Điều kiện tự nhiên [6], [13]

Một phần của tài liệu Tìm hiểu và đánh giá các hình thức nuôi tôm ở xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 30 - 35)

4.1.2.1. Địa hình

Xã có địa hình tương đối bằng phẳng, thấp từ Tây sang Đông, phía Đông giáp với Biển Đông Hải, vùng đầm phá làm cho một phần diện tích bị nhiễm mặn và đây cũng là điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Xã Quảng Công có tổng số 1261,43 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó có các loại đất chính như sau:

- Đất cát (haplic arenosols): Diện tích 313,5 ha chiếm 27,33% diện tích đất tự nhiên. Loại đất này được phân bố chủ yếu ở địa phận tiếp giáp phá Tam Giang, loại đất này ít có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp.

- Đất phù sa (fluvisol): Diện tích 30,4 ha chiếm 2,65% diện tích đất tự nhiên. Đất phù sa có diện tích không lớn và phân bố dọc sông, loại đất này rất có ý nghĩa cho sản xuất nông nghiệp và thực tế đã được người dân khai thác một cách triệt để vào sản xuất hoa màu, lương thực cũng như các cây công nghiệp ngắn ngày hàng năm bởi những đặc điểm khá ưu việt: tỷ lệ đạm, mùn trung bình đến khá, thành phần cơ giới thịt nhẹ đến trung bình, dễ thoát nước, địa hình bằng, tập trung.

- Đất biến đổi do trồng lúa (LP): Diện tích 561,5 ha chiếm 48,5% diện tích đất tự nhiên (đất thịt nặng). Đây là đất được hình thành do sản phẩm phong hoá đá mẹ khác nhau, được nhân dân địa phương cải tạo lâu đời nên hình thành các chân ruộng để sản xuất nông nghiệp. Loại đất này được phân bố hầu hết ở các vùng trong xã.

- Đất khác: Bao gồm mặt nước đầm phá, kênh mương, sông hồ và đất chuyên dùng... Tổng diện tích 241,6 ha chiếm 21,1 %.

4.1.2.3. Khí hậu thời tiết [13] a. Nhiệt độ

Nhiệt độ trung bình năm khoảng 25oC. Nhiệt độ cao nhất vào các tháng 5,6,7,8. Nhiệt độ cao nhất cao năm: 40,1oC . Nhiệt độ thấp nhất vào các tháng 12 và tháng 1, tháng 2 năm sau. Nhiệt độ thấp nhất: 10,2oC.

b. Lương mưa

Do vị trí ở vùng đồng bằng ven biển nên xã Quảng Công có lượng mưa thấp, số ngày mưa ngắn hơn so với vùng núi của tỉnh, lượng mưa trung bình năm khoảng 2550mm.

Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 và kết thúc vào tháng 2 năm sau. Đỉnh mưa dịch chuyển trong bốn tháng từ tháng 9 đến tháng 12, riêng tháng 11có lượng mưa nhiều nhất chiếm tới 30% lượng mưa cả năm.

c. Độ ẩm

Độ ẩm tương đối trung bình năm: 85 - 86%. Độ ẩm cao nhất là 89%. Tháng có độ ẩm cao nhất là tháng 9, tháng 10, tháng 11. Độ ẩm thấp nhất là 76%.

d. Bốc hơi

Lượng nước bốc hơi trung bình hàng năm là 977mm/năm. Lượng bốc hơi nhiều nhất từ tháng 5 đến tháng 8 (tháng 7 là 133mm), tháng có lượng bốc hơi nhiều nhất là tháng 2 cũng đạt 39,6mm.

e. Gió, bão, nắng

- Xã Quảng Công chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính:

+ Gió mùa Tây Nam: Bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8, tốc độ gió bình quân từ 2 - 3m/s có khi lên đến 7 - 8m/s. Mùa này gió thường khô nóng, bốc hơi nên khô hạn kéo dài.

+ Gió mùa Đông Bắc: Bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, tốc độ gió bình quân từ 4 -6m/s. Gió kèm theo mưa làm khí hậu lạnh ẩm dễ gây lũ lụt, ngập úng ở nhiều nơi.

- Bão thường xuất hiện từ tháng 8 đến tháng 10. Trong các trường hợp chịu ảnh hưởng của bão, lốc và gió mùa Đông Bắc, tốc độ gió có thể đạt trên 15m/s trong gió mùa Đông Bắc và 30m/s trong khi lốc bão.

- Số giờ nắng trung bình hàng năm: 2075 giờ/năm và số ngày nắng trung bình năm là 196 ngày.

4.1.2.4. Môi trường nước [6] a. Nước mặt

Quảng Công có hệ thống nước mặt không nhiều, đáng chú ý là sông Bồ, đây là nguồn nước mặt chủ yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trong xã. Sông này có chiều dài 12 km, đoạn chảy qua xã Quảng Công dài 6 km. Lưu vực của sông này có nhiều hói nước dẫn vào khu vực sản xuất

b. Nước ngầm

Theo quan sát thực tế từ các giếng đào cho thấy, nguồn nước ngầm ở Quảng Công tương đối lớn, độ sâu 4 - 6m có thể khai thác phục vụ sinh hoạt và cung cấp cho một số cơ sở công nghiệp nhỏ.

Về chất lượng nước cũng đáng quan tâm, đây là vùng ven biển phần lớn bị nhiễm phèn, mặn hoặc nhiễm bẩn do hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

4.1.2.5. Tài nguyên sinh học [4]

Quảng Công có trên 7 km bờ ven đầm phá Tam Giang và rộng trên 165 ha, đánh giá tài nguyên đầm phá của xã được xem xét trên hai khía cạnh:

- Tài nguyên thuỷ sản: Được đánh giá là xã có tài nguyên thuỷ sản đa dạng và sản lượng đánh bắt theo số liệu thực tế đến năm 2005 thì tổng sản lượng đánh bắt trên 28 tấn/năm đạt 0,34% so với toàn huyện.

Tài nguyên sinh vật thuỷ sinh đầm phá: Vùng đầm phá của xã có hệ sinh vật thuỷ sinh phong phú, là nguồn thức ăn đa dạng, tốt cho NTTS.

* Thuận lợi:

- Có lợi thế về vị trí và điều kiện tự nhiên: Nằm cách trung tâm huyện và thành phố Huế không xa thuận lợi cho xã trong việc trao đổi và tiêu thụ các hàng hóa nông sản, thủy sản, vật tư nông nghiệp và các ngành kinh tế khác phát triển cũng như việc tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại và thông tin thị trường.

- Điều kiện địa hình địa thế thuận lợi cho phát triển đa dạng nông nghiệp và thủy hải sản

- Trên địa bàn xã có nguồn nước khá dồi dào, không những đáp ứng cho sản xuất nông nghiệp mà còn phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản của vùng.

* Khó khăn:

- Xã nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa rõ rệt. Do lượng mưa phân bố không đều trong năm và thường bị hạn hán, úng lụt ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là nuôi trồng thủy hải sản và đời sống nhân dân ở xã.

- Mặc dù đất đai trên địa bàn xã khá đa dạng nhưng trong số đó vẫn còn các loại đất có lợi cho sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp. Đất cát chiếm tỷ lệ khá cao ít có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp và trong quá trình sản xuất nông nghiệp đất bị thoái hóa theo chiều hướng xấu đi rất nhiều.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu và đánh giá các hình thức nuôi tôm ở xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế (Trang 30 - 35)