2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
2.3.1 Hoạt động của Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh từ năm 1980 đến năm 1985
Ngay từ khi thành lập, cán bộ, công nhân viên Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh đã căn cứ vào quyết định số 210/TH-TW của đồng chí Nguyễn Vịnh – Phó Ban Tuyên huấn Trung ương kí ngày 01/7/1980 và quyết định số 98/VH-TT- QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin ký ngày 23/7/1980 để định hướng cho mọi hoạt động của Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh. Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh hoạt động đúng với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của một nhà xuất bản địa phương: xuất bản các loại sách lịch sử, chính trị xã hội, khoa học kỷ thuật, văn học nghệ thuật, sách phục vụ thiếu nhi, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, sách tham khảo…và các loại lịch, tranh ảnh văn hóa phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và khu vực, đồng thời phục vụ bạn đọc trong cả nước; cung cấp kiến thức khoa học, toàn diện, giáo dục và nâng cao nhận thức chính trị, định hướng thẩm mỹ, nâng cao năng lực cảm thụ và sáng tạo nghệ thuật, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, trau dồi nghề nghiệp, góp phần nâng cao dân trí và đời sống tinh thần cho nhân dân. Chính vì thế, Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh đã nhận được sự yêu mến và tin cậy của đông đảo độc giả trong và ngoài nước.
Thời gian đầu, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí trong ban giám đốc cùng các bộ phận đã lập kế hoạch xuất bản cho thời kỳ đầu và kế hoạch xuất bản, kế hoạch tài chính cho những năm 1980 – 1985.
Năm 1980, nhân dân Nghệ Tĩnh liên tục gặp nhiều khó khăn do sự biến đổi bất thường của thời tiết. Tình trạng hạn hán gay gắt kéo dài chưa từng thấy kể từ thế kỷ XX đến thời điểm đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi sinh hoạt trong đời sống và sản xuất của nhân dân [13]. Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng đang diễn ra trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam đã tác động nghiêm trọng đến tình hình chung
của Nghệ Tĩnh. Của cải sản xuất ra cung không đủ cầu, nhất là lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Đời sống của cán bộ và nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Cũng trong giai đoạn này, cả nước đang thi đua thực hiện kế hoạch năm năm của Nhà nước 1980 – 1985. Nhân dân Nghệ Tĩnh đã hăng hái tích cực, vượt qua mọi khó khăn chống chọi với thiên tai khắc nghiệt, quyết tâm đạt được các mục tiêu của kế hoạch nhà nước, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực và thu được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực sản xuất công, nông, lâm, ngư nghiệp [55]. Những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực kinh tế đã góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy các hoạt động văn hóa – xã hội ở Nghệ Tĩnh có những bước phát triển mới. Công tác xuất bản, báo chí và các cơ quan truyền thông ngày càng thể hiện rỏ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của tỉnh.
Riêng đối với Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh, sau một thời gian vừa làm việc, vừa học hỏi kinh nghiệm, một số công việc, phòng ban chuyên môn của nhà xuất bản đã được định hình. Công việc trọng tâm hàng đầu để nhà xuất bản ổn định và phát triển là công tác tổ chức bản thảo được khẩn trương tiến hành. Một số bản thảo đầu tiên của nhà xuất bản đã được tập trung đầu tư, tổ chức khai thác với sự cộng tác nhiệt tình của đội ngũ tác giả cộng tác viên trong và ngoài tỉnh. Thời kỳ này, các hoạt động xuất bản – in – phát hành gắn bó khăng khít với nhau. Các nhà in, các công ty phát hành sách đã giúp đỡ và tạo điều kiện cho nhà xuất bản, góp phần giúp hoạt động xuất bản được thuận lợi, trôi chảy [45]. Cũng trong thời kỳ đầu, mặc dầu Tỉnh ủy cho phép biên chế cán bộ nhà xuất bản là 30 người, nhưng từ thực tế tình hình lúc đó, nhà xuất bản phải cân nhắc, chọn lọc và chỉ đưa được 8 người vào biên chế. Với số lượng cán bộ nhà xuất bản chỉ có 8 người, vì vậy, anh em cán bộ phải thật sự “vạn năng”, kiêm nhiệm hầu như tất cả công việc cần thiết để tạo thêm sản phẩm và để nhà xuất bản lưu thông hoạt động.
Từ năm 1981 đến năm 1985, một đội ngủ cán bộ đã được bổ sung có đào tạo về nhà xuất bản như Hồ Văn Sơn, Trần Trọng Tân, Hồ Thiết Trinh, Ngô Văn Hội, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Tuyên. Có thêm được những nhân lực cốt cán, có đường lối định hướng đúng đắn là những yếu tố quyết định cho sự ổn định và phát triển của nhà xuất bản. Một hệ thống ban phòng đã được xác lập: Phòng Biên tập, phòng Kế hoạch Sản xuất, phòng Tổ chức hành chính. Cùng với các phòng ban là các tổ chức Đảng, chi đoàn thanh niên, công đoàn đi vào hoạt động.
Trong những năm đầu, nhà xuất bản hoạt động tự hoạch toán kinh tế với tinh thần tất cả vì sự nghiệp xuất bản, vừa học vừa làm, đoàn kết tương trợ…nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch xuất bản hàng năm. Nhờ sự đồng lòng nổ lực ấy, kế hoạch hàng năm đã đạt 30 đến 50 đầu sách. Trong đó có một số tác phẩm tiêu biểu như: Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên, Hồ
Chí Minh thời niên thiếu, Những người thân trong gia đình Bác Hồ, Truyện dân gian nghệ Tĩnh, núi Hồng 99 ngọn, Lịch sử Nghệ Tĩnh tập I, Nghệ Tĩnh 40 năm sự kiện và con số, Danh nhân Nghệ Tĩnh (3 tập đầu),v.v… [68]Về số lượng, năm sau cao hơn năm trước, nội dung sách bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương cùng với những đầu sách truyền thống, lịch sử các tác phẩm văn học nghệ thuật của các tác giả khu vực Nghệ Tĩnh và của cả nước với hàng chục ngàn bản in, hàng triệu trang in.
Để có được kết quả ban đầu ấy, ngoài sự nổ lực của cán bộ công nhân viên nhà xuất bản, sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo, cùng các ban ngành cấp tỉnh là một trong những nguyên nhân cơ bản giúp Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh sớm đi vào hoạt động ổn định và đạt được một số thành tựu ban đầu. Ngoài ra, sự quan tâm sâu sắc, gắn bó máu thịt của đội ngủ tác giả cộng tác viên , các nhà khoa học, văn nghệ sĩ cả nước đối với đất Nghệ cũng là một nguyên nhân quan trọng để Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh hoàn thành nhiệm
vụ trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,…của đất nước đang gặp nhiều khó khăn.