trách nhiệm BTTHCNN và căn cứ xác định TNBTTHCNN
- Yêu cầu phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013
Hiến pháp là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, là nền tảng cho các văn bản pháp luật của quốc gia trong đó bao gồm cả các quy định pháp luật về TNBTTHCNN. Hiến pháp 2013 quy định quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo
đảm thực hiện. Các quyền này chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật . Do vậy, các quy định của pháp luật về TNBTTHCNN cần phải được sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng phù hợp với những quy định của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là quy định về căn cứ xác định TNBTTHCNN cần được sửa đổi sao cho phù hợp nhằm thể hiện được chủ trương tiến bộ của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức.
- Phù hợp với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam Hiện nay, vấn đề bồi thường nhà nước đối với các cá nhân, tổ chức được quy định rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, đồng thời cũng có nhiều các văn bản pháp luật khác có liên quan đến việc thực hiện TNBTTHCNN như Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thi hành án, BLDS, Bộ luật Hình sự... Do vậy, việc hoàn thiện chế định TNBTTHCNN phải đảm bảo sự tương thích giữa các văn bản pháp luật với nhau. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013, rất nhiều các văn bản pháp luật cũng được sửa đổi thay thế để phù hợp với các quy định của Hiến pháp, ví dụ Luật Khiếu nại 2011 đã mở rộng phạm vi khiếu nại, quyền yêu cầu bồi thường của người khiếu nại; Luật Tố cáo 2011 đã quy định mới hơn về việc thực hiện quyền tố cáo của công dân; BLDS 2015 mở rộng phạm vi về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; Bộ luật tố tụng dân sự 2015 mở rộng về trường hợp thiệt hại do việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được bồi tường; Luật Thi hành án dân sự 2008 cũng đã được sửa đổi, bổ sung trong năm 2014 và một số đạo luật khác cũng đã sửa đổi và có nhiều thay đổi theo hướng mở rộng và tăng cường bảo vệ hơn quyền, lợi ích hợp pháp, phát huy cao tính dân chủ của tổ chức, công dân. Do vậy việc nghiên cứu sửa đổi các quy định về căn cứ xác định TNBTTHCNN, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung về phạm vi TNBTTHCNN và các loại văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường cho phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan là hết sức cần thiết.
- Phù hợp với thực tế kinh tế, xã hội; với tình hình chung của thế giới
Trong xu thế hội nhập về kinh tế - chính trị toàn cầu hiện nay, mối quan hệ giữa Việt Nam và quốc tế ngày càng trở nên phổ biến thường nhật và mật thiết hơn. Trong mối quan hệ đó, việc các cá nhân, tổ chức nước ngoài du nhập, sinh sống, làm việc, đầu tư kinh doanh, du lịch…ngày càng trở nên phổ biến. Chính vì vậy, trong bối cảnh nước ta đang tập trung xây dựng nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thì việc xây dựng các quy định về căn cứ xác định TNBTTHCNN là hết sức cần thiết. Đồng thời, với những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn về bồi thường và yêu cầu bồi thường như hiện nay, đòi hỏi phải sửa đổi Luật TNBTCNN trên cơ sở quyền con người, quyền công dân được tôn trọng và bảo vệ.