Năm 2005 là năm cuối cùng Việt Nam thực hiện phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001-2005 do Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đề ra. Việt Nam bước vào thời kỳ mới với nhiều thời cơ thuận lợi mới, nhưng cũng nhiều phức tạp, thách thức mới. Điều đó đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh sự nghiệp GD-ĐT để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Ngày 18/4/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 05/2005/NQ- CP "Về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục- thể thao". Về GD-ĐT, Nghị quyết đã ra chỉ tiêu định hướng đến năm 2010: chuyển phần lớn các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập và một phần các cơ sở giáo dục không đảm nhận nhiệm vụ giáo dục phổ cập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Chuyển tất cả các cơ sở bán công sang loại hình dân lập hoặc tư thục. Tỷ lệ học sinh nhà trẻ ngoài công lập chiếm 80%, mẫu giáo 70%, THPT 40%, Trung học chuyên nghiệp 30% các cơ sở dạy nghề 60%, đại học, cao đẳng khoảng 40%.
Tiếp theo, ngày 16/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg "Về việc phê duyệt Đề án: Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010". Quyết định phê duyệt Đề án gồm có những nội dung sau:
Về mục tiêu, trên cơ sở thực hiện tốt giáo dục chính quy theo các mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010 đã đề ra, phát triển GDTX để đến năm 2010 đạt được tiêu chí: trên 98% số người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên, đặc biệt tăng nhanh tỷ lệ xóa mù chữ trong các dân tộc ít người; huy động trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn không được đi học ở nhà trường đi học theo các chương trình phổ cập đạt trên 65% đối với trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 10 và đạt trên
55% đối với số trẻ trong độ tuổi từ 11 đến 14 tuổi; cố gắng phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80% số cán bộ cấp xã, phường, thị trấn và các quận huyện được học tập, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế để nâng cao năng lực công tác; đạt tỷ lệ trên 85% số người lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, được tiếp cận các chương trình bồi dưỡng giúp nâng cao hiểu biết, khả năng lao động, sản xuất; đạt tỷ lệ 100% quận huyện có trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, 100% các tỉnh, thành phố có trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và trên 80% các xã, phường, thị trấn trong cả nước xây dựng được trung tâm học tập cộng đồng.
Về nhiệm vụ chủ yếu, xây dựng phong trào "Cả nước trở thành một xã hội học tập"; xây dựng và phát triển mạnh mẽ hệ thống Giáo dục thường xuyên đồng thời với việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện giáo dục chính quy; xây dựng nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục thường xuyên phù hợp với các mô hình tổ chức giáo dục thường xuyên; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên, nhân viên, công tác viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.
Tháng 6/2005, Quốc hội khóa XI đã ban hành Luật giáo dục (sửa đổi). Luật Giáo dục đã đưa ra những quy định về mục tiêu giáo dục; về tính chất, nguyên lý giáo dục về chương trình giáo dục; về phát triển giáo dục... tạo cơ sở pháp lý để thực hiện đường lối giáo dục của Đảng. Tại Điều 2, Chương I quy định: Mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, trí thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Điều 9, Chương I cũng quy định: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hôi, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; bảo đảm cân đối về cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền; mở rộng quy mô trên cơ sở bảo đảm chất lượng và hiệu quả; kết hợp giữa đào tạo và sử dụng.
Năm 2006, sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, thách thức lớn còn nhiều. Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006) của Đảng đã xác định mục tiêu và phương hướng tổng quát đến năm 2010 là đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng yếu kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghệ theo hướng hiện đại.
Về GD-ĐT, Đại hội X tiếp tục khẳng định quan điểm: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [27, tr. 94-95]. Vì vậy, cần phải “đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao” [27, tr. 95].
Đại hội đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2006-2010. Theo đó, để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới của tình hình, Đại hội xác định cần “phát triển mạnh khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức” [27, tr. 187]. Đặc biệt trong lĩnh vực GD-ĐT, Đại hội chủ trương phấn đấu đến năm 2010 “hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đạt 200 sinh viên đại học và cao đẳng/10.000 dân; lao động đã qua đào tạo chiếm 40% tổng lao động xã hội” [27, tr. 189].
Để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ trên, Đảng, Nhà nước và ngành GD cần “tạo được chuyển biến cơ bản về phát triển giáo dục và đào tạo” [27, tr. 206]; theo đó, Đảng vạch ra những định hướng cơ bản sau:
Đổi mới tư duy giáo dục một cách nhất quán, từ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đến cơ cấu và hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý để tạo bước chuyển biến cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, tiếp cận với trình độ giáo dục của khu vực và thế giới; khắc phục cách đổi mới chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, thiếu kế hoạch đồng bộ. Phấn đấu xây dựng nền giáo dục hiện đại,
của dân, do dân và vì dân, bảo đảm công bằng về cơ hội học tập và học tập suốt đời, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.
