Thực trạng tranh chấp và giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài theo cơ chế của ICSID (Trang 54 - 60)

tư nước ngoài với Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay

Tác động của hoạt động đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam tới nền kinh tế Việt Nam đã thấy rõ, đó là nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực, đóng góp vào nguồn thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực mà những nhà đầu tư nước ngoài mang lại thì Chính phủ hay Nhà nước Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít rủi ro từ các vụ kiện của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, điển hình là các vụ nhà đầu tư Trịnh Vĩnh Bình (quốc tịch Hà Lan gốc Việt) kiện Nhà nước Việt Nam; vụ nhà đầu tư Micheal McKenzie và công ty South Fork (quốc tịch Hoa Kỳ) kiện Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; hay như vụ công ty DialAsie (quốc tịch Pháp) kiện Chính phủ Việt Nam đã làm tốn không ít giấy mực của báo giới trong thời gian qua.

47

Đối với vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình

Đầu thập niên 90 ông Trịnh Vĩnh Bình là nhà đầu tư quốc tịch Hà Lan về Việt Nam đầu tư, và năm 1998 ông bị Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết án vì tội đưa hối lộ và các vi phạm về sử dụng và quản lý đất đai, sau đó tài sản của ông đã bị tịch thu. Sau khi rời khỏi Việt Nam, nhà đầu tư này đã nhiều lần khiếu nại đòi bồi thường từ Nhà nước Việt Nam với tư cách là nhà đầu tư bị mất tài sản tại quốc gia tiếp nhận đầu tư.

- Về cơ sở khiếu nại

Trong vụ kiện mà nhà đầu tư Trịnh Vĩnh Bình kiện Nhà nước Việt Nam thì ông Bình kiện trên cơ sở Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam – Hà Lan được ký năm 1994

- Về phương thức giải quyết tranh chấp

Nhà đầu tư Trịnh Vĩnh Bình khiếu nại lên Tòa trọng tài Stockholm (Thụy Điển)

- Về các giải pháp ứng phó của Việt Nam

Vụ việc kéo dài khá lâu cho đến tận năm 2006, chính phủ Việt Nam đã giải quyết cho ông Bình miễn hình phạt tù, được trở về Việt Nam. Và đến cuối năm 2011, cơ quan công an đã hoàn tất việc điều tra những sai phạm và truy tố những cán bộ có trách nhiệm, đó là Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và một số cá nhân có liên quan khác về bản án dân sự của ông Trịnh Vĩnh Bình. Còn về việc bên nào thắng kiện và khoản tiền bồi thường là bao nhiêu thì hiện chưa có nguồn thông tin nào công khai hay đề cập tới.

Đối với vụ kiện South Fork [23]

South Fork là một công ty có vốn đầu tư Hoa Kỳ, cụ thể là ông Michael McKenzie (công dân Hoa Kỳ). Đầu những năm 2000, công ty này đầu tư vào Việt Nam và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép đầu tư vào khu du lịch

48

nghỉ dưỡng ở tỉnh Bình Thuận, tỉnh này đã cấp đất cho South Fork cuối năm 2004. Tháng 10/2007, tỉnh Bình Thuận lại cấp phép cho công ty Đường Lâm khai thác titan trên một phần diện tích đất cấp cho South Fork. Lấy lý do tỉnh đã giao đất nhưng lại cho công ty khác khai thác titan, như vậy là xâm hại đến quyền lợi của mình nên đến tháng 9/2010, nhà đầu tư South Fork ra thông báo dừng mọi hoạt động của dự án và đến ngày 18/11/ 2010 ông Michael McKenzie khởi kiện UBND tỉnh Bình Thuận đòi bồi thường khoản tiền lên đến hơn 3.7 tỷ USD.

- Các giải pháp ứng phó của Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập tổ rà soát liên ngành (UBND tỉnh Bình Thuận đã cử giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, một phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham gia) để chuẩn bị cho vụ kiện và tỉnh Bình Thuận cũng xúc tiến tìm kiếm luật sư để tham gia vụ kiện. Trong quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng đã có gặp gỡ, trao đổi và giải thích với ông McKenzie về các quyền và nghĩa vụ của ông và Công ty South Fork theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng ông Mckenzie không chấp nhận. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ tư pháp làm đại diện pháp lý cho Chính phủ, phối hợp với Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài Chính, Bộ Công An, Văn phòng Chính phủ và UBND tỉnh Bình Thuận tham gia giải quyết vụ kiện tại Trọng tài quốc tế. Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hữu quan cùng với Công ty luật quốc tế Hogal Lovells đã xây dựng phương án tranh tụng để phản bác lại cáo buộc của ông McKenzie.

