Sự chuyển đổi từ Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh thành Nhà xuất bản Nghệ An

Một phần của tài liệu Đóng góp của nhà xuất bản nghệ tĩnh, nghệ an từ năm 1980 đến năm 2014 (Trang 36 - 41)

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

1.3 Sự chuyển đổi từ Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh thành Nhà xuất bản Nghệ An

Trong suốt 15 năm sau ngày đất nước thống nhất (1975 – 1990), với sự hợp nhất hai tỉnh làm một, tỉnh Nghệ Tĩnh đã cùng với cả nước thực hiện được ba kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội: 1976 – 1980; 1981 – 1985; 1986 – 1991, cùng với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát huy được các thế mạnh tiềm năng vốn có của tỉnh mình, bước đầu thu được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực. Đặc biệt, từ sau năm 1986, với chủ trương đổi mới của Đảng, nền kinh tế của Nghệ Tỉnh đã gặt hái được nhiều thành công. Tình hình văn hóa, xã hội ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao lên một bước.

Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, Nghệ Tĩnh phải đương đầu với nhiều khó khăn thử thách về thiên tai như hạn hán trong những năm 1976, 1977; lũ lụt trong năm 1978, 1982, 1987, 1988, 1989; cơ sở vật chất còn nghèo nàn lạc hậu, kinh tế phân tán, nhỏ lẽ. Bên cạnh đó, cơ chế quan liêu bao cấp, bảo thủ chậm đổi mới tồn tại trong một thời gian dài trong các cấp chính quyền và trong tư duy quần chúng nhân dân đã trở thành rào cản lớn trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ Tĩnh. Cùng với đó, trong quá trình thực hiện các kế hoạch Nhà nước đề ra, Nghệ Tĩnh đã vướng phải nhiều sai lầm, khuyết điểm trong chủ trương, biện pháp. Chủ trương đổi mới toàn diện tạo cơ hội phát triển cho Nghệ Tĩnh từ sau năm 1991 đã được đưa ra, trong đó có việc chia tách tỉnh để tạo điều kiện cho hai tỉnh tiếp tục xây dựng quê hương trong giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.[55]

Thực hiện Nghị quyết của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (16 – 8 – 1991), tại thành phố Vinh, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh họp và ra Nghị quyết số 26-

NQ/TU “về lãnh đạo thực hiện chia tỉnh”. Tiếp đó, trong hai ngày 19 và 20 – 8 – 1991, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh khóa XII họp phiên cuối cùng để quyết định những công việc cụ thể theo tinh thần của Nghị quyết Tỉnh ủy và Quốc hội khóa VIII. Tại phiên họp này, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh được phân chia về Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh [4] . Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cũng được chia tách và sớm ổn định.

Theo quyết định của Ban Thường vụ Tĩnh ủy Nghệ An, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tĩnh Nghệ An, Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh đổi thành Nhà xuất bản Nghệ An. Tuy nhiên, mọi tổ chức, hoạt động của Nhà xuất bản vẫn không thay đổi vì Hà Tĩnh vẫn chưa thành lập Nhà xuất bản. Vì vậy, Nhà xuất bản Nghệ An được coi là nhà xuất bản chung của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Trong những năm 90 của thế kỷ XX, công cuộc đổi mới đất nước đã đặt ra cho nhà xuất bản những vấn đề hết sức mới mẻ. Sự chuyển đổi từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế tự hoạch toán kinh doanh đã gây không ít khó khăn cho nhà xuất bản. Việc phải giải quyết như thế nào giữa phục vụ và kinh doanh, giữa chính trị và kinh tế, giữa xuất bản và tiêu thụ, giữa định hướng và thị trường… lúc bấy giờ nhà xuất bản phải tự trang trải cho mọi hoạt động, phải tự đứng trên đôi chân của mình. Trước đây, nhà xuất bản chủ yếu làm sách theo đơn đặt hàng của Nhà nước, thì nay phải làm sách để bán và phải bán được sách để tồn tại. Đây có thể nói là giai đoạn vật lộn đầy trăn trở, là quá trình tìm tòi và thử nghiệm, sự lột xác vượt lên chính mình để tự khẳng định mình trong cơ chế mới. Bằng sự nổ lực của mình, tất cả cán bộ nhà xuất bản đã cùng đồng cam cộng khổ, vừa thận trọng, vừa mạnh dạn, năng động và sáng tạo đã cùng xuất sắc vượt qua giai đoạn thử thách đầy cam go ấy, bước đầu đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tại Hội nghị xuất bản toàn quốc, Nhà xuất bản Nghệ An đã được đánh giá là một trong những nhà xuất

bản địa phương làm ăn có hiệu quả cả về kinh tế và chính trị, cả phục vụ và kinh doanh, giữ vững được tôn chỉ, định hướng của cấp trên giao phó.[66]

Năm 1993, Luật Xuất bản được ban hành, hoạt động xuất bản bước vào thời kỳ mở cửa và hội nhập. Nhà xuất bản Nghệ An vẫn giử vững tôn chỉ hoạt động, luôn đi đúng hướng và thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Tỉnh ủy giao phó. Luật Xuất bản đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính thức thông qua ngày 7 – 7 – 1993, trong đó nhấn mạnh một số điều sau đây:

Điều 1, Chương I: Hoạt động xuất bản là hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, thông qua việc sản xuất phổ biến những xuất bản phẩm đến nhiều người, không phải là hoạt động đơn thuần kinh doanh. Mục đích của hoạt động xuất bản là: 1.Phổ biến những tác phẩm về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật, giới thiệu những di sản văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa thế giới, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 2.đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam.

