Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh quảng bình lãnh đạo giáo dục phổ thông tu nam 2001 den nam 2010 (Trang 64 - 69)

quản lý giáo dục

Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục. Nhận thức rõ vai trò này, ngày 11/5/2005, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 64 - KH/TU để chỉ đạo ngành GD và các sở, ban ngành liên quan kiên trì các giải pháp đồng bộ thực hiện Chỉ thị số 40 - CT/TW, ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 20/7/2007, UBND tỉnh ban hành Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực Quảng Bình giai đoạn 2006 - 2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ- UBND ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình), trong đó đã nêu ra những mục tiêu cụ thể về xây dựng, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là:

- Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), phấn đấu đến năm 2010, toàn tỉnh có 100% giáo viên các cấp học đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục, trong đó có 30% giáo viên mầm non, 45% - 50% giáo viên TH, 35% giáo viên THCS, 10% - 15% giáo viên THPT đạt trình độ trên chuẩn; 100% cán bộ quản lý giáo dục các cấp có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, ít nhất 50% có trình độ chuyên môn trên chuẩn; tỷ lệ đảng viên trong trường học đạt từ 50% - 60% [95, tr. 12].

- Thực hiện Chương trình chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý hành chính Nhà nước, quản lý kinh tế, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đến năm 2010, đạt các chỉ tiêu quy định tại Quyết định số 12/2005/QĐ-UB ngày 07 tháng 3 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình Phát triển nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh Quảng Bình.

Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá toàn bộ đội ngũ giáo viên ở các cấp học, bậc học theo tinh thần Quyết định số 06/2006/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ, từng bước phân loại để quy hoạch, sắp xếp sử dụng đội ngũ giáo viên cho phù hợp, đảm bảo đủ về số lượng, khắc phục tình trạng mất cân đối về cơ cấu bộ môn; chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trình Ủy ban nhân dân tỉnh các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, công tác tổ chức và biên chế thuộc ngành GD, đáp ứng nâng cao chất lượng GD-ĐT, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố lập kế hoạch xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, thực hiện Quyết định số 12/2005/QĐ- UB ngày 07 tháng 3 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, đồng thời theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra quá trình thực hiện Kế hoạch ở các huyện, thành phố, tiến hành sơ kết, tổng kết theo định kỳ

quy định; chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở liên quan cân đối ngân sách hàng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí phù hợp để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục…

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, hàng năm Sở GD-ĐT Quảng Bình đã tiến hành rà soát lại đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng đội ngũ. Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, công tác tuyển dụng được tiến hành một cách công khai, minh bạch đúng quy trình. Đông thời tỉnh cũng chỉ đạo ngành GD thực hiện việc thuyên chuyển cán bộ giáo viên trong ngành để đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng. Nhờ vậy mà tỉnh đã khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lý giáo dục, Tỉnh ủy đã chỉ đạo ngành GD triển khai thực hiện nhiều biện pháp tích cực như: kiên trì đẩy mạnh phong trào mỗi trường học là một trung tâm bồi dưỡng giáo viên; cử giáo viên đi học nâng cao trình độ; khuyến khích tự học, tự bồi dưỡng và giúp nhau nâng cao nghiệp vụ. Hàng năm, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành GD đã triển khai kế hoạch nâng cao nghiệp vụ và chuyên môn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trường học các cấp theo mục tiêu quốc gia. Tỉnh còn có các chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục, thể hiện qua Nghị Quyết số 52/2006/NQ- HĐND, ngày 21/7/2006 Về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006-2010.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo ngành GD tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” để thúc đẩy cán bộ, giáo viên toàn ngành thực hiện tốt phương pháp đổi mới dạy học, dạy học phù hợp với học sinh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tăng cường tổ chức hội giảng, thao giảng, trao đổi kinh nghiệm từ giáo viên tiểu học đến giáo viên THPT. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, ngành GD đã áp dụng nhiều hình thức khen thưởng nhằm

khích lệ cán bộ, giáo viên phấn đấu để đạt các danh hiệu: Chiến sĩ thi đua, danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Anh hùng lao động…

Công tác bồi dưỡng lý luận, nâng cao phẩm chất chính trị cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cũng được Đảng bộ tỉnh đặc biệt chú trọng. Tỉnh ủy đã chỉ đạo ngành GD thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Trường Chính trị tỉnh để mở các lớp bồi dưỡng chính trị; các lớp học tập, nghiên cứu Nghị Quyết của Đảng; các buổi báo cáo thời sự hàng tháng, hàng quý để giáo viên nắm bắt được tình hình chung của thế giới, trong nước, trong tỉnh và trong nội bộ ngành GD. Hầu hết cán bộ quản lý được học chương trình lý luận chính trị trình độ trung cấp, cán bộ quản lý trong diện quy hoạch được cử đi học các lớp cao cấp lý luận chính trị, cử nhân lý luận chính trị. Gần 100% chuyên viên sở, Phòng GD được bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước.