Ưu tiên hàng đầu cho việc nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường, phát huy khả năng sáng tạo và độc lập suy nghĩ cho học sinh, sinh viên. Coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên khát vọng mãnh liệt xây dựng đất nươc giàu mạnh, gắn liền lập nghiệp bản thân với tương lai cộng đồng, của dân tộc, trau dồi cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam.
Hoàn chỉnh và ổn định lâu dài hệ thống giáo dục quốc dân; chú trọng phân luồng đào tạo sau THCS, bảo đảm liên thông giữa các cấp đào tạo. Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo.
Đẩy mạnh XHHGD, đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng trường công lập, bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển các trường ngoài công lập và các trung tâm giáo dục cộng đồng. Có lộ trình cụ thể cho việc chuyển một số cơ sở GD-ĐT công lập sang dân lập, tư thục; xóa bỏ hệ bán công.
Sửa đổi chế độ học phí đi đôi với đổi mới cơ chế tài chính trong GD-ĐT theo hướng xác định đầy đủ chi phí dạy và học, chia sẻ hợp lý trách nhiệm chi trả giữa nhà nước, xã hội và người học. Thực hiện miễm giảm học phí và cấp học bổng cho học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách học giỏi.
Ưu tiên phát triển GD-ĐT ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất - kỹ thuật các cấp học, mở thêm các trường nội trú, bán trú và có chính sách bảo đảm đủ giáo viên cho các vùng này.
Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về GD-ĐT; Nhà nước thực hiện đúng chức năng định hướng phát triển, tạo lớp khung pháp lý và kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi pháp luật, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong GD-ĐT, chống bệnh thành tích. Đổi mới tổ chức và hoạt động, đề cao và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường. Tập trung khắc phục những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, thi cử, tuyển sinh, đánh giá kết quả học tập và cấp văn bằng, chứng chỉ.
Tăng cường hợp tác quốc tế về GD-ĐT; từng bước xây dựng nền giáo dục Việt Nam hiện đại, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Ngày 08/9/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg
Về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ GD-ĐT xây dựng Chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục giai đoạn 2006-2010 với yêu cầu: nâng cao đạo đức của nhà giáo; giáo dục tính trung thực cho học sinh, sinh viên. Việc thực hiện chương trình hành động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục gắn với việc đổi mới giáo dục mầm non, GDPT, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; đổi mới công tác thi, tuyển sinh và xây dựng quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; bảo đảm dạy thực chất, học thực chất để thực sự nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục", coi đây là khâu đột phá để lập lại trật tự, kỷ cương trong dạy và học, làm tiền đề triển khai các giải pháp khác nhằm khắc phục những yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Cuộc vận động này đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.
Ngày 7/11/2006, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 06 - CT/TW về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Thực hiện Chỉ thị 06 của Bộ Chính trị, ngày 18/5/2007, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra Chỉ thị số 2516/CT-BGĐT về thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong ngành GD. Mục đích thực hiện cuộc vận động nhằm làm cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên trong toàn ngành nhận thức về những nội dung cơ bản và những giá trị to lớn của tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái
về chính trị đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thằng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.
Để sự nghiệp giáo dục đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngày 15/4/2009, Bộ Chính trị ra Thông báo Kết luận số 242-TB/TW Về tiếp tục thực Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020.
Xuất phát từ thực tiễn giáo dục và yêu cầu của tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam có một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Bộ Chính trị đã nêu ra những nhiệm vụ và giải pháp cần phải thực hiện trong thời gian tới đó là: nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý; cần coi trọng cả ba mặt giáo dục là dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề; phát triển quy mô giáo dục hợp lý cả đại trà và mũi nhọn, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi để cho mọi người có thể học tập suốt đời; đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với GD-ĐT; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục; tăng cường nguồn lực cho giáo dục; đảm bảo công bằng trong giáo dục; tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục.
Kết luận số 242-TB/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam phải đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ” [4, tr. 7].
2.1.2. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình
Tháng 12/2005, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV được triệu tập. Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được cũng như chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có GD-ĐT. Từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh, Đại hội đề ra phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2006-2010 và định hướng đến năm 2020. Cụ thể như sau:
- Tiếp tục quán triệt quan điểm nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII): nhận thức rõ vai trò GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; phát triển giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; phát triển GD-ĐT nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình giáo dục ở các cấp học, ngành học theo chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo, tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục. Đổi mới phương thức quản lý giáo dục, quản lý trường học. Bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
- Mở rộng hợp lý các loại hình trường, lớp, khuyến khích phát triển loại hình trường dân lập, tư thục, đẩy mạnh XHHGD, gắn phát triển GD-ĐT với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Củng cố kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở, đẩy mạnh phổ cập giáo dục bậc trung học; tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội khuyến học; xây dựng một xã hội học tập; chấn chỉnh nề nếp, kỷ cương, đánh giá đúng thực chất kết quả học tập.