Chân dung Pônti Pilát – quan toà

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong Đoạn đầu đài của Ts.Aitmatov luân văn thạc sĩ khoa học ngữ văn (Trang 44 - 50)

CHƯƠNG 2 HUYỂN THOẠI VỀ CHÚA TRỜI TRONG TRUYỀN THUYẾT

2.3. Chân dung Pônti Pilát – quan toà

Trong cốt truyện cổ đại của Đoạn đầu đài, bên cạnh việc tìm hiểu chân dung Giêsu – người tuẫn nạn, không thể không tìm hiểu chân dung Pônti Pilát – quan toà. Việc tìm hiểu chân dung Pônti Pilát, trong thế đối sánh với chân dung Giêsu, có vai trò quan trọng để ta hiểu thêm những sáng tạo nghệ thuật độc đáo của Aitmatov.

Trước hết, về mặt ngoại hình, nếu như Giêsu hiện lên trong dáng vẻ rách rưới, sợ sệt thì Pônti Pilát lại xuất hiện một cách hết sức tự tin, oai vệ: "Pônti Pilát đứng dậy và đi vào nội thất, vừa đi vừa sửa lại hai vai áo choàng rộng thùng thình. Trông ông ta xương xẩu, đầu to và hói, dáng đi oai vệ, tự tin

vào phẩm giá và quyền lực lớn lao của mình" [1/178]. Ở một đoạn khác, Aitmatov tả viên tổng đốc: "Ông ta đứng thẳng người lên dưới những vòm mái của góc sân Vòm Uốn, to lớn, đầu to, mặt lớn, ánh mắt cương nghị, trông uy nghi trong chiếc áo choàng trắng như tuyết" [1/200].

Vóc dáng bên ngoài của Pônti Pilát thật trái ngược trái Giêsu: một bên mạnh mẽ, một bên yếu đuối. Điều này có lẽ cũng thể hiện rõ ý đồ của Aitmatov, cái Thiện đẹp nhưng yếu đuối, trong khi cái Ác mạnh mẽ và đầy quyền uy.

Hành động của Pônti Pilát không được nhà văn miêu tả nhiều trong cuộc tranh luận của họ. Nhưng mỗi hành động đều mang thái độ hết sức tự tin, dứt khoát cao của kẻ mạnh – phó vương La Mã. Ngay cả trong lời nói, Pônti Pilát cũng thường xuyên "giận dữ cất cao giọng" [1/170], "chằm chằm nhìn Giêsu với vẻ giễu cợt" [1/170], rồi "thất vọng khoát tay" [1/171]...

Nhưng về mặt nội tâm, cũng giống như Giêsu, tâm hồn Pônti Pilát là một khối mâu thuẫn lớn. Ngay từ đầu, Pônti Pilát vừa muốn, vừa không muốn kết tội, vừa tự tin nhưng đồng thời cũng cảm thấy mất tự tin trước sức mạnh của niềm tin và thái độ “sẵn sàng chết” của Giêsu. Những cảm giác này tự nhân vật không thể nào giải thích nổi. Mở đầu buổi xét xử, ta thấy viên tổng đốc "đang trong tâm trạng hết sức bực bội và thật lạ lùng là ông ta bực bội trước hết với bản thân – với thái độ chậm chạp và do dự khó hiểu của ông ta. Ông ta chưa bao giờ như vậy trong quãng đời trước đây, khi ông ta phục vụ trong quân đội thường trực La Mã, và nhất là sau này, khi ông ta làm tổng đốc, Thực ra, kể cũng buồn cười thật: đáng lẽ mau chóng chuẩn y bản án của Viện trưởng lão và rũ đi những nhọc nhằn không cần thiết thì ông ta lại kéo dài cuộc hỏi cung, tiêu phí vào đấy cả thời gian lẫn sức lực..." [1/167].

