Nghĩa tƣ tƣởng Nho giáo Nguyễn Công Trứ đối với thời đạ

Một phần của tài liệu Tư tưởng nho giáo của nguyễn công trứ và ý nghĩa của nó trong lịch sử tư tưởng việt nam (Trang 118)

4.1.1 Góp phần làm sáng tỏ tƣ tƣởng của Nho giáo về trời, ngƣời và mối quan hệ trời – đất - ngƣời trong thời đại của ông

Là một Nho sĩ, Nguyễn Công Trứ luôn tuân theo khuôn khổ của Nho giáo trong các quan niệm về trời, người và mối quan hệ trời – đất – người, những tư tưởng này không chỉ góp phần làm sáng tỏ thế giới quan Nho giáo nói chung mà nó còn là cơ sở để lý giải cho thế giới quan Nho giáo của triều Nguyễn, khi muốn gắn chặt giữa thần quyền và thế quyền. Hơn nữa, ông lại được sinh ra trong một gia đình nho phong, một làng quê văn hiến và được trưởng thành trong một triều đại sử dụng Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống trong xây dựng và quản lý đất nước, nên tư tưởng Nho học đã sớm ăn sâu vào tiềm thức và hành động của ông. Ông đã gắn những tư tưởng Nho học về vũ trụ, về quan hệ tam tài trong quan niệm về trí nam nhi, về kẻ sĩ, về người quân tử, nên ông chủ trương mọi việc trong trời đất đều là phận sự của bậc làm trai. Tuy rất tin vào thiên mệnh nhưng mặt khác ông cũng tin và khả năng của bản thân với sự nỗ lực của con người sẽ thay đổi được mệnh trời.

Tư tưởng về thiên mệnh của Nguyễn Công Trứ có ý nghĩa sâu sắc đối với người dân trong xã hội phong kiến đương thời. Một mặt thiên mệnh như là niềm tin để con người gửi gắm tâm trạng cho những vấn đề xảy ra trong cuộc sống mà họ không thể lý giải được. Bản thân cuộc đời Nguyễn Công Trứ là một minh chứng rõ nhất cho điều này, khi học hành tài giỏi nhưng thi cử thì lại lận đận, cuộc đời làm quan lúc thăng, lúc giáng diễn ra liên tục khiến ông không giải thích được nên ông đã tìm đến mệnh trời “Chung cục thời chi cũng tại trời” (trích Cách ở đời), mặt khác tư tưởng của ông về việc gắn quan niệm về kẻ sĩ, người quân tử với tư tưởng Nho học về vũ trụ và tam tài đã khẳng định vai trò của con người, đặc biệt là kẻ sĩ và người quân tử trong xã hội đồng thời cổ vũ tinh thần lạc quan của con người vào cuộc sống, rằng cuộc sống dù có khó khăn, gian khổ đến mấy nhưng chỉ cần con người cố gắng nỗ lực vượt qua thì sẽ đạt được điều mình mong muốn. Nguyễn Công Trứ luôn tin vào khả năng, sức mạnh và trí tuệ của con người sẽ chống lại được mệnh trời, chỉ cần con người sống có tâm có đức thì trời sẽ không phụ lòng. Tư tưởng này của ông bên cạnh việc đề cao yếu tố tri thức còn đề cao vai trò của đạo đức, là bài học cho các Nho sĩ trong xã hội đương thời trau dồi kiến thức Nho học, luôn gắn liền giữa con người và sự nghiệp vì đã được sinh ra ở trên đời là phải làm nên áng công danh, sống hết mình vì lý tưởng Nho học.

Có thể thấy, tư tưởng của Nguyễn Công Trứ trong quan niệm về mối quan hệ giữa con người với trời. Mặc dù chịu tác động sâu sắc của tư tưởng Nho giáo về việc trời quyết định đến số mệnh của con người, song ông cho rằng con người cũng có số mệnh tuần hoàn như sự biến đổi của trời đất, nên ông rất tin vào khả năng của con người có thể thay đổi được số mệnh, con người có khả năng tự nắm lấy vận mình của mình. Điều này cho thấy nội hàm về thế giới quan của ông đã được mở rộng hơn, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống học thuyết Nho học ở nước ta giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX.

