Cù lao ông Hổ trước đây thuộc Tổng Bình Thành, tỉnh Long Xuyên. Cù lao nằm giữa dòng sông nước mênh mông, kề sát bên tỉnh lỵ Long Xuyên. Tên gọi cù lao Ông Hổ là địa danh xưa, gắn với truyền thuyết con hổ nghĩa tình.
Tương truyền, ngày xưa có hai vợ chồng nông dân, hàng ngày đánh bắt cá để kiếm sống. Một hôm bơi xuồng đi kiếm củi về, nhìn trên đám lục bình có con vật rất giống con mèo mướp, hai vợ chồng bơi xuồng đến gần để xem thì đây là một con hổ con lạc mẹ, nó đang bị ướt, lạnh. Hai vợ chồng vớt con hổ lên xuồng và đem về nhà nuôi dưỡng. Hổ mỗi ngày một lớn, sống trong tình thương của người nên hổ được thuần hóa hiền lành, không giống như giống loài sống hoang dã. Hai vợ chồng về sau chỉ sinh được một người con gái, cô bé thường chơi đùa với hổ và gọi hổ bằng anh hai. Khi tới tuổi trưởng thành, cô gái lấy chồng và về làm dâu xứ khác, hai ông bà chỉ còn sống với hổ làm bạn sớm hôm. Khi hai ông bà qua đời, người dân trong làng thương xót lo chôn cất làm mộ, hổ buồn rầu bỏ đi.
Hàng năm theo lệ, hổ vẫn về lại cù lao vào ban đêm, mang theo hươu, nai, heo rừng mà hổ săn được để tế ông bà lão. Lần cuối cùng, người ta thấy hổ đi quanh hai nấm mồ, nhưng đến nửa đêm thì hổ chết. Thương con vật sống có tình, dân làng chôn cất con vật giữa hai nấm mồ của ông bà lão. Từ đó, dân làng lập miếu thờ Ông Hổ và đặt tên cho cù lao này là cù lao Ông Hổ.[5, tr.25]
Cù lao Ông Hổ nay là xã Mỹ Hòa Hưng, trực thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, phía Bắc và phía Đông giáp huyện Chợ Mới, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Châu Thành và nội thành thành phố Long Xuyên. Dân số toàn xã là 4.581 hộ với 23.699 người chiếm 8,6% dân số toàn thành phố, mật độ dân số 1.117 người/km2 trong đó nam giới là 11.501 người chiếm 48,53 % và nữ giới là 12.198 người với 51,47 %, tỷ lệ hộ nghèo là 4,89% với số hộ là 224 hộ, hộ cận nghèo là 18 hộ với 0,39%. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 21,21km2, gồm 9 ấp: Mỹ Thuận, Mỹ Long 1, Mỹ Hiệp, Mỹ Khánh 1, Mỹ Long 2, Mỹ Khánh 2, mỹ An 1, Mỹ An 2, Mỹ Thạnh [8]
26
Mỹ Hoà Hưng là một xã cù lao được bao quanh bởi sông Hậu, là một trong những xã có tiềm năng về du lịch sinh thái với cảnh đẹp thiên nhiên nhất là cảnh sông nước làng bè, vườn cây ăn trái, với nhiều loại cây ăn trái quanh năm, nhiều kênh rạch đan xen chằng chịt và những tuyến dân cư nhà vườn dọc theo các tuyến này, tạo nên không gian thoáng mát, yên lành đáp ứng nhu cầu tham quan nghỉ mát của khách du lịch.
Từ nhiều năm qua, Mỹ Hoà Hưng được xem như một lá phổi của thành phố Long Xuyên và đã được tỉnh chọn nơi đây để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, để có điều kiện thuận lợi thu hút khách tham quan du lịch tìm hiểu lịch sử về thân thế cuộc đời sự nghiệp Bác Tôn, sự tích cù lao Ông Hổ, làng bè, vườn sinh thái…
Cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng với khu lưu niệm di tích Bác Tôn, những ngôi đình, miếu, chùa cùng với nét cổ kính của một số ngôi nhà cổ có tuổi thọ trên 100 năm đã tô điểm thêm nét đẹp cho cù lao Ông Hổ và với những điều kiện đã tạo thuận lợi cho phát triển du lịch ở cù lao Ông Hổ.