2.2. Trách nhiệm của thanh niên trí thức đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trải qua gần một trăm năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, hai mươi năm chống đế quốc Mĩ, nhân dân Việt Nam đã bỏ biết bao công sức, trí tuệ cho sự nghiệp độc lập, tự do của Tổ quốc, và hôm nay, trên con đường hội nhập với thế giới, Việt Nam đã có một vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. Chúng ta có quyền tự hào bởi ta là người Việt Nam, được sinh ra trên mảnh đất anh hùng, luôn tồn tại những con người kiên cường, bất khuất, đầy trí tuệ, thông minh và sáng tạo, những con người này đã làm cho đất nước ngày càng đi lên, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.
Hiện nay, nước ta đang trong thời kì đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với thanh niên trí thức.
Như chúng ta đã biết, công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam được bắt đầu rất sớm từ năm 1960. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960) chỉ rõ: Muốn cải biến tình trạng lạc hậu hiện nay ở nước ta, đưa nước ta từ chế độ sản xuất nhỏ là chủ yếu lên chế độ sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, chúng ta không còn con đường nào khác ngoài con đường công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1960 đến 1985, việc tiến hành công nghiệp hoá đã đạt được nhưng kết quả nhất định, cơ sở vật chất kĩ thuật của nền kinh tế được nâng lên một bước rõ rệt. Nhưng công nghiệp hoá thời kì này cũng bộc lộ nhiều hạn chế sai lầm. Đại hội VI (1986), đã nêu ra nhũng sai lầm, thiếu sót trong chỉ đạo phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp hoá nói riêng. Đại hội VI chỉ rõ: trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế, xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền tề cho việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong chặng đường tiếp theo. Đại hội VIII (1996) của Đảng xác định rõ từ nay đến năm 2020 ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và Đại hội IX (2001) của Đảng cũng nhấn rõ chủ trương này.
Mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hóa ở nước ta là: xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất – kĩ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lí, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Quan điểm công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời kì đổi mới còn được Đảng ta xác định là công nghiệp hoá gắn với hiện đại hoá và công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và của công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Vậy kinh tế tri thức là gì? Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra định nghĩa: Kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong nền kinh tế tri thức, những ngành kinh tế có tác dụng to lớn tới sự phát triển là những ngành dựa nhiều vào tri thức, dựa vào những thành tựu mới của khoa học, công nghệ. Đó là những ngành kinh tế mới dựa trên công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và cả những ngành kinh tế truyền thống như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ được ứng dụng khoa học, công nghệ cao.
Với định nghĩa trên, có thể hiểu kinh tế tri thức là trình độ cao của lực lượng sản xuất xã hội, mà trong quá trình lao động của từng người lao động và toàn bộ lao động xã hội, trong từng sản phẩm và trong trong tổng sản phẩm quốc dân thì hàm lượng lao động cơ bắp, hao phí lao động cơ bắp giảm đị, trong khi hàm lượng tri thức, hao phí lao động trí óc tăng lên. Trong kinh tế tri thức, tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là vốn quý nhất, là nguồn lực quan trọng hàng đầu quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đây cũng là một yêu cầu đặt ra cho việc phát triển nguồn nhân lực trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta.
Bên cạnh đó, Đại hội X cũng nhận định rằng: trong những năm sắp tới, trên thế giới hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục hồi phục và phát triển nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất trắc, khó lường. Toàn cầu hoá kinh tế tạo ra cơ hội nhưng xũng chứa đựng yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn thách thức cho các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển. Khoa học và công nghệ sẽ có bước đột phá mới, những cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, dân tộc, tôn giáo… đang diễn ra nhiều nơi với tính chất ngày càng phức tạp…
Trong nước, những thành tựu qua 5 năm (2001- 2005) và 20 năm đổi mới (1986- 2006) tạo thêm nhiều thuận lợi cho đất nước ta tiến hành đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội với nhịp độ nhanh hơn, chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình hình suy thoái về chính trị, tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên gắn liền với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn đang diễn ra nghiêm trọng chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Các thế lực thù địch vẫn đang ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” hòng phá hoại sự nghiệp cách mạng nước ta. Từ sự phân tích trên, chúng ta khẳng định rằng: những năm tới tuy còn nhiều khó khăn, nhưng đất nứơc vẫn còn những thuận lợi để tiến lên, đòi hỏi cấp thiết lúc này của dân ta là tranh thủ cơ hội vượt qua thách thức. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nhấn mạnh: “Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hoá, hiện đại hoá” [6, tr.87]
Để thực hiện điều này, Đảng ta lấy phát huy nguồn nhân lực con người là yếu tố cơ bản cho sự phát triển. Ngày nay, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước ta diễn ra trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn liền với phát triển kinh tế tri thức vì vậy, chúng ta phải phát huy có hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trí thức và đặc biệt là tầng lớp thanh niên trí thức - thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Thanh niên trí thức là những con người hăng hái nhiệt tình, là những nắm trong tay tri thức mới, có khă năg tiếp thu, ứng
dụng và sáng tạo những thành tựu mới nhất của khoa học công nghệ, từ đó thực hiện được mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Như vậy, thanh niên phải hiểu rõ được trách nhiệm của bản thân trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Việc làm trước tiên của thanh niên trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là phải học tập, vì nếu không học tập chúng ta sẽ trở thành những con người lạc hậu và chậm tiến, phải trang bị thật tốt cho mình vốn kiến thức, hiểu biết về thế giới, khoa học và con người. Thanh niên cần phải xác định được mục tiêu học tập đúng đắn, coi việc học tập khoa học kĩ thuật là then chốt, trở thành những nhà khoa học trẻ tương lai, những thành viên xung phong trong mọi trong thời đại mới. Học tập không chỉ giúp thanh niên trí thức góp phần xây dựng một đất nước vững mạnh, phát triển, phồn vinh mà còn là một con đường tốt nhất giúp chúng ta đi đến một tương lai tuơi sáng và tốt đẹp.
Không chỉ dừng ở việc học tập, thanh niên, học sinh, sinh viên còn phải hoàn thiện bản thân, tu dưỡng và rèn luyện về đạo đức, có lòng thương người và đối xử với người theo lẽ phải, đó là nhân nghĩa là truyền thống cao đẹp của con người Việt Nam mà chúng ta cần duy trì và phát triển. Thanh niên phải biết quan tâm chia sẻ, sẵn sàng hi sinh bản thân vì lợi ích quốc gia, dân tộc… Đặc biệt thế hệ trẻ cần phải tích cực rèn luỵên một lối sống trong sáng, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma tuý…và những thói hư tật xấu, lối sống lai căng, thực dụng, xa rời các giá trị truyền thống văn hoá của dân tộc.