Nâng cao chất lượng ở các cấp học

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh quảng bình lãnh đạo giáo dục phổ thông tu nam 2001 den nam 2010 (Trang 51 - 55)

* Giáo dục tiểu học

Tỉnh ủy đã chỉ đạo ngành GD thực hiện nghiêm túc chương trình và hướng dẫn giảng dạy các môn ở cấp tiểu học, Công văn số 896/BGD&ĐT- GDTH ngày 13/2/2006 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn điều chỉnh việc dạy và học cho học sinh tiểu học.

Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Sở và Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố đã tập trung đẩy mạnh đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy - học, khai thác có hiệu quả thiết bị đồ dùng dạy học, đẩy mạnh phong trào tự làm đồ dùng học tập, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học ở các trường tiểu học, triển khai có nề nếp chương trình và sách giáo khoa tiểu học mới. Các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục được chú trọng, môn học tự chọn (tin học và ngoại ngữ) đã được đưa vào giảng dạy phổ biến: năm học 2006-2007 có 96 trường (41,4%) dạy môn Ngoại ngữ và 38 trường (16,4%) dạy môn tin học, 37 trường (15,9%) dạy 2 môn tự chọn [60, tr. 4]; năm học 2009-2010 đã có 826 lớp với 22.366 học sinh được học cả tin học và ngoại ngữ, 172 trường với 34.311 học

sinh (82,7%) học ngoại ngữ, 109 trường với 23.634 học sinh (52,4%) học tin học [63, tr. 6]. Đặc biệt, năm học 2009-2010, tỉnh đã chỉ đạo ngành GD tổ chức thành công giao lưu Olympic Tiếng Anh tiểu học cấp tỉnh lần thứ nhất. Kết quả đã có 77/128 học sinh dự thi đạt giải. Bên cạnh đó, hàng năm, các Phòng GD đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt phong trào “Rèn chữ, giữ vở”, “Luyện viết chữ đúng và đẹp”, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội thi viết chữ đẹp cấp tỉnh cho giáo viên và học sinh: năm học 2005-2006, có 21 giáo viên và 175 học sinh dự thi đã đạt giải [59, tr. 4]. Việc đánh giá xếp loại học sinh được thực hiện nghiêm túc, thực chất theo Quyết định số 30/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 30/9/2005 và tinh thần cuộc vận động “Hai không” của Bộ GD-ĐT.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, ngành GD đã có sự quan tâm đúng mức đến việc giáo dục trẻ em dân tộc, trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Sở và các Phòng GD đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường dạy Tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số trước tuổi đến trường và ở lớp 1. Tiếp tục thực hiện giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật: năm học 2005-2006, toàn tỉnh có 1.046 học sinh khuyết tật được học hòa nhập trong 677 lớp phổ thông [59, tr. 5], năm học 2008-2009, huy động được 1306 học sinh khuyết tật học hòa nhập ở các trường tiểu học [62, tr. 8].

Bên cạnh đó, theo chủ trương của Đảng bộ tỉnh, Sở và Phòng GD các huyện đã chỉ đạo các trường thực hiện dạy 2 buổi học/ngày, với mục tiêu tất cả các học sinh đều được học 9 - 10 buổi/tuần: Năm học 2005-2006, toàn tỉnh có 187 trường học 2 buổi/ngày, 131 trường có 100% học sinh học 2 buổi/ngày, với 58.853 học sinh (chiếm 67,9%) [59, tr. 4]; năm học 2007-2008, toàn tỉnh có 203 trường và 65.662 học sinh học 2 buổi/ngày (chiếm 87,55%) [61, tr. 7]; năm học 2009-2010, toàn tỉnh có 211 trường với 64.114 học sinh (90,5%) được học 2 buổi/ngày [63, tr. 5]. Kết quả học tập của học sinh học 2 buổi/ngày cao hơn hẳn so với học sinh chỉ học 1 buổi/ngày. Các trường nghiêm túc thực hiện các quy định chuyên môn, dạy đủ số môn học theo chuẩn chương trình. Tích hợp giáo dục Đạo đức, Tiếng Việt vào các hoạt động giáo dục. Môn học Thủ công và Kỹ thuật được điều chỉnh nội dung, kế hoạch phù hợp với đối tượng học sinh.

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành GD đã thực hiện đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, công tác Đội - Sao nhi đồng, giáo dục an toàn giao thông, công tác y tế học đường, chữ thập đỏ, giáo dục vệ sinh môi trường có nhiều chuyển biến tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hàng năm, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Ban ATGT tỉnh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức hội thi ATGT cấp tỉnh… Các loại học bổng VINAMILK, đèn đom đóm,… được triển khai kịp thời có tác dụng động viên hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi, học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.

