Hoàn thiện pháp luật

Một phần của tài liệu Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước theo quy định của pháp luật việt nam (Trang 101 - 104)

Như đã phân tích ở trên, việc tiếp tục tồn tại nhiều mặt bằng pháp lý trong việc giải quyết bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của công chức gây ra trong quá trình thực thi công vụ đã dẫn đến việc áp dụng Luật TNBTCNN, BLDS, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính không có sự thống nhất, với những cách vận dụng pháp luật khác nhau. Điều này dẫn tới nhiều hệ quả không thể lường trước, mà trong đó, một trong những hệ quả trực tiếp nhất là không bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của người bị thiệt hại hoặc không tạo ra sự công bằng trong việc giải quyết bồi thường, không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Nhà làm luật cần xác định rõ trách nhiệm bồi thường do hành vi trái pháp luật của công chức gây ra trong quá trình thực thi công vụ là trách nhiệm của Nhà nước, không phải là trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, từ đó rà soát các quy định của các đạo luật này để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật nói chung và tính tương thích giữa quy định về căn cứ xác định TNBTTHCNN theo Luật TNBTCNN với các đạo luật có liên quan về TNBTTHCNN, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người bị thiệt hại nói riêng, của cá nhân, tổ chức nói chung.

Theo đó, Luật TNBTCNN năm 2009 cần được sửa đổi, bổ sung hoặc được thay thế trên cơ sở những quy định về bảo đảm quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan, trong đó tập trung

sửa đổi các quy định về căn cứ xác định TNBTTHCNN với các vấn đề cụ thể sau đây:

- Về phạm vi TNBTTHCNN, cần phải mở rộng phạm vi TNBTTHCNN sao cho phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan. Hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ ghi nhận việc bồi thường thiệt hại đối với các cá nhân, tổ chức trong một số lĩnh vực hành pháp, tư pháp. Đối với các lĩnh vực khác như lập pháp, quản lý tài sản công, thực hiện dịch vụ công thì Nhà nước chưa ghi nhận trách nhiệm bồi thường của mình. Bên cạnh đó, ngay trong chính các lĩnh vực mà Nhà nước thực hiện trách nhiệm bồi thường thì Luâ ̣t TNBTCNN quy định theo hướng liệt kê các trường hợp cụ thể phát sinh trách nhiệm bồi thường. Do đó, cần nghiên cứu để mở rộng phạm vi các trường hợp được bồi thường hoặc quy định theo hướng khái quát phạm vi trách nhiệm bồi thường nhưng vẫn đảm bảo phù hợp, cân đối giữa quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại với khả năng ngân sách và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay.

- Về thiệt hại được bồi thường, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về thiệt hại được bồi thường, theo đó mở rộng hơn các loại thiệt hại được bồi thường, đưa ra quy định đảm bảo người bị thiệt hại trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án được bồi thường công bằng, thỏa đáng đối với các thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Việc mở rộng các thiệt hại được bồi thường cần được thực hiện theo hướng tôn trọng thực tế khách quan, nghĩa là các thiệt hại thực tế phát sinh mà người bị thiệt hại có thể chứng minh thì phải được bồi thường và mức bồi thường phải đảm bảo giá trị kinh tế tại thời điểm bồi thường nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người bị thiệt hại, đảm bảo bù đắp phù hợp với những thiệt hại đã xảy ra.

Cần bổ sung quy định thêm một số thiệt hại được bồi thường để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người bị thiệt hại. Cụ thể như sau: thiệt hại do bị phạt hợp đồng; thiệt hại về chi phí để có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường; thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết bao gồm cả thiệt hại trước khi chết và các thiệt hại khác sau khi người bị thiệt hại chết; thiệt hại đối với thân nhân người bị thiệt hại; thiệt hại về tinh thần trong trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi

việc trái pháp luật; quy định cụ thể hơn cách thực hiện khôi phục danh dự, khôi phục các quyền, lợi ích hợp pháp khác và trả lại tài sản.

Đối với các khoản thiệt hại về tinh thần, với đặc trưng là khó xác định trên thực tế nên Nhà nước phải ấn định mức bồi thường cụ thể. Tuy nhiên, sẽ phát sinh hạn chế khi mức bồi thường được ấn định cụ thể trong Luật, một số trường hợp được cho là đã phù hợp, nhưng một số trường hợp sẽ không thực sự phù hợp, đặc biệt với những đối tượng trước khi xảy ra thiệt hại là các chủ doanh nghiệp, uy tín lớn… Do đó, cần tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần, đưa ra quy trình cụ thể về xin lỗi công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt cần bảo đảm cơ chế xin lỗi này đối với cả các đối tượng bị thiệt hại trong lĩnh vực thi hành án và quản lý hành chính.

Đồng thời, để tạo thuận lợi cho việc xác minh, thương lượng giá trị thiệt hại được bồi thường, nhất là những trường hợp khó xác minh thiệt hại hoặc người bị thiệt hại không thể cung cấp các tài liệu, chứng cứ thì cần lượng hóa mức bồi thường cho một số thiệt hại, rà soát quy định mức thiệt hại cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của pháp luật dân sự.

- Về văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, cần đưa ra các quy định mang tính khái quát trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người bị thiệt hại theo hướng người bị thiệt hại chỉ cần cung cấp văn bản trong đó có nội dung xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, gây thiệt hại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không bị giới hạn về hình thức các loại văn bản được coi là văn bản xác định hành vi trái pháp luật như hiện nay của Luật TNBTCNN.

Trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và một số trường hợp trong hoạt động thi hành án dân sự, việc đưa ra quy định về văn bản xác định lỗi cố ý của người thi hành công vụ đang là rào cản gần như không thể vượt qua khiến cho người bị thiệt hại khó thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Hơn nữa, pháp luật dân sự Việt Nam hiện nay không quy định người bị thiệt hại phải chứng minh có yếu tố lỗi trong hành vi trái pháp luật nên Luật TNBTCNN nên sửa đổi theo hướng bỏ quy định vê lỗi cố ý thực hiện hành vi trái pháp luật trên nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị thiệt hại.

- Cần sửa đổi các quy định về hoàn trả nhằm nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của người thi hành công vụ. Theo đó, người thi hành công vụ trong tất cả các hoạt động đều phải bị xem xét trách nhiệm hoàn trả; có quy định cụ thể mức hoàn trả do lỗi vô ý, cố ý và cố ý mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định thêm trách nhiệm hoàn trả trong một số trường hợp như người thi hành công vụ về hưu hoặc đã chết, việc miễn, giảm trách nhiệm hoàn trả và trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây ra thiệt hại trong việc phối hợp với cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện hoàn trả.

Cần quy định cụ thể đặc thù nội dung xem xét kỷ luật trong lĩnh vực bồi thường nhà nước theo hướng đảm bảo mọi trường hợp người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại làm phát sinh TNBTTHCNN đều phải chịu trách nhiệm kỷ luật. Các hình thức kỷ luật phải tương xứng với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và mức thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường

Một phần của tài liệu Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhà nước theo quy định của pháp luật việt nam (Trang 101 - 104)