Chân dung Giêsu – kẻ tuẫn nạn

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong Đoạn đầu đài của Ts.Aitmatov luân văn thạc sĩ khoa học ngữ văn (Trang 39 - 44)

CHƯƠNG 2 HUYỂN THOẠI VỀ CHÚA TRỜI TRONG TRUYỀN THUYẾT

2.2. Chân dung Giêsu – kẻ tuẫn nạn

Giêsu xuất hiện trong cuộc phán xử với bộ quần áo rách nát, vì lúc ở

cạnh chợ: "khi ông bị đưa đến tòa án của Viện trưởng lão, một đám đông các thầy tế lễ cả và trưởng lão xúi giục, đã nhảy xổ vào đấm đá ông. Một số tàn nhẫn đánh đập ông, một số khác thì nhổ vào mặt ông..." [1/166]. Ông còn hiện lên qua đáng điệu mệt mỏi: "Giêsu đứng cúi đầu, dáng vụng về, cổ dài, tóc dài, với những món tóc quăn buông rủ xuống, quần ảo rách tơi tả, chân đi đất, - đôi dép của ông chắc hẳn đã bị thất lạc trong lúc xô xát..." [1/169]. Trong cuộc trả lời “thẩm vấn”, đúng hơn, trò chuyện, tranh luận với Pônti Pilát, vầng trán của ông ướt đẫm mồ hôi, "nhưng ông không lấy tay lau đi cũng không lau đi bằng ống tay áo rách nát của tấm áo choàng – ông không còn bụng dạ nào để ý đến chuyện đó" [1/171]. Như vậy, thông qua những miêu tả về ngoại hình của Giêsu, ta thấy hình ảnh Giêsu trong Đoạn đầu đài

đã khác, không còn sự bình thản, tự tin như trong Kinh Thánh. Điều này gắn liền với tính chất giải thiêng trong quan niệm về Kinh Thánh, về Giêsu của Aitmatov, như chúng tôi đã trình bày. Có lẽ điều này hé mở phần nào đó ẩn ý của nhà văn về thực tại, trong thời đại "Chúa đã chết" và những niềm tin giáo điều, ảo tưởng, thiếu thực tế đã không còn chỗ đứng.

Trong tác phẩm, hình tượng Giêsu không chỉ hiện lên qua những nét ngoại diện mà còn hiện lên trong hành động. Trong suốt cuộc xét xử, trừ việc trả lời hay tranh luận với Pilat, Giêsu rất ít bộc lộ mình qua hành động. Mở đầu, ông nhìn cánh chim bay trên bầu trời, rồi bất giác chạm bàn tay vào bên mắt sưng húp thâm quầng. Tiếp đến, "ông rền rĩ đứng trông bộ quần áo rách nát, trước mặt Pônti Pilát để chờ đợi diễn biến tiếp theo" [1/166]. Như vậy, Giêsu hiện lên bằng những hành động cam chịu, nhẫn nhục. Chỉ khi Pônti Pilát tạm rời khỏi gác sân Vòm Uốn, Giêsu "mới tự cho phép mình nói với người lính gác đứng gần nhất :

- Ngài lính gác tốt bụng ơi, tôi có thể ngồi được không?

- Được – tên lính gác đáp và gõ mạnh ngọn giáo xuống sàn đá.

Giêsu ngồi ghé xuống gờ đá hoa cạnh tường, người gù gù, khuôn mặt nhọn hoắt tái nhợt khuôn giữa mái tóc dài đen thẳm rủ xuống như làn sóng" [1/180] Nhưng đó là biểu hiện bên ngoài, là hoạt động bên ngoài. Hoạt động bên ngoài rất ít để tạo cơ hội cho một hoạt động khác biểu hiện: hoạt động bên trong, hoạt động của thế giới nội tâm. Điều này góp phần làm nổi rõ tâm hồn của Giêsu.