Điều 22, Chương 3. Nghiêm cấm các xuất bản phẩm có nội dung: chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của công dân và bí mật khác do pháp luật quy định; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm công nhân.[40]

Cho đến nay Luật Xuất bản đã qua ba lần bổ sung, điều chỉnh. Lần thứ nhất Luật Xuất bản sữa đổi đã được Quốc hội thông qua vào ngày 3 – 12 – 2004, và có hiệu lực thi hành ngày 1- 7 – 2005. Lần thứ hai Quốc hội đã ban hành Luật sữa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 3 – 6 – 2008 và có hiệu lực từ ngày 1 – 1 – 2009. Năm 2012, Luật Xuất bản được Quốc Hội tiếp tục bổ sung, sữa đổi và ban hành và có hiệu lực từ ngày 1 – 7 – 2013.

Trên thực tế, chỉ trong vòng 5 năm sau khi Luật Xuất bản có hiệu lực, đội ngũ xuất bản tư nhân tham gia ngày một đông đảo, tạo nên một thị trường xuất bản sôi động, muôn màu. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An một số cơ sở phải kể đến là Công ty văn hóa Cầu Vồng, Công ty truyền thông Trí tuệ Việt, Công ty cổ phần Tư vấn và Phát triển Văn hóa Việt, Nhà xuất bản Đại học Vinh,... Có thể nói, sự lớn mạnh của các cơ sở tư nhân này đã tạo nên một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đồng thời cũng tạo nên một cơ hội liên kết giữa các nhà xuất bản trên địa bàn. Tuy nhiên, nếu được tận dụng một cách phù hợp thì đây sẽ là một cơ hội thử nghiệm tốt cho Nhà xuất bản Nghệ An trên con đường phát triển, hội nhập. Nhưng, nếu không biết nắm bắt cơ hội, thích ứng với luật mới, không bước ra khỏi cơ chế xuất bản cũ thì sẽ là một thách thức lớn đặt ra cho Nhà xuất bản Nghệ An trong cơ chế thị trường sóng gió.

Mặc dù vậy, trải qua chặng đường thử thách đầy chông gai, Nhà xuất bản Nghệ An vẫn trụ vững trên đôi chân của mình bằng việc thay đổi và thích ứng trong mọi hoàn cảnh, giữ vững tôn chỉ, mục đích hoạt động. Cho nên khi Bộ văn hóa thông tin và Cục xuất bản chấn chỉnh lại ngành xuất bản, Nhà xuất bản Nghệ An đã không bị giải thể như một số nhà xuất bản khác.(Năm 1991, các Nhà xuất bản Hậu Giang, An Giang, Bình Định bị giải thể; Năm 1992, có thêm Nhà xuất bản Quảng Ngãi, Long An, Tiền Giang, Quảng Ninh… bị giải thể [18]. Đến cuối tháng 8 – 2015 có 61,9% Nhà xuất bản trên cả nước đứng trước nguy cơ đóng cửa. [70]

*Tiểu kết chương 1

Năm 1980 Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh đã được thành lập đáp ứng được nhu cầu của lực lượng sáng tác, của các tầng lớp trí thức và đông đảo quần chúng nhân dân. Sự thành lập của Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, nhân cách và tình yêu quê hương cho nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh nói chung và nhân dân cả nước nói riêng.

Sau khi Nghệ Tĩnh được chia tách thành hai tĩnh Nghệ An và Hà Tĩnh, Nhà xuất bản Nghệ Tĩnh đổi tên thành Nhà xuất bản Nghệ An, tuy nhiên mọi tổ chức và hoạt động của nhà xuất bản Nghệ An vẫn được giử nguyên vì Hà Tĩnh vẫn chưa thành lập nhà xuất bản.

Từ đó tới nay, tập thể cán bộ Nhà xuất bản Nghệ An đã luôn cố gắng trong mọi hoàn cảnh, phấn đấu vươn lên, để trong suốt 35 năm qua (1980 – 2015), hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của Bộ Văn hóa Thông tin, của Luật Xuất bản, nhất là sự mong đợi của cán bộ, Đảng viên, nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh và nhân dân tĩnh Nghệ An, tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo của Nhà xuất bản Nghệ An trong xu thế hội nhập khu vực và thế giới.

Chương 2

CƠ SỞ VẬT CHẤT, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÀ XUẤT BẢN NGHỆ TĨNH, NGHỆ AN.

Một phần của tài liệu Đóng góp của nhà xuất bản nghệ tĩnh, nghệ an từ năm 1980 đến năm 2014 (Trang 36 - 41)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(106 trang)
w