1. Những thành tựu của Liên Xô trong công cuộc xây dựng chủ
2.1.2. Hệ nguyên nhân kinh tế
Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô không chỉ bắt nguồn từ những nguyên nhân chính trị mà còn có cả những sai lầm trong lĩnh vực kinh tế. Khi tìm hiểu về hệ nguyên nhân kinh tế, chúng tôi nhận thấy các tác giả đã chỉ ra sai lầm của Liên Xô trên 3 điểm cơ bản là sở hữu, quy luật kinh tế và chính sách quản lý nền kinh tế .
Thứ nhất: Những sai lầm của Liên Xô trong vấn đề sở hữu
Tác giả Ngô Hoan trong luận văn Phó tiến sĩ khoa học lịch sử đã bàn cụ thể về vấn đề này. Điểm xuất phát trong phân tích của Ngô Hoan là tư tưởng của của J. Stalin trong Báo cáo tổng kết kế hoạch 5 năm lần thứ nhất
(7/1/1943). Với những thành tựu về công nghiệp của Liên Xô (sản lượng công nghiệp lên tới 219% so với năm 1928, trong khi đó sản lượng công nghiệp của Mỹ tụt xuống chỉ còn 50%, của Anh là 80%, Đức là 55%, Ba Lan là 54%...). J. Stlain đã khẳng định đầy tự hào: “ Những con số đó đã nói lên cái gì, nếu không phải nói lên rằng: hệ thống công nghiệp tư bản chủ nghĩa đã
không chịu nổi sự thử thách trong cuộc thi đua với hệ thống Xôviết, rằng hệ thống công nghiệp Xôviết hơn hẳn hệ thống tư bản chủ nghĩa về mọi mặt” [20; tr. 16]. Chính điều đó đã dẫn đến sự nóng vội của Đảng cộng sản Liên Xô trong việc nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Biểu hiện rõ nhất của sai lầm này là việc đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa cộng sản và dự định hoàn thành nó trong 20 năm.
Kế hoạch này được ra trong Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XXII (tháng 10/1961) khi Liên Xô mới xây dựng chủ nghĩa xã hội được hơn 40 năm (1917 - 1961) trong đó có gần 10 năm nội chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc. Bởi vậy, theo tác giả : “Trên thực tế, ở Liên Xô bấy giờ chưa có đủ vật chất - kỹ thuật cũng như lực lượng để tổ chức và thực hiện mục tiêu trên. Vì thế, đường lối xây dựng chủ nghĩa cộng sản và dự định hoàn thành nó trong 20 năm do Đại hội XXII Đảng cộng sản Liên Xô thông qua đã không trở thành hiện thực” [20; tr.17]. Sau đó, trong thời kỳ L. Brêgiơnép (1964 - 1982), từ “xây dựng chủ nghĩa cộng sản” mà Đại hội XXII đề ra được thay thế bằng cụm từ “xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển”. Dưới thời M. Goócbachốp, “chiến lược tăng tốc” được đề xuất nhằm nhanh chóng xây dựng chủ nghĩa xã hội nhân văn. Ngô Hoan gọi đó là “nhận thức chủ quan” và nó là tiền đề dẫn tới sự khủng hoảng và sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô bởi “nó đã dẫn tới những sai lầm trong chiến lược, sách lược phát triển kinh tế đất nước” [20; tr. 17].
Biểu hiện trước tiên của sự sai lầm đó là việc xoá bỏ các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa. Ngô Hoan đã phân tích “Chính sách kinh tế mới” của V. I. Lênin và nhấn mạnh đến luận điểm: “Phải biết xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng bàn tay không cộng sản” [20; tr. 17]. Vì vậy, Lênin cho rằng cần thiết phải duy trì 5 hình thức sở hữu trong đó có cả sở hữu xã hội chủ nghĩa và sở hữu phi xã hội chủ nghĩa nhưng do nóng vội nên Đảng cộng sản Liên Xô
chỉ cho phép tồn tại hai hình thức sở hữu. Đó là sở hữu tập thể và sở hữu toàn dân và điều đó “đã gây tác động tiêu cực - kìm hãm sự phát triển có thể có của lực lượng sản xuất - một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khan hiếm hàng hoá và khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô” [20; tr. 18].
