Ứng xử động lực học của dầm thuần nhất chịu tải trọng di động đã được một số nhà khoa học trong nước quan tâm nghiên cứu. Chẳng hạn, nhóm tác giả trường Đại học Bách khoa do GS. Nguyễn Văn Khang đứng đầu đã nghiên cứu bài toán dầm truyền thống chịu tác dụng tải trọng di động bằng phương pháp giải tích và phương pháp phần tử hữu hạn [2, 3, 7, 8]. Ngoài ra còn một số tác giả khác cũng quan tâm nghiên cứu đáp ứng động lực học cho dầm truyền thống chịu tác dụng lực di động [6, 55, 56].
Phân tích kết cấu FGM được nhiều tác giả trong nước quan tâm nghiên cứu, bằng cả phương pháp giải tích và phương pháp số. Một số kết quả điển hình được thảo luận trong mục này. Nhóm các tác giả thuộc Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại Học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng phương pháp giải tích nghiên cứu mất ổn định của vỏ FGM (Đào Huy Bích và cộng sự [21, 22], Đào Văn Dũng và Lê Khả Hòa [31, 32], Nguyễn Đình Đức và cộng sự [29, 30]). Liên quan tới dầm FGM, Thái Hữu Tài và Võ Phương Thức [101] nghiên cứu bài toán uốn và dao động tự do của dầm FGM bằng các lý thuyết biến dạng trượt bậc cao khác nhau. Nguyễn Trung Kiên và cộng sự [81] trình bày lý thuyết biến dạng trượt bậc nhất để nghiên cứu bài toán tĩnh và dao động tự do của dầm FGM có cơ tính biến đổi theo hàm số mũ.
Phương pháp phần tử hữu hạn cũng được nhiều tác giả trong nước sử dụng trong phân tích ứng xử dầm FGM. Trên cơ sở lý thuyết biến dạng trượt bậc ba, Võ Phương Thức và cộng sự [102] xây dựng phương trình chuyển động cho dầm sandwich FGM có lõi là vật liệu thuần nhất, sau đó dùng phương pháp phần tử hữu hạn để tính tần số dao động riêng và
các mode dao động. Trong [103], trên cơ sở lý thuyết dầm có tính tới ảnh hưởng của cả biến dạng trượt và sự dãn theo chiều dày dầm, Võ Phương Thức và đồng nghiệp phát triển mô hình phần tử hữu hạn cho phân tích dao động tự do của dầm sandwich. Nguyễn Xuân Hùng và cộng sự [82] phân tích tấm FGM bằng phương pháp phần tử hữu hạn đẳng hình học. hình học của khung, dầm FGMTrên cơ sở phương pháp hệ tọa độ đồng hành, Nguyễn Đình Kiên [57, 58], Nguyễn Đình Kiên và Gan [59], Nguyễn Đình Kiên và cộng sự [60] xây dựng công thức phần tử hữu hạn để nghiên cứu dầm thon FGM có chuyển vị lớn, dưới tác động của lực tập trung. Ảnh hưởng của vị trí mặt trung hòa được Nguyễn Đình Kiên và cộng sự xem xét trong [60] khi xây dựng phần tử hữu hạn dùng trong phân tích bài toán phi tuyến. Gần đây Phạm Đình Trung [5] phân tích dao động của dầm FGM chịu kích động của của khối lượng di động hoặc tải trọng di động điều hòa bằng phương pháp phần tử hữu hạn.