Trong thực tiễn hoạt động tố tụng đã thừa nhận đối với những vụ án mà thiệt hại không phải là hậu quả của hành vi khách quan mà người phạm tội bị truy cứu thì người bị thiệt hại (là cá nhân) được xác định là nguyên đơn dân sự, vì nếu thiệt hại là hậu quả của hành vi khách quan mà người phạm tội bị truy cứu thì họ đương nhiên là người bị hại. Người viết đề nghị cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết của cơ quan có thẩm quyền về việc xác định tư cách người tham gia tố tụng đối với các trường hợp như trên để tránh những cách hiểu khác nhau dẫn đến nhầm lẫn.
Trong nhóm tội “chiếm đoạt tài sản” mà tài sản là của cá nhân công dân thì người bị thiệt hại được xác định là người bị hại. Còn nếu bên bị thiệt hại về tài sản là cơ quan, tổ chức thì họ chỉ có thể được xác định là nguyên đơn dân sự. Vì vậy cá nhân bị thiệt hại về tài sản trong trường hợp này thì được xác định là người bị hại và có quyền kháng cáo về hình phạt đối với bị cáo, còn nếu bên bị thiệt hại về tài sản là cơ quan, tổ chức thì họ chỉ có thể được xác định là nguyên đơn dân sự và do đó họ không được quyền kháng cáo về hình phạt đối với bị cáo là không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, người viết đề nghị, đối với các tội xâm phạm đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì nên xác định họ là người bị hại để họ được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định tại Điều 51 Bộ luật tố tụng Hình sự.