bằng cách nào” (ý của C.Mác) chứ không phải là một yếu tố quyết định sự tồn tại hay tiêu vong của một chế độ xã hội.
2.1.4. Hệ nguyên nhân do sai lầm của M. Goócbachốp.
Tháng 3/ 1985, M. Goócbachốp lên nắm quyền Tổng bí thư và trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Liên Xô. Tên tuổi của Goócbachốp gắn liền với cuộc cải tổ. Do cuộc cải tổ đã không thể cứu đất nước Liên Xô thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và sụp đổ nên nhiều tác giả cũng cho rằng chính Goócbachốp cũng là nguyên nhân của sự sụp đổ ấy.
Khi nghiên cứu về những nguyên nhân bắt nguồn từ M. Goócbachốp, chúng tôi nhận thấy có nhiều quan điểm khác nhau. Có người nhấn mạnh đến những thiếu sót về đạo đức, chuyên quyền; có người lại cho rằng Goócbachốp yếu kém về năng lực; có người cho rằng vị lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước Liên Xô mất lập trường tư tưởng, ngả về phương Tây… Những quan điểm đó đã giúp chúng ta có cái nhìn nhiều chiều về chân dung của M. Goócbachốp và thấy được “vai trò” của ông ta trong sự sụp đổ của chủ nghĩa xa hội ở Liên Xô.
Với tư cách là một cán bộ cao cấp trong Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp của Liên Xô và cũng là người trực tiếp tham gia vào sự kiện tháng
8/1991, V. Páplốp trong cuốn “Goócbachốp bạo loạn - Sự kiện tháng Tám
nhìn từ bên trong” đã chỉ rất rõ những sai lầm “ vốn được giấu kín” của
người đứng đầu này.
Tác giả đã bắt đầu từ “con đường tiến lên cao” của M. Goócbachốp. Vốn là một sinh viên Tốt nghiệp ngành luật của trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Lômônôxốp, M. Goócbachốp đặt chân vào con đường chính trị từ tổ chức Đoàn thanh niên của khoa. Goócbachốp không ngừng muốn vươn lên cao, nhưng ông lại là một kẻ không có lập trường chính trị rõ ràng, “dễ dao động cùng với đường lối” bởi : “Dưới thời V. Khơrútsốp, ông ta theo V. Khơrútsốp, dưới thời K. Brêgiơnép, ông ta theo K. Brêgiơnép, dưới thời I.V. Anđrôpốp, ông ta theo I.V. Anđrôpốp, ông ta luôn luôn là kẻ hám danh lợi vô nguyên tắc” [41; tr. 27 - 28].
M. Goócbachốp đã nhiều năm phụ trách vấn đề nông nghiệp nhưng “ông ta đã phá vỡ nông nghiệp của cả khu” song lại đổ sự đổ vỡ đó cho hạn
hán. Bằng chứng là: “Ông ta đã phấn đấu thắng lợi cho việc mở rộng các khu phố sau các cuộc đi thăm các thành phố và làng xóm đã để lại các hè phố bị đào bới, hàng núi các hòn đá nham nhở. Vì các việc đó mà nhân dân đã tặng ông ta danh hiệu danh dự: Ông Cạp mép” [41; tr. 28]. Tuy nhiên “vì rất nhiều lý do khác nhau” mà M. Goócbachốp vẫn trở thành Tổng bí thư của Liên Xô năm 1985 và sau đó là một số vấn đề xảy ra.
Theo tác giả, sai lầm trước tiên của M. Goócbachốp ngay sau khi lên cầm quyền là “làm mọi cái để có thể nhanh chóng phá bỏ tất cả các cấu trúc cơ quan nhà nước và xã hội mà những cơ quan này có quyền hợp pháp yêu cầu ông ta phải phúc trình về các hành động của mình như một Tổng thống, như một Tổng bí thư” [41; tr. 22]. Điều đó đã thể hiện sự “độc quyền” của Goócbachốp.
Khi xã hội Liên Xô rơi vào khủng hoảng, một số cán bộ, đảng viên chân chính lên tiếng đòi Ban lãnh đạo đất nước Liên Xô “cần phải nhìn lại mình một cách nghiêm túc” thì Goócbachốp đã không ngần ngại “loại bỏ một số người sau khi người đó thực hiện xong nhiệm vụ cần cho ông ta để giữ cái ghế của mình, có kết quả hay không điều đó không quan trọng” [41; tr. 33]. Vì vậy, theo tác giả, thật dễ hiểu tại sao “gia đình Goócbachốp không có bạn bè” [41; tr. 33].