Quan niệm về sự tuần hoàn của số mệnh đã giúp bản thân ông giữ được khí phách của trang nam tử, luôn tư duy và hành động một cách lạc quan. Bên cạnh đó còn cổ vũ tinh thần cho các Nho sĩ trong xã hội đương thời, suy nghĩ và hành động theo đúng lý tưởng của Nho học, đồng thời cũng cổ vũ tinh thần và trấn an người dân trong xã hội phong kiến có niềm tin vào cuộc sống, rằng cuộc đời sẽ có lúc thế này lúc thế khác, sẽ không mãi bế tắc trong sự bủa vây của cái nghèo mà sẽ có lúc hanh thông.

Việc ông cho rằng con người phải có trách nhiệm trước cuộc sống vì con người giữ vị trí ngang bằng với trời đất. Do vậy, con người phải tạo lập công danh, sự nghiệp để phụng sự cho dân cho nước. Muốn làm được điều này thì con người phải có trách nhiệm với chính bản thân mình, bằng cách quán triệt tư tưởng và hành động lập công, lập danh. Quan niệm này của Nguyễn Công Trứ đã thể hiện trách nhiệm của người quân tử trong xã hội. Đó là trọng trách tề gia, trị quốc và là bài học kinh nghiệm cho các nhà quản lý trong việc đánh giá đúng vị trí và vai trò của mình đối với xã hội, đồng thời ý thức được trách nhiệm của mình đối với nhân dân, đất nước. Để từ đó cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn đang đặt ra.

Để thấy rõ hơn ý nghĩa của tư tưởng Nguyễn Công Trứ về trời, người và mối quan hệ trời – đất – người đối với thời đại của ông. Chúng ta có thể so sánh tư tưởng này của ông với các nhà Nho đương thời.

Minh Mạng (1791 – 1840): Minh Mạng đặc biệt coi trọng tư tưởng về

Thiên nhân tương ứng. Ông cho rằng con người phải kính thiên cho nên trong quan hệ với trời thì phải có thái độ kính trọng để trời ban phước lành. Ông rất tin vào trời, tin vào thiên mệnh cũng như tin vào việc con người có số mệnh nên ông chủ trương vui với mệnh trời và yên số mệnh. Có thể thấy tư tưởng này của Minh Mạng về cơ bản giống với quan niệm của Nguyễn Công Trứ về thiên mệnh, tam tài. Tuy nhiên tư tưởng của Nguyễn tiên sinh đã vượt qua rào

cản của quan niệm của Nho giáo về vấn đề này vì một mặt ông rất tin vào mệnh trời sẽ định đoạt cuộc sống của con người nên ông chủ trương “vui thiên ý” nhưng điểm khác với Minh Mệnh là ông lại rất tin vào khả năng của con người, với ý chí vươn lên thì con người sẽ chiến thắng thiên mệnh. Quan điểm này cho thấy Nguyễn Công Trứ đánh giá cao vai trò của nhân tố con người trong đời sống, nó có ý nghĩa sâu sắc đối với thời đại của ông vì không phải nhà Nho nào cũng nhìn thấy vai trò của con người, là cơ sở để các nhà Nho và nhân dân tự đánh giá và nhận thấy trách nhiệm của mình trong xã hội.

Nguyễn Đức Đạt (1823 – 1887): Ông bác bỏ số mệnh và cho rằng mọi

việc đều do con người làm ra nhưng ông lại vấp phải mâu thuẫn khi cho rằng mọi việc do con người quyết định nhưng việc giàu nghèo của đời người là do số không thể thay đổi được “phú quý bần tiện là do số không thể đổi được” [12; 703] và trong quan niệm về nhân sinh ông lại rất đề cao mệnh trời khi cho rằng sự thành đạt của kẻ sĩ ít hay nhiều đều do ý trời, con người có cố gắng nhưng về cơ bản là phải nhờ trời, quan điểm này hoàn toàn trái ngược với Nguyễn Công Trứ vì cụ Nguyễn lại rất đề cao vai trò của con người, theo Nguyễn tiên sinh thì chỉ cần con người cố gắng sẽ chiến thắng được số phận còn Nguyễn Đức Đạt thì chưa đánh giá được khả năng của nhân tố con người trong quá trình cải tạo xã hội.