- Kết quả

Tháng 7/2013, Hội đồng Trọng tài quốc tế đã tổ chức phiên họp giải quyết vụ tranh chấp tại Hồng Kông. Sau 05 tháng kể từ khi kết thúc phiên họp giải quyết vụ tranh chấp tại Hồng Kông, tháng 12/2013, Hội đồng Trọng tài

49

đã ra phán quyết chấp nhận các lập luận của Việt Nam và bác bỏ các yêu cầu khởi kiện của ông McKenzie; buộc ông McKenzie phải thanh toán toàn bộ các chi phí mà Việt Nam phải chịu khi tham gia vụ kiện, trong đó có các chi phí của Hội đồng trọng tài, chi phí thuê luật sư quốc tế và tham gia phiên họp giải quyết vụ việc tại Hồng Kông.

Đối với vụ kiện DialAsie

Năm 2000, công ty DialAsie của Pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy phép thành lập Phòng khám thận và lọc thận quốc tế DialAsie với thời gian hoạt động là 25 năm. Ngày 10/03/2001, Công ty DialAsie ký Hợp đồng thuê nhà số 253 Điện Biên Phủ, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh với Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Trong quá trình hoạt động, mâu thuẫn giữa công ty DialAsie và Saigon Co.op phát sinh do DialAsie đã không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán tiền thuê nhà cho Saigon Co.op. Theo thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà thì tranh chấp trên đã được giải quyết tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Theo phán quyết của VIAC thì DialAsie thua kiện. Sau đó, DialAsie khởi kiện Saigon Co.op tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và kháng cáo tại Tòa Phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu hủy phán quyết của VIAC nhưng không được chấp thuận. Đến ngày 15/08/2006, công ty DialAsie đã bàn giao lại tòa nhà tại địa chỉ 253 Điện Biên Phủ, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho Saigon Co.op chấm dứt hoạt động đầu tư và tiến hành khởi kiện Nhà nước Việt Nam ra Trọng tài quốc tế.

- Về cơ sở khiếu nại

Cho rằng không được bảo hộ đầu tư tại Việt Nam, dựa trên cơ sở Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam – Pháp năm 1992 nên công ty này đã khởi kiện Nhà nước Việt Nam. Trong đơn kiện của mình, DialAsie đã cho rằng Việt Nam vi phạm nghĩa vụ đối xử công bằng và bình đẳng đối

50

với Dự án đầu tư (Điều 3 Hiệp định Đầu tư Việt – Pháp); không đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ và an toàn cho Dự án đầu tư (Điều 5 Hiệp định đầu tư Việt – Pháp). Các biện pháp và việc làm của Nhà nước Việt Nam là đã tước đoạt gián tiếp tài sản của nhà đầu tư.

- Về phương thức giải quyết tranh chấp

DialAsie đã khởi kiện Việt Nam ra Trọng tài quốc tế tại LaHay – Hà Lan - Các biện pháp ứng phó của Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì xử lý vụ kiện và Công ty Luật Hogan Lovells làm tư vấn cho Chính phủ Việt Nam giải quyết vụ kiện.

- Kết quả

Sau nhiều năm trời ròng rã theo đuổi vụ kiện, đến ngày 17/11/2014 Tòa Trọng tài thường trực tại LaHay – Hà Lan đã ban hành phán quyết của Hội đồng Trọng tài xét xử vụ nhà đầu tư DialAsie kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện quốc tế thận và lọc thận tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Hội đồng Trọng tài đã bác bỏ toàn bộ các nội dung khiếu kiện của nguyên đơn và Nhà nước Việt Nam không phải bồi thường bất kỳ một khoản chi phí nào theo yêu cầu đòi bồi thường mà nguyên đơn đã nêu trong đơn khởi kiện.

