Cốt truyện cổ đạ

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong Đoạn đầu đài của Ts.Aitmatov luân văn thạc sĩ khoa học ngữ văn (Trang 32 - 39)

CHƯƠNG 2 HUYỂN THOẠI VỀ CHÚA TRỜI TRONG TRUYỀN THUYẾT

2.1. Cốt truyện cổ đạ

Trước hết, có thể thấy rằng: huyền thoại về Chúa Trời trong Đoạn đầu đài gắn liền với cốt truyện cổ đại. Đấy là cốt truyện về Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây thập tự, về cuộc đối thoại giữa Giêsu và viên tổng đốc Pônti Pilát. Chính cốt truyện này đã làm nền cho kết cấu của tác phẩm, và bản thân nó là một trong những tuyến truyện của tiểu thuyết (cùng với tuyến truyện về loài sói, tuyến truyện về anh chàng Apđi, tuyến truyện về gia đình Bôxtôn). Theo Từ điển thuật ngữ văn học, cốt truyện là "hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành một bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch" [16/88]. Và "cốt truyện vừa góp phần bộc lộ có hiệu quả đặc điểm mỗi tính cách, tổ chức hệ thống tính cách, lại vừa trình bày một hệ thống sự kiện phản ánh chân thực xung đột xã hội, có sức mạnh lôi cuốn và hấp dẫn người đọc" [16/88]. Từ điển 150 thuật ngữ văn học do Lại Nguyên Ân biên soạn cũng nhấn mạnh: "Cốt truyện là sự phát triển hành động, tiến

trình các sự việc, các biến cố trong tác phẩm tự sự và kịch, đôi khi cả trong tác phẩm trữ tình" [5/112].

Hiểu cốt truyện gắn với một nội hàm như vậy, chúng tôi thấy rằng: cốt truyện cổ đại trong tiểu thuyết Đoạn đầu đài của Aitmatov có vai trò to lớn trong việc thể hiện những tư tưởng, quan niệm của tác giả; đồng thời, nó có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với hoạt động tiếp nhận của bạn đọc. Mỗi nhà văn và mỗi độc giả khi tiếp cận với cốt truyện cổ đại về Chúa Trời đều có cách cảm nhận, cách lý giải của riêng mình. Đó là hiệu ứng được tạo nên bởi tính chất huyền thoại xuyên thấm vào trong cốt truyện của cuốn tiểu thuyết.

Chúng tôi gọi cốt truyện trong cuốn tiểu thuyết này là cốt truyện cổ đại, vì nó bao gồm các chi tiết, sự kiện được ghi chép trong Kinh Thánh (Tân Ước). Nói cụ thể hơn, đó là cốt truyện được lấy lại từ bốn cuốn Phúc âm nói về "Sự đau đớn, chết và sống lại của Đức Chúa Giêsu". Các sách Phúc âm của Mathiơ, Mác, Luca, Giăng đều ghi chép lại câu chuyện về việc tuẫn nạn của Chúa. Dựa trên cơ sở đó, Aitmatov đã viết lại câu chuyện của riêng mình, để thể hiện những vấn đề của tư tưởng và cuộc sống. Qua đó, ông cũng dựng lại một huyền thoại về Chúa Trời, biểu hiện qua lớp ngôn từ và hình tượng trong cuốn tiểu thuyết.

Đến đây, chúng tôi lại nhớ đến lời giới thiệu tác phẩm Chuyện Kinh Thánh của văn hào Pearl Buck (1892-1973): "Có thể đọc Kinh Thánh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước theo nhiều cách. Đối với một số người, Kinh Thánh lập thành những lời giảng dạy thiêng liêng. Đối với một số người khác, Kinh Thánh là tác phẩm văn chương thuần khiết nhất mà chúng ta có trong ngôn ngữ nước nhà. Đối với một số người khác nữa, Kinh Thánh là một bản tóm tắt sự hiểu biết về bản chất con người trong khổ đau, phấn chấn và hân hoan" [7/5].

