• Đội ngũ cán bộ nhân viên của chi nhánh Hà Nội còn thiếu kinh nghiệm.Nhân viên của chi nhánh Hà Nội phần lớn còn rất trẻ (độ tuổi trung bình của nhân viên chi nhánh là 29), vì vậy kinh nghiệm thực tế còn hạn chế. Nhân viên tín dụng còn thiếu năng lực thẩm định, thu thập thông tin về khách hàng và đôi khi hoàn toàn dựa trên tài liệu do khách hàng cung cấp, thiếu sự xác minh lại thông tin hoặc thiếu sự phân tích tính hợp lý của thông tin. Họ cũng chưa được đào tạo và trang bị đầy đủ kiến thức về rủi ro tín dụng. Trong những năm qua, chi nhánh cũng như ngân hàng VP đã quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, nhân viên. Tuy vậy, hoạt động này còn nhiều hạn chế do chi phí đào tạo tốn kém và mất thời gian dài.
• Quy trình tín dụng được áp dụng vẫn còn nhiều điểm bất cập. Bên cạnh những ưu điểm nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tín dụng, quy trình mới còn tồn tại một số hạn chế sau:
- Trong quy trình tín dụng đang được áp dụng, thì mỗi khâu của quy trình đều có sự tham gia đồng thời của bộ phận Quan hệ khách hàng, phòng quản lý rủi ro và phòng Quản lý nợ. Mặc dù vậy, việc phối hợp giữa các phòng ban trong thực tế chưa thực sự chặt chẽ. Nhân viên quan hệ khách hàng có sự chủ quan trong việc thẩm định khách hàng do có sự ỷ lại vào phòng quản lý rủi ro.
- Theo quy trình tín dụng này thì khối lượng công việc phát sinh nhiều, lại đi qua nhiều bước trung gian ảnh hưởng đến chất lượng công tác tín dụng,
khiến thời gian xét duyệt kéo dài, ảnh hưởng cả đến thời gian của khách hàng và nhân viên tín dụng.
• Chất lượng tín dụng tại chi nhánh chưa được chú trọng đúng mức: danh mục cho vay hiện tại của chi nhánh Hà Nội còn tiềm ẩn mức độ rủi ro cao. Tín dụng thời gian qua tăng trưởng nóng, nợ cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ lệ cao trong tổng tài sản trong khi nguồn vốn của chi nhánh lại chủ yếu là ngắn hạn, tốc độ tăng trưởng tín dụng lại cao hơn tốc độ tăng trưởng nguồn vốn.
Tỷ trọng cho vay có tài sản bảo đảm của chi nhánh Hà Nội không cao ở mức 43% năm 2011. Điều này gây ra rủi ro mất vốn luôn tiềm ẩn trong những khoản cấp tín dụng của ngân hàng, nhất là trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay còn nhiều bất ổn, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, khả năng thua lỗ phá sản là rất lớn.
• Thiết bị công nghệ, thông tin còn thiếu thốn: chi nhánh Hà Nội không có được nguồn thông tin đầy đủ, kịp thời từ trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (CIC). Điều này dẫn đến việc Chi nhánh có thể ra những quyết định sai lầm như: khách hàng vay tiền bằng tài sản thế chấp mà tài sản này đã được dùng thế chấp tại ngân hàng khác, khách hàng vay tiền và dùng vào mục đích để đảo nợ, trả nợ ngân hàng khác. Đây chính là tiền đề phát sinh những rủi ro tín dụng.
• Hoạt động kiểm tra, giám sát khoản vay chưa hiệu quả: cán bộ tín dụng ở chi nhánh không quan tâm đúng mức đến việc đi kiểm tra, giám sát việc sử dụng tiền vay của khách hàng sau khi giải ngân. Các cán bộ tín dụng chưa ý thức được tầm quan trọng của việc kiểm tra, giám sát khoản vay.
• Chi nhánh chưa có phòng quản lý rủi ro: hiện nay trong cơ cấu tổ chức của chi nhánh Hà Nội chưa tách biệt riêng phòng quản lý rủi ro mà việc quản lý rủi ro được thực hiện ở phòng quan hệ khách hàng và thẩm định tài sản, do vậy công tác quản lý rủi ro chưa được chuyên môn hóa.
• Sự phối hợp giữa ngân hàng VP với các ngân hàng khác trong việc thẩm định, đánh giá khách hàng còn chưa tốt, tiềm ẩn rủi ro có những cá nhân, tổ chức lợi dụng để vay tiền cùng một lúc ở nhiều ngân hàng để đảo nợ mà không hề bị phát hiện.
- Báo cáo tài chính không minh bạch, rõ ràng: khách hàng có thể sử dụng những số liệu chưa được kiểm toán để đề nghị ngân hàng cấp tín dụng. Điều này tiềm ẩn rủi ro về tính chân thực của số liệu, làm cho cán bộ tín dụng không thể thẩm định chính xác tình hình của doanh nghiệp.
- Việc vay mượn giữa các doanh nghiệp không sòng phẳng, xảy ra tình trạng thanh toán chậm hoặc không trả vốn giữa các doanh nghiệp với nhau, điều này ảnh hưởng tới kế hoạch trả nợ của doanh nghiệp đối với Chi nhánh.
- Các khách hàng thường sử dụng vốn không đúng mục đích đã đề cập trong hợp đồng tín dụng ví dụ như dùng vốn lưu động vào đầu tư tài sản cố định, thiết bị sản xuất... hoạt động luân chuyển vốn không lành mạnh là nguyên nhân dẫn đến mất khả năng thanh toán và không thể trả nợ cho chi nhánh. Cũng có thể do khách hàng chủ định lừa đảo, chiếm dụng vốn khiến chi nhánh không thể thu hồi được nợ.
- Khách hàng làm ăn kinh doanh thua lỗ do sự biến động của thị trường làm phát sinh nợ quá hạn. Khách hàng của chi nhánh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng tương đối cao vì vậy thường xuyên phát sinh những khoản thanh toán quốc tế do đó yếu tố tỷ giá có thể ảnh hưởng cả tích cực lẫn tiêu cực đến hoạt động của khách hàng. Nếu ảnh hưởng xấu thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ và ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.