Việc đổi mới phương pháp dạy và học, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, chất lượng giáo dục Tiểu học của tỉnh vững chắc và ổn định. Năm học 2007- 2008, kết quả xếp loại hạnh kiểm có 72.601/73.421 học sinh (98,9%) học sinh thực hiện đầy đủ, xếp loại môn Toán với tỉ lệ khá giỏi đạt 68,0%, loại yếu 4,5%, môn Tiếng Việt có tỷ lệ khá giỏi là 62,5, loại yếu 7,2%. Có 15.144/16.737 học sinh được công nhận hoàn thành chương trình Tiểu học đợt 1 đạt tỷ lệ 92,4% [61, tr. 7]; năm học 2009-2010, kết quả xếp loại đánh giá chất lượng hai mặt: hạnh kiểm có 98,1% học sinh đạt; xếp loại học lực có 28,67% xếp loại giỏi, 36,38% xếp loại khá (tỷ lệ khá giỏi ở cả hai môn Toán và Tiếng Việt đều cao hơn năm học trước), có 12.949/13.345 học sinh đủ điều kiện hoàn thành chương trình tiểu học, đạt tỷ lệ 97,03% [63, tr. 5].

* Giáo dục trung học

Tỉnh đã chỉ đạo ngành GD bám sát chủ trương của Bộ GD-ĐT, chỉ đạo các trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng sát đối tượng, bám chuẩn kiến thức, kỹ năng quy định; tăng cường sử dụng thiết bị, ứng dụng hợp lý công nghệ thông tin, phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh; đổi mới phương pháp đánh giá kết quả học tập thông qua đổi mới cách ra đề kiêm tra (kết hợp kiểm tra trắc nghiệm và tự luận, lập ngân hàng đề…).

Hàng năm, theo sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, Sở và Phòng GD các huyện đã tập trung chỉ đạo các trường học tiến hành khảo sát chất lượng, rà soát, thống kê số liệu và phân loại học sinh diện yếu kém, học sinh có nguy cơ bỏ học; xác

định nguyên nhân học yếu, kém, phân công giáo viên có chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm để phụ đạo, bồi dưỡng học sinh yếu, kém; phối hợp với chính quyền, các đoàn thể địa phương và Ban đại diện hội cha mẹ học sinh cùng tham gia giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường công tác quản lý giờ giấc, nề nếp sinh hoạt và học tập của học sinh ở nhà; tích cực giáo dục động cơ, thái độ học tập đúng đắn cho các em.

Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tiếp tục được các trường triển khai có nề nếp ở cả 3 khâu: phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng. Đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh dự thi học sinh giỏi quốc gia đạt được những thành tích xuất sắc: Năm học 2005-2006, có 42/72 học sinh tham gia dự thi đạt giải, cả 9 môn tham gia dự thi đều có giải, đặc biệt có 2 học sinh được chọn tham gia đội tuyển Olimpic quốc tế môn Sinh học [59, tr. 5]; năm học 2006-2007, có 24/54 học sinh khối 12 tham gia thi đạt giải và có 3 học sinh được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc tế và khu vực [60, tr. 6]; năm học 2007-2008, có 30/54 học sinh 12 tham gia thi đạt giải và 2 học sinh được chọn tham gia thi Olimpic môn Vật lý và Sinh học [61, tr. 8]…; năm học 2009-2010, có 45/54 học sinh 12 tham gia thi đạt giải và có 1 học sinh được chọn tham gia thi Olimpic Quốc tế môn Sinh học [63, tr. 7].

Các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được đẩy mạnh. Thực hiện sự chỉ đạo của của Đảng bộ tỉnh, Sở và các Phòng GD đã chỉ đạo các nhà trường giữ vừng kỷ cương, nề nếp dạy học, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp: giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng - an ninh; phòng chống tội phạm ma túy, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội; giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; giáo dục dân số, giáo dục dân tộc, y tế học đường, giáo dục môi trường….v.v. Các hoạt động đoàn, hội, đội, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm. Năm học 2006-2007, đã tổ chức thành công hội thi tiếng hát học sinh phổ thông “Giai điệu tuổi hồng”. Năm học 2007- 2008, tổ chức thành công hội thi “Sử dụng và sáng tạo đồ dùng dạy học lớp 10”; tổ chức tốt Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh; tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc

Nhìn chung, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngành GD đã nỗ lực không ngừng, thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp dạy và học, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trung học phổ thông. Nhờ đó chất lượng giáo dục trung học phổ thông trên phạm vi toàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định. Kết quả thi tốt nghiệp THPT của tỉnh năm 2006 là 98,9%; năm 2007 là 46,49%; năm 2008 là 61,71% (tốt nghiệp lần 1); năm 2009 là 81,98%; năm 2010 là 97,24%. Kết quả thi tốt nghiệp THPT từ năm 2007 (năm bắt đầu thực hiện cuộc vận động “Hai không”) đến năm 2010 đã phản ánh đúng chất lượng giáo dục của tỉnh, thể hiện sự nghiêm túc trong thi cử theo tinh thần của cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.

Bên cạnh đó, chất lượng GDPT giữa các đơn vị huyện, thành phố, các loại hình chưa thật đồng đều. Chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ, tin học chưa tương đồng với các môn khoa học cơ bản và yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế. Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở một số trường chưa được coi trọng, một bộ phận nhỏ học sinh còn có biểu hiện thiếu hụt về nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử…

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh quảng bình lãnh đạo giáo dục phổ thông tu nam 2001 den nam 2010 (Trang 51 - 55)