Con người thực của Giêsu hiện lên thông qua nỗi sợ hãi. Có thể nói, nỗi sợ hãi lúc nào cũng ám ánh Giêsu trong cuộc đối thoại với viên tổng đốc. Nỗi sợ hãi ấy được nhắc đến nhiều lần trong tác phẩm. Mở đầu cuộc đối thoại, trong tâm trí Giêsu: "Nỗi lo sợ khiến cơn buồn nôn cứ trào lên cổ, mồ hôi chảy dòng dòng trên mặt và nhỏ giọt xuống những viên đá hoa cạnh đôi chân gầy guộc hằn rõ những đường gân xanh" [1/172]. Chúa Trời cũng mang cảm giác như con người, khi đối diện với cái chết, ông cũng hết lúc lo sợ, ông “bộc bạch”, giãi bày tâm can với Pônti Pilát về những suy nghĩ của ông trong đêm qua, ở Hepximania: "Giờ đây, chỉ riêng ngài là sẽ biết đến tâm sự của tôi. Đêm qua, tâm hồn tôi giằng xé mãi, lúc đầu tôi tưởng ràng tâm hồn tôi giằng xé một cách vô cớ. Không, ở Hepximania không ngột ngạt đâu, trên các khu ngoại ô vẫn có gió nhẹ thổi. Vậy mà tôi đứng ngồi không yên, mệt mỏi, lo sợ và buồn bã làm tôi nhức nhối, những âm thanh nặng nề như từ trái tim tôi vang lên trời. Đám môn đồ của tôi định không ngủ để thức với tôi, nhưng tôi vẫn không thấy thanh thản. Tôi biết rằng giờ tiền định đang đến và cái chết là không thể tránh khỏi. Nỗi kinh hoàng xâm chiếm lấy tôi... Vì cái chết của mỗi người đều là sự tận thế đối với người đó" [1/196]. Như vậy, Giêsu lo sợ trước cái chết, trước ngày tận thế của riêng mình. Nhưng trạng thái tâm hồn ấy còn dày vò, khổ đau hơn trong sự đổ vỡ vào niềm tin về thế giới mà Thiên Chúa

đã tạo lập. Để cho nhân vật Giêsu thổ lộ những lời tâm can: "Tôi thầm than vãn trong thâm tâm tôi: lạy Chúa, cái kết cục tiền định mà mọi thế hệ đã chờ đợi là đây, Ngày tận thế là đây, ngày hoàn tất lịch sử của các tạo vật có lý trí là đây – tại sao lại xảy tra như vậy? Làm sao lại có thể chết như vậy, có thể biến mất tận gốc như vậy bằng cách hủy diệt hậu thế trong bản thân mình. Và tôi kinh hoàng trước một câu giải đáp khủng khiếp: đó là sự trừng phạt về việc ngươi yêu mến con người và đã hy sinh thân mình cho con người. Chẳng lẽ thế giới con người hung dữ đã tự giết hại mình trong cơn hung bạo của mình như con bọ cạp tự giết hại mình bằng chất độc của chính nó hay sao? Chẳng lẽ sự kết thúc man rợ này là kết quả của sự xung khắc giữa con người với con người... Tôi đã than khóc như vậy và rên rỉ một mình giữa thế giới vắng lặng, tôi đã nguyền rủa số phận của mình và nói với Chúa: những việc mà bàn tay Người không nỡ giơ lên làm thì chính con người đã thực hiện một cách tội lỗi..." [1/197], Aitmatov đã để nhân vật tự phác hoạ chân dung và những mâu thuẫn không thể giải quyết của bản thân mình.

Tự bản thân Giêsu cũng có cảm giác bất lực, hoài nghi giải pháp tình thương và khả năng hiện thực hoá cái vương quốc của chân lý mà mình tin tưởng. Dường như, đấy chỉ là một ảo tưởng đẹp nhưng không có thật. Nó không thể cứu chuộc thế giới khỏi điều ác.