Nhìn chung, tính tới thời điểm hiện nay số vụ nhà đầu tư nước ngoài kiện chính phủ Việt Nam hoặc doanh nghiệp nhà nước được biết đến không nhiều nhưng qua những giải pháp ứng phó từ phía các cơ quan Nhà nước, có thể thấy một số điểm đáng lưu ý như sau:

Thứ nhất, đối với các vụ việc trên, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam còn chưa chủ động trong việc tiếp nhận và tìm hiểu các vấn đề liên quan đến vụ việc. Ví dụ như trong vụ công ty South Fork, từ thời điểm công ty này dừng mọi hoạt động kinh doanh vào tháng 09/2010 để chuẩn bị hồ sơ kiện đến khi Trọng tài quốc tế gửi thông báo về việc thụ lý vụ kiện (tháng

51

08/2011), trong suốt giai đoạn này thì phía UBND tỉnh Bình Thuận không triển khai bất cứ công tác tiếp xúc, tìm hiểu vấn đề nào để ngăn ngừa việc khiếu nại của South Fork. Cho đến khi Trọng tài quốc tế có thông báo chính thức, thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới lập tổ rà soát và các cơ quan có thẩm quyền liên quan mới chính thức thực hiện kiểm tra, xác minh vấn đề trong khi bên nguyên đơn đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ cho vụ kiện. Và cho đến thời điểm đó, phía UBND tỉnh Bình Thuận mới thuê luật sư trong khi luật sư đại diện cho South Fork đã tham gia vào quá trình chuẩn bị tố tụng cho South Fork. Chính vì phản ứng quá chậm chạp nên các cơ quan Nhà nước của Việt Nam bị rơi vào trình trạng thụ động trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc trên.

Thứ hai, đối với những khúc mắc, khiếu nại của nhà đầu tư nước ngoài, các cấp quản lý hoạt động đầu tư ở địa phương chưa có đội ngũ chuyên trách giải quyết. Cấp trực tiếp quản lý hoạt động đầu tư ở từng địa phương là UBND tỉnh, đây phải là đơn vị nắm rõ nhất những vấn đề liên quan đến chính sách quản lý của địa phương mình cũng như những hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, từ các vụ việc của công ty South Fork, ông Trịnh Vĩnh Bình và công ty DialAsie có thể thấy cả UBND tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh đều chưa có đội ngũ chuyên trách về các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Chúng ta cũng chưa có một cơ quan đầu mối rõ ràng và cơ chế cụ thể để phối hợp của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài một cách thực sự hiệu quả. Chính vì vậy, những mâu thuẫn bất đồng rất nhỏ cũng hoàn toàn có thể phát sinh thành các tranh chấp và dẫn tới những vụ kiện. Khi vụ kiện nổ ra, thì lúc này các cơ quan quản lý mới thụ động tham gia vào hoạt động rà soát mà không có sự kiểm tra chủ động của cán bộ quản lý và sự tư vấn của luật sư từ trước.

52

Thứ ba, hiện Việt Nam chưa có sự hỗ trợ sâu rộng và mang tính chất chuyên nghiệp của các công ty, các hãng luật trong nước đối với hoạt động giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của Chính phủ.

Tóm lại, sau một thời gian khá dài mở cửa thì Việt Nam cũng phải đối mặt với một số vụ tranh chấp từ các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan của Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia giải quyết tranh chấp đầu tư nước ngoài. Dù trong vụ kiện đó chúng ta có thể thắng hoặc thua nhưng việc tham gia giải quyết các vụ tranh chấp vẫn chủ yếu mang tính vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Quá trình phối hợp vẫn còn nhiều lúng túng và bị động. Việc thu thập tài liệu để xây dựng hồ sơ cũng gặp nhiều khó khăn do công chức tham gia hoặc trực tiếp xử lý vụ việc trước đó đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu hay không còn nữa. Mặt khác, một số hồ sơ, tài liệu do các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau nắm giữ nên việc bảo quản, lưu giữ tài liệu chưa tốt...

Tuy các giải pháp ứng phó và giải quyết tranh chấp của Việt Nam còn nhiều hạn chế nhưng đây sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu cho các cơ quan Nhà nước Việt Nam trong tương lai khi gặp phải những vụ việc tương tự như vậy.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài theo cơ chế của ICSID (Trang 54 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)