Mặc dù hầu hết các chi tiết, sự kiện trong câu chuyện lịch sử chỉ dài 37 trang (từ trang 165 đến trang 201) nằm ở phần Hai của tiểu thuyết này trùng lặp với các chi tiết, sự kiện được ghi trong Kinh Thánh, nhưng Aitmatov không kể lại Chuyện Kinh Thánh như Pearl Buck, cũng không nhấn mạnh cuộc đối đầu “bất khả tương dung” giữa cái thiện và cái ác, giữa quyền lực và đức tin, giữa sự dối trá và chân thành như M.Bulgakov (1891-1940), M.O.Silva… và nhiều nhà văn khác đã làm. “Cái gì phải xảy ra thì cứ để nó xảy ra”, quan niệm này của Giêsu (và cũng là của Aitmatov) gần gũi với thực tế hơn là một mệnh đề triết học hay một lời tiên tri giàu ẩn ý.

Song hiển nhiên, so sánh cốt truyện cổ đại trong Đoạn đầu đài và cốt truyện trong Kinh Thánh, chúng ta thấy có nhiều nét khác biệt. Kinh Thánh là một kinh sách, gắn liền với tín ngưỡng, với niềm tin, câu chuyện về cuộc tuẫn nạn của Chúa kể lại trong bốn cuốn Phúc âm được xem như những tín điều. Trong khi đó, ở tiểu thuyết Đoạn đầu đài, cốt truyện cổ đại ấy đã mang màu sắc hư cấu, gắn liền với việc thể hiện rõ tư tưởng, ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Diễn biến của các sự kiện, sự việc trong Kinh Thánh chủ yếu được trần thuật lại một cách khách quan, theo trình tự thời gian, hầu như không có sự can thiệp của yếu tố chủ quan. Chúng ta hãy xem một đoạn tiêu biểu trong Phúc âm: "Đức Chúa Jêsus đứng trước quan tổng đốc, quan hỏi rằng: Có phải ngươi là Vua của dân Giuđa không? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời. Trong lúc các thầy tế lễ cả và trưởng lão kiện Ngài, Ngài không đối đáp gì hết. Philát bèn nói cùng Ngài rằng: Họ có nhiều điều làm chứng kiện ngươi, ngươi há không nghe đến sao? Song Đức Chúa Jêsus không đáp lại một lời gì, đến nỗi làm cho quan tổng đốc lấy làm lạ lẫm" [26/31]. Hay như đoạn khác trong Phúc âm Luca: "Philát gạn Ngài rằng: Chính ngươi là Vua dân Giuđê phải không? Đức Chúa Giêsu đáp rằng: Thật như lời" [26/86].

Đoạn đầu đài của Aitmatov là một tác phẩm văn học, cũng như nhiều các nhà văn khác lấy huyền tích Giêsu tuẫn nạn để chuộc lỗi cho chúng sinh làm đề tài, câu chuyện lịch sử cổ đại được tái hiện với nhiều hư cấu, được xem xét từ nhiều khía cạnh, với nhiều giả thuyết. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không phải là sự xuyên tạc hay làm sai lạc lịch sử, cho dù hình ảnh Chúa Giêsu trong Đoạn đầu đài có thể đã bị “giải thiêng”. Ông xuất hiện trong hình ảnh không phải trang nghiêm, thần thánh mà gắn liền với nỗi sợ hãi: "Vầng trán nhợt nhạt của Giêsu ướt đẫm mồ hôi. Nhưng ông không lấy tay lau đi cũng như không lau đi bằng ống tay áo rách nát của tấm áo choàng – ông không còn bụng dạ nào để ý đến chuyện đó. Nỗi lo sợ khiến cơn buồn nôn cứ trào lên cổ, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt và nhỏ giọt xuống những viên đá hoa cạnh đôi chân gầy guộc hằn rõ những đường gân xanh" [1/171 – 172]. Không những thế, những lời nói của Chúa Giêsu hiện lên đầy ảo tưởng, không gắn với thực tế. Giêsu của Aitmatov không phải là một Đấng Cứu thế toàn năng có nhiều phép nhiệm màu. Cuộc đối thoại giữa Giêsu và Pônti Pilát cũng không phải là cuộc đối đầu một mất một còn giữa hai tư tưởng, giữa quyền lực và đức tin, giữa cái ác và cái thiện, cho dù các vấn đề ấy là nội dung chính của cuộc tranh luận của họ. Giêsu và Pônti Pilat của Aitmatov, cũng giống Iesua Ha- Not'xri và Pônti Pilat trong Nghệ nhân và Margarita

