Chọn mẫu kiểm toán

Một phần của tài liệu Hoàn thiện quy trình kiểm toán khoản mục tài sản cố định trong kiểm toán báo cáo tài chính do Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học Thành phố Hồ Chí Minh (AISC) thực hiện (Trang 67 - 71)

Cơ sở kiến nghị: Hiện nay có một số Công ty kiểm toán đã tiến hành xây dựng

các phần mềm chuyên ngành phục vụ cho việc chọn mẫu kiểm toán. Cách làm này có ưu điểm là mang tính xác suất cao đồng thời giúp cho việc công nghệ hoá công tác kiểm toán, việc tính toán cũng trở nên chính xác hơn, tiết kiệm thời gian.

Điều kiện áp dụng: việc áp dụng phần mềm phục vụ cho việc chọn mẫu có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt là khi sử dụng cho các cuộc kiểm toán có quy mô lớn, số nghiệp vụ phát sinh rất nhiều… mọi công ty kiểm toán đều có thể áp dụng, tuy nhiên công ty cũng sẽ mất khoản chi phí để đầu tư vào phần mềm này, và phải thường xuyên cập nhật những thay đổi, cải tiến cho phù hợp. Đồng thời, người sử dụng phần mềm cần có những hiểu biết nhất định về cách thức sử dụng để có thể kết hợp kết quả của phần mềm và nhận định cá nhân để đạt kết quả tốt nhất.

Biện pháp: Tin học là một lợi thế riêng của Công ty AISC so với các công ty kiểm toán khác vì đây là một trong những ngành nghề chính của Công ty. Để phát huy thế mạnh đồng thời kết hợp các lĩnh vực cung cấp dịch vụ sẵn có cùng nguồn nội lực dồi dào của mình tạo nên một thương hiệu riêng, Công ty AISC nên quan tâm đến việc đầu tư xây dựng và áp dụng phần mềm hỗ trợ cho việc chọn mẫu kiểm tóan. Như vậy, có thể tiết kiệm được thời gian cho cuộc kiểm toán, đồng thời việc chọn mẫu sẽ đạt chất lượng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên cũng cần phải kết hợp cả kinh nghiệm đánh giá của kiểm toán viên đối với mẫu chọn để đạt được hiệu quả cao nhất. Việc chọn mẫu ngẫu nhiên qua máy tính sẽ giúp thời gian thực hiện kiểm toán nhanh hơn cũng như giảm bớt các sai sót trong quá trình chọn mẫu.

Để có thể thực hiện tốt những yêu cầu trên, năng lực kiểm toán của các kiểm toán viên cũng cần được củng cố và nâng cao từng ngày. Sau mỗi cuộc kiểm toán, các kiểm toán viên cần xem lại hồ sơ làm việc của mình để rút kinh nghiệm và khắc phục những thiếu sót trong lần kiểm toán sau. Để có thể phát huy hết sự nỗ lực đó và cũng là nâng cao khả năng chuyên môn, tính sáng tạo, phát huy thế mạnh của từng kiểm tóan viên, Ban Giám đốc công ty nên xây dựng một chính sách đào tạo, phát triển, nâng cao trình độ của các kiểm toán viên bằng các biện pháp khác nhau như thiết kế chương trình tuyển dụng nhân viên một cách chặt chẽ, khuyến khích sức sáng tạo trong công việc, đưa ra những quy chế nhằm đảm bảo tuân thủ quy chế kiểm soát chất lượng kiểm toán… cần thiết phải có sự trao đổi, học hỏi giữa các cá nhân trong cùng Công ty, và với các kiểm toán viên cùng hoạt động trong ngành. Tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn, kỹ năng trong kiểm toán giúp các kiểm toán viên có được tư duy tốt nhất, sự nhanh nhạy trong nắm bắt công việc.

KẾT LUẬN

Nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước là điều kiện thuận lợi để kiểm toán ra đời và phát triển ở Việt Nam. Sự ra đời của các công ty kiểm toán độc lập này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn cho các thành phần kinh tế trong nền kinh tế mới ở Việt Nam. Nằm trong số những công ty kiểm toán đó, với nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán và tài chính, Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TPHCM (gọi tắt là AISC) đã đạt được nhiều thành công, khẳng định vị trí của mình và đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của kiểm toán độc lập ở Việt Nam. Một trong những thành công đó là AISC đã xây dựng được một quy trình kiểm toán nói chung và quy trình kiểm toán cho từng phần hành nói riêng khá hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm toán đạt hiệu quả.

TSCĐ là một khoản mục khá quan trọng trên BCTC của một doanh nghiệp và thường có giá trị lớn trong tổng tài sản của doanh nghiệp (tùy thuộc vào từng loại hình kinh doanh). Do đó, việc thực hiện kiểm toán khoản mục này một cách hợp lý sẽ góp phần làm tăng thêm tính tin cậy cũng như giá trị của BCKT và giảm thiểu rủi ro tranh chấp có thể xảy ra. Đồng thời cung cấp thông tin cần thiết cho các đối tượng sử dụng để họ đưa ra các quyết định đầu tư, kinh doanh đúng đắn, có hiệu quả trong mối quan hệ kinh tế đối với các doanh nghiệp.

Sau khi đã nghiên cứu và tìm hiểu thực tế công tác kiểm toán tại Công ty, em đã mạnh dạn đưa ra một số vấn đề cơ bản về thực trạng công tác kiểm toán nói chung và thực trạng kiểm toán khoản mục TSCĐ do Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TPHCM thực hiện theo ý kiến chủ quan của cá nhân, từ đó đề xuất một số giải pháp và kiến nghị để hoàn thiện vận dụng quy trình kiểm tóan vào kiểm tóan khỏan mục TSCĐ trong kiểm tóan Báo cáo tài chính toán tại Công ty.

Vì thời gian thực tập có hạn, lượng kiến thức tích lũy chưa nhiều, khả năng bao quát vấn đề còn chưa cao nên chuyên đề của em không tránh khỏi còn nhiều sai sót.

Em rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy, cô và các anh chị kiểm toán viên để em có thể hiểu sâu hơn, chính xác hơn về đề tài cũng như ngành nghề kiểm toán.

Một lần nữa, em xin chân thành cảm ơn cô giáo – Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Hoa và toàn thể các anh chị trong Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TPHCM.

Em xin chân thành cảm ơn!

Sinh viên thực tập

Nguyễn Thanh Bình

Một phần của tài liệu Hoàn thiện quy trình kiểm toán khoản mục tài sản cố định trong kiểm toán báo cáo tài chính do Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học Thành phố Hồ Chí Minh (AISC) thực hiện (Trang 67 - 71)