Tác giả cũng đã chỉ rõ thực chất của cuộc cải tổ chỉ là “lịch sử của cuộc đấu tranh giành giật quyền lực thực tế và giữ cái giành được. Khi nói đến cái đầu của bản thân và quyền lực cá nhân thì mọi người đã công khai làm một việc bẩn thỉu thì không thể không trả giá. Chính trị theo nhận thức và thực hiện của ông ta là như vậy” [41; tr. 32]. Với những hành động đó, quả thực “Goócbachốp đã đi ngược lại với những luận điệu mà ông ta rao rêu khi nói về mục đích của cuộc cải tổ” [41; tr. 32].
Tác giả còn chỉ rõ một trong những sai lầm lớn nhất của M. Goócbachốp là chính sách thân với phương Tây. Do việc áp dụng “tư duy mới”, Goócbachốp đã đem lại “rất nhiều thứ có giá trị và lợi lộc thực tế cho phương Tây” như giúp họ “ đạt được những mục tiêu chiến lược vị kỷ của chúng trong chính trị, giúp chúng giảm bớt gánh nặng đánh thuế để phục vụ cho quân sự và chiếm lĩnh được thị trường đầy triển vọng và tiếp cận được những nguồn nguyên liệu” [41; tr. 23]. Bởi vậy, phương Tây đã gọi Goócbachốp là “một người lãnh đạo nhân từ, một chiến sĩ đấu tranh vì hoà bình, vì sự ưu tiên cho những giá trị chung toàn nhân loại và tâng bốc ông ta bằng cái tên “Goócbi trìu mến”” [41; tr. 23- 24]. Với hành động đó, ông ta đã mang hai bộ mặt của một con người: Kẻ phản bội nhân dân mình và người hùng đối với thế giới bên ngoài, trước hết là đối với Mỹ.
Tác giả đã chỉ rõ hậu quả của vấn đề này là: “Goócbachốp đã vội vàng giao nộp tất cả - cả nhà nước, cả Đảng, cả nhân dân” [41; tr. 24]. Với tất cả những lý do đó, tác giả đã kết luận: “Sự đổ vỡ của nền kinh tế, sự suy giảm mức sống của nhân dân, nạn thất nghiệp, những xung đột sắc tộc đẫm máu và những người chạy nạn, quy mô chưa từng thấy của tội ác ở trong một nước mà ông ta gọi là Tổ Quốc mình - rõ ràng là nhân dân Liên Xô không thể tha thứ cho những “công trạng” như vây” [41; tr. 22 - 23].
Với tính chất là một hồi kí, quan điểm của V. Páplốp là tài liệu để chúng ta tham khảo thêm về “vai trò” của Goócbachốp trong sự khủng hoảng và sụp đổ của Liên Xô.
Nếu V. Páplốp chỉ ra ba sai lầm của M.Goócbachốp thì Ngô Hoan nhấn mạnh đến một sai lầm quan trọng nhất. Đó là sự dao động trong chính sách đối ngoại với phương Tây. Theo tác giả, cải tổ là một công việc cần thiết, là nhiệm vụ cần phải làm của những người cộng sản, làm cho chủ nghĩa xã hội không ngừng phát triển. Điều đó cũng phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng M. Goócbachốp lại làm hoàn toàn khác hẳn. Đối với Goócbachốp, cải tổ không loại trừ sự thay đổi chế độ xã hội. Bởi vậy, sau 2 năm tiến hành cải tổ, năm 1988 Goócbachốp đã tuyên bố: “Mọi người quan tâm tới câu trả lời đối với câu hỏi: Không chỉ bản thân chúng ta mà cả con cháu chúng ta sẽ sống trong xã hội nào” [20; tr. 37]. Từ quan điểm trên, Goócbachốp đã đưa cải tổ xa rời mục tiêu cách mạng và làm cho xã hội Liên Xô từng bước đi chệch quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội.
M. Goócbachốp đã đề ra “bộ ba trào lưu căn bản” khi nói về mục tiêu của cuộc cải tổ: “Chúng ta đã đi tới chỗ tìm ra một quan niệm vận động tổng thể để tiến lên. Thực chất của quan niệm đó nằm ở bộ ba trào lưu căn bản gắn liền và duy nhất có thể dẫn tới những mục tiêu của cải tổ. Đó là cải cách nhà nước, cải cách kinh tế, đưa đất nước vào thị trường thế giới, vào tiền đề tiến
trình chung của nền văn minh thế giới” [20; tr. 37 - 38. Theo tác giả, thực chất của bộ ba này là “thay đổi nền kinh tế, đưa đất nước trở lại chủ nghĩa tư bản,