Một số kinh nghiệm

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh quảng bình lãnh đạo giáo dục phổ thông tu nam 2001 den nam 2010 (Trang 85 - 87)

Nghiên cứu quá trình lãnh đạo phát triển sự nghiệp GDPT của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình trong 10 năm (2001 - 2010) có thể rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:

3.2.1. Vận dụng chủ trương, chính sách giáo dục của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện của địa phương

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xác định vấn đề phát triển giáo dục có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “phát triển giáo dục - đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển nhanh và bền vững” [27, tr. 108-109].

Từ năm 2001 đến năm 2010, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã tích cực quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm phát triển GD-ĐT của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương đúng đắn, phù hợp để phát triển sự nghiệp GDPT của tỉnh Quảng Bình.

Từ thực tiễn tình hình GDPT của tỉnh Quảng Bình, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã xác định quan điểm phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ mới phải gắn với mục đích,

nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đó là, trong điều kiện tỉnh còn nghèo, phải đẩy nhanh tốc độ phát triển GD-ĐT để nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương; đặc biệt phải phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, góp phần tích cực vào việc xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương.

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển giáo dục - đào tạo, căn cứ vào tình hình cụ thể và yêu cầu của từng năm học, Đảng bộ tỉnh đã xác định trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo ngành GD chọn chủ đề từng năm học nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp GDPT. Đây là sự vận dụng sáng tạo đường lối phát triển giáo dục của Đảng Cộng sản Việt Nam của Đảng bộ tỉnh vào điều kiện một tỉnh kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, có xuất phát điểm thấp, khó khăn nặng nề.

Tỉnh ủy Quảng Bình đã coi trọng, đặt đúng vị trí quốc sách hàng đầu của giáo dục - đào tạo. Điều đó không chỉ được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, XIV mà còn thể hiện ở Chương trình hành động số 27-CTr/TU về Thực hiện kết luận Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục - đào tạo từ nay đến năm 2005 và đến năm 2010; Nghị quyết số 09-NQ/TU về đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS phấn đấu đạt chuẩn năm 2005; Chỉ thị số 20-CT/TU về việc thực hiện Chỉ thị số 11- CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập…

Trong quá trình lãnh đạo phát triển sự nghiệp GDPT, Tỉnh ủy Quảng Bình đã xác định phải xây dựng và phát triển một nền GDPT mang tính toàn diện, gắn giáo dục với các giá trị chân, thiện, mỹ; gắn học với hành; gắn nhà trường với gia đình và xã hội. Theo hướng đó, những năm qua, ngành GD Quảng Bình đã quán triệt sâu rộng trong cán bộ giáo viên, học sinh quan điểm, mục tiêu phát triển GD-ĐT của Đảng và chủ trương của Đảng bộ tỉnh nên đã triển khai đổi mới chương trình, phương pháp dạy - học; đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý; đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” và cuộc vận động “Hai không”.

Để thúc đẩy sự nghiệp GDPT phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh cần chỉ đạo tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, trong đó chú trọng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, quan tâm hơn nữa đến cơ sở vật chất trường học ở miền núi, vùng khó khăn. Chú ý hơn nữa việc chỉ đạo phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT để học sinh có định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các trường học về cả ba mặt: chính trị - tư tưởng - tổ chức để tổ chức Đảng thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo trong nhà trường. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác XHHGD, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển GD-ĐT và tạo cơ hội cho mọi người dân đều có cơ hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Những chủ trương của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân tỉnh Quảng Bình và đi đúng với chủ trương phát triển GD-ĐT của Đảng. Do đó, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng quá trình xây dựng, phát triển GD-ĐT của tỉnh Quảng Bình được đại bộ phận nhân dân và các tổ chức xã hội đồng tình, ủng hộ nên đã nhận được sự đóng góp tích cực cả về vật chất và tinh thần với quyết tâm tạo bước đột phá cho sự nghiệp GD-ĐT nói chung, GDPT nói riêng, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của quê hương, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển GD-ĐT ở giai đoạn sau.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh quảng bình lãnh đạo giáo dục phổ thông tu nam 2001 den nam 2010 (Trang 85 - 87)