Chuẩn mực kế toán Quốc tế
Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) về cơ bản, đã tiếp cận được với chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/ IFRS), phản ánh được phần lớn các giao dịch của nền kinh tế thị trường, nâng cao tính minh bạch, công khai thông tin về báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, VAS hiện nay vẫn bộc lộ nhiều điểm thiếu sót và khác biệt với IAS/ IFRS.
Thứ nhất, về số lượng, tính đến tháng 12/2005, Bộ Tài Chính đã ban hành được 26 chuẩn mực kế toán. Như vậy, so với số lượng 38 chuẩn mực kế toán quốc tế hiện có (gồm 9 IFRS và 29 IAS) thì Việt Nam còn thiếu nhiều chuẩn mực tương đương.
Hội thảo khoa học SV “Trao đổi về hệ thống chuẩn mực Kế toán - Kiểm toán Việt Nam”
Thứ hai, về nội dung, VAS còn chứa đựng nhiều điểm khác biệt với IAS/ IFRS, cụ thể:
-VAS chưa có quy định cho phép đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo. Điều này làm suy giảm tính trung thực, hợp lý của BCTC và chưa phù hợp với IAS/ IFRS;
-Doanh thu và chi phí tài chính, theo VAS, được tính vào lãi/ lỗ hoạt động kinh doanh trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là không phù hợp với thông lệ quốc tế;
-Trong khi IAS/ IFRS cho phép sử dụng nhiều ước tính kế toán thì VAS vẫn tỏ ra thận trọng khi chỉ cho phép áp dụng rất ít ước tính kế toán;
-VAS quy định mẫu biểu báo cáo khá cứng nhắc, làm triệt tiêu tính linh hoạt và đa dạng của hệ thống BCTC trong khi IAS/ IFRS không đưa ra mẫu biểu cụ thể của báo cáo….
Thứ ba, việc soạn thảo và ban hành các chuẩn mực kế toán ở Việt Nam hiện nay chưa có một khung khái niệm để cung cấp nền tảng và những nguyên tắc cơ bản cho việc soạn thảo cũng như phát triển các chuẩn mực kế toán. Có thể nói, khung khái niệm có chức năng như hiến pháp của một nước, đề ra các nguyên tắc cơ bản cho một hệ thống kế toán, mà các chuẩn mực kế toán được soạn thảo theo khung khái niệm này không được có bất cứ quy định nào đi ngược lại tinh thần của khung khái niệm đó.
Các kết quả nghiên cứu gần đây nhằm xác định mức độ hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam với chuẩn mực kế toán quốc tế chỉ ra rằng, mức độ hòa hợp của VAS so với IAS/ IFRS lien
quan đến 10 chuẩn mực được chọn nghiên cứu ở mức bình quân là 68%. Theo đó, các chuẩn mực về doanh thu và chi phí có mức độ hòa hợp cao hơn các chuẩn mực về tài sản; mức độ hòa hợp về đo lường (81.2%) cao hơn nhiều so với mức độ hòa hợp về khai báo thông tin (57%). Như vậy, so với mục tiêu đề ra là 90% thì mức độ hòa hợp giữa VAS với IAS/ IFRS là thấp. Trong một chừng mực nào đó, sự khác biệt này có ảnh hưởng đến quá trình hội nhập quốc tế về kế toán của Việt Nam.