Ngoài nỗi lo âu, sợ hãi, bất lực, tâm hồn Giêsu còn sống lại trong những hồi ức đẹp về người Mẹ. Khi đối diện với cái chết, ông hồi tưởng về Mẹ, như tìm một nơi tượng. Vào giờ nghỉ của cuộc xét xử: "Ông đưa bàn tay lên che mắt rồi mải mê đắm mình trong suy nghĩ" [1/180]. Ông nghĩ về nước, về những con sông, rồi về Mẹ. Ông nhớ lúc ông năm tuổi, được đi chơi thuyền cùng Mẹ, "hai mẹ con cảm thấy thật sung sướng! Bà Maria khe khẽ hát, cảm thấy thật hạnh phúc, còn con Bà thì thích thú được bơi thuyền như vậy. Điều đó khiến Bà Maria càng sung sướng hơn" [1/182]. Và khi thuyền

chẳng may gặp phải cá sấu, Đấng Chúa Cha đã cứu con của mình. Nhưng giờ đây, Giêsu đang ngồi trên góc sân Vòm Cuốn, ông xin lỗi Mẹ về những nỗi đau khổ mà ông gây ra cho Bà. Những lời của Giêsu dành cho Mẹ thật tha thiết, làm lộ rõ chân dung tinh thần của chính nhân vật: "Xin chia tay với Mẹ vào lúc này, Mẹ ạ, - ông nói với Mẹ, - xin Mẹ đừng giận nếu như con không kịp hoặc không thể nói với Mẹ đôi lời lúc con bị hành hình. Con khiếp sợ cái chết, hai chân con lạnh toát mặc dù hôm nay trời nóng bức vô cùng. Mẹ hãy tha thứ cho con và đừng than thân trách phận vào giờ phút nặng nề của con. Mẹ hãy can đảm lên !.." [1/184].

Cuộc sống luôn bao gồm những đối cực, những trạng thái phi lý, mâu thuẫn giằng xé. Giêsu sẵn sàng chết, thông qua cái chết để khẳng định chân lý. Nhưng ông cũng vô cùng khiếp sợ cái chết, vì đối với ông, cái chết luôn là ngày tận thế đối với mỗi con người. Tâm hồn của Giêsu hiện lên vô cùng phức tạp, khi có sự đụng độ giữa lý tưởng và thực tế, giữa hành động và suy nghĩ, giữa lý trí và trái tim. Điều đó càng được thể hiện rõ hơn trong những lời đối đáp, trong các ý kiến ở cuộc tranh luận của Giêsu với Pônti Pilát. Những lời đối đáp này, cùng với các yếu tố về ngoại hình, hành động, nội tâm, đã tạo dựng bức chân dung Giêsu thật sinh động.

Cuộc tranh luận giữa Giêsu với Pônti Pilát, như chúng tôi đã nói, đó không phải là cuộc luận tội, xét xử thông thường; mà là một cuộc trò chuyện, tranh luận. Trong suốt cuộc đối thoại đó, Giêsu lần lượt đưa ra những ý kiến của riêng mình. Ông nói rằng, những lời lẽ của mình là do: "Đức Chúa Cha của tôi định sẵn, tôi có nghĩa vụ đưa những lời lẽ đó đến mọi người để thực hiện ý muốn của Người" [1/170]. Khi Pônti Pilát nói về cái chết của Giêsu trên cây thập tự, Giêsu cho rằng: "- Thưa ngài tổng đốc cao quý, ngài lầm rồi. Cái chết bất lực trước tinh thần, - Giêsu cứng cỏi rành rọt" [1/172]. Nhưng khi

Giêsu định lấy cái chết để cứu vớt con người, ý kiến của ông đã bắt đầu bộc lộ rõ sự ảo tưởng.

" -... Vậy là ngươi sẵn sàng chịu chết dù con đường cứu vớt có như thế nào chăng nữa?

