NĂNG ĐI TIỂU VÀ ẢNH HƯỞNG ĐẾN BIẾN CHỨNG SAU PHẪU THUẬT TOT
Qua kết quả trong bảng 3.9 và 3.10 phần kết quả nghiên cứu, chúng ta ghi nhận vài yếu tố để xem xét ảnh hưởng của nó đến sự thay đổi hay cải thiện thật sự có ý nghĩa hay không trên chức năng đi tiểu cũng như trên các biến chứng của bệnh nhân sau phẫu thuật.
Phân tích kết quả thống kế của yếu tố này cho chúng ta một số nhận định như sau:
4.5.1. Ảnh hưởng đến thành công về chức năng đi tiểu sau mổ
Tuổi vào thời điểm phẫu thuật trong hai nhóm bệnh nhân trên 55 và dưới 55 tuổi không có ý nghĩa về mặt thống kê trong nghiên cứu của tôi về ảnh hưởng trên tỷ lệ thành công sau mổ (P=1,00).
Sự hiện hữu của tiền sử có phẫu thuật TKKSKGS trước đó cũng không ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công sau phẫu thuật TOT trong nghiên cứu của tôi (P=1,00).
Mức độ TKKSKGS cho thấy tỷ lệ thành công sau mổ TOT với thời gian theo dõi ngắn hạn thấp hơn ở những bệnh nhân có biểu hiện TKKSKGS mức độ nặng P=0,004 (P<0,05).
Tương tự, chúng ta cũng thấy áp lực cơ vòng niệu đạo có suy yếu trước mổ hay không cũng không có ý nghĩa làm giảm tỷ lệ thành công sau mổ điều trị TKKSKGS qua lỗ bịt (P=0,71).
Phương pháp vô cảm là gây mê hay gây tê tủy sống cũng không có sự khác biệt nào và không gây ảnh hưởng trên kết quả thành công sau phẫu thuật (P=0,64).
Việc thực hiện các phẫu thuật đi kèm với điều trị TKKSKGS bằng phẫu thuật TOT không có ý nghĩa trên kết quả về chức năng đi tiểu sau mổ với thời gian theo dõi ngắn hạn (P=0,88).
4.5.2. Về các yếu tố ảnh hưởng đến biến chứng sau phẫu thuật TOT
Phân tích thống kê cho thấy:
Bệnh nhân trên 55 tuổi vào thời điểm phẫu thuật không có biến chứng nào khác biệt có ý nghĩa so với bệnh nhân dưới 55 tuổi (P=0,22).
Tiền sử phẫu thuật TKKSKGS của bệnh nhân trước mổ cũng không có ý nghĩa làm gia tăng biến chứng sau mổ (P=0,94).
Mức độ TKKSKGS trước mổ cũng không có ý nghĩa gây gia tăng biến chứng sau mổ (P=0,17).
Áp lực cơ vòng niệu đạo trước mổ có suy yếu hay không cũng không làm gia tăng biến chứng một cách có ý nghĩa (P=0,79).
Phương pháp vô cảm được sử dụng trong quá trình phẫu thuật không đưa đến biến chứng nào có ý nghĩa sau mổ (P=0,11).
Việc thực hiện phẫu thuật đi kèm ở vùng chậu (điều trị sa bàng quang) kết hợp với điều trị TKKSKGS qua lỗ bịt không ảnh hưởng nào trên biến chứng một cách có ý nghĩa (P=0,66).
Từ những kết quả trên đây, chúng ta có những nhận xét như sau: tỷ lệ thành công về mặt chức năng cũng như tỷ lệ các biến chứng sau mổ trong nghiên cứu của chúng tôi tương ứng với đại đa số các kết quả được công bố liên quan đến phẫu thuật TVT và TOT:
- Về tiền sử tiểu không kiểm soát khi gắng sức trước đó: của tôi là 5 bệnh nhân (trong đó có 4 phẫu thuật Burch và 1 phẫu thuật đặt TOT trước đó). Trên y văn, các tác giả như Abdel-Hady và cs [14] không thấy có sự khác biệt nào ảnh hưởng đến tỷ lệ biến chứng cũng như thành công về chức năng trên một loạt 654 bệnh nhân. Các tác giả khác như Cetinel và cs [37] hay Rezapour và cs [137] cũng cho kết quả tương tự.
- Về phương pháp vô cảm: nghiên cứu của tôi có 71,5 % gây mê toàn thân và 28,5 % gây tê tủy sống. Trong nghiên cứu này tôi nhận thấy không có ảnh hưởng nào của phương pháp vô cảm trên tỷ lệ biến chứng sau mổ hay thành công về chức năng đi tiểu. Tuy nhiên, tham khảo qua y văn có một vài nghiên cứu cho thấy biến chứng trong lúc mổ gia tăng một cách có ý nghĩa trong trường hợp gây mê toàn thân và biến chứng sau mổ cao hơn trong trường hợp gây tê tủy sống hay gây tê tại chỗ đơn thuần cũng như tỷ lệ thành công về chức năng sau đi tiểu hai năm thấp hơn trong trường hợp gây mê toàn thân [145].
