Khát vọng báo thù hay sự trỗi dậy bản năng

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong Đoạn đầu đài của Ts.Aitmatov luân văn thạc sĩ khoa học ngữ văn (Trang 25 - 32)

Như trên đã nói, Acbara và Tastrainar mất con lần cuối. Sự sợ hãi và nỗi tuyệt vọng của chúng đánh thức bản năng báo thù, nhằm vào thế giới loài người mất nhân tính. Nhưng đấy là một cuộc báo thù thảm khốc và đầy oan nghiệt, khi kẻ gây nên tội ác thì nhởn nhơ, người hiền lành như gia đình Bôxtôn lại phải gánh chịu tai họa.

Kể từ khi bị bắt mất con, dường như đêm nào, Acbara và Tastrainar cũng quẩn quanh bên trại chăn cừu của nhà Bôxtôn – nơi chúng nghĩ, đã bắt đi những đứa con của chúng. Tiếng sói hú hết đêm này sang đêm khác, làm mất cả giấc ngủ ngon của bé Kengies, gây ra bao nhiêu khó chịu cho Bôxtôn và người vợ yêu dấu của anh.

Hằng đêm, cặp sói luôn theo dõi con người. Những tiếng hú của chúng vừa như oán trách, vừa như van xin. Và những hành động trả thù con người ngày một tăng dần thêm, quyết liệt và tàn bạo hơn. Đó là sự trỗi dậy của bản năng sói.

Trước tiên, chúng bắt đầu không sống cuộc đời ẩn nấp nữa, "chúng không chỉ tạm thời rời đi chỗ khác mà là vĩnh viễn rời bỏ hang cũ, ban đêm không trở về nữa và bắt đấu lang thang ở mé ngoài – lúc thì chúng buồn bã tiện đâu nghỉ đấy, lúc thì chúng lùng sục khắp vùng, đặc biệt là chúng không ẩn nấp nữa, chúng xử sự một cách táo tợn, dường như không còn biết sợ người" [1/309]. "Con sói cái bao giờ cũng cúi thấp đầu đi trước như bị mất trí, còn con sói đực luôn luôn theo sau. Có cảm giác cặp sói này đang đi tìm cái chết, bởi vì chúng công nhiên coi thường nguy hiểm" [1/309]. Hơn thế, chúng bắt đầu hành động liều lĩnh, bắt đầu tấn công con người. Giữa thanh niên bạch

nhật, chúng bao vây một anh công nhân lái máy kéo, tấn công cả một em thiếu niên chăn cừu. May mắn là cả hai đều thoát chết. Không chỉ tấn công người, nỗi đau mất con khiến cặp sói tàn bạo hủy diệt mầm sống trong cơ thể của những con cừu cái đang có mang: "Ít lâu sau, lũ sói gây ra một cuộc tàn sát thật sự trong đám cừu cái có mang bị lừa đi ăn cỏ cách chuồng cừu một quãng. Không ai nhìn thấy chuyện gì đã xảy ra và xảy ra như thế nào. Mọi người chỉ giật mình khi những con vật còn sống kinh hoàng chạy ùa vào sân. Khoảng mười lăm con cừu cái đang có mang bị cắn xé nằm la liệt trên bãi cỏ. Tất cả đều bị giết chết một cách man rợ, bị cắn đứt cổ, bị giết chết một cách vô nghĩa – bị giết để mà giết chứ không phải để ăn thịt" [1/311].

Rõ ràng, những hành động tàn bạo nhằm trả thù con người của đôi vợ chồng sói là có chủ ý. Và đúng là: "ai cũng chỉ thấy mặt bên ngoài của sự việc và không biết những uẩn khúc và nguyên nhân thật sự của sự trả thù này – không ai hay biết về nỗi buồn nhớ vô hạn của con sói mẹ đối với lũ sói con bị bắt cóc khỏi hang..." [1/311].

Qua hành động trả thù của cặp sói, tính chất phi lý của cuộc đời bộc lộ rõ. Định mệnh thật trớ trêu và ngang trái, nhưng với sức mạnh mù quáng, nó chi phối đời sống, quyết định nhiều đến sự sống – lẽ chết, những hạnh phúc và nỗi bi kịch của muôn loài, trong đó, có vợ chồng sói, có gia đình Bôxtôn. Người hay vật cũng vần xoay trong tiếng gọi của định mệnh, trong cuộc đấu tranh để sinh tồn và trong chính bản thân mình. Cuộc sống luôn tồn tại những phi lý, những ngẫu nhiên, tình cờ. Lắm lúc, những ngẫu nhiên tình cờ ấy đã tạo thành số phận, dựng nên những tấn thảm kịch.