của M.Bulgakov, trước hết là những con người, được xem xét như là những bi kịch của tình thế, hoàn cảnh. Vị thế cũng như tâm thế tranh luận, đối thoại của hai nhân vật trong hai tác phẩm này có thể nói là ngang bằng, trong khi bối cảnh, tình thế thì rõ ràng khác biệt. Sự thẳng thắn bày tỏ quan điểm, thiện chí và sự cân nhắc, khao khát và sự bất lực... làm nên chân dung mới cho hai nhân vật này, và đó cũng là sáng tạo của tác giả. Chúng tôi tán thành nhận định của Vũ Công Hảo khi bàn về vấn đề môtip trong tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita và cũng nhận thấy những nét tương đồng như thế trong mối

quan hệ giữa Giêsu và Pônti Pilat mà Aitmatov đã xây dựng: "Trên cơ sở mối quan hệ chính yếu Thiện - Ác, Tội lỗi và sự Tha thứ, sự Nhẫn tâm và lòng Nhân từ, Bulgakov đã đặt cả Pilat và Iesua vào các tình thế đối lập nhằm khai thác các khía cạnh của sự xung đột giữa ý thức trách nhiệm và tình người, giữa niềm vinh quang giả tạo và nỗi đau khổ, dằn vặt lương tâm. Nhà văn đã không lí giải kết cục số phận của hai nhân vật từ quan điểm duy tâm thần bí hay từ sự đối đầu tất yếu, không tránh khỏi của các qui luật có tính xã hội - lịch sử, mà từ lôgich phát triển biện chứng của các tính cách trong vận động sống. Đây chính là điểm khác biệt của Bulgakov khi xây dựng các nhân vật ác và lí giải mối quan hệ thiện - ác trong truyền thống so với Kinh Thánh và các tác giả khác từng khai thác đề tài này như S. Shepkin, M. Petrovski, A. Franc, M.O. Silva, Ts. Aitmatov…" [17]

Nếu so sánh cốt truyện cổ đại trong Đoạn đầu đài với cuốn tiểu thuyết

Và Hòn đá ấy đã trở thành Đấng Cứu thế của M.Otero Silva, ta lại có được những thu hoạch thú vị. M.Otero Silva là một trong những nhà văn lớn của Châu Mỹ La tinh ở thế kỷ XX. Ông đã dành ba năm cuối đời cho tác phẩm

Và Hòn đá ấy đã trở thành Đấng Cứu thế. Đây là cuốn tiểu thuyết trọn vẹn viết về Giêsu, cụ thể là những ngày cuối cùng của Giêsu. Như vậy, đây là tác phẩm có cùng chung cốt truyện cổ đại nếu so với tiểu thuyết Đoạn đầu đài

của Aitmatov. Hơn thế nữa, về mặt ngôn ngữ, văn phong có chỗ giống nhau: đều mang màu sắc hiện đại, bởi hai nhà văn này đều dựa vào lịch sử để tìm câu trả lời cho những vấn đề của xã hội hiện đại. Tuy vậy, cách hai nhà văn tổ chức, triển khai các sự kiện và nhân vật không giống nhau. Điểm khác biệt lớn nhất, có lẽ nằm ở chỗ: trong tiểu thuyết của Otero Silva, Giêsu không hiện lên như một con người cam chịu, nhẫn nhục, thụ động, "mà là một chiến sĩ đấu tranh và chiến thắng, vạch trần bất công, vì quyền lợi của những người bị áp bức, vì tự do của các dân tộc trên thế gian" [34/114]. Điều đó được thể

