Điều trị hệ thống hạch cổ

Một phần của tài liệu Xây dựng các bước sử dụng xanh toluidin trong chẩn đoán ung thư miệng (Trang 27 - 31)

Các phương thức điều trị hạch cổ: - Điều trị bằng tia xạ với liều 50Gy.

- Điều trị bằng phẫu thuật: Vét hạch cổ: 4 phương pháp: + Vét hạch tiệt căn

+ Vét hạch tiệt căn có cải tiến (vét hạch chức năng) + Vét hạch chọn lọc: chỉ vét một hoặc vài nhóm hạch. + Vét hạch cổ họng: vét hạch, đầy đủ, rộng rãi.

1.7.2. Điều trị u nguyên phát

Tuỳ theo vị trí tổn thương, điều trị u nguyên phát khác nhau về phương pháp cụ thể song đều chung một số nguyên tắc:

+ Điều trị phẫu thuật hoặc xạ trị áp sát với tổn thương nhỏ, khu trú. + Điều trị phẫu thuật rộng hoặc xạ trị hậu phẫu tuỳ tổn thương sau mổ với tổn thương lan tràn, còn chỉ định mổ.

+ Tùy loại u, tuỳ giai đoạn, có thể kết hợp điều trị hoá chất toàn thân hoặc theo đường động mạch.

+ U xâm lấn vào xương: Nếu có thể phẫu thuật được, điều trị hoá chất trước (ưu tiên hoá chất động mạch), sau đó phẫu thuật rộng và tạo hình [17], [22].

1.7.2.1.Xạ trị:

Xạ trị là phương pháp điều trị cơ bản, chủ đạo nhất trong điều trị các UTBM khoang miệng giai đoạn không có chỉ định phẫu thuật nhất là ở hoàn cảnh cũng như đặc điểm bệnh học ở nước ta [17].

* Mục đích và chỉ định của xạ trị:

- Điều trị tiệt căn: thường chỉ định cho những tổn thương ung thư còn khu trú, bệnh ở giai đoạn tương đối sớm còn có thể chữa khỏi được.

- Điều trị bổ trợ: Chỉ định trong các trường hợp khối u T3, T4; diện cắt tiếp cận; có di căn hạch cổ; hạch phá vỡ vỏ; xâm lấn xương, bạch mạch, dây chằng hoặc xung quanh thần kinh.

- Điều trị tạm thời: với những ung thư đầu cổ ở giai đoạn quá muộn, không còn khả năng chữa khỏi, việc xạ trị tạm thời có ý nghĩa xã hội và nhân văn lớn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân (chống đau, giảm sự chèn ép, chống chảy máu) [22].

* Kỹ thuật xạ trị:

- Xạ trị từ xa: chiếu chùm tia bức xạ được tạo ra từ một nguồn xạ vào vùng tổn thương trên cơ thể người bệnh. Kỹ thuật này được chỉ định cho hầu hết các loại ung thư nói chung ở mọi giai đoạn vì vậy được coi là phương pháp cơ bản, sử dụng trước tiên để điều trị bệnh.

- Xạ trị áp sát: dùng các nguồn phát xạ tới một khoảng cách ngắn và có độ suy giảm nhanh. Nó có vai trò quan trọng trong việc phối hợp với xạ trị từ ngoài để điều trị ung thư. Kỹ thuật này đặc biệt cần thiết với các trường hợp

có phân loại mô bệnh học thuộc loại kém nhạy cảm với xạ trị hoặc những trường hợp bệnh còn sót lại hoặc tái phát sau điều trị.

* Các biến chứng do xạ trị:

Xạ trị luôn gây các biến chứng cho bệnh nhân tùy thuộc vào loại tia phóng xạ, liều lượng chiếu xạ cũng như kỹ thuật thực hiện trên từng trường hợp.

Biến chứng cấp tính của xạ trị bao gồm viêm niêm mạc, phản ứng da, mất vị giác và nuốt nghẹn.

