Nghị định số 187/2013/NĐ-CP

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình thực hiện công ước basel ở việt nam và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi của công ước trong việc kiểm soát vận chuyển chất thải xuyên biên giới (Trang 123 - 126)

1 Hệ thống văn bản pháp luật quy định về hoạt động xuất nhập khẩu

1.2Nghị định số 187/2013/NĐ-CP

Ngày 20/11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 187/2013/NĐ-CP (Thay thế Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ban hành ngày 23/01/2006) quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài. Các quy định về kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu được nêu cụ thể dưới đây:

- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ, ngành liên quan; bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền trước khi thông quan (Điều 4. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu).

- Các Bộ quản lý chuyên ngành phải công bố công khai tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu; công bố Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra trước khi thông quan và có hướng dẫn cụ thể (Khoản 2 Điều 6 và Khoản 2 Điều 7).

- Đối với trường hợp TNTX: Quy định các mặt hàng kinh doanh TNTX có điều kiện phải có giấy phép của Bộ Công Thương (Khoản 1 Điều 12), trong đố có hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa dễ gây lây lan mầm bệnh hoặc gây ô nhiễm môi trường (Khoản 3 Điều 11). Trước tình hình thực tế có quá nhiều hàng hóa TNTX tồn lưu tại các cảng biển của Việt Nam trong thời gian dài, Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định thời gian lưu tại cảng sau khi hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập chỉ còn 60 ngày (Khoản 4 Điều 11) thay vì 120 ngày như quy định tại Nghị định số 12/2006/NĐ-CP trước đây. Hàng hóa TNTX phải làm thủ tục hải quan khi nhập khẩu, chịu sự giám sát của hải quan cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính theo quy định (Khoản 5, Khoản 8 Điều 11).

Một số thuật ngữ về thương mại và hải quan

Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hoá được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hoá đó ra khỏi Việt Nam.

Chuyển khẩu hàng hóa là việc mua hàng từ một nước, vùng lãnh thổ để bán sang một nước, vùng lãnh thổ ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

Quá cảnh là việc chuyển hàng hóa, phương tiện vận tải từ một nước qua cửa khẩu vào lãnh thổ Việt Nam đến một nước khác hoặc trở về nước đó.

Chuyển cửa khẩu là việc chuyển hàng hóa, phương tiện vận tải đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ cửa khẩu này tới cửa khẩu khác; từ một cửa khẩu tới một địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu hoặc ngược lại; từ địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu này đến địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu khác.

- Đối với trường hợp chuyển khẩu hàng hóa: Hàng hóa chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam chịu sự giám sát của hải quan cho tới khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam (Khoản 3 Điều 14).

- Để ngăn ngừa tình trạng chuyển tải bất hợp pháp, chống gian lận thương mại, Nghị định 187/2013/NĐ-CP quy định trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi công bố Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, tạm ngừng kinh doanh theo các phương thức TNTX, chuyển khẩu ...(Điều 15).

- Đối với trường hợp quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam:

+ Hàng hóa là vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ và hàng hóa có độ nguy hiểm cao chỉ được quá cảnh lãnh thổ Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Việc vận chuyển hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa có độ nguy hiểm cao quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về vận chuyển hàng nguy hiểm và các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Khoản 2 Điều 40).

+ Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, được phép quá cảnh lãnh thổ Việt Nam sau khi được Bộ Công Thương cho phép, trừ trường hợp các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó (Khoản 3 Điều 40).

+ Hàng hóa quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chịu sự giám sát của Hải quan Việt Nam trong suốt thời gian lưu chuyển trên lãnh thổ Việt Nam; vào và ra khỏi Việt Nam theo đúng cửa khẩu, tuyến đường quy định; lượng hàng xuất ra phải đúng bằng lượng hàng nhập vào, nguyên đai, nguyên kiện (Khoản 4 Điều 40).

Nghị định 187/2013/NĐ-CP cũng công bố danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó những hàng hóa cấm nhập khẩu được quy định tại Mục II của Phụ lục I, đáng chú ý có hàng tiêu dùng đã qua sử dụng như hàng điện tử, điện lạnh,

điện gia dụng, thiết bị y tế và hàng gia dụng bằng nhựa, cao su, chất dẻo ...; sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng; săm, lốp, phụ tùng động cơ đã qua sử dụng; phế liệu, phế thải, thiết bị làm lạnh sử dụng CFC... Ngoài ra, Phụ lục IV quy định Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ TN&MT. Theo đó, Bộ TN&MT quy định danh mục, tiêu chuẩn hoặc điều kiện đối với phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Trên cơ sở điều kiện hoặc tiêu chuẩn và danh mục các phế liệu được phép nhập khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu làm thủ tục tại cơ quan hải quan. Những quy định này được coi là rào cản nhập khẩu CTNH vào Việt Nam với danh nghĩa hàng hóa thương mại.

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình thực hiện công ước basel ở việt nam và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi của công ước trong việc kiểm soát vận chuyển chất thải xuyên biên giới (Trang 123 - 126)