Thái độ của viên tổng đốc đối với Giêsu mang tính nước đôi: vừa muốn xét xử dứt khoát, vừa tò mò, phân vân về con người kỳ quặc kia. "Viên

tổng đốc gán cho Giêsu những ý đồ mà trong thâm tâm chính ông ta ấp ủ mặc dù không hy vọng sẽ thực hiện được những ý đồ ấy. Chính điều này khiến ông ta giận dữ hơn cả, do đó kẻ bị kết án kia khiến ông ta vừa tò mò lại vừa căm ghét" [1/167].

Trong suốt cuộc tranh luận, tâm trạng, thái độ của Pônti Pilát thay đổi liên tục: khi nổi giận, khi nhún nhường, khi khinh bỉ, khi cảm phục. Điều đó vừa được thể hiện trong những lời đối đáp, vừa hiện lên trong những độc thoại nội tâm của Pônti Pilát. Chẳng hạn, trong những lời đối đáp, khi Giêsu khẳng định bổn phận của mình là truyền đạt lời của Đức Chúa Cha đến mọi người, Pônti Pilát vô cùng giận dữ, ông ta quát lên: " – Dù ngươi có đóng kịch như thế nào thì ta cũng nhìn thấu suốt được ngươi, - ông ta nói bằng một giọng không cho phép phản bác. – Đưa những lời lẽ của Cha ngươi đến mọi người thật ra có nghĩa là gì? Có nghĩa là làm rối loạn đầu óc và lừa bịp đám dân đen! Có nghĩa là xúi giục bọn dân đen gây rối loạn. Có lẽ ngươi cũng phải đem lời lẽ của cha ngươi đến cho ta nữa chứ, vì ta cũng là người mà!" [1/170].

Nhưng khi Giêsu nói với Pônti Pilát rằng ông ta chẳng cần đến chuyện đó, bởi vì đối với ông ta "quyền lực là Chúa Trời và lương tâm", Pilát ngay lập tức dịu giọng: "– Đúng, không có gì cao quý hơn quyền lực của La Mã. Ta hy vọng là ngươi muốn nói như vậy đấy chứ?

- Thưa ngài, đó là ngài nghĩ như vậy.

- Những người thông minh bao giờ cũng nghĩ như vậy, - viên tổng đốc độ lượng sửa lại câu nói của Giêsu" [1/170].

Con người tinh thần của Pônti Pilát dường như đã tách làm hai: "Vậy mà cái gã Giêsu kia, cái gã khăng khăng bám lấy đạo thuyết của mình và định san bằng mọi người, từ hoàng đế cho đến tên nô lệ, bởi vì theo lời hắn thì Chúa Trời là duy nhất và mọi người đều bình đẳng trước Chúa, - cái tên Giêsu

ấy lại khẳng định: Vương quốc chính nghĩa sẽ đến với mọi người. Hắn làm rối loạn đầu óc kẻ khác, kích động bọn hạ lưu, định sắp đặt lại thế giới theo kiểu riêng của mình. Và kết quả ra sao? Vẫn đám đông ấy về sau đã đánh đập gã và nhổ vào mặt gã, cái tên giả mạo tiên tri, cái tên lừa bịp và dối trá ấy... Tuy nhiên, hắn là con người như thế nào nhỉ? Mặc dù tình thế hết sức tuyệt vọng, hắn vẫn xử sự cứ như kẻ chịu thất bại không phải là hắn mà là người kết án hắn..." [1/179]. Đây là những lời nói thể hiện quyền lực của Pônti Pilát, nhưng cũng là lời tâm sự của một kẻ từng trải, thấu hiểu thực tế, ý thức rõ về sự phức tạp của cuộc sống, mâu thuẫn giữa khát vọng và khả năng, và sự hữu hạn, bé nhỏ của kiếp người : "Nhưng Giêsu ạ, dù ngươi có tiên đoán thế nào chăng nữa thì những nỗ lực của ngươi đều vô ích. Thế giới là các chính quyền điều khiển thì không thể khác được. Trước kia nó sắp đặt ra sao thì sau này vẫn sẽ như thế: kẻ nào mạnh hơn thì nắm quyền hành và những kẻ mạnh sẽ còn tiếp tục thống trị thế giới. Trật tự đó là bất biến như sao trên trời vậy. Không một ai có thể di chuyển chúng đi chỗ khác. Ngươi lo lắng cho loài người chỉ hoài công thôi, ngươi chẳng thu được kết quả gì đâu khi sẵn sàng cứu vớt loài người bằng tính mạng của mình..." [1/194].