Cũng chỉ ra những sai lầm của Liên Xô trong việc chỉ duy trì hai hình thức sở hữu, Nguyễn Chí Mỳ không chỉ dừng lại ở những trình bày trên của Ngô Hoan mà đã phân tích một cách cụ thể nguyên nhân, hệ quả của sai lầm đó. Bằng việc “mổ xẻ” mô hình cụ thể của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, tác giả khẳng định: “Quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã có những khuyết điểm và khuyết tật chậm được phát hiện và khắc phục gây ra tình trạng trì trệ về kinh tế dẫn đến sự khủng hoảng cả về chính trị, xã hội và tư tưởng” [10; tr. 3].
Tác giả đã chỉ rõ những biểu hiện của khuyết tật này: “Quá nhấn mạnh sự thống nhất (nhất nguyên) của chế độ sở hữu theo đó gần như chỉ còn sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể dẫn đến chỗ xã hội hoá, tập thể hoá lan tràn vội vã khi mà lực lượng sản xuất còn thấp. Chưa quan tâm đầy đủ và chưa có giải pháp hữu hiệu phát triển lực lượng sản xuất làm cho ý tưởng tốt đẹp kết hợp thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật với tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội chỉ còn là khẩu hiệu, lời kêu gọi dẫn tới tình trạng lực lượng sản xuất bị lạc hậu ngày càng xa so với chủ nghĩa tư bản, bất lực trong việc tạo nên năng suất lao động cao hơn hẳn để giành thắng lợi cuối cùng trong cuộc ganh đua với chủ nghĩa tư bản [10; tr. 3 - 4].
Như vậy, theo tác giả, mấu chốt của sai lầm trong kinh tế của Liên Xô là việc làm trái quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Thông qua việc tìm hiểu thực tiễn phổ biến của các nước xã hội chủ nghĩa trong thế kỷ XX, tác giả đã rút ra kết luận: “Quan hệ sản xuất khi phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất sẽ có
tác động hết sức to lớn thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, song cũng không thể cưỡng ép một cách duy ý chí quan hệ sản xuất vượt quá xa trình độ phát triển lực lượng sản xuất và trình độ nhận thức cũng như năng lực quản lý thực tế của cộng đồng xã hội, các nhà quản lý và người lao động” [10; tr. 6].
Tác giả cũng chỉ ra hậu quả của việc Liên Xô chỉ duy trì quá lâu tình trạng độc quyền của hình thức sở hữu toàn dân là : “… chèn ép các sở hữu tư nhân và coi nhẹ sở hữu cổ phần cũng như các hình thức kinh doanh đa sở hữu khác”. Điều đó đồng nghĩa với “sự gia tăng tình trạng độc quyền phi kinh tế và tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí do cảnh sở hữu “cha chung không ai khóc”, “tranh công đổ tội” hoặc chồng chéo chức năng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ai cũng có quyền ra lệnh, can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp nhưng không ai chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung” [10; tr. 6].
Khi nghiên cứu quan điểm của C.Mác về chủ nghĩa xã hội và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, I.V.Anđrôpốp – Tổng Bí thư ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cũng chỉ ra sai lầm mấu chốt của Liên Xô trong vấn đề sở hữu về tư liệu sản xuất. Theo tác giả, “phần lớn những sai sót, đôi khi làm cản trở hoạt động bình thường tại những khu vực nào đó trong nền kinh tế quốc dân của chúng ta lại do có những vi phạm các quy định, các yêu cầu của đời sống kinh tế mà nền tảng cốt yếu nhất của nó là chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất” [3; tr.17]. Quan điểm của V.I.Anđrôpốp đã giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về những thiếu sót trong vấn đề sở hữu của Liên Xô.
Ngoài việc chỉ ra những sai lầm của Liên Xô trong vấn đề sở hữu, các tác giả còn vạch ra những khuyết điểm trong việc nhận thức và thực hiện các quy luật kinh tế.
Thứ hai: Những sai lầm của Liên Xô trong việc nhận thức và thực hiện các quy luật kinh tế.
Khi phân tích về hệ nguyên nhân kinh tế, các tác giả cũng đã khẳng định Đảng Cộng sản Liên Xô đã mắc nhiều sai lầm trong việc nhận thức và thực hiện các quy luật kinh tế. Ngô Hoan đã trình bày về vấn đề này một cách cụ thể. Theo tác giả, Liên Xô đã vi phạm hai quy luật kinh tế cơ bản là quy luật giá trị và quy luật lưu thông trong sản xuất hàng hoá.
