Sử dụng các tác nhân sinh học: Các tác nhân sinh học phòng chống muỗi trong
môi trường sống của chúng là những kẻ thù tự nhiên, chẳng hạn như các sinh vật gây hại hoặc động vật ăn thịt.
- Cá hoặc lươn nhỏ trong bể nước để tiêu diệt bọ gậy.
- Chuồn chuồn ngoài đồng ruộng. Các ấu trùng chuồn chuồn trong nước ăn bọ gậy, còn chuồn chuồn trưởng thành bắt muỗi trong không trung.
- Các loài bò sát nhỏ như thạch sung, thằn lằn để ăn muỗi trong nhà. - Dơi bắt muỗi trong không trung.
Hiện nay, các nhà khoa học đang thử nghiệm với chủng muỗi đực bị mất khả năng sinh sản khi thả chúng vào tự nhiên. Các con muỗi đực vô sinh sẽ cạnh tranh giao phối với muỗi cái bình thường làm giảm tỷ lệ sinh của muỗi.
Phương pháp cải tạo môi trường: Mục đích chủ yếu là làm giảm hoặc phá bỏ
các ổ nước là nơi muỗi đẻ trứng, do đó sẽ làm giảm mật độ muỗi. Đây là biện pháp đơn giản, rẻ tiền nhưng nhiều khi mang lại hiệu quả cao. Có thể thực hiện các hình thức sau:
- Hủy bỏ nơi sinh sản: thu dọn và phá hủy các dụng cụ như lốp xe ô tô, mũ sắt, các hộp kim loại, hộp nhựa… lấp đầy các ổ nước bằng đất, đá hoặc tháo cạn nước trong các ổ nước.
- Làm thay đổi tốc độ dòng chảy, thay đổi độ mặn của nước, vớt thực vật thủy sinh trong các thủy vực làm cho môi trường trở nên không thuận lợi cho sự phát triển của bọ gậy và lăng quăng.
- Phát quang cây cối: vừa làm giảm nơi sinh sản của các loài thích đẻ trứng trong các ổ nước có bóng râm, vừa phá bỏ nơi trú ẩn của muỗi trưởng thành.
Phương pháp vật lý:
- Đèn bẫy muỗi: được chế tạo với một đèn phát ánh sáng hấp dẫn muỗi và côn trùng tụ tập đến, bao quanh bởi lưới kim loại có hiệu điện thế thấp. Khi muỗi và côn trùng sa vào lưới, dòng điện nhỏ sẽ phóng qua và tiêu diệt chúng. Phương pháp này sử dụng được trong nhà và ngoài trời.
- Vợt điện: được thiết kế như vợt bắt muỗi cầm tay, chỉ gồm lưới kim loại có điện thế, chạy pin. Vợt này có thể có ích trong nhà, nhưng không có tính hiệu quả cao.
- Lưới cửa: là các lưới kim loại (hay nhựa) có lỗ nhỏ, không cho muỗi hay các loại côn trùng vượt qua và xâm nhập vào nhà ở, nhưng vẫn đảm bảo tính thoáng khí và ánh sáng.
Phương pháp hóa học:
- Sử dụng nhang muỗi, bình sịt aerosol…: là các dạng chế phẩm đang sử dụng rộng rãi trong các hộ gia đình. Nó có thể tiêu diệt muỗi trong phạm vi nhà ở và không duy trì được tác dụng lâu dài.
- Sử dụng thuốc bôi lên da để xua muỗi khỏi da, tiện dụng khi đi du lịch đến vùng đất nhiều muỗi. Chúng thường chứa các hóa chất sau: DEET, tinh dầu bạc hà. Tinh dầu xả, hay tinh dầu khuynh diệp…
- Sử dụng hóa chất do Bộ Y tế khuyên dùng để tẩm màn và áp dụng quy trình kỹ thuật phun không gian, phun tồn lưu.
• Tẩm màn: màn ngủ khi tẩm hóa chất có tác dụng nhanh, kích thích
hoặc giết muỗi khi tiếp xúc, ngăn không cho chúng tìm thấy các lỗ rách, thủng ở màn. Sử dụng màn ngủ tẩm hóa chất xua diệt côn trùng sẽ kéo dài thời gian và tác dụng hiệu lực của màn ngủ.
• Phun tồn lưu: phun trực tiếp hóa chất lên toàn bộ bề mặt tường
trong nhà, vách, rèm cửa, gầm bàn ghế, gầm giá chứa hàng, bồn cây, cống rãnh, khu vực xả rác, khu vực có đèn chiếu sáng ban đêm… nhằm diệt trừ và ngăn chặn côn trùng xâm nhập. thuốc có tác dụng tồn lưu lâu, có khả năng ngăn chặn sự phát triển trở lại của côn trùng trong một thời gian dài sau khi phun.
• Phun không gian: được áp dụng cho cả không gian bên trong và
khu vực khuôn viên bên ngoài. Sử dụng phun máy phun ULV đưa dưới dạng sương mù vào trong không gian, các ngóc ngách, lên trần cao, các lùm cây, cống rãnh nhằm tiêu diệt ngay các loài muỗi đang có mặt.