3.2.3.Tăng cường thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng
3.3.4.2. Đối với BIDV hội sở chính
BIDV HO cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các sản phẩm mới như bao thanh toán nhập khẩu, tài trợ nhập khẩu trọn gói trong thời gian sớm nhất nhằm đón đầu mùa vụ nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm; đồng thời nâng cấp nhóm sản phẩm chiết khấu đảm bảo tăng tính cạnh tranh các sản phẩm trên thị trường so với các đối thủ cạnh tranh hiện nay.
Tiếp tục hỗ trợ chi nhánh đẩy mạnh khai thác các hợp đồng hợp tác toàn diện với các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động tài trợ nhập khẩu, gắn cơ chế theo dõi, đánh giá, định kỳ báo cáo tình hình quan hệ để kịp thời đề xuất báo cáo, giải pháp phù hợp, khả thi, nhằm khơi thông quan hệ giao dịch, đảm bảo khách hàng
thực hiện đúng cam kết đã ký trong hợp đồng.
Đẩy mạnh bán sản phẩm thanh toán quốc tế cho các định chế tài chính (Ngân hàng, các công ty tài chính) thông qua việc ký kết thỏa thuận thanh toán quốc tế với các định chế tài chính trong nước, kết hợp giới thiệu, quảng bá dịch vụ thanh toán quốc tế của BIDV cho các định chế tài chính nước ngoài, thu hút họ sử dụng dịch vụ cho các giao dịch phát sinh liên quan đến các doanh nghiệp Việt Nam như: Thông báo LC, thông báo CAD, thông báo bảo lãnh,....
Hoàn thiện và ban hành các sản phẩm tiền tệ phái sinh tài chính như: quyền chọn, hoán đổi, tương lai nhằm cung cấp thêm nhiều sự lựa chọn cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm tài trợ nhập khẩu của ngân hàng, giảm thiểu rủi ro khi biến động tỷ giá quá lớn. Bên cạnh đó, dịch vụ tiền tệ phái sinh cũng góp phần mang lại nguồn phí kinh doanh ngoại tệ lớn cho các chi nhánh.
Tổ chức các buổi hội thảo có quy mô lớn về tài trợ nhập khẩu phối hợp với các tổ chức nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm đến các doanh nghiệp nhập khẩu đồng thời khuếch trương sản phẩm của BIDV ra thị trường
Đối với các sản phẩm tài trợ nhập khẩu mới: BIDV HO với đầu mối là ban phát triển sản phẩm và tài trợ thương mại cần có những buổi tọa đàm, đào tạo sản phẩm mới, trao đổi nghiệp vụ để giúp chi nhánh nhanh chóng giải quyết được những vướng mắc trong quá trình bắt đầu đi vào triển khai, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng.
BIDV HO cần tăng cường sự hỗ trợ trong công tác tư vấn đối với chi nhánh giúp khách hàng nắm bắt được thông tin về thị trường nhập khẩu, thông tin bạn hàng, ngân hàng nước ngoài, các chính sách phí dịch vụ của các ngân hàng nostro,...trong thời gian nhanh nhất
BIDV HO cần có sự thỏa thuận với công ty bảo hiểm BIC để có thể cung cấp cho các khách hàng nhập khẩu mức phí bảo hiểm cạnh tranh hơn để hỗ trợ cho việc bán chéo các sản phẩm tài trợ nhập khẩu, góp phần đáp ứng trọn gói nhu cầu của khách hàng vì hiện nay, trên thực tế có rất nhiều doanh nghiệp kêu ca về mức phí này cao hơn các ngân hàng TMCP.
Việc phân tách mô hình mới theo chương trình hiện đại hóa của BIDV với sự
phân tách trách nhiệm của hai bộ phận: Thanh toán quốc tế và quan hệ khách hàng trong việc phát triển mở rộng dịch vụ tài trợ nhập khẩu hàng hóa hiện nay là chưa rõ ràng. Khi bộ phận quan hệ khách hàng đi chào bán về sản phẩm thì thường lấy lý do là không làm về chuyên môn thanh toán quốc tế nên không hiểu sâu về sản phẩm, dẫn đến việc hạn chế trong tư vấn cho khách hàng sử dụng dịch vụ. Trong khi đó, bộ phận thanh toán quốc tế muốn giới thiệu sản phẩm dịch vụ mới cho khách hàng thì lại không biết trả lời những câu hỏi của khách hàng liên quan đến vấn đề tín dụng. Bởi thông thường hiện nay, khách hàng sử dụng dịch vụ từ các chi nhánh chiếm đến 80% là khách hàng có quan hệ tín dụng, vay vốn. Chính vì thế, BIDV HO cần có quy định mới phân tách cụ thể rõ hơn chức năng nhiệm vụ của hai bộ phận này để đảm bảo kết hợp với nhau tốt nhất trong thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ.
Một số đề xuất phân tách chức năng các bộ phận trong quy trình cung ứng dịch vụ cho các chi nhánh BIDV trên địa bàn Hà Nội:
Bộ phận phát triển sản phẩm: chịu toàn bộ trách nhiệm đối với công tác nghiên cứu, đề xuất chiến lược phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu thị trường, nhu cầu khách hàng, cải tiến, nâng cấp sản phẩm hiện hữu, lập kế hoạch trực tiếp triển khai hoạt động marketing, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ tiếp xúc khách hàng chào bán sản phẩm mới.
Bộ phận kinh doanh: gồm bộ phận quan hệ khách hàng: chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch kinh doanh được giao thông qua phát triển khách hàng và bán hàng trực tiếp cho khách hàng. Bộ phận này cũng chịu trách nhiệm trực tiếp bán ngoại tệ cho khách hàng nhập khẩu để thanh toán tiền hàng cho đối tác.
