Vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến.

Một phần của tài liệu Chiến dịch Đường số 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 (Trang 92 - 94)

2 Để xây dựng Kế hoạch tác chiến chiến lược cho toàn miền Nam, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đã có sự bàn bạc, trao đổi nhiều lần với lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường trên toàn miền Nam.

3.3.4. Vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến.

Chiến dịch Đường số 9 - Khe Sanh được mở ra trên một địa bàn có nhiều loại địa hình khác nhau (đồi núi, trung du, đồng bằng, sông nước), lại thực hiện đánh địch cả trong và ngoài công sự, đánh địch chi viện đường bộ, đường không... Trong điều kiện chiến đấu như vậy nhưng quân ta vẫn thực hiện được tiêu diệt nhiều sinh lực địch, một phần quan trọng là bởi chúng ta đã vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, các cách đánh khác nhau phù hợp với trạng thái của quân địch. Cụ thể ta đã linh hoạt vận dụng các hình thức chiến thuật chủ yếu sau:

- Đối với các cứ điểm riêng lẻ (cỡ một tiểu đoàn hay một tiểu đoàn tăng cường) như quận lỵ Hướng Hoá, Huội San, Làng Vây thì ta đã sử dụng lực lượng binh chủng hợp thành (có mũi thọc sâu) với sức mạnh áp đảo quân địch để tiến công nhanh chóng dứt điểm mục tiêu. Thực chất là hình thức chiến thuật đột phá trong hành tiến. Thành công ở đây còn thể hiện ở chỗ là ta đã giữ vững được những mục tiêu công sự vững chắc này. Trước đây, khi ta diệt xong một số cứ điểm địch trên mặt đất, bộ đội ta chưa có kinh nghiệm đánh hầm ngầm cũng như tổ chức đánh địch phản kích, nên khi lực lượng bên ngoài của chúng đánh vào, phối hợp với lực lượng ở hầm ngầm đánh lên thì ta buộc phải rút lui.

- Đối với căn cứ chính Tà Cơn, trog đợt đầu ta dùng một bộ phận hoả lực khống chế các điểm cao xung quanh (đồi 471, 832...), bắn phá dữ dội vào sân bay và căn cứ địch, dồn chúng vào tình trạng khốn quẫn. Tuy nhiên do ta vây ép chưa mạnh nên địch chưa tổ chức lực lượng giải toả. Từ đầu tháng 2- 1968, ta chuyển từ hình thức chiến thuật vây hãm sang hình thức chiến thuật

vây lấn. Kỹ thuật vây lấn của ta ở đây gần giống với chiến dịch Điện Biên Phủ: ta tổ chức đào chiến hào, công sự trận địa vững chắc, giao thông hào vây lấn Tà Cơn. Trận địa vây lấn đó của ta ngày càng "thắt lại" xung quanh căn cứ địch, khiến cho Mỹ vô cùng lo sợ về một trận Điện Biên Phủ đối với quân Mỹ, buộc chúng phải đưa quân tăng viện, phản kích, tạo điều kiện cho ta diệt nhiều địch. Các lực lượng vây lấn của ta một mặt dựa và hệ thống công sự đào liên tiếp đánh bại những cuộc hành quân phản kích của địch; một bộ phận chuyển từ vây lấn đánh địch sang thực hiện vận động, phục kích đánh quân tăng viện khi chúng vừa đến nơi.

- Đối với quân địch ở ngoài công sự (chủ yếu là lực lượng ứng cứu, giải toả), ta đã dự đoán đúng những điểm mà địch sẽ đổ quân xuống nên ta đã bố trí sẵn lực lượng gần đó, đào công sự ẩn nấp chờ địch xuất hiện; hoả lực của ta đã được chuẩn bị sẵn sàng đánh địch ngay cả khi chúng còn ở trên không, bắn cháy nhiều máy bay lên thẳng. Bộ đội ta còn lợi dụng địa hình bị chia cắt, lợi dụng đêm tối tổ chức những cuộc tiến công vào giữa đội hình địch khi chúng tạm dừng chân hay đang vận động.

- Ngoài đánh địch trong và ngoài công sự vững chắc, bộ đội ta ở hướng Đông đã tổ chức những trận địa chốt để cắt tuyến chi viện đường sông của địch. Dựa vào các làng xóm và sông ngòi, bộ đội đặc công hải quân, phối hợp với pháo binh và bộ binh đã thực hiện chốt tại Lâm Xuân, Bạch Cầu, Hoàng Hà, đánh lui nhiều đợt tiến công của bộ binh địch có máy bay, pháo binh, xe tăng và xe bọc thép yểm trợ. Tiêu biểu là trong các ngày 21, 22, 23 và 24-1- 1968, ta đánh bại liên tiếp các cuộc tiến công của địch, diệt 547 tên, trong đó có 310 tên Mỹ, bắn cháy 7 xe tăng và xe bọc thép, bắn hỏng 3 tàu trên sông.

Đây là hình thức chiến thuật còn mới mẻ đối với bộ đội ta (cả về lý luận chỉ đạo cũng như nghệ thuật đánh địch phản kích...) nên sau một thời gian, địch chiếm được trận địa chốt của ta khai thông lại tuyến chi viện đường sông, ta phải rút lui củng cố.

Tuy nhiên, khi ta vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật đánh địch thì thì chúng ta lại không tập trung được lực lượng để thực hiện hình thức chiến thuật chủ yếu. Chính điều này góp phần làm hạn chế kết quả đạt được của toàn chiến dịch. Ngay từ đầu, ta đã đề ra phương châm lấy đánh địch ngoài công sự làm chính, đánh địch trong công sự khi chắc thắng. Trong đợt đầu của chiến dịch, ta thực hiện thành công đánh địch trong công sự ở một số cứ điểm bằng lực lượng binh chủng hợp thành nhằm "châm ngòi" kéo địch ra ngoài. Tuy nhiên trong các đợt tiếp theo, nhất là trong đợt 3 và đợt 4, lực lượng địch ứng cứu, chi viện rất đông và trong một thời gian dài, nhưng do ta không nắm vững phương châm tác chiến chủ yếu đánh địch ngoài công sự

nên ta gặp nhiều khó khăn không thực hiện được mục tiêu đề ra, thậm chí có đơn vị đã bỏ lỡ mất một số thời cơ diệt địch. Hạn chế đó chỉ ra cho chúng ta thấy rằng: trên cơ sở quán triệt phương châm tác chiến chủ yếu, thực hiện linh hoạt các hình thức chiến thuật nhưng phải biết xác định hình thức chiến thuật nào là chủ yếu để tập trung thực hiện nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Một phần của tài liệu Chiến dịch Đường số 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 (Trang 92 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)