hiện trong lời nói của ông với Giêsu Baraba: "Không bao giờ tôi khuyên dạy những người nghèo khổ làm kẻ hèn nhát, dửng dưng và nhu nhược. Tôi nói thật với anh: tôi đến không phải để mang lại hòa bình cho thế gian này, mà mang gươm đến, và mang lửa đến, và tôi rất mong muốn cho ngọn lửa đó cháy bùng lên! Nhưng lưỡi gươm của tôi là lưỡi gươm của chân lí, còn ngọn lửa của tôi là ngọn lửa của cuộc sống, và tuyệt đối không bao giờ đó là sắt thép và các đống lửa bị biến thành vũ khí của sự trả thù. Cái tôi đặt cao hơn tất cả là tình yêu thương và làm lò luyện cho tình yêu thương đó nhằm cải hóa con người, và làm hòn đá tảng cho tình yêu thương đó để xây dựng thế giới mới. Tình yêu thương thôi thúc tôi bảo vệ những con người bị xua đuổi và tuyên chiến với những kẻ độc tài chuyên chế; vì tình yêu cái thiện tôi chiến đấu với cái ác, bởi vì không thể nào yêu thương người nghèo mà không tranh đấu vì họ..." [34/99]. Nhưng cuộc đấu tranh của Giêsu vì điều thiện, vì tình thương là một cuộc đấu tranh không cân sức. Kết cục, ông bị đóng đinh trên cây thập giá, nhưng ông đã sống lại, gieo vào lòng người một niềm tin, một niềm lạc quan bất tử, như lời nhân vật Maria Macđêlêna nói trong phần cuối tác phẩm : "Mặc dù dưới những ngọn cờ các tín niệm của Chúa sẽ nổ ra những cuộc chiến tranh phi nghĩa và bùng lên những đống lửa dùng để tra tấn những người đàn bà sẽ bị hạ nhục, những dân tộc sẽ buộc phải làm nô lệ, nhưng sẽ không ai có thể giết chết Người. Chúa đã sống lại và sẽ sống vĩnh hằng trong tiếng nhạc của nước, trong hương sắc hoa hồng, trong tiếng cười trẻ nhỏ..." [34/ 113].

Ở đây, chúng ta thấy, câu chuyện của Otero Silva kết lại trong một niềm tin bất diệt về Chúa, về hòn đá tảng của niềm tin, hy vọng và tình yêu – Đấng Cứu Thế cho con người. Nhưng câu chuyện của Aitmatov không khép lại trong một niềm tin như thế, nó khép lại trong tấn thảm kịch về cuộc tuẫn

nạn của Chúa, khi những ảo tưởng cùa ông không thắng nổi quyền lực, không giác ngộ nỗi đám đông công chúng u mê, lầm lạc...

Trong những câu chuyện kể của Pearl Buck, cũng có truyện về những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu (trong phần truyện Xét xử). Điểm giống giữa câu chuyện ấy với câu chuyện trong Đoạn đầu đài là chúng đều được thể hiện trong lối văn phong hiện đại, để phù hợp với cách cảm nhận, tâm lý của con người thời nay. Nhưng điểm khác nằm ở chỗ, câu chuyện của Pearl Buck mang tính chất chính thống, giàu quy phạm, trong khi cũng cốt trưyện ấy, nhưng trong Đoạn đầu đài, hình ảnh Chúa đã bị giải thiêng. Điều này thể hiện rất rõ khi ta đọc kỹ cả hai tác phẩm. Trong Chuyện Kinh Thánh, thông qua lời kể của mình, hình ảnh của Chúa Giêsu hiện lên thật đẹp và điềm tĩnh. Thông qua những lời đối đáp với Giêsu, viên tổng đốc Pilát dường như cũng bị cảm hóa, dành cho Giêsu rất nhiều thiện cảm: "Ông đã nghe tất cả những gì cần nghe. Đức Giêsu đã nói: "Nước của ta không thuộc về thế giới này", và đối với Phi – la – tô, câu nói đó không có vẻ gì là phản bội hoàng đế La Mã: "Ta không tìm thấy nơi người này tội gì", ông nói" [7/572].

Sự khác biệt đó bằng nguồn từ hai quan niệm riêng của hai nhà văn, trước cùng một cốt truyện cổ đại trong Kinh Thánh. Pearl Buck gửi gắm cái nhìn tin tưởng, nguyên sơ về tôn giáo, cho nên cốt truyện gắn chặt với niềm tin về Chúa. Trong khi đó, Aitmatov, mang cái nhìn giải thiêng, thấy rõ những ảo tưởng, những cái lỗi thời, lạc hậu, cần đổi thay trong quan niệm về Chúa, nhất là trong cuộc đấu tranh chống lại cái Ác, nên ông đã sáng tạo lại câu chuyện từ một điểm nhìn khác, nhưng không làm mất đi sắc màu huyền thoại và sự “thiêng liêng” của nó. Vì thế, huyền thoại về Chúa Trời trong Đoạn đầu đài vừa giống vừa không giống nguyên mẫu và các sáng tác của các nhà văn khác. Điều này sẽ được chúng tôi làm rõ hơn ở các phần tiếp sau.

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong Đoạn đầu đài của Ts.Aitmatov luân văn thạc sĩ khoa học ngữ văn (Trang 32 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w