Ngô Hoan đã xuất phát từ quan điểm của V.I. Lênin khi cho rằng trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế Liên Xô không chỉ duy trì chủ nghĩa tư bản nhà nước mà tương ứng với nó còn phải duy trì cả lưu thông tư bản chủ nghĩa. Trong “Chính sách kinh tế mới”, Lênin cũng kêu gọi những người cộng sản phải học tập các nhà tư sản trong sản xuất, kinh doanh và buôn bán bởi thực hiện sản xuất hàng hoá là “một hành động hợp quy luật”. Tuy nhiên, “Trong một thời gian dài, kể cả khi Lênin qua đời, ở Liên Xô đã phủ nhận giá trị trong sản xuất hàng hoá, không thừa nhận thị trường cạnh tranh dưới chủ nghĩa xã hội. Trên thực tế, chính quyền Xôviết đã thực hiện cung cấp tư liệu sản xuất cho các ngành kinh tế quốc dân, trao đổi hàng hoá trong nội bộ với giá trị của nhà nước một cách ổn định hàng nhiều thập niên” [20; tr. 19]. Tác giả cũng chỉ rõ tác động tiêu cực của vấn đề này là : “Không có cơ sở giá trị nên không thể hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa được, mất yếu tố cạnh tranh lành mạnh vì chất lượng của sản phẩm, mất tính năng động của nền kinh tế, mất quyền chủ động của cơ sở, gây nên tâm lý thụ động, trông chờ vào sự “ rót xuống” từ trên, nền kinh tế phát triển kém hiệu quả” [20; tr. 19].
Tác giả Nguyễn Duy Quý cũng đã nói đến vấn đề này. Theo tác giả, mấu chốt trong sai lầm của Liên Xô là việc duy trì “một nền kinh tế không chú trọng đầy đủ tới đặc điểm của kinh tế hàng hoá và quy luật giá trị, tới cơ cấu
đa dạng của sản phẩm hàng hoá có chất lượng và giá trị cao để cạnh tranh trên thị trường” [44; tr. 99].
Khác với các tác giả trên, trong bài viết: Vấn đề mô hình chủ nghĩa xã hội, tác giả Lê Hữu Tầng khi bàn đến những khuyết tật của nền kinh tế Liên
Xô cũng đã cho rằng một trong những sai lầm nghiêm trọng của Liên Xô là không nhận thức và thực hiện đúng các quy luật kinh tế trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tác giả đã dẫn ra những chỉ dẫn rất cụ thể của Lênin trong việc phải giải quyết đúng mức lợi ích kinh tế giữa cá nhân và tập thể, giữa cá nhân và xã hội. Trong thực tế, “Liên Xô đã không biết kết hợp đúng đắn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Vì luôn nêu cao khẩu hiệu hợp tác hoá nên nhà nước đã bắt người dân hết lòng phục vụ tập thể, phục vụ xã hội khiến đôi khi họ quên mất lợi ích của cá nhân mình hay nói đúng hơn là không được quan tâm đúng mức đến lợi ích của bản thân” [47; tr.64]. Mặc dù tác giả không đưa ra những biểu hiện cụ thể của sai lầm trên nhưng chúng tôi nghĩ rằng đây cũng là một nhận xét thoả đáng bởi trong một thời gian dài, ở Liên Xô đã diễn ra những cuộc đấu tranh của nông dân muốn đòi lại quyền lợi của mình khi bị cưỡng ép vào tập thể.
Với những chỉ dẫn đó, các tác giả đã cho ta thấy những nhà lãnh đạo Liên Xô đã không tôn trọng những chỉ dẫn của V.I.Lênin trong việc cần thiết phải xây dựng một nền kinh tế hàng hoá trong thời kỳ quá độ. Sai lầm này đã khiến nền kinh tế Liên Xô kể cả trong những lúc phát triển nhất đều xơ cứng, mất tính năng động vốn có của nền kinh tế.
Thứ ba: Những sai lầm trong cơ chế quản lý kinh tế.
Một trong những sai lầm trong lĩnh vực kinh tế của Liên Xô mà các tác giả rất quan tâm là những điểm bất hợp lý trong cơ chế quản lý kinh tế. Họ đã nhìn nhận cơ chế đó ở hai góc độ là quản lý nền kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại.