Biến chứng muộn của xạ trị là xơ hóa và phì đại tổ chức da, tổ chức phần mềm, hoại tử xương và khít hàm. Khô miệng thường xảy ra trong quá trình xạ trị và kéo dài dai dẳng nhưng biến chứng này có thể hạn chế bằng kỹ thuật xạ trị IMRT. Khô miệng cũng làm nặng thêm các biến chứng khác như nuốt khó hay sâu răng.

Các biến chứng này cũng là lý do vì sao trong giai đoạn sớm phẫu thuật là phương pháp được ưa chuộng hơn [22], [41], [42].

1.7.2.2. Hóa trị:

Hoá chất có thể làm giảm khối lượng của u nguyên phát, làm cho việc điều trị phẫu thuật hoặc xạ trị về sau được dễ dàng hơn.

Hoá trị bổ trợ trước là điều trị hoá chất trước phẫu thuật hoặc xạ trị nhằm mục đích thu nhỏ tổn thương để phẫu thuật và xạ trị thuận lợi hơn. Hoá trị bổ trợ trước đem lại tỷ lệ đáp ứng tại chỗ cao (75-85%), nâng cao khả năng dung nạp thuốc cho người bệnh, giảm tỷ lệ kháng thuốc và ngăn ngừa di căn xa xuất hiện sớm.

Hoá trị liệu trước phẫu thuật thường áp dụng cho ung thư giai đoạn muộn. Việc áp dụng phương pháp này trong bảo tồn cơ quan vẫn đang được nghiên cứu [17], [22], [45].

1.7.2.2. Điều trị phẫu thuật:

Phẫu thuật là phương pháp chính trong điều trị ung thư miệng, lấy đi toàn bộ tổn thương cùng với hệ thống hạch. Xạ trị cũng mang một ý nghĩa quan trọng là điều trị triệt căn ở giai đoạn sớm và phối hợp hiệu quả với phẫu thuật để nâng cao hiệu quả kiểm soát tại chỗ tốt nhất cho bệnh nhân. Mặc dù tia xạ có thể được sử dụng để kiểm soát bệnh tương tự như phương pháp phẫu thuật nhưng những tác dụng phụ nó để lại nặng nề hơn so với phương pháp phẫu thuật trong hầu hết các trường hợp. Giai đoạn muộn việc lựa chọn phương pháp nào đầu tiên phải được cân nhắc và phải phối hợp các phương pháp điều trị để nâng cao hiệu quả. Ở giai đoạn I và II của ung thư miệng phương pháp phẫu thuật đơn thuần thường được áp dụng, ở giai đoạn muộn III và IV cần phối hợp nhiều phương pháp. Ung thư môi thường được chẩn đoán ở giai đoạn sớm do vậy hầu hết được điều trị bằng phẫu thuật, ung thư lưỡi và sàn miệng thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn và di căn sớm hơn nên thường phối hợp nhiều phương pháp điều trị [22].

Ngày nay, ngoài phẫu thuật lấy rộng khối u và nạo vét hạch cổ, vai trò của phẫu thuật tạo hình sau phẫu thuật điều trị khối u nguyên phát cũng rất quan trọng. Phẫu thuật tạo hình giúp phẫu thuật viên cắt rộng tổn thương đúng mức nhằm cản thiện tiên lượng sống còn và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân nhờ vào việc phục hồi chức năng và thẩm mĩ. Phẫu thuật khối u nguyên phát có vét hạch cổ thường gặp trong điều trị ung thư lưỡi, phẫu thuật cắt khối u nguyên phát không kèm theo vét hạch cổ hay gặp ở các vị trí như môi, vòm miệng cứng. Phẫu thuật tạo hình sau cắt u nguyên phát được áp dụng nhiều ở các vị trí như môi, má và sàn miệng [17], [37].

Bên cạnh ba phương pháp điều trị truyền thống hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ xuất hiện các hướng điều trị mới với: liệu pháp Gens, hocmon, quang liệu pháp, miễn dịch… ngày càng mở rộng khả năng điều trị, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

CHƯƠNG 2

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Xây dựng các bước sử dụng xanh toluidin trong chẩn đoán ung thư miệng (Trang 27 - 31)