Ngày nay với những chính sách thông thoáng của Luật doanh nghiệp, cùng với công cuộc cải cách hành chính của Nhà nước thì việc tiến hành thành lập công ty của cá nhân có nhu cầu là thực sự dễ dàng, điều này đã tạo ra được những điều kiện thuận lợi cho giới đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đi cùng với sự thông thoáng của luật doanh nghiệp thì cơ chế tự khai nộp theo Luật Quản lý thuế đã thực sự nâng cao được ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước, tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực đó thì cũng có không ít những tiêu cực đang ngày càng xảy ra một cách dữ dội, đó chính là tình trạng thành lập doanh nghiệp ra nhưng không tiến hành sản xuất kinh doanh, mà để mua bán hoá đơn trái phép, hòng chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Bằng thủ đoạn thuê những người thất nghiệp, dân nhập cư kém hiểu biết, thậm chí cả những đối tượng có tiền án tiền sự… đứng tên đăng ký và làm chủ doanh nghiệp, nhiều công ty, doanh nghiệp “ma” đã ra đời, chúng nhanh chóng biến mất chỉ sau một hợp đồng thương mại và mang theo những khoản nợ thuế khổng lồ.
Đi tìm thực trạng cho vấn đề trên, chúng ta cần bắt đầu ngay từ khâu cấp giấy phép kinh doanh, việc xác nhận nhân thân, vốn kinh doanh tương
ứng với ngành nghề đăng ký, chứng chỉ hành nghề của các đối tượng … thuộc thẩm quyền của Sở kế hoạch đầu tư, đã không thực sự được coi trọng. Đây thực sự là tình trạng thiếu ý thức trách nhiệm của những cán bộ làm công việc cấp giấy phép, chính tình trạng cấp giấy phép vô tội vạ như vậy đã là một điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp “ma”. Việc quá dễ dãi trong công tác cấp giấy phép hoạt động kinh doanh như hiện nay, đã thực sự gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý đối tượng của cơ quan thuế.
Có lẽ để giải quyết cho vấn đề này, Nhà nước cần có những hướng dẫn bổ sung trách nhiệm cụ thể của cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, đồng thời cho phép ngành thuế sau khi nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân được phép kiểm tra sự tồn tại thực tế của đơn vị, các hợp đồng kinh tế, giấy chứng nhận sở hữu tài sản… Điều này nhằm tăng cường quyền hạn điều tra cho cơ quan thuế (hạn chế bớt việc phụ thuộc vào các cơ quan pháp luật, khi điều tra các vụ việc vi phạm pháp luật thuế)
Trong Bộ luật hình sự cũng đã qui định khá rõ trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thuế, cũng như cơ quan công an, trong việc giải quyết các đối tượng vi phạm pháp luật thuế. Theo điều 161 Bộ luật hình sự qui định: “tội trốn thuế trên 50 triệu đồng thì sẽ bị xử lý hình sự…” nhưng trong thực tế đối tượng trốn thuế trên 50 triệu là khá nhiều. Khi cơ quan thuế phát hiện ra các đối tượng vi phạm pháp luật thuế, cơ quan thuế có thể truy thu thuế, sau đó có thể tiến hành phạt hành chính, trường hợp này nếu chuyển cho cơ quan công an để xử lý hình sự thì phải báo cáo Viện Kiểm sát để huỷ bỏ quyết định xử phạt của cơ quan thuế, thủ tục này phần nào ngăn cản tiến độ thực hiện nhiệm vụ của cơ quan công an bị chậm trễ hơn.
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, mặc dù đã có quy chế phối hợp nhưng nhìn chung sự phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan công an còn chậm, do các vụ việc vi phạm là khá phức tạp, xảy ra chủ yếu trên diện rộng, mất nhiều thời gian điều tra, xác minh. Có trường hợp Cục thuế Hải Dương phát hiện ra những trường hợp vi phạm pháp luật thuế, nhưng vì vượt quá thẩm quyền nên lại chuyển hồ sơ cho cơ quan công an, tuy nhiên sau khi tiến hành điều tra, do không có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên lại chuyển hồ sơ lại cho cơ quan thuế xử lý hành chính, khi cơ quan thuế nhận lại hồ sơ thì đã hết thời hiệu xử lý hành chính.