Những lời nói này của Pônti Pilát đã khiến cho Giêsu nhận thức được sự yếu đuối, bất lực trong sức mạnh của lòng tốt. Sức mạnh ấy như một ảo tưởng, đẹp nhưng không tồn tại trong một thế giới phi lý và đầy bất công này. Muốn cải tạo thế giới, cứu vớt con người không thể chỉ dùng sức mạnh của lòng tốt và niềm tin. Khi Giêsu kể với Pônti Pilát những tâm sự của mình vào đêm trước ở Hepximania, ông đã cho thấy những mâu thuẫn, những giằng xé dữ dội trong tâm hồn ông về những tín điều, về con đường mình đã chọn, về cái chết đang đến... "Cặp mắt trong xanh của Giêsu tối thẫm lại, ông đã khóa chặt cánh cửa tâm hồn mình" [1/199]. Cuộc đối thoại kỳ lạ ấy khép lại trong quang cảnh, khi cái Thiện đang bị đọa đày: "đội kỵ binh đông đảo đang áp tải

một người bị trói chặt như một tên tội phạm nguy hiểm, đấy là con người đã cùng Pônti Pilát, viên toàn quyền khắp cõi Giuđê, chuyện trò lâu như vậy. Cuộc tranh luận khép lại trong một kết thúc mở, tùy vào cách cảm nhận của người đọc. Pônti Pilát là người cắt đứt sợi dây định mệnh mỏng manh của Giêsu, hay chính Giêsu tự tìm đến cái chết để đi vào bất tử, vào huyền thoại của chính mình? Aitmatov đã đưa ra gợi ý trả lời cho câu hỏi này trong cuộc trò chuyện, tranh luận giữa Apđi Calixtơratov với anh bạn Víchto và Cha Phối hợp Đmitơri, song mức độ thoả đáng hay không còn phụ thuộc vào quan điểm, chính kiến của mỗi người.

Như vậy, thông qua những đặc điểm về ngoại hình, hành động, lời nói và nội tâm, chúng ta thấy hiện lên rất rõ trong tác phẩm chân dung viên tổng đốc Pônti Pilát. Đây là nhân vật tượng trưng cho sức mạnh, cho quyền lực, cho tư tưởng về cái Ác. Nhưng bản thân hình tượng này hấp dẫn và sinh động ở chỗ: nó mang tính lưỡng phân, lấp lửng, vô cùng phức tạp của những biến chuyển nội tâm. Đặt trong thế đối sánh với hình tượng Giêsu, cả hai hình tượng nhân vật này đều mang tính biểu tượng sâu sắc. Cuộc tranh luận giữa hai nhân vật, do đó, cũng mang tính biểu tượng, thể hiện sự đối kháng giữa hai luồng tư tưởng, đồng thời, thể hiện khả năng sáng tạo nghệ thuật của Aitmatov.

Tiểu kết

Sáng tạo lại cốt truyện cổ đại, Aitmatov đã thể hiện rõ những cách tân táo bạo mang dấu ấn của một quan điểm, một cái nhìn mới mẻ, song không làm mất đi giá trị của một huyền tích đã tồn tại ngót hai nghìn năm. Chân dung Giêsu – kẻ tuẫn nạn và Pônti Pilát – quan toà không những không bị biến dạng mà dường như chân thực, gần gũi hơn. Câu chuyện về Chúa Trời trong truyền thuyết được kể lại này vừa góp phần làm sáng tỏ thêm những

điều còn bí ẩn về cha đẻ của đạo Thiên Chúa trong quá khứ, vừa giải thích cho sự tiếp nối, gần như trùng lặp của những con người, sự kiện hiện tại.

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong Đoạn đầu đài của Ts.Aitmatov luân văn thạc sĩ khoa học ngữ văn (Trang 44 - 50)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w