54
Tại các nồng độ thấp BA (1; 1,5mg/l) không hay có bổ sung thêm NAA, mẫu cấy có xuất hiện thêm chồi con mới, các chồi này có xu hướng phát triển cao lên, tán lá rộng, và ra rễ con.
Tại các nồng độ BA cao (4 – 5mg/l) không hay có bổ sung thêm NAA, mẫu cấy cũng xuất hiện thêm nhiều chồi con mới, tuy nhiên kích thước các chồi con nhỏ, đỉnh chồi yếu ớt, màu trắng xanh, chồi chậm bật lá con, các mẫu chủ yếu phát triển theo bề ngang nhưng chậm.
Bên cạnh đó, khi gia tăng nồng độ NAA trong các lô thí nghiệm, ta nhận thấy khi nồng độ auxin này càng tăng lên thì sự hình thành rễ càng nhiều, đồng thời mẫu có hiện tượng phù xốp tại vùng tiếp xúc với môi trường nuôi cấy. Mẫu biến dạng lớn nhất tại nồng độ NAA 0,6mg/l.
Có nhiều cách khác nhau để tạo chồi con trong nuôi cấy mô thực vật như: nuôi cấy chồi ngủ, nuôi cấy lát mỏng tế bào (thân, cuống hoa, đế hoa,…), nuôi cấy lá để tạo thể chồi trực tiếp hoặc qua con đường tạo mô sẹo rồi từ đó tạo chồi. Trong thí nghiệm này chúng tôi sử dụng phần mô phân sinh ngọn chồi (vùng đỉnh sinh trưởng) vào môi trường nuôi cấy mô in vitro có bổ sung các CĐHTTTV với nồng độ khác nhau nhằm khảo sát khả năng cảm ứng tạo cụm chồi.
Các yếu tố phát sinh hình thái chồi thường sử dụng trong nuôi cấy mô thực vật: auxin, gibberellins và cytokinin lên sự phát sinh hình thái chồi. Trong đó auxin có tác dụng lớn trong sự kéo dài tế bào, đặc biệt là kéo dài tế bào ở ngọn chồi, kích thích sự phân chia tế bào tượng tầng nhưng hầu như không tác động lên mô phân sinh sơ cấp. Như vậy, auxin tác động lên sự tăng trưởng theo đường kính. Đồng thời, auxin (phối hợp với cytokinin) giúp sự tăng trưởng chồi non và sự khởi phát sự tạo mô phân sinh ngọn chồi từ nhu mô. Tuy nhiên ở nồng độ cao, auxin cản trở sự phát triển của phát thể chồi vừa thành lập hay chồi nách, các chồi bây giờ sẽ rơi vào trạng thái tiềm sinh.
Cytokinin ảnh hưởng rõ rệt lên sự hình thành và phân hoá cơ quan thực vật, đặc biệt là sự phân hoá chồi. Để tăng hệ số nhân giống, người ta thường tăng nồng độ cytokinin trong môi trường nuôi cấy ở giai đoạn tạo chồi. Đồng thời dựa trên sự cân bằng giữa tỉ lệ auxin và cytokinin có ý nghĩa quyết định trong quá trình phát sinh
55
hình thái của mô nuôi cấy in vitro, ở đây với tỉ lệ cytokinin cao hơn auxin để kích thích ra chồi.
Mẫu dùng trong thí nghiệm nhân chồi được chuyền từ thí nghiệm khử trùng, đã tách bớt các bẹ lá chỉ để lại từ 1 – 2 vòng bẹ lá trên cùng sau đó tiến hành chẻ mẫu ra làm 2 nhằm huỷ đỉnh sinh trưởng giúp các chồi mầm phá trạng thái hưu miên để hình thành chồi.
Mô phân sinh ngọn chồi của cây chuối bao gồm ba vùng (vùng trung tâm, vùng ngoại vi và vùng phân sinh ngọn) với các tế bào đang phân chia và chưa phân hoá về mặt hình thái. Dưới tác động của các CĐHTTTV ngoại sinh, bên cạnh kiểu phát sinh thông thường (hình thành thân và lá), có sự hình thành vùng tế bào mô phân sinh mới để phát triển thành các chồi mới. Sự hình thành vùng phân sinh mô mới có thể xảy ra ở vùng nách lá hay biểu bì của thân, lá. Trong thí nghiệm nhân chồi trên đây, hầu hết tất cả chồi con đều phát triển lên từ vùng nách lá và vô hướng, trong khi đa số chồi đều hướng lên mặt trên của môi trường vẫn có một số chồi con phát triển ở phần dưới môi trường nuôi cấy.
Kết thúc thí nghiệm nhân chồi, kết quả cho thấy tại nồng độ BA 2mg/l và BA 2mg/l có bổ sung NAA 0,2mg/l cho kết quả nhân chồi tốt nhất, với số lượng chồi trong khoảng 14 – 18 chồi sau 7 tuần, chồi phát triển ổn định và khoẻ mạnh. Tuy nhiên, mẫu chuối ngay tại môi trường khử trùng mẫu đã nhận thấy sự ra rễ của mẫu khá tốt, điều này có thể do hàm lượng auxin nội sinh của mẫu khá cao, chúng tôi lựa chọn nồng độ nhân chồi là BA 2mg/l.
3.3 Thí nghiệm tạo rễ
Các chồi chuối thu nhận được tại thí nghiệm nhân chồi sau khi tách bỏ ra khỏi cụm chồi được cấy vào môi trường trong thí nghiệm tạo rễ. Sau 21 ngày theo dõi, chúng tôi thu nhận được kết quả như Bảng 3.4.