2.3.1 Thân thế Nguyễn Công Trứ
* Gia đình Nguyễn Công Trứ
Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858). Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho, cha là Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn, quê ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; mẹ là Nguyễn Thị, kế thất của ông Tấn, quê ở xứ Sơn Nam. Ông được sinh ra khi cha ông làm quan tri huyện ở Quỳnh Côi – Thái Bình. Cha ông là người thanh liêm, có học vấn uyên bác, văn chương xuất chúng và là nhà Nho tuyệt đối trung thành với triều Lê nên sau khi vua Lê bị mất quyền, Nguyễn Công Tấn đã cùng các trung thần xướng nghĩa phục Lê nhưng thất bại, gia đình ông lâm vào cảnh “quốc phá nhà vong” [117; 7], bần hàn cơ cực nhưng với tư tưởng “Trung thần bất sự nhị quân” [117; 6] nên khi được nhà Tây Sơn cho vời vào làm quan ông không chịu mà dựng túp lều tranh, mở trường dạy học sống cuộc đời bần hàn của Nho sĩ. Thân mẫu của Nguyễn Công Trứ là người rất hiểu biết về giáo lễ, bà luôn ủng hộ tư tưởng và hành động của phu quân. Trong số các chị gái của Nguyễn Công Trứ có một bà vô cùng xinh đẹp, thông minh, được coi là “Năng văn nữ sĩ” nhưng cuộc đời bà lại bất hạnh, góa chồng từ năm 19 tuổi, được quan tổng đốc hỏi làm vợ nhưng bà nhất định thủ tiết thờ chồng với tư tưởng “Liệt nữ bất canh nhị phu” [117; 6] sau để bảo toàn tấm lòng trinh tiết, bà đã quy y cửa chùa và được vua ban cho biển vàng “Trinh tiết khả phong”.
Nguyễn Công Trứ được coi là nhân tài kết tinh những tinh hoa của vùng đất văn hiến sông Hồng và sông Lam. Bên cạnh đó, ông lại được sinh ra trong một gia đình có học vấn, danh giá. Có cha là trung thần, chị gái là liệt nữ. Tấm gương gia đình chói lọi, nhận xét về gia thế của ông, GS. Lê Thước viết: “gia – thế cụ Nguyễn – công – Trứ, là một nhà thi – thư thế - phiệt, khoa giáp danh – gia” [117; 6]. Sớm kế thừa tất cả những gì tốt đẹp nhất từ dòng họ
và làng quê nên Nguyễn Công Trứ đã nuôi ý tưởng lập công danh, sự nghiệp để giúp đời giúp người. Ông luôn tâm niệm một điều: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” [126; 20] nghĩa là đã sống ở trên đời thì phải làm được việc gì đó, để giúp dân, giúp nước.
* Cá nhân Nguyễn Công Trứ
Là người thông minh, thấm nhuần nền học vấn nho phong sâu rộng, nổi tiếng là nhân vật kiệt xuất của xứ Nghệ, lại được cha kèm cặp nên ông sớm trở thành một thanh niên có khí tiết và ý chí mãnh liệt. Trong những vần thơ của mình, ông bộc bạch rõ tư tưởng của một trang nam nhi về món nợ tang bồng “Chí làm trai nam bắc đông tây/ Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể” [129; 90]. Khi còn là một trang Nho sinh, ông rất chăm chỉ đọc sách nhằm lo lắng cho việc thi cử đồng thời ông cũng tỏ ra là người rất thích kiếm cung, thao lược. Ông có một tâm hồn tự do, tự tại không bị trói buộc trong khuôn khổ của lễ giáo phong kiến và một chí nam nhi hào hùng, đã là trai thì phải phải làm nên sự nghiệp để rạng danh với người đời, với hậu thế. Tất cả những suy nghĩ cứ hun đúc trong tâm hồn nên ông càng nung nấu niềm khát vọng lập công danh. Năm Gia Long thứ hai (1803) khi vua tuần du ra bắc, ông đã đón đầu và dâng lên “Thái bình thập sách” nhưng ông không nhận được chiếu hay sắc dụ gì từ vua và đây là lần đầu tiên ông bị thất bại trong cái mộng công danh.