Bên cạnh ý nghĩa mà Nguyễn Công Trứ đã đạt được trong tư tưởng về trời, người và mối quan hệ trời – đất - người thì tư tưởng này của ông còn tồn tại một vài hạn chế như: Thái độ trung quân cực đoan đã làm cho ông không có sự phản kháng mạnh đối với những bất công của triều đình. Hơn nữa, do đứng trên lập trường của đẳng cấp sĩ phiệt – quý tộc, đó là địa vị của giai cấp thống trị, nên khi gặp cảnh hàn vi ông vẫn luôn đặt mình vào vị thế cao trong xã hội. Bên cạnh đó, dưới cách nhìn của mình, Nguyễn Công Trứ luôn thấy sự tồn tại của tầng lớp quý tộc cần phải có sự ủng hộ của vua quan, nên ông sẵn

sàng hy sinh tính mạng và lợi ích của mình vì đế quyền. Mặc dù có nhiều bất mãn với nhà Nguyễn song ông vẫn giữ thái độ trọng lễ, chưa bao giờ nghĩ đến việc chống đối lại triều đình, về điều này Nguyễn Phan Quang, Nguyễn Danh Phiệt nhận xét “Nguyễn Công Trứ phản ứng nhưng chưa đạp phá gì, chưa hề động chạm gì đến chế độ chính trị của triều Nguyễn. Ở điểm này thì Nguyễn Công Trứ không có gan làm anh hùng. Có lúc bị dòn đến chân tường, nỗi bất bình tưởng có thể bùng lên để làm anh hùng thực sự như kiểu Cao Bá Quát, thì Nguyễn Công Trứ lại nhẫn nhục, cam chịu” [89; 391], với ông tư tưởng “quân – thần” đã chi phối toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp. Có thể coi nó là một trong những tư tưởng bất biến. Bản thân ông chưa bao giờ vượt qua khuôn khổ “quân – thần” của Nho giáo, đó là giới hạn cứng nhắc về mặt tư tưởng mà ông không có khả năng thoát ra, nên ông đã bị nhà Nguyễn lợi dụng, đến khi nhận ra bản chất của chế độ vương quyền “Bao nhiêu đạo đức luân lý cổ truyền đều bị rạn vỡ trước sức mạnh phá hoại của đồng tiền” [67; 344]. Với tư cách là một nhà Nho, ông đã không chịu được và bị rơi vào trạng thái tiêu cực, hư vô. Ông đã nghi ngờ chính cả sự tồn tại của bản thân “Cái hình hài đã chắc thực chưa?” và nghi ngờ tài năng của chính mình “Có tài mà cậy chi tài.” [72; 105]. Do mất lòng tin nên ông đã có thái độ bi quan, mệt mỏi và sợ hãi trước số mệnh “Ôi nhân sinh là thế ấy,/ Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.” [72; 105], khiến ông tự phủ định cuộc sống của mình “Kiếp sau xin chớ làm người,/ Làm cây thông đứng giữa đời mà reo.” (trích Vịnh cây thông). Đó là sự uất hận khi lòng tin bị lợi dụng, ông không còn tin tưởng vào sự tồn tại của bản thân mình.

Tư tưởng của Nguyễn Công Trứ về trời, người và mối quan hệ trời - đất - người về cơ bản cũng giống tư tưởng của các nhà Nho trong xã hội phong kiến đương thời. Tuy nhiên, tư tưởng của ông có nhiều điểm khác biệt. Ông không chịu sự trói buộc của những giáo lý Nho học hạn hẹp mà tư tưởng của

ông rất cởi mở, phóng khoáng, có giá trị sâu sắc đối với xã hội đương thời. Tất cả những điều này đã làm nên thế giới quan của ông - một tư tưởng rất riêng, thể hiện cá tính và bản chất con người Nguyễn Công Trứ đầy mãnh liệt, hào hùng. Thể hiện khí thế lý tưởng sục sôi của trang nam tử, dám đương đầu với mọi thách thức của cuộc đời.

4.1.2 Phát triển tƣ tƣởng về đạo làm ngƣời của Nho giáo trong thời đại của ông

Luôn trung thành với lý tưởng Nho học của tiên nho, nên quan niệm của Nguyễn Công Trứ về xây dựng đạo đức, quan niệm sống cho kẻ sĩ, người quân tử cũng tuân theo giáo lý của học thuyết tam cương, ngũ thường và coi đây là nguyên tắc mà người quân tử phải thực hiện suốt cuộc đời. Cả cuộc đời kiên định với đạo đức tam cương, nên ông rất coi trọng mối quan hệ quân – thần; phụ - tử và đề cao đức Trung - đức Hiếu. Theo ông, đã là người quân tử thì phải vì nghĩa quân thân mà gánh vác việc đời. Tư tưởng và hành động này của ông đã một lần nữa khẳng định sức sống mãnh liệt của giáo lý Nho học qua các triều đại phong kiến ở nước ta, đồng thời làm rõ hơn tư tưởng trung quân của triều Nguyễn. Ngoài ra, tư tưởng này của Nguyễn Công Trứ còn là động lực khích lệ các Nho sĩ trong xã hội đương thời, thấy được sứ mệnh của mình trước xã hội. Qua đó cống hiến hết mình cho nhân dân, đất nước với mục đích xây dựng xã hội thái hòa. Đối với người dân trong xã hội phong kiến, tư tưởng này của Nguyễn Công Trứ như một tấm gương phản chiếu, giúp họ nhìn nhận và đánh giá lại bản thân. Đồng thời, hình thành trong họ tư tưởng trung với vua, với triều đình, tránh được những hiện tượng làm loạn diễn ra trong xã hội. Còn đối với bậc sinh thành, tư tưởng này của ông đã giáo dục mọi người trong xã hội, phải luôn luôn kính trọng cha mẹ và đặt chữ Hiếu lên hàng đầu. Yêu thương và phụng dưỡng cha mẹ là trách nhiệm của con cái,