Đối với việc quản lý nền kinh tế trong nước: Vấn đề này được trình bày
rõ trong quan điểm của các tác giả Ngô Hoan và Nguyễn Duy Quý.
Theo Ngô Hoan, Liên Xô đã gặp một sai lầm rất lớn trong quản lý kinh tế là “duy trì cách điều hành mệnh lệnh, hành chính, quản lý theo lối quan liêu bao cấp trong lĩnh vực kinh tế” [20; tr. 19]. Đường lối này có thể duy trì trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh nhưng nó chỉ mang tính thời điểm, nhất thời. Nếu lâu dài, quan liêu, mệnh lệnh, hành chính chỉ là “tai hoạ của đất nước”. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài từ khi V.I.Lênin qua đời cho đến trước khi tiến hành cải tổ, Liên Xô đã duy trì quá lâu cơ chế điều hành và quản lý này. Ngô Hoan đã chỉ rõ tác hại của cơ chế này là: “Nhà nước không thể hạch toán kinh tế một cách có hiệu quả và nhất định sẽ sinh ra đội ngũ cán bộ quản lý quan liêu, xa thực tế, ỷ lại, trông chờ. Sự bao cấp của nhà nước trên một loạt vấn đề (kể cả việc “cấp phát” cho nhà máy, cơ sở sản xuất) làm cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh không thể hạch toán kinh tế một cách chính xác, điều này sinh ra lãng phí, không chú trọng chất lượng sản phẩm” [20; tr. 19 - 20]. Tác giả cũng khẳng định cơ chế quản lý hành chính, quan liêu này cho đến cuối những năm 60 chưa bộc lộ rõ những tác động tiêu cực nhưng bước sang thập kỷ 70, 80, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật thì “cơ chế này đã bộc lộ đầy đủ mọi tiêu cực, trở thành tác nhân trực tiếp của sự khủng hoảng toàn diện ở Liên Xô [20; tr. 20].
Cũng xuất phát từ sai lầm trong cơ chế quản lý kinh tế, Nguyễn Duy Quý đã gọi nền kinh tế Liên Xô trong thời kỳ này là “kinh tế hiện vật” và “kinh tế chỉ huy”. Hậu quả của nền kinh tế này là : “Kinh tế hiện vật và kinh tế chỉ huy (bằng kế hoạch và tập trung, bằng mệnh lệnh hành chính) chứ không phải kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và cơ chế thị trường đã chi phối hoạt động sản xuất - kinh doanh đã dẫn đến sự cứng nhắc, thiếu những ứng phó linh hoạt trong quản lý, cơ chế và trong chính sách kinh tế” [44; tr. 99]. Chính việc duy
trì quá lâu cơ chế quản lý kinh tế đó đã làm cho nền kinh tế Liên Xô rơi vào tình trạng trì trệ bởi luôn trông chờ vào nhà nước, khiến Liên Xô không theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới khi khoa học, kỹ thuật của phương Tây giai đoạn này có những tiến bộ vượt bậc.
Cả hai tác giả đều thống nhất ở quan điểm với cách quản lý kinh tế mệnh lệnh, hành chính, bao cấp ấy, nền kinh tế Liên Xô đã mất đi tính chủ động, dần tách khỏi tiến trình phát triển kinh tế chung của thế giới. Vì vậy, thật dễ hiểu tại sao trong những thập niên giữa thế kỷ XX, nền kinh tế Liên Xô vốn rất phát triển khiến Liên Xô trở thành một trong những cường quốc đứng hàng đầu thế giới thì bước sang những năm 80, Liên Xô đã dễ dàng để các nước Nhật và Tây Âu vượt qua mặc dù sau chiến tranh thế giới thứ hai, các nước này gặp phải rất nhiều khó khăn.
Về kinh tế đối ngoại: Do không hiểu đúng bản chất của nền kinh tế trong
thời kỳ quá độ, do chủ quan, duy ý chí nên các nhà lãnh đạo Liên Xô đã duy trì một nền kinh tế khép kín, đóng cửa với thế giới bên ngoài. Điều này được Ngô Hoan trình bày một cách cụ thể.
Tác giả cũng đã xuất phát từ quan điểm của V.I. Lênin trong “Chính sách kinh tế mới”, khi Lênin kêu gọi mở rộng kinh tế quốc tế để “học tập giai cấp tư sản” trong sản xuất và kinh doanh, kêu gọi họ đầu tư trang thiết bị kỹ thuật