Sao không phi lý khi gia đình Bôxtôn hiền lành, đôn hậu, phải gánh chịu bao nhiêu hiểm nguy rình rập từ lòng căm thù đã trở thành mê muội của loài sói. Trong khi Bôxtôn và gia đình lo lắng, Badarbai – kẻ đã bắt cóc đàn sói con, đang "tha hồ rong chơi, vênh váo. Vào những ngày ấy, anh ta dùng số

tiền kiếm được đem uống rượu một cách phung phí chè chén trong những tiệm ăn tại những nơi nghỉ mát ven hồ..." [1/311].

Trở lại với hình ảnh của cặp sói, trong những đêm khuya, con sói cái Acbara vẫn không thôi nhớ con. Nó thường nằm mơ một giấc mơ thật đẹp: "Acbara mơ thấy lũ sói con đang nằm bên cạnh nó trong hang. Chúng vụng về cựa quậy áp vào vú mẹ. Trời, nó đã khao khát từ lâu được hiến sữa cho lũ con, được dành hiến cho chúng tất cả số sữa đã tích tụ lại khiến nó phải đau lên... Và lũ sói con mê mải bú chùn chụt, thỉnh thoảng lại sặc sụa vì sữa ra quá nhiều, trong lúc ấy, cảm giác mệt mỏi của tình mẹ con âu yếm lan truyền một cách ngọt ngào khắp cơ thể sói mẹ..." [1/331]. Nhưng những giấc mơ như vậy chỉ là ảo mộng, thực tại phũ phàng đã lấy đi tất cả của nó. Ngay cả khi nó cầu xin nữ thần sói Biuri – Ana hãy doái hoài nỗi thống khổ của nó. Tình mẫu tử càng sâu đậm, khát vọng báo thù càng mạnh mẽ, nó không ngừng tìm dịp để trả thù con người. Và dịp ấy rồi cũng đến.

Càng ngày, Bôxtôn càng lâm vào tình thế khó khăn, những mâu thuẫn với Côscôrbaép – viên bí thư chi bộ bảo thủ, rồi với Badarbai, những lời vu oan mà bọn chúng dành cho anh, về cái chết của người bạn Ernadar làm anh mất ngủ. Không những thế, tiếng sói tru dai dẳng những lúc đêm về, khiến anh và vợ con không thể nào yên. Anh đã định "chăng bẫy và bắn chết những con sói đáng nguyền rủa kia để quanh đây không còn tăm hơi chúng nữa" [1/365].

Và Bôxtôn đã thực hiện được một nửa dự định. Anh bắn chết con sói đực Tastrainar, nhưng để sổng con sói cái tinh khôn Acbara. Acbara còn sống, song, có thể nói, với nó, "thế giới đã mất đi giá trị của nó. Giờ đây cuộc sống của nó chỉ ở trong hồi ức về quá khứ" [1/373]. Dầu vậy, nó có cảm giác là vẫn có thể tìm được đàn con cuối cùng của mình, nên "đêm đêm, nó lại lần mò đến trại trú đông của Bôxtôn" [1/374].

Tấn bi kịch cuối cùng của của người và sói gặp nhau ở đấy, khát vọng báo thù và sự trỗi dậy bản năng của loài sói được đẩy đến đỉnh điểm, qua một đoạn kết đầy kịch tính. Trong lúc hai vợ chồng Bôxtôn bận việc, bé Kengies chơi ở góc nhà. Không may, con sói Acbara đã gặp được bé: "Nó bước đến gần bé, liếm má bé. Bé sung sướng được nó âu yếm, bé khẽ cười và ôm cổ con sói cái. Khi ấy con Acbara như ngây ngất, như mê đi, nó nằm xuống bên chân bé và bắt đầu đùa nghịch với bé – nó muốn bé bú bầu sữa của nó, nhưng bé lại cưỡi lên lưng nó. Rồi bé nhảy xuống và vẫy gọi nó đi theo" [1/380]. Con sói mẹ đau khổ và tột cùng bất hạnh ấy bất giác nghĩ: "thật sung sướng biết bao nếu như sinh vật nhỏ nhoi mang hình người này sống trong hang của nó dưới vòm đá", thế là "hết sức thận trọng để không làm sây sát cổ chú bé, nó ngoạm lấy cổ áo bé Kengies và hất mạnh lên u vai – loài sói vẫn tha cừu non đi khỏi bầy cừu bằng cách ấy" [1/380]. Acbara đã mất tất cả, nó muốn giành giật một cái gì đó cho vơi dịu nỗi đau và sự cô độc của mình, nó không còn muốn trả thù, nhưng ngay cả điều đó cũng không thể được, bởi điều mà nó muốn nâng niu, nương tựa lại cũng là chỗ dựa tinh thần, niềm yêu thương của người khác. Những tiếng kêu thất thanh và việc đuổi theo của con người không làm Acbara hoảng sợ, "chỉ làm mãnh liệt thêm bản năng loài sói của nó" [1/381]. Hai viên đạn cuối cùng, Bôxtôn nhắm bắn con sói. Viên thứ nhất bị trượt. Sang viên thứ hai, "chỉ thấy con sói cái nhẩy dựng lên rồi ngã vật sang bên" [1/382].