- Tôi chỉ còn con đường này dẫn đến sự cứu vớt thôi. - Dẫn đến sự cứu vớt gì? – viên tổng đốc không hiểu. - Dẫn đến sự cứu vớt thế giới.

- Nói nhảm nhí mãi thế là đủ rồi! – Pônti Pilát không giữ được kiên nhẫn nữa, - Tức là ngươi tự nguyện đi đến cái chết?

- Có lẽ là như vậy, bởi vì tôi không có con đường nào khác" [1/176]. Giêsu càng ảo tưởng hơn khi ông muốn "thành lập Vương quốc chính nghĩa, không có quyền lực của các hoàng đế" [1/192]. Sự mơ hồ và thiếu thực tế ấy đã được Pilat chỉ rõ: "Trước lúc chia tay với ngươi, ta nói cho ngươi rõ: ngươi thấy gốc rễ của cái ác trong thói hám quyền ghê gớm của con người, trong việc chinh phục các vùng đất và các dân tộc bằng sức mạnh, nhưng quan niệm đó chỉ làm tội ngươi nặng thêm bởi vì ai chống lại sức mạnh cũng là chống lại kẻ mạnh" [1/195]. Những lời lẽ phũ phàng của Pilat có lẽ đã phần nào đó gợi sự “thức tỉnh” trong Giêsu, ông thấy rõ sự bất lực của mình, cả khi ông nói về "sức mạnh của lòng tốt". Và những trăn trở của ông thể hiện thông qua những âu lo, sợ hãi khi cái Ác ngự trị trên khắp thế giới, con người đang tự giết mình và giết chết đồng loại, khi họ "đem theo món quà tặng thiêng liêng là ý thức vào chốn hư vô" [1/197]...

Cuộc đối thoại mở đầu và khép lại bằng ý niệm về cái chết, thông qua hình ảnh cánh chim đang tung bay trên bầu trời. Ở đầu đoạn đối thoại, nó tung bay trên đầu mọi người, khi cuộc đối thoại chấm dứt, "con chim lạ lùng đang bay theo kẻ bị dẫn lên núi Sọ" [1/201]. Sự xuất hiện của hình ảnh “con chim lạ lùng” càng làm tăng thêm sắc màu huyền thoại cho câu chuyện. Con chim

vô tình là người chứng kiến, là số phận mỏng manh treo trên đầu Giêsu, là bóng dáng Hoàng đế La mã hay là Đức Chúa Trời đang theo dõi các nhân vật thực hiện “bổn phận” của mình?!

Như vậy, chân dung Giêsu – người tuẫn nạn hiện lên rất rõ trong tác phẩm Đoạn đầu đài, qua những nét vẽ về ngoại hình, hành động, nội tâm và những lời đối đáp với Pônti Pilát. Đó là một tâm hồn trong sáng, thánh thiện, chan chứa tình thương nhưng cũng đầy ảo tưởng, yếu đuối và bất lực. Dựng nên chân dung Giêsu với tư tưởng, tâm trạng mâu thuẫn, Aitmatov đã thể hiện sự mơ hồ của đức tin và sự ngây thơ trong cuộc đấu tranh chống lại cái Ác. Nhưng chúng ta cũng cần nhận thức rằng: không phải Aitmatov không dành tình thương cho những tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ. Trái lại, ông vô cùng yêu thương con người, quý trọng những điều thánh thiện. Cái mà ông phê phán ở họ chỉ là tình chất không tưởng trong hành động, trong lời lẽ mang tính kinh sách nhưng thiếu hơi thở cuộc sống. Chỉ có điều, những tình cảm ấy, nhà văn không bộc lộ một cách trực tiếp, mà ẩn tàng trong tác phẩm, trong hình tượng nhân vật. Vì vậy, muốn cảm nhận được, người đọc phải tự mình bước vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm.

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong Đoạn đầu đài của Ts.Aitmatov luân văn thạc sĩ khoa học ngữ văn (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w