sản Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam là sự hội tụ của tính cách mạng và tính khoa học và đó cũng như một nét đặc trưng về tư tưởng triết học của Người. Chiều cao, độ sâu, diện rộng của tính cách mạng, khoa học được phát triển cùng với sự trưởng thành của Đảng, sự lớn mạnh của phong trào cách mạng của quần chúng và sự chín muồi của tư tưởng Hồ Chí Minh. Là một thực tế lịch sử hiếm hoi của sự thống nhất biện chứng giữa Đảng - phong trào quần chúng và lãnh tụ là một vấn đề triết học rộng lớn đáng quan tâm nghiên cứu. Chính nhờ sự thống nhất biện chứng đó đã làm cho chủ nghĩa Mác- Lênin gắn bó với tư tưởng Hồ Chí Minh, ăn sâu bám rễ trong tổ chức, hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và đơm hoa, kết trái trong phong trào cách mạng của nhân dân Việt Nam.
- Hồ Chí Minh khẳng định bản chất cách mạng và khoa học của Đảng thể hiện trước hết ở nền tảng hệ tư tưởng lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác- Lênin. Không có hệ tư tưởng khoa học và cách mạng đó dẫn đường thì Đảng không thể mang trong mình bản chất của đội tiên phong của giai cấp công nhân. Người viết: "Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam"[7,267].
- Nhân tố quan trọng nhất của một Đảng cách mạng theo quan niệm của Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và tổ chức thông qua mối liên hệ
giữa chủ nghĩa Mác- Lênin và Đảng cách mạng của giai cấp vô sản. Sự thống nhất biện chứng đó là biểu hiện khá tập trung nét độc đáo của Đảng Cộng sản - Đảng cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, sự thống nhất lý luận và thực tiễn, cương lĩnh và hành động.
- Mục đích tối cao của Đảng là rõ ràng, thiết thực, phù hợp với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử nhân loại. Tính mục đích là một thuộc tính bản chất, mục đích tốt đẹp thì bản chất thật sự là cách mạng và khoa học. Mục đích không đúng đắn thì mâu thuẫn với bản chất cách mạng và khoa học. Chính sự thống nhất biện chứng của mục đích và bản chất đã làm nên sự đoàn kết nhất trí trong Đảng; tạo nên mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng; nuôi dưỡng lòng tin sắt đá giữa giai cấp, nhân dân và lãnh tụ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng, Đảng ta không có mục đích nào khác là đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Mục đích đó phản ánh khách quan ý Đảng, lòng dân. Vì mục đích cao cả đó mà Đảng quang vinh và dân tộc anh hùng đã thống nhất trong một sự nghiệp chung, vì hạnh phúc của mọi người. Hồ Chí Minh khẳng định: "Tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng phải vì Đảng vì dân mà hăng hái phấn đấu. Phải chịu khó học tập chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực, làm kinh tế phát triển, chiến đấu thắng lợi, đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, tươi vui"[7, 494]. Đã rất nhiều lần, Người đòi hỏi cán bộ, đảng viên của Đảng phải "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". "Đảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng" [7,149]. Nhờ vậy, gần 80 năm qua, Đảng ta đã không ngừng lớn mạnh, vượt qua hàng loạt thách thức to lớn và giành thắng lợi vĩ đại trong lãnh đạo chiến tranh chống xâm lược và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
- Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của triết học mác xít. Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng không thể tách rời
với thực tiễn sinh động của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Thực tiễn sinh động đó là minh chứng hùng hồn cho bản chất của Đảng. Người nói: "Trước đây, Đảng ta tổ chức đánh Tây, đánh Nhật rất gian nan cực khổ. Nhưng so với trước, công việc bây giờ khó khăn hơn, to lớn hơn, phức tạp hơn. Bây giờ Đảng ta phải làm nhiều chuyện: Xây dựng nhà máy, xây dựng hợp tác xã; làm sao cho người nông dân, người công nhân ăn no, mặc ấm, làm sao cho nước ngày càng mạnh, dân càng giàu. Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo. Tôi lo chuyện này lắm: các cháu mắt choẹt, da bủng. Tất cả mọi việc, Đảng phải lo. Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh giành thống nhất nước nhà, Đảng đều phải lo. Ngay cả đến tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo". Quan niệm ấy của Hồ Chí Minh biểu hiện rằng, bản chất cách mạng và khoa học không phải trong lời nói mà trước hết là trong hành động; không phải chỉ trong lý luận, mà trước hết là trong thực tiễn. Sự thống nhất đó làm nên sức mạnh cho Đảng, tạo ra niềm tin đối với dân, một niềm tin tuyệt đối về Đảng vinh quang của mình. Trong toàn bộ cuộc đời hoạt động, chưa có lúc nào Hồ Chí Minh xa rời nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Nguyên tắc đó là tiêu chuẩn cao nhất để phân biệt Đảng Cộng sản, một Đảng hành động, một Đảng cách mạng với các Đảng phái nghị trường. Sức mạnh cao nhất của Đảng, tính cách mạng và tính khoa học của Đảng nằm trong hiệu lực sinh động của sự đổi mới trong thực tiễn lịch sử của cách mạng Việt Nam. Kể từ khi ra đời đến nay, dưới ánh sáng của tư tưởng triết học Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là sự hoà quyện tuyệt đẹp giữa lý luận và thực tiễn, làm nên một Đảng Cộng sản Việt Nam, một dân tộc Việt Nam, dù trải qua thăng trầm của lịch sử, của thời đại vẫn vững vàng tiến lên phía trước thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Lịch sử đấu tranh cách mạng, truyền thống văn hoá của dân tộc, không phải chỉ là sự nghiệp của Đảng, mà đó còn là của toàn dân. Gắn bó
máu thịt với nhân dân "lấy dân làm gốc" cũng là một giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng. Hồ Chí Minh đã từng căn dặn rằng, không được làm quan của dân, mà phải là "người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân". Nhờ sự gắn bó máu thịt đó mà sức mạnh của Đảng được nhân lên gấp bội, ý nghĩa sức sống của Đảng càng trường tồn, giá trị dân tộc và thời đại mà Đảng đem lại thật hết sức lớn lao. Trong di chúc của mình, Hồ Chí Minh đã từng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải có kế hoạch thật tốt đẹp để phát triển kinh tế và văn hoá, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, nếu xa rời tổ chức, xa rời nhân dân thì Đảng sẽ ngày càng thoái bộ: "Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị và quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học hỏi để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng, của nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân". Biện chứng của sự gắn bó thống nhất giữa Đảng và nhân dân là cội nguồn của mọi thành công của Đảng. Xa rời nguyên tắc thống nhất này thì Đảng sẽ mắc bệnh quan liêu, xa rời nhân dân, mất đoàn kết, sự thống nhất bị rạn nứt, sa vào cá nhân chủ nghĩa. Nguyên tắc đó là gốc rễ của mọi thắng lợi của Đảng và dân tộc ta.
Sức mạnh của Đảng không phải chỉ lòng nhiệt tình cách mạng mà còn biểu hiện ở trình độ trí tuệ cao. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh là người nắm bắt được vai trò của Đảng trước hết ở năng lực trí tuệ, nhận thức được quy luật vận động của lịch sử xã hội, của thời đại, để lãnh đạo nhân dân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Song, để có tầm nhìn trí tuệ xứng đáng với tầm vóc của một Đảng cách mạng và khoa học, thì phải học tập lý luận, học tập chủ
nghĩa Mác- Lênin. Học thuyết chủ nghĩa Mác-Lênin là ngọn đèn pha soi sáng con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh. Người thường căn dặn lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng tùng như nhắm mắt mà đi. Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng một mắt sáng, một mắt mù. Bất kỳ ở hoàn cảnh nào, đảng viên và cán bộ cần phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập để nâng cao trình độ văn hoá, tri thức và chính trị của mình. Với Hồ Chí Minh, lý luận cách mạng là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Không có lý luận thì không nắm bắt được quy luật, không nhận thức một cách tự giác toàn bộ hoạt động của mình, điều đó cũng có nghĩa là rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm, mò mẫm, mù quáng trong hành động.