Nguyễn Công Trứ lại tìm cho mình hướng đi khác, ông cho rằng muốn được tuyển dụng thì phải thông qua con đường khoa cử mới là đúng đắn, do vậy ông bắt đầu trau dồi học vấn và quyết định theo đuổi nghiệp thi cử. Năm 1807 triều đình mở khoa thi Hương đầu tiên, ông đã thi hỏng. Năm 1813 ông mới lại có cơ hội tiếp tục lều chõng. Trước khi đi thi, ông làm một câu đối: “Trời đất nhẽ, một phen này nữa, xếp cung kiếm cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh” [72; 68]. Khí thế khoa bảng hừng hực nhưng
tất cả không như ý mong mỏi của ông, tại kỳ thi năm đó ông mới chỉ đỗ tú tài. Đến năm 1819 ông mới giành được giải nguyên trường Nghệ (thủ khoa kỳ thi hương). Năm 1820 ông được bổ dụng vào chức Hành tẩu Quốc sử quán (chức thấp nhất trong hàng thuộc quan).
Năm 1821 ông được thăng chức Thực Thụ Biên Tu. Năm 1824 ông được bổ nhiệm tri huyện Đường Hào (tỉnh Hải Dương). Năm 1825 ông được cử làm Lang trung thuộc Bộ Lại, rồi tiến dần ra Quốc Tử Giám lên tới Thiêm sự Bộ Hình. Năm 1826 ông được giữ chức Tham hiệp trấn Thanh Hóa. Năm 1827 ông cùng Phan Văn Lý đem quân đi dẹp cuộc khởi nghĩa nông dân do Phan Bá Vành cầm đầu. Năm 1828 ông được thăng chức Hình bộ hữu tham tri, kiêm chức Doanh điền sứ. Năm 1830 được triệu về kinh thăng chức làm Thực thụ hữu tham tri bộ hình. Năm 1831 do bị vu cáo là đã tiến cử một Huyện thừa một cách không minh bạch nên ông đã bị giáng chức xuống làm tri huyện ở Kinh. Năm 1832 ông được thăng làm Tổng đốc Hải Yên với sự thông minh nhạy bén của mình, ông đã dâng sớ lên vua: “dân tỉnh Quảng Yên phần nhiều đi mua gạo tỉnh bên cạnh, ngầm buôn bán với thuyền nhà Thanh; xin cho quan tỉnh phái chiểu số gạo cần mua mà cấp giấy cho để tiện tra hỏi” [93; 60 - 61]. Ông làm như vậy mục đích là để quản lý cho tốt dân của mình, tránh tình trạng thông thương khó kiểm soát gây những hậu quả khó lường.
Năm 1833 ông phụng chỉ làm tham tán quân vụ đi dẹp Nùng Văn Vân. Năm 1835 ông được thăng làm Bộ binh thượng thư kiêm Tổng đốc Hải Yên. Năm 1937 do để tù binh trốn thoát nên ông đã bị giáng xuống bốn cấp, sau lại được phục hồi ba cấp đến 1839 bị giáng chức làm Binh bộ hữu tham tri. Năm 1840 ông lại được thăng chức làm Đô sát viện tả đô ngự sử, đồng thời được cử làm quan chủ khảo cho kỳ thi Hương tại Hà Nội. Năm 1841 ông được thăng làm Tham Tán Đại Thần đi dẹp giặc Trấn Tây, bị thất bại và lại bị giáng chức Binh Bộ Lang Trung. Năm 1842 do hạ được tướng giặc Phiên Tăng nên
đến năm 1843 được thăng chức làm Binh Bộ Tham Tri kiêm nhiệm tuần phủ An Giang. Cùng năm đó, do bị vu cáo là buôn lậu nên bị cắt chức xuống làm lính. Năm 1845 ông được phục chức thăng làm Chủ sự bộ hình. Năm 1846 kiêm nhiệm Án sát Quảng Ngãi, rồi về kinh giữ chức vụ Phủ thừa tại Thừa Thiên. Năm 1847 được bổ nhiệm Thừa Thiên Phủ Doãn. Năm 1848 ông dâng sớ xin về hưu an hưởng cuộc sống nơi quê nhà. Năm 1858 Pháp tấn công nước ta. Ông dâng sớ xin đi đánh giặc nhưng do tuổi già nên không được vua chấp thuận, cùng năm ông qua đời tại quê hương Hà Tĩnh.
Nguyễn Công Trứ học hành uyên bác, văn võ song toàn. Tuy nhiên, nghiệp công danh lại đến muộn, cảnh ngộ gian truân nhưng ông không oán trách số phận, không thay đổi ước mơ, trước khó khăn không lùi bước. Sau khi về hưu, ông có những quan niệm về hành lạc với cầm - kỳ - thi - tửu. Hành lạc của ông là để chống lại bọn sĩ phiệt quý tộc “quan niệm hành lạc của Nguyễn - Công Trứ là một lợi khí chiến đấu vậy”, “nghệ thuật hành lạc chỉ là một khía của nghệ thuật thống trị” [57; 188] hành lạc của ông là một nghệ thuật, đó là sự kết hợp tài tình giữa đạo Nho và phong cách tiêu dao của đạo Lão - Trang mà cả cuộc đời ông tuân thủ.
Gần 30 năm làm quan, giữ nhiều chức vụ khác nhau, từ chức Hành Tẩu thấp nhất trong hàng thuộc quan thăng dần lên Binh Bộ Thượng Thư, lĩnh Tổng Đốc Hải An – hàm chánh Nhị phẩm. Ba lần ông được cử làm giám khảo kỳ thi hương, có lần được làm chủ khảo trường thi tại Hà Nội, bốn lần làm tướng cầm quân, một lần làm công tác ngoại giao và một lần làm lính thú. Dù đứng ở cương vị nào, ông cũng làm tốt vai trò của mình, thể hiện tư tưởng của một Nho sĩ, kẻ sĩ, người quân tử với trách nhiệm trên vì vua, dưới vì dân. Cuộc đời làm quan, lúc thăng lúc giáng nhưng ông luôn là một trung thần mang hết trí lực và tâm lực cùng triều Nguyễn trị an.
Như vậy, có thể thấy các yếu tố gia đình, dòng họ, quê hương và chính bản thân con người Nguyễn Công Trứ là cơ sở chủ quan cho sự hình thành tư tưởng của ông. Sinh ra ở một vùng đất địa linh nhân kiệt, một gia đình nho phong bị lâm vào cảnh bần hàn đồng thời những hoài bão, khát vọng công danh với hành động lập thân, lập nghiệp và xu hướng chính trị Nho học đã đem lại sự lạc quan và hi vọng “là cỗi – rễ của tính lạc quan chan chứa trong tâm hồn Nguyễn Công Trứ buổi thiếu thời” [57; 150 - 151]. Đó là khát vọng về một sự nghiệp công danh lẫy lừng với niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, tin vào số phận, thể hiện ý chí của kẻ sĩ, của nam tử mà không mấy ai làm được. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tư tưởng của ông và là cơ sở cho việc hình thành tư tưởng Nho giáo của Nguyễn Công Trứ - một tư tưởng Nho học mà cho đến ngày nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi vì có người đồng cảm thì ủng hộ tư tưởng và hành động của ông, trong khi đó có người không ủng hành động đàn áp nông dân của ông. Tuy nhiên, dù có đứng ở góc độ nào để đánh giá về Nguyễn Công Trứ cũng cần phải khẳng định ông là một nhà Nho chân chính, tư tưởng và hành động của ông phù hợp với giáo lý của Nho học. Chính sự thống nhất tư tưởng và hành động ấy đã góp phần tạo dựng nên sự nghiệp lẫy lừng của ông.
2.3.2 Sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ
Đánh giá về công lao của Nguyễn Công Trứ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ông là một nhà tri thức, nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà quân sự và là một nhà thơ của dân tộc. Công lao của ông được thể hiện trên nhiều phương diện và bằng chính cuộc đời mình, ông đã tạo lên một phong cách sống phóng khoáng, được coi là điển hình của mẫu nhà Nho tài tử.
* Sự nghiệp về chính trị
Trong gần 30 năm làm quan trong triều, giữ nhiều chức vụ khác nhau với cấp bậc lúc thăng lức giáng song dù ở cương vị nào Nguyễn Công Trứ vẫn
hoàn thành tốt vai trò của mình, ông vẫn hết lòng phụng sự triều đình, phụng sự nhân dân, yêu dân như con, luôn đem hết tài lực ra để trị an, bảo quốc.
Về ý thức, ông luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, thực hiện
lý tưởng tu tề bình trị của người quân tử. Với mục đích chăm lo cho dân, ông đã đưa ra năm quy ước: lập trường học; lập kho tiết kiệm; tổ chức hành chính xã thôn; phòng vệ an ninh; tinh thần kỷ luật. Đồng thời ông cũng rất chú trọng đến nhu cầu và giải quyết những lo âu của dân chúng. Năm Minh Mệnh thứ 14 “nhân dân các tỉnh Bắc kỳ bị đói. Nguyễn Công Trứ tâu rằng: “Việc tố giác lậu ít khi được xác thực, một số dân bị tố giác nhân vậy bỏ trốn, dần dần thành ra lưu tán mất đi. Nay gần đến xét lại sổ bộ, xin sức cho hạt dân” [91; 295]. Từ những nhận thức về việc làm quan của mình là phải giúp dân nên ngay khi còn là một Nho sinh ông đã dâng “thái bình thập sách”. Đến khi làm quan, ông lại dâng lên vua 5 bản điều trần. Tất cả điều này đã minh chứng nhãn quan sâu rộng, một tài năng hiếm có của ông. Với dân trí, ông đặt ra vấn đề là phải giáo dục căn bản, giáo hóa người dân; Với dân sinh, ông đưa ra các vấn đề về: hành chính, nhân sự, giao thông; Với dân vệ, đề cập đến an ninh và khuyến trừng.