Bộ phận tác nghiệp: gồm bộ phận thanh toán quốc tế: trực tiếp nhận hồ sơ từ khách hàng, kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ; đồng thời phối hợp tiếp thị, phát triển khách hàng, giới thiệu và bán các sản phẩm tài trợ nhập khẩu, đưa ra những đề xuất cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.
Ba bộ phận trên cần phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng vừa đảm bảo công việc đạt chất lượng cao, vừa đảm bảo tốc độ xử lý giao dịch, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách hàng một cách tốt nhất.
BIDV HO cần đẩy nhanh tiến độ cải tiến, nâng cấp các sản phẩm hiện có theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ giao dịch và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhằm tăng tính cạnh tranh, thu hút khách hàng
Đề nghị trung tâm tác nghiệp và tài trợ thương mại cập nhật định kỳ theo tháng tổng hợp các tình huống rủi ro xảy ra trong thanh toán quốc tế để các chi nhánh được biết, học tập và rút kinh nghiệm và tư vấn cho khách hàng, tránh xảy ra các rủi ro đáng tiếc, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của chính ngân hàng.
BIDV HO cần nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ liên quan đến kinh doanh ngoại tệ, hàng hóa phái sinh, thông qua đó đẩy mạnh công tác bán chéo sản phẩm khác, đặc biệt là các sản phẩm tài trợ thương mại.
KẾT LUẬN
Là một trong những ngân hàng hàng đầu trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, với 55 năm xây dựng và trưởng thành, ngân hàng TMCP BIDV nói chung, các chi nhánh BIDV trên địa bàn Hà Nội nói riêng đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm tài trợ nhâp khẩu trên thị trường tài chính ngân hàng góp phần cho sự tăng trưởng kinh tế đất nước.
Luận văn với đề tài “Mở rộng dịch vụ tài trợ nhập khẩu hàng hóa của ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam trên địa bàn Hà Nội” được trình bày trong 3 chương :
Chương 1 khái quát hóa những nội dung liên quan đến vấn đề mở rộng dịch vụ tài trợ nhập khẩu hàng hóa của NHTM, tầm quan trọng của việc mở rộng dịch vụ tài trợ nhập khẩu hàng hóa đối với sự phát triển kinh tế đất nước, sự phát triển của các doanh nghiệp nhập khẩu và của chính các NHTM. Tác giả cũng đề cập đến kinh nghiệm của hai ngân hàng lớn là Wellsfargo của Mỹ và Vietcombank của Việt Nam có nhiều ưu thế vượt trội trong việc phát triển dịch vụ tài trợ nhập khẩu hàng hóa trên thế giới, từ đó phân tích và đưa ra các bài học kinh nghiệm cho BIDV có thể áp dụng trong công tác phát triển dịch vụ của mình.Trong đó, công tác phát triển sản phẩm dịch vụ tài trợ nhập khẩu trọn gói trong giai đoạn hiện nay được xem là bài học quan trọng nhất, thiết thực nhất BIDV cần áp dụng trong thời gian sớm nhất để có thể nâng cao sức cạnh tranh với các ngân hàng thương mại khác trong hệ thống.
Chương 2 tập trung phân tích thực trạng công tác mở rộng dịch vụ tài trợ nhập khẩu của các chi nhánh BIDV trên địa bàn Hà Nội thông qua sự tăng trưởng về doanh số nhập khẩu, phí thanh toán quốc tế từ năm 2009 cho đến 8 tháng đầu năm 2012. Ngoài ra, dựa trên một số tiêu chí, nội dung mở rộng dịch vụ tài trợ nhập khẩu đề cập đến trong chương 1, tác giả phân tích thực trạng mở rộng khối khách hàng nhập khẩu thông qua các chương trình ưu đãi, hỗ trợ vốn cho khách hàng, phát triển các chương trình chăm sóc khách hàng VIP, phát triển các sản phẩm dịch vụ tài trợ nhập khẩu mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống. Qua đó, đưa ra những
thành tựu, hạn chế trong công tác phát triển dịch vụ tài trợ nhập khẩu tại các chi nhánh trên địa bàn Hà Nội, đồng thời phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến những vấn đề tồn tại trên.
Chương 3 phân tích định hướng mở rộng về đối tượng khách hàng, về công tác phát triển sản phẩm mới, về lĩnh vực tài trợ, về thị phần, doanh thu và phí. Qua đó, đề xuất những giải pháp tiếp tục mở rộng dịch vụ tài trợ nhập khẩu như: đa dạng hóa sản phẩm, thúc đẩy hoạt động marketing, tăng cường xây dựng, thông tin khách hàng, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, hoàn thiện các văn bản, quy trình chế độ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu học tập kinh nghiệm phát triển dịch vụ của các ngân hàng lớn trên thế giới. Cuối cùng, luận văn đưa ra những kiến nghị về phía chính phủ, ngân hàng nhà nước, doanh nghiệp và về phía BIDV hội sở chính để giải quyết hoàn thiện những vấn đề đặt ra.
Có thể nói, việc tiếp tục mở rộng dịch vụ tài trợ nhập khẩu được xem là tất yếu, là chiến lược phát triển lâu dài đối với sự phát triển dịch vụ thanh toán quốc tế của BIDV nói chung, của toàn bộ các chi nhánh trên địa bàn Hà Nội nói riêng. Mặc dù trong thời gian đầu triển khai các sản phẩm mới còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chắc chắn trong tương lai, với vị thế là một trong những ngân hàng hàng đầu trong hệ thống, BIDV sẽ có những sự bứt phá lớn đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước.