Các giải pháp về quản lý

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng ô nhiễm và đề xuất các giải pháp bảo vệ, phát triển bền vững nguồn nước sông sặt trên địa bàn tỉnh hải dương (Trang 75 - 77)

(1) Rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản cụ thế hóa các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp với điều kiện của tỉnh, xây dựng chính sách khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư vào công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông Sặt. Phân công nhiệm vụ bảo vệ môi trường cho các cấp, các ngành theo chức năng, địa bàn quản lý. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong các thủ tục cấp phép và thẩm định về môi trường, đặc biệt là trong khâu xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, cấp phép xả thải và cấp phép khai thác nước.

(2) Tiếp tục tăng cường năng lực trang thiết bị quan trắc, giám sát môi trường; mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường; duy trì thực hiện chương trình quan trắc giám sát hiện trạng môi trường định kỳ. Thiết lập mạng lưới quan trắc môi trường nước tự động tại các khu vực tập trung nhiều nguồn thải gây ô nhiễm môi trường. Nên sử dụng mô hình phân vùng chất lượng nước sông khi lập báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh để cung cấp thông tin cho cộng đồng hiểu được môi trường sống xung quanh và là cơ sở để các nhà quản lý đưa ra quyết định, chiến lược bảo vệ môi trường nước, kịp thời xử lý các sự cố, các vấn đề môi trường trên địa bàn, qua đó có thể theo dõi được diễn biến chất lượng nước của các dòng sông, từ đó khoanh vùng, quy hoạch những khu vực chịu tác động bởi nước thải và chất thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt, để từ đó đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn nước phù hợp và có thể phân loại mục đích sử dụng nguồn nước đối với từng đoạn sông.

(3) Cần tăng cường biên chế cán bộ và đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành luật bảo vệ môi trường. Bố trí cán bộ chuyên trách về công tác bảo vệ môi trường ở địa phương (huyện, xã); Cần quy định việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép xả thải vào nguồn nước tập trung về một đầu mối trực thuộc UBND tỉnh là Sở Tài nguyên và Môi trường. Sửa đổi bổ sung các văn bản quy định mức phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước cho phù hợp.

(4) Hàng năm ra soát và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường và công tác quản lý sau đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát sau đánh giá tác động môi trường, bởi vì có nhiều doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, do đó tỉnh cần có các biện pháp, cơ chế thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện kiểm soát ô nhiễm và báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt như: cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường và tổ chức thanh kiểm tra các cơ sở định kỳ 6 tháng/lần hoặc 1 năm/lần; dán nhãn môi trường lên sản phẩm của các cơ sở sản xuất tuân thủ tốt các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt các quy định bảo vệ môi trường.

(5) Giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân dọc hai bờ sông, trong các doanh nghiệp, các cơ quan đơn vị hành chính, chính quyền, đoàn thể. Hiện nay công tác giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức về môi trường cho cán bộ quản lý các cấp, các ngành và trong cộng đồng đã được quan tâm hơn, tuy nhiên các hình thức tuyên truyền chưa rộng, chưa sâu tới các doanh nghiệp và nhân dân. Các khóa tập huấn mới chủ yếu là nâng cao trình độ cho cán bộ môi trường cấp xã, huyện, tỉnh. Cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông như mít tinh, cổ động phong trào, phát động dọn vệ sinh môi trường trong toàn dân không chỉ vào những ngày kỷ niệm Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường; ngày môi trường thế giới 5/6; ngày làm cho thế giới

sạch hơn… mà có thể thực hiện hàng tháng, hàng quý nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân và trong các doanh nghiệp, chính quyền, đoàn thể… Đồng thời kết hợp với hình thức tuyên truyền bằng báo trí, đài phát thanh, truyền hình, pano, áp phích… giúp cộng đồng nhận thức rõ hơn về công tác bảo vệ môi trường.

(6) Tăng cường kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, kiểm tra việc sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Ưu tiên bố trí kinh phí cho các dự án xử lý chất thải lưu vực sông Sặt, thu hút các nguồn lực bảo vệ môi trường trong và ngoài nước, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính của Quỹ bảo vệ môi trường.

(7) Để sử dụng và bảo vệ bền vững nguồn nước mặt của sông Sặt, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Hải Dương, đề xuất đối với tất cả các nguồn thải vào sông Sặt sau khi xử lý phải đạt mức B của QCVN 40:2011/ BTNMT trước khi thải vào sông Sặt và kiểm soát chất lượng nước sông Sặt hàng năm áp mức A2 của QCVN 08:2008/BTNMT.

(8) Việc kiểm soát chất lượng nước sông Sặt hàng năm theo chương trình hiện trạng môi trường tỉnh Hải Dương cần tăng số điểm quan trắc từ 3 điểm lên tối thiểu là 10 điểm, trong đó cần quan trắc các điểm trước và sau các cửa xả chính của các khu công nghiệp (Đại An, Tân Trường, Phúc Điền) và cửa xả nước thải của thành phố vào sông Sặt, sử dụng thiết bị quan trắc tự động trên sông Sặt để theo dõi tốt hơn diễn biến chất lượng nước sông Sặt, phát hiện kịp thời những biến đổi không mong muốn đối với chất lượng nước sông Sặt.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng ô nhiễm và đề xuất các giải pháp bảo vệ, phát triển bền vững nguồn nước sông sặt trên địa bàn tỉnh hải dương (Trang 75 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)