Về hành động, ông có tư tưởng tri và hành luôn phải thống nhất với
nhau, biết phải đi đôi với làm, đã nói được là phải làm được. Bằng chứng là các chiến công của ông được ghi nhận trên khắp chiến trường. Trong kinh tế thì ông cũng đã giúp nhân dân và triều đình thu được những thắng lợi to lớn, đó là khai khẩn, mở mang thêm nhiều vùng đất mới. Trong cuộc đời làm quan, lúc thăng lúc giáng nhưng ông vẫn vui vẻ thể hiện tư tưởng chính trị kiên định, vững vàng. Đó là tư tưởng thấm đẫm lý tưởng của người quân tử, ông xứng đáng với sự tôn phong “Uy viễn tướng công” và “Anh hùng hào kiệt” trong thiên hạ.
* Sự nghiệp về kinh tế
Ông có tư tưởng và chính sách mới về kinh tế. Những tư tưởng này đã giúp ông tạo lên sự nghiệp kinh bang tế thế. GS. Lê Thước nhận xét về ông “… không những là một quan tướng giỏi, mà lại là một nhà chính – trị có tài kinh - tế, biết tìm cách hưng lợi trừ hại cho dân” [117; 36]. Sự nghiệp về kinh tế của ông như một kỳ tích, nó chứng tỏ sức mạnh, ý chí cũng như nghị lực phi thường, nhãn quan sắc bén mà không ai có thể phủ nhận những đóng góp to lớn của ông đối với triều đình, với dân chúng và nó còn nguyên giá trị đến tận ngày nay.
Tư tưởng về kinh tế của ông được thể hiện rõ trong tờ sớ dâng lên vua xin việc khẩn hoang “khai khẩn hoang điền để dân nghèo có nghề làm ăn” [117; 36]. Năm 1829 ông được cử làm Doanh điền sứ “Nhi kim thì hữu Dinh điền sứ,/ Phụng chỉ khai sơn hải chi nhàn điền” (trích Công khai thác). Ở
cương vị này ông đã thể hiện tư tưởng về kinh tế rất mới, đó là: Nhà nước (triều đình phong kiến) và nhân dân cùng làm. Nhà nước cung cấp tiền, quân lương, binh lính… còn nhân dân thì bỏ công sức lao động của mình để tiến hành khẩn hoang. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng sức lao động của người nghèo không có đất canh tác và những người trước tham gia vào nghĩa quân, bị bại trận vào việc khẩn hoang. Hoạt động quai đê, lấn biển được ông tiến hành trên hầu khắp các vùng duyên hải. Ông trở thành người có công đối với hàng vạn hộ nông dân trên các vùng đất khẩn hoang. Ông đã sáng lập ra hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) với số ruộng khai khẩn là 18.970 mẫu, Quảng Yên được 3.500 mẫu, Hải Dương được 1000 mẫu. Quốc sử quán có ghi lại Minh Mệnh năm thứ 9: “truyền cho tập trung dân nghèo đến đó khai khẩn, thời quốc gia chi ra phí tổn không bao nhiêu, mà nguồn lợi tự nhiên sẽ được vô cùng vậy.” [92; 21 - 22] ông cho rằng muốn lòng dân được an thì phải làm cho dân no đủ. Đi đến đâu ông cũng thiết lập hệ
thống dẫn thủy nhập điền, đào sông đắp đập, mở đường “Cứ cách một quãng thì đào một con sông hay cái ngòi thẳng tuột từ đầu đến cuối; dọc trên mỗi con sông lại đắp một con đường” [117; 39]. Ông còn xin triều đình chu cấp lương thực, tiền bạc, trâu bò, dụng cụ cày bừa cho người nông dân.
Những thắng lợi trong lĩnh vực kinh tế đã đem lại cuộc sống ấm no cho hàng ngàn người nông dân. Nhân dân ghi nhận công lao khai lập của ông nên đã lập đền và thờ phụng ông ngay từ khi còn sống “đâu đâu cũng tưởng nhớ đức - trạch của cụ mà lập đền Sinh – từ thờ cụ” [117; 40]. Sau này để ghi nhớ công lao của ông các địa phương, các nhà nghiên cứu thường tổ chức các