Chúng ta đều biết, môi trường bị ô nhiễm là môi trường hàm chứa một hay nhiều chất ô nhiễm có nồng độ vượt quá giới hạn tối đa cho phép được quy định trong tiêu chuẩn/quy chuẩn môi trường. Mức độ ô nhiễm cao hay thấp của một chất nào đó thường được xác định theo tỷ lệ giữa nồng độ chất ô nhiễm thực tế và trị số nồng độ cho phép. Như vậy, để đánh giá chất lượng môi trường là tốt hay xấu phải dựa vào các tiêu chuẩn/quy chuẩn cho phép nồng độ tối đa của một chất trong môi trường; Và để đánh giá mức độ của ô nhiễm môi trường hay để phân loại chất lượng môi trường giữa các vùng/miền, giữa các quốc gia trên thế giới, người ta thường sử dụng “Chỉ số chất lượng môi trường” (Environment Quality Index - EQI).
Đồng thời, để xây dựng bản đồ môi trường và bản đồ hiện trạng ô nhiễm/chất lượng môi trường phục vụ cho công tác đánh giá hiện trạng tác động và quy hoạch môi trường thì điều quan trọng nhất là phải thiết lập các phương pháp đánh giá chất lượng môi trường.
Chỉ số chất lượng môi trường (EQI) về trước năm 1990 thường dùng nhiều là các chỉ số chất lượng môi trường đối với từng thông số ô nhiễm (chất ô nhiễm)
riêng biệt (EQIi), sau đó đã phát triển mạnh các EQI chung hay tổng quát, tổng hợp
cho nhiều chất ô nhiễm đặc trưng của mỗi môi trường xác định, như là AQI đối với môi trường không khí, WQI cho môi trường nước mặt hay môi trường nước biển ven bờ SWQI, …
Dưới đây sẽ trình bày một tổ hợp các phương pháp truyền thống và các phương pháp chỉ tiêu tổng hợp đã và đang được áp dụng trên Thế Giới và ở Việt Nam để đánh giá riêng lẻ và tổng hợp về sự ô nhiễm/chất lượng môi trường nước mặt.[7]