Hệ thống nhu cầu của mỗi con người
Mỗi một con người có hệ thống nhu cầu khác nhau từ nhu cầu cơ bản (ăn, mặc, ở, đi lại…) đến các nhu cầu cao (học tập, quan hệ xã hội, nghỉ ngơi, giải trí…). Con người luôn hành động trước hết nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân và lợi ích của bản thân. Tại một thời điểm nhất định, nhu cầu mạnh nhất trong hệ thống nhu cầu cá nhân sẽ thúc đẩy cá nhân đó hành động. Khi nhu cầu này được thỏa mãn thì ngay lập tức nhu cầu khác cao hơn sẽ xuất hiện.
Như vậy, khi NLĐ làm việc nhằm thỏa mãn nhu cầu của chính bản thân mình sẽ giúp cho họ có thêm động lực làm việc, hoàn thành công việc với hiệu quả cao. Vì vậy các nhà quản lý cần phải hiểu nhân viên của mình đang cần nhu cầu gì và phải hướng sự thỏa mãn vào các nhu cầu đó thì mới tạo ra động lực cho NLĐ.
Đặc điểm tâm lý và quan điểm cá nhân
Tính cách và quan điểm của cá nhân quy định cách thức hành vi của cá nhân trong môi trường xã hội. Mỗi người có những tính cách và quan điểm khác nhau, có ảnh hưởng tới kết quả làm việc, vì thế nhà quản lý phải căn cứ vào đặc điểm tính cách và quan điểm cá nhân của mỗi NLĐ để sắp xếp, bố trí công việc phù hợp nhằm khai thác tối đa được sở trường của từng NLĐ, nâng cao năng suất lao động và tạo được động lực cho NLĐ.
Kinh nghiệm, năng lực làm việc của mỗi người
Năng lực và kinh nghiệm làm việc của NLĐ quyết định đến kết quả thực hiện công việc. Nếu tổ chức giao những công việc quá phức tạp cho cá nhân có năng lực thấp, thì kết quả thực hiện công việc sẽ không cao, dẫn tới tâm lý chán nản, tự ti cho NLĐ. Ngược lại, nếu giao những công việc đơn giản cho những cá nhân có năng lực cao sẽ dẫn tới việc không phát huy được hết khả năng của họ, khiến họ cảm thấy công việc nhàm chán, đơn điệu, từ đó mất động lực làm việc. Năng lực của NLĐ còn thể hiện bằng việc người đó làm công việc gì, vị trí ra sao trong xã hội. Một cá nhân cảm thấy mình có vị trí quan trọng trong tổ chức, họ sẽ cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất để giữ được vị tríđó và sự nể trọng của mọi người trong tổ chức, từ đó họ có động lực làm việc. Do đó, kinh nghiệm và năng lực của NLĐ có ảnh hưởng tới động lực của NLĐ.