Bôxtôn đã bắn chết đứa con trai duy nhất của mình, "Acbara vẫn còn sống, nhưng bên cạnh là bé Kengies nằm bất động, không còn thở nữa, ngực bị xuyên thủng" [1/382]. Trong tâm hồn Bôxtôn, mọi thứ đã kết thúc. Thế giới trong anh hoàn toàn tiêu biến, và thay vào đó, chỉ còn sự ngự trị của bóng tối rừng rực lửa. Nhưng còn một con sói khác, hung ác hơn cả loài lang sói, Bôxtôn phải tiêu diệt nó, để đem lại chút công bình cho cuộc đời vốn dĩ quá

nhiều điều phi lý, để trả thù cho cái chết oan uổng của con trai, con sói – người ấy có tên là Badarbai. Sau khi giết Badarbai, anh đi về phía ven hồ để đầu thú với chính quyền. Đấy là kết cuộc u buồn của cuộc đời anh.

Như vậy, ở đây chúng ta thấy: khát vọng báo thù hay sự trỗi dậy bản năng, bắt đầu từ loài sói, nhưng lại kết thúc trong thế giới loài người. Sói cái Acbara và chồng của nó lầm tưởng báo thù những kẻ đã bắt con của mình – đó là một cuộc báo thù gây nên cái chết oan nghiệt của bé Kengies. Rồi chính Bôxtôn lại báo thù kẻ đã gián tiếp giết con mình, loại trừ một kẻ cặn bã của xã hội quan liêu, đầy nhơ nhớp. Giữa con vật và con người, con người và con người có bao nhiêu mối quan hệ chằng chịt, khắng khít, vừa dựa vào nhau, lại vừa tranh đấu với nhau. Cuộc chiến giữa con người và thiên nhiên vô cùng quyết liệt, nhưng cuộc chiến giữa con người và con người cũng không hề giản đơn. Hơn thế, đó là cuộc chiến diễn ra trong chính tâm hồn con người, giữa Thiện và Ác, trong hành trình nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ của những con người bình thường, lương thiện.

Hình tượng loài sói, trong khát vọng báo thù, mang màu sắc huyền thoại kì bí. Sói biểu tượng cho thiên nhiên, chính con người tàn phá thiên nhiên, con người phải gánh lấy hình phạt. Nhưng xã hội loài người đầy bất công và những điều ngang trái, người không gây tội phải gánh lấy tội lỗi do kẻ khác gây ra. Và sự trừng phạt của định mệnh mới tàn nhẫn và oan nghiệt làm sao. Đoạn kết tác phẩm mang tính biểu tượng sâu sắc. Bôxtôn quyết định bắn vào con sói cái – biểu tượng thiên nhiên, nhưng cũng chính anh đã tự giết mình trong hình ảnh cái chết của Kengies – bản sao đầy thơ ngây của chính anh. Bé Kengies chết, con sói cái Acbara cũng hấp hối, một sai lầm của con người đã lấy đi tất cả những gì đẹp đẽ, hạnh phúc, phá vỡ sự hoà hợp giữa thiên nhiên và con người. Thiên nhiên và con người hòa quyện trong dòng máu đỏ cùa đứa con trai, trong đôi mắt xanh của sói. Bên cạnh thông điệp về

Thiện – Ác, thông điệp sự sống con người không thể tách rời khỏi thiên nhiên phải chăng đã được Aitmatov thể hiện qua hai cái chết đầy ám ảnh của em bé và chó sói trong đoạn kết tác phẩm. Đó là một cái giá đắt phải trả để con người có thể nhìn thấy chân lý, nhưng nó có giá trị thức tỉnh đối với những bạn đọc cuốn tiểu thuyết của Aitmatov.

Cũng cần nói thêm, tiểu thuyết có kết thúc buồn, cái Ác đã bị tiêu diệt nhưng cái Thiện cũng mất mát, bi thương. Hình ảnh của Bôxtôn hiện lên cuối tác phẩm mang đầy tính bi kịch, khi anh tiếp tục đi về phía hồ Ixức – Cun : " Trong lúc ấy, bờ dốc xanh thẳm của hồ Ixức – Cun mỗi lúc một gần, và anh muốn hòa tan vào đó, muốn biến mất – anh vừa muốn sống lại vừa không muốn sống nữa. Hệt như những làn sóng bạc đầu kia – sóng sủi ngầu bọt lên, biến mất rồi lại tự phục sinh từ bản thân sóng nước...". Nhưng cái vẻ đẹp buồn ấy không phải là tuyệt vọng, đó là cái buồn có thể gợi nên những xúc cảm đẹp và tình yêu thương con người. Cho nên tác phẩm vẫn luôn gắn với một cái nhìn yêu thương và trân trọng con người của nhà văn. Đó là một bài ca về con người trong cuộc chiến chống định mệnh: con người có thể thất bại nhưng không bao giờ đầu hàng số mệnh. Điều đó góp phần làm nên phẩm tính con người.

Miêu tả một cách có lôgích quá trình và kết cục số phận của loài sói, từ kẻ thống trị thảo nguyên đến trạng thái tuyệt vọng vì bị săn đuổi và khát khao báo thù, nhà văn đã thể hiện rõ chủ ý và chiều sâu tư tưởng. Huyền thoại về loài sói được tạo dựng từ ba phương diện: lòng kiêu hãnh – nỗi sợ hãi – sự căm thù, và được đặt trong mối quan hệ gắn bó khăng khít với thế giới con người. Có thể nói, qua huyền thoại về loài sói, Aitmatov đã gửi gắm những thông điệp sâu sắc về sự phức tạp của tồn tại sống đến mỗi người chúng ta.

Tiểu kết

Trong một lần trả lời phòng vấn, khi được hỏi về việc nhân cách loài vật trong tác phẩm của mình, Aitmatov đã trả lời: "Vấn đề ở chỗ đó là truyền thống. Truyền thống của chúng tôi bắt nguồn từ ngày xửa ngày xưa, khi trong văn học dân gian, trong sáng tác của những người kể chuyện dân gian, thế giới động vật đã tham dự một cách khá tích cực, và người ta nói và hát rất nhiều về điều đó. Vì vậy, đây cũng là truyền thống của tôi. Tôi kết hợp và thử tìm kiếm sự tổng hợp giữa thế giới con người và thế giới loài vật của chúng ta. Đối với tôi điều đó đã diễn ra và sẽ diễn ra trong tương lai, nếu tôi vẫn còn viết được cái gì đấy, đó là bút pháp của tôi" [4].

Có thể nói, loài vật là một biểu tượng quen thuộc trong tác phẩm của Aitmatov. Trước Đoạn đầu đài, độc giả đã gặp biểu tượng Mẹ Hươu Sừng và loài hươu Maran lông trắng trong Con tàu trắng, ngựa già Gunxarư trong

Vĩnh biệt Gunxarư, loài chim ở nghĩa địa Anna – Bayit trong Và một ngàydài hơn thế kỷ... Nhưng có lẽ, phải đến tiểu thuyết Đoạn đầu đài, loài vật mới trở thành biểu tượng hoàn chỉnh, chan chứa ý nghĩa huyền thoại, thực sự trở thành một tín hiệu thẩm mỹ đa nghĩa. Thông qua hình ảnh cặp sói Acbara và Tastrainar, Aitmatov đã nói lên được biết bao nhiêu điều về thế giới con người. Cùng với loài vật trong các tác phẩm trước, hình tượng sói trong tiểu thuyết này trở thành huyền thoại về sức mạnh, sự bí ẩn của tự nhiên, của loài vật... Đó vừa là chủ đề, một nét nội dung thường thấy trong các tác phẩm của Aitmatov, đồng thời, lại gắn bó thiết thân với quan niệm, tư duy nghệ thuật của nhà văn, đó là kiểu tư duy nghệ thuật được dựng xây trên những truyền thuyết và huyền thoại.

Một phần của tài liệu Huyền thoại trong Đoạn đầu đài của Ts.Aitmatov luân văn thạc sĩ khoa học ngữ văn (Trang 25 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(80 trang)
w