Lênin đã từng chỉ ra rằng: Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng. Lý luận cách mạng chính là hệ tư tưởng, là thực chất của triết học trong tư tưởng Hồ Chí Minh để vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam. Người nhấn mạnh rằng: "Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác-Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác- Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng. Trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế. Thống nhất giữa lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông". Hồ Chí Minh với tri thức uyên bác, đã từng tiếp cận lý luận khoa học phương Đông, phương Tây, tiếp cận chủ nghĩa Mác-Lênin nên hiểu rất rõ vai
trò của lý luận, vai trò định hướng cho thực tiễn, hướng dẫn thực tiễn hành động. Sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa Mác-Lênin thực chất cũng là sự thống nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, một sự thống nhất trọn vẹn cả nhận thức và hành động. Đó chính là điểm sáng trong sự sáng tạo Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng.
Ở Hồ Chí Minh, tính biện chứng của quan niệm về lý luận của Người thống nhất cả hai mặt thế giới quan và nhân sinh quan. Triết lý về xây dựng Đảng, theo Hồ Chí Minh, không phải chỉ là lập luận phương pháp, cách thức hành động, mà cao hơn còn là nhân cách người cộng sản, đạo làm người cách mạng. Với ý nghĩa đó, triết lý nền tảng của đạo đức cách mạng trong mỗi đảng viên cộng sản. Người khẳng định rằng: "Có học lý luận Mác- Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm tốt công tác Đảng giao phó cho mình"[13,247].
- Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng còn đòi hỏi người đảng viên, cán bộ phải học tập, rèn luyện toàn diện về lý luận, văn hoá, khoa học, kỹ thuật. Sự nghiệp xây dựng xã hội mới đặt ra yêu cầu con người toàn diện. Hồ Chí Minh đã nắm bắt được nhu cầu tất yếu đó của thực tiễn cách mạng, và chỉ ra rằng: "Muốn có lập trường vô sản vững chắc thì đảng viên phải có ý thức giai cấp, đồng thời phải chịu khó học tập lý luận Mác- Lênin, học tập đường lối chính sách của Đảng; đồng thời phải học tập văn hoá, kỹ thuật và nghiệp vụ"[15,354]. Hai lĩnh vực lý luận Mác- Lênin và khoa học, từ trong thực chất, rất thống nhất với nhau, tác động biện chứng, liên hệ nhuần nhuyễn với nhau. Bởi lẽ, triết học là phương pháp luận, đem lại tri thức khái quát về mọi lĩnh vực, còn tri thức khoa học đặt cơ sở cho sự phát triển của triết học. Trong thực chất cách mạng và khoa học đó, tư tưởng Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh mối liên hệ tất yếu có tính quy luật của các lĩnh vực tri thức, cũng như tính quy luật của sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong xây dựng Đảng. Bản chất của cách mạng và khoa học là sự sáng tạo. Không sáng tạo thì không phải khoa học. Đảng Cộng sản Việt Nam, phát triển theo tư tưởng Hồ
Chí Minh, vì đó là mẫu mực của sự vận dụng sáng tạo lý luận khoa học vào thực tiễn cách mạng. Bản chất của triết học là sáng tạo, tư tưởng triết học Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng lại càng biểu hiện một cách đầy đủ và tập trung nhất bản chất sáng tạo đó.
Người đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên rằng: học tập lý luận, học tập tri thức thì không phải giáo điều, cứng nhắc mà cần phải hiểu bản chất của câu chữ; từ đó vận dụng vào cuộc sống một cách linh hoạt và phù hợp với hoàn cảnh đất nước và dân tộc Việt Nam. Chính nhờ tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo lý luận Mác- Lênin để đưa dân tộc Việt Nam tới đỉnh cao của sự thắng lợi.
Như vậy, triết lý về xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, theo Hồ Chí Minh không phải chỉ lập luận phương pháp luận, phương thức hành động, mà cao hơn là hình thành nhân cách người Cộng sản cho các thành viên của Đảng, giáo dục đạo làm cách mạng. Bản chất cách mạng khoa học của Đảng Cộng sản đòi hỏi cán bộ, đảng viên của tổ chức đó phải vươn tới đỉnh cao của đạo đức và văn minh nhân loại.