- Về áp lực niệu đạo cơ vòng: trong nghiên cứu của tôi tất cả 126 bệnh nhân đều được thực hiện niệu động lực học trước mổ. Trong đó, có 62 bệnh nhân (49,2%) có áp lực niệu đạo cơ vòng thấp hơn so với tuổi của họ. Kết quả sau phẫu thuật cho thấy, không có sự ảnh hưởng nào của yếu tố này trên kết quả về mặt chức năng hay biến chứng liên quan đến phẫu thuật. Dù không có ý nghĩa thống kê nhưng có ghi nhận rất đáng chú ý là: Ở 4 TH thất bại sau mổ, tất cả đều có suy yếu cơ vòng trước mổ qua đánh giá niệu động lực học,
trong đó có 3 TH suy yếu cơ vòng nặng (áp lực cơ vòng <30 cm H2O). Điều này cần suy nghĩ nên chăng cho bệnh nhân có suy yếu cơ vòng mổ dưới gây tê tủy sống hoặc tê tại chỗ để có thể thử nghiệm ho trong lúc đặt giá đỡ, giúp làm “căng” vừa đủ giá đỡ chấm dứt TKKS, hoặc gần đây có những loại giá đỡ đặc biệt có thể làm căng hoặc có thể điều chỉnh độ căng trong lúc mổ hoặc sau mổ (Re- adjustable Sling). Các kết quả nghiên cứu khác nhau gần đây lại cho những ý kiến khác nhau: Sergent và cs [147], Paick và cs [123] thì cho rằng: tỷ lệ thành công sau mổ thấp hơn ở những bệnh nhân bị suy yếu cơ vòng trước đó. Trong khi đó, Liapis và cs [104], Meschia và cs [113], Abdel–Hady và cs [14], Nilsson và cs [119], Cetinel và cs [37] thì lại cho rằng sự suy yếu cơ vòng niệu đạo không ảnh hưởng đến kết quả điều trị sau phẫu thuật.
- Về phẫu thuật điều trị sa bàng quang đi kèm: nghiên cứu của tôi có 4 bệnh nhân phẫu thuật điều trị sa bàng quang đi kèm cùng lúc với phẫu thuật TOT. Tôi cũng nhận thấy không có ảnh hưởng đến kết quả thành công của phẫu thuật mặc dù thời gian mổ có lâu hơn. Các tác giả khác cũng cho nhận định tương tự như: Rafil và cs [130], Soulie và cs [151] De Tayrac và cs [59], Gordon và cs [75], Groutz và cs [77].
- Về tuổi của bệnh nhân: bệnh nhân trên 55 tuổi trong nghiên cứu của tôi là 47 bệnh nhân. Tỷ lệ thành công sau mổ TOT theo thống kê là: 46 bệnh nhân (97,9%) (P= 0,521). Như vậy không có ý nghĩa nào về ảnh hưởng của tuổi tác trên tỷ lệ thành công sau mổ trong loạt nghiên cứu của tôi. Theo y văn, có tác giả như Cetinel và cs [37] ghi nhận tỷ lệ thất bại tương đối có ý nghĩa cho loại phẫu thuật TVT cho những bệnh nhân trên 55 tuổi. Nhưng ngược lại cũng có tác giả không thấy ảnh hưởng nào về tuổi sau phẫu thuật như Allahdin và cs [18], Sevestre và cs [148].
Cùng nghiên cứu thống kê này, tôi nhìn lại tỷ lệ biến chứng đối với lứa tuổi trên 55 là 14 bệnh nhân (trong đó đại đa số là tiểu gấp và tiểu khó mới xuất hiện 12 TH, 1 TH tụ máu vết mổ âm đạo và 1 TH mảng bầm máu đùi nơi mảnh ghép ra ngoài) xem như là các biến chứng nhẹ và tỉ lệ này không có ý nghĩa thống kê so với lứa tuổi trên 55.
- Về mức độ tiểu không kiểm soát khi gắng sức nặng (độ 3) có liên quan đến tỷ lệ thành công thấp hẳn một cách có ý nghĩa P=0,02 (P<0,05). Theo y văn, dữ kiện này lại không có ý nghĩa đối với những trường hợp phẫu thuật TVT (Koops và cs) [97], Cetinel và cs [37]. Tuy nhiên, dữ kiện này khó có thể kết luận một cách hoàn toàn chính xác do sự đánh giá mức độ tiểu không kiểm soát khác nhau tùy theo sự lưu tâm kỹ lưỡng và chính xác của bệnh nhân Việt Nam khi trả lời các câu hỏi liên quan đến biểu hiện chức năng đi tiểu trước mổ. Ngoài ra, yếu tố này cũng còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên mới ứng dụng đầu tiên kỹ thuật mổ mới, hay là theo dõi không đầy đủ để đánh giá bệnh nhân sau mổ.