tránh làm những việc trái với đạo lý làm người, khiến mẹ cha phải phiền lòng, nhờ đó mà gia đình và xã hội mới an yên.

Bên cạnh, việc tiếp thu và củng cố tư tưởng của Nho giáo về đạo đức nhân sinh, về mối quan hệ của con người xã hội. Nguyễn Công Trứ còn rất chú trọng tới lẽ sống, tư tưởng về kẻ sĩ, người quân tử. Ông luôn ý thức được trách nhiệm và vai trò của kẻ sĩ trong xã hội và coi đó là định mệnh trời giao phó. Theo ông, đã là người quân tử, là quan hưởng lộc của triều đình, được nhân dân tôn sùng thì phải “Thượng vị đức, hạ vị dân”[131; 122]. Đồng thời, ông cũng rất cũng ý đến phương châm xuất xử cũng như đạo đức của kẻ sĩ, người quân tử. Về phương châm xuất xử: Ông cho rằng, là kẻ sĩ khi gặp minh quân thì phải đem tài năng cống hiến hết sức mình, khi chưa gặp minh quân thì phải theo đạo hành tàng, ẩn danh để bảo vệ đạo thánh hiền. Điểm khác biệt của Nguyễn Công Trứ so với các nhà Nho đương thời, đó là việc ông đề cập đến kẻ sĩ sau khi làm xong nhiệm vụ thì có thể lui về với núi sông, an hưởng tuổi già, đã thể hiện bước tiến trong tư tưởng và hành động của ông, còn Nho giáo đương thời thì hoàn toàn không đề cập tới phương châm xuất xử của người quân tử khi đất nước thái bình. Với phương châm xuất xử như vậy đã thể hiện tư tưởng Nho giáo rất riêng của Nguyễn Công Trứ mà không thể nhầm lẫn với bất kỳ nhà Nho nào và đây là bài học kinh nghiệm cho các Nho sĩ trong xã hội đương thời học tập về cách xuất thế và nhập thế ở đời. Về đạo đức của người quân tử: Theo ông, người quân tử phải có phẩm chất đạo đức

Nho học, trên vì vua dưới vì dân, là người ý thức được trách nhiệm của mình trước xã hội và luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của mình. Tư tưởng đạo đức và phương châm xuất xử của người quân tử trong quan niệm của Nguyễn Công Trứ là lấy đạo cương thường làm chỗ dựa và là tiêu chí để lập thân, lập nghiệp. Trong mối quan hệ với trời đất thì con người đứng ở giữa và được coi là tinh hoa, hội tụ những gì tinh túy nhất của đất trời, nên người quân tử luôn

ý thức được trách nhiệm của mình trong xã hội. Qua đây có thể thấy quan điểm nhân sinh quan Nho giáo của Nguyễn Công Trứ, bên cạnh việc tuân thủ những giáo lý của Nho học. Ông còn thể hiện cái tôi cá nhân đầy phóng khoáng, góp phần làm rõ nội hàm nhân sinh quan trong quan niệm của nhà Nho chân chính. Giúp người dân trong xã hội phong kiến xây dựng đạo đức và xác định phương châm xuất xử của bản thân cho phù hợp với thời đại.

Bản thân cuộc đời Nguyễn Công Trứ là minh chứng và cũng là trải nghiệm sâu sắc nhất cho quan niệm của ông về người quân tử. Với tư tưởng và yêu cầu rất cao của ông về người quân tử đã góp phần hình thành khí chất

Một phần của tài liệu Tư tưởng nho giáo của nguyễn công trứ và ý nghĩa của nó trong lịch sử tư tưởng việt nam (Trang 118)