Các giải pháp đầu tư

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại cù lao ông hổ, an giang (Trang 88 - 89)

Sản phẩm du lịch ở cù lao Ông Hổ đang từng bước hoàn thiện và phát triển, để khách du lịch cảm thấy thực sự tiện lợi và an toàn thì đòi hỏi phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Đối với cù lao Ông Hổ, du lịch homestay và trải nghiệm đời sống sông nước, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp là một nét độc đáo của du lịch nơi đây, vì vậy phát triển du lịch dựa vào cộng đồng trên cù lao Ông Hổ cần tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở lưu trú, dịch vụ sinh thái ẩm thực, hạ tầng giao thông, trung tâm thông tin du lịch, tăng cường chỉnh trang cảnh quan, đầu tư hệ thống biển báo du lịch, tập trung đầu tư phát triển các tổ rau an toàn, vườn mai, khôi phục phát triển các làng nghề truyền thống…

Đối với các hộ kinh doanh homestay: tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống phòng ở, giường, quạt, hệ thống cửa, chốt khóa, hệ thống nhà vệ sinh, khu bếp ăn… Đồng thời, tập trung đầu tư cải tạo chỉnh trang cảnh quan quanh nhà như vườn, sân, hàng rào, ao cá, cầu khỉ…

Đối với dịch vụ sinh thái ẩm thực: đầu tư, cải tạo hệ thống bếp ăn, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống nhà chòi. Tập trung đầu tư cải tạo cảnh quan, vườn trái cây, ao cá, hệ thống đường đi trong vườn.

82

Đối với tổ rau an toàn: đầu tư hệ thống nhà lưới, hệ thống máy bơm phục vụ công tác tưới tiêu, tìm nơi bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người nông dân.

Hạ tầng giao thông: cải tạo nâng cấp tuyến đường ven sông, tuyến đường liên ấp Mỹ An 1, Mỹ An 2, mở rộng nâng cấp tuyến đường vào vườn sinh thái sơ ri. Cải tạo cầu đường bộ, nạo vét kênh rạch và xây mới các bến thuyền nhỏ trước các hộ dân kinh doanh homestay, lắp đặt hệ thống chiếu sáng.

Các làng nghề truyền thống: tập trung đầu tư phát triển nghề đan nông cụ, nghề rèn và nghề làm nhang, trong đó tập trung đầu tư mạnh cho nghề đan nông cụ, do đây là nghề dễ làm, du khách dễ dàng trải nghiệm làm thử, sản phẩm gần gũi với đời sống nông nghiệp, mang giá giá trị văn hóa đời sống của cộng đồng địa phương. Thực hiện việc tìm nguồn khách, bao tiêu sản phẩm đầu ra, nghiên cứu sản xuất những sản phẩm phục vụ du lịch… để người làm nghề yên tâm giữ nghề và phát triển nghề.

Đầu tư hệ thống biển báo phục vụ du lịch như biển chỉ dẫn, cảnh báo… đồng thời tổ chức công tác giám sát, vận động việc giữ gìn vệ sinh môi trường và cải tạo cảnh quan. Tổ chức cuộc thi “Hàng rào xanh” hàng năm nhằm phát huy tinh thần cải tạo và xây dựng hàng rào mới gần gũi với thiên nhiên.

Quy hoạch các khu bán hàng lưu niệm, bán sản vật địa phương và các loại trái cây, rau củ theo mùa cho khách du lịch.

Cộng đồng địa phương hiện không đủ nguồn lực để thực hiện việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, cơ quan quản lý du lịch và chính quyền địa phương cần vận động, kêu gọi các chủ thể tham gia khác hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Chính quyền địa phương các cấp sớm ban hành thực thi các chính sách hỗ trợ tài chính, triển khai các chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản và an toàn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại cù lao ông hổ, an giang (Trang 88 - 89)