Đảng bộ tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển Đảng trong ngành GD. Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy cùng với Ban Tổ chức Huyện ủy các huyện phối hợp với ngành GD, hàng năm xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu để phát triển đội ngũ đảng viên trong các nhà trường. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Sở và Phòng GD các huyện đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu, tiêu chuẩn cụ thể, đẩy mạnh các phong trào thi đua để thúc đẩy lực lượng giáo viên ở các cấp học tự giác rèn luyện, tích cực phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho giáo viên được các cấp ủy đảng rất quan tâm. Từ khi Bộ Chính trị triển khai cuộc vận động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các cấp ủy Đảng đã triển khai mạnh mẽ cuộc vận động bằng nhiều hình thức, trong đó điển hình là kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cuộc vận động này được toàn ngành triển khai gắn với việc triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Trong một chừng mực nhất định, những cuộc vận động nêu trên đã có tác dụng tích cực.

Các chế độ chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được chỉ đạo thực hiện theo: Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, ngày

14/12/2004 của Chính Phủ Về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg, ngày 6/10/2005 của Thủ tướng Chính Phủ Về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập; Thông tư liên bộ số 50/2008/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, ngày 9/9/2008 của liên Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về Hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập; Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ GD-ĐT Quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông… Hàng năm, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành GD-ĐT tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên. Cùng với các đề án kiên cố hóa trường học, lớp học thì nhà công vụ cho giáo viên cũng được xây dựng. Các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thai sản, ốm đau của giáo viên được bảo đảm. Nhìn chung đời sống của giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh đã từng bước được cải thiện nhờ các chính sách ưu đãi của Nhà nước và chính sách của địa phương.

Có thể nói các chính sách của tỉnh đã khuyến khích cán bộ quản lý, nhà giáo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của tỉnh. Tính đến tháng 8/2010, trên địa bàn toàn tỉnh có 15.175 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên giáo dục các cấp. Trong đó, giáo dục Tiểu học là 4.906 người, giáo dục THCS là 4803 người, giáo dục THPT là 2190 người. Tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn đối với giáo viên của cả 3 cấp học đều đạt trên 90%: (Tiểu học đạt chuẩn 99,7% năm học 2005 - 2006: 98,1%; 2006 - 2007: 98,2%; 2007 - 2008: 99,56%; 2008 - 2009: 99,37%), trên chuẩn 49,1% (năm học 2005 - 2006: 13,34%; 2006 - 2007: 34,4; 2007 - 2008: 44,8%; 2008 - 2009: 45%); THCS đạt chuẩn 98,9% (năm học 2005 - 2006: 92%;2006 - 2007: 93,6%; 2007 - 2008: 97,83%; 2008 - 2009: 98,73% ), trên chuẩn 33,8% (năm học 2005 - 2006:17,3%; 2006 - 2007: 28%; 2007 - 2008: 33,2%; 2008 - 2009: 33,65%); THPT đạt chuẩn 99,9% (năm học 2005 - 2006: 98%; 2006 - 2007: 98,5%; 2007 - 2008: 99,05%;

2008 - 2009: 98,35%), trên chuẩn 4,6% (năm học 2005 - 2006: 1,3%; 2006 - 2007: 2,3%; 2007 - 2008: 3,43%; 2008 - 2009: 4,4%) [63, tr. 13].

Nhìn chung, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ở Quảng Bình trong giai đoạn 2006 - 2010 về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đủ về số lượng và chất lượng ngày càng được nâng cao, có khả năng đáp ứng công tác quản lý và giảng dạy theo yêu cầu mới của ngành và toàn xã hội. Dù vậy, trong công tác chỉ đạo vẫn tồn tại một số vấn đề như: công tác tham mưu cho các cấp lãnh đạo để điều tiết cán bộ, giáo viên, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên ở các cấp vẫn còn khó khăn; chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên có chuyển biến nhưng còn bộc lộ một số hạn chế, một số cán bộ giáo viên còn yếu về phương pháp giảng dạy, chậm cập nhật kiến thức mới, một số giáo viên chưa đạt chuẩn, tỷ lệ trên chuẩn ở cả ba cấp còn thấp; chất lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa cao… Những tồn tại, yếu kém đó là thách thức to lớn, đòi hỏi Đảng bộ và chính quyền Quảng Bình phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong chặng đường tiếp theo.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh quảng bình lãnh đạo giáo dục phổ thông tu nam 2001 den nam 2010 (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)