Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh quảng bình lãnh đạo giáo dục phổ thông tu nam 2001 den nam 2010 (Trang 60 - 64)

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là ngành GD tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho xây dựng cơ bản nhằm tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị trường học, tạo môi trường học tập tốt cho con em nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện theo chủ trương và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 20/7/2007, UBND tỉnh ban hành Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực Quảng Bình giai đoạn 2006 - 2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-UBND ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình); Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 - 2012; ngày 05/12/2008, UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục ra Quyết định số 3158/2008/QĐ-

UBND Quyết định về việc quy định định mức đầu tư của một phòng học, phòng ở giáo viên và hệ số theo vùng thuộc đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008 - 2012...

Thực hiện chủ trương tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học để cho GDPT ngày càng phát triển, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; cụ thể hóa các chủ trương, nhiệm vụ thành các chương trình, đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh kịp thời có các chủ trương, chính sách phù hợp để đưa sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh tiếp tục phát triển; kiểm tra, tổng hợp báo cáo, đánh giá kết quả và tiến độ thực hiện; định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ GD-ĐT.

Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở GD-ĐT và các sở, ban, ngành liên quan cân đối nguồn lực đầu tư hàng năm để ưu tiên thực hiện các mục tiêu về xây dựng cơ bản, các chương trình mục tiêu, đào tạo nguồn nhân lực cho quá trình HĐH, CNH địa phương. Xúc tiến đầu tư các công trình giáo dục nhằm kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục.

Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GD-ĐT bố trí tỷ lệ phân bổ ngân sách hàng năm cho giáo dục phấn đấu bằng mức chung chi cho giáo dục cả nước; huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục. Hướng dẫn thực hiện chế độ chi tiêu, quản lý tài chính phù hợp với quy định của luật pháp.

Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở GD-ĐT hướng dẫn lập quy hoạch; rà soát, điều chỉnh bổ sung việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cơ sở giáo dục nhằm đảm bảo đủ quỹ đất cho các trường, cơ sở giáo dục, đồng thời

dành quỹ đất dự phòng cho các cơ sở dự kiến phát triển theo quy hoạch các giai đoạn tiếp theo

Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo Sở Bưu chính - Viễn thông chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan xây dựng chính sách thúc đẩy, đồng thời dành sự ưu tiên cho giáo dục các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị sử dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dạy trong trường học và quá trình HĐH, CNH ở địa phương.

Công tác xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong 5 năm (2006 - 2010) đã được quan tâm bằng nhiều nguồn vốn: Chương trình kiên cố trường, lớp học; Dự án phát triển giáo dục THCS, THPT; Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn; Dự án phát triển giáo viên tiểu học… Ngoài ra, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các địa phương, trường học đã tích cực huy động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, cải tạo tu sửa nâng cấp, mua sắm thêm trang thiết bị, cải tạo khuôn viên, sân chơi, bãi tập... Tỉnh còn chỉ đạo ngành GD thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục để thu hút sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Kết quả, phụ huynh nhiều trường tự nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng hàng rào quanh trường, xây dựng các phòng học chức năng, phòng bộ môn, mua máy vi tính, các thiết bị nghe nhìn…

Năm học 2005 - 2006, với tổng kinh phí 91.020 triệu đồng (thuộc Chương trình kiên cố hóa trường, lớp do Trung ương cấp), tính đến ngày 30/6/2006, tỉnh đã chỉ đạo giải ngân 71.252 triệu đồng (đạt 78%) để đầu tư xây dựng 296 phòng học, nâng tổng số phòng học thuộc chương trình kiên cố hóa đầu tư xây dựng lên 1.012 trường, đạt 72% kế hoạch. Ngoài ra,với nguồn vốn từ Chương trình giáo dục THPT, tỉnh đã chỉ đạo đầu tư xây dựng 58 phòng học, 11 phòng thí nghiệm, 7 phòng vi tính, 3 phòng thư viện; Chương trình giáo dục tiểu học vùng khó đã đầu tư xây dựng 44 phòng học, 16 phòng làm việc… [59, tr. 9]. Kết quả của quá trình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đã nâng tổng số trường THCS, THPT có phòng học bộ môn chiếm 20%, có phòng học thực hành chiếm 30 %, có phòng thí nghiệm chiếm 97%

(đã có 282 thư viện đạt chuẩn, tăng 51 trường so với năm học trước) [59, tr. 9]. Về tăng cường trang thiết bị dạy học, trong năm học này tỉnh đã chỉ đạo đầu tư 13.592 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; 1.483 triệu đồng mua sắm sách giáo khoa, sách bồi dưỡng giáo viên [59, tr. 9]. Bên cạnh đó Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở và Phòng GD các huyện chỉ đạo các nhà trường tích cực chủ động trích nguồn kinh phí để mua sắm, đầu tư thêm các trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở và các Phòng GD, các nhà trường đã chủ động trích kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị trường học, đồng thời vẫn tiếp tục duy trì các phong trào tự làm đồ dùng dạy học.

Năm học 2006 - 2007, công tác xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được quan tâm bằng nhiều nguồn vốn. Trong năm học đã đưa vào sử dụng 296 phòng học kiên cố, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố từ 54,2% (năm học 2005 - 2006) lên 58,3%. 100% trường phổ thông có phòng thư viện, thiết bị, có 494 phòng học bộ môn. Thiết bị phục vụ đổi mới chương trình lớp 5, lớp 10 phân ban được cung cấp đầy đủ, đúng định mức. Hầu hết các trường phổ thông đã có phòng máy tính phục vụ dạy và học. 11,5% trường tiểu học, 50% trường THCS và 100% trường THPT dạy tin học. 100% các phòng giáo dục, các đơn vị trực thuộc có máy tính được kết nối Internet [60, tr. 9].

Năm học 2007 - 2008, công tác xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp học, xây dựng phòng học bộ môn, mua sắm trang thiết bị dạy học tiếp tục được cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương và các nhà trường quan tâm. Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo các địa phương (Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Minh Hóa) chịu thiệt hại nặng nề do bão số 2 và số 5 gây ra, tích cực, chủ động, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp các ngành để khắc phục, sửa chữa kịp cho khai giảng năm học mới. Đến cuối năm 2007, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 64,4%. Ngoài ra, trong năm học 2007 - 2008, tỉnh đã chỉ đạo đẩu tư 10.118 triệu đồng để mua sắm thiết bị dạy học cho riêng khối 11; đầu tư 6 tỷ đồng để mua sắm bổ sung thiết bị dạy học từ lớp 1 đến lớp 9 [61, tr. 12-13].

Có thể nói, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong 5 năm (2006 - 2010) dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, cơ sở vật chất của giáo dục tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng kiên cố hóa và đồng bộ. Thực hiện theo chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ, ngành GD đã tăng cường đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, xây dựng phòng thí nghiệm, phòng vi tính, phòng nghe nhìn để nâng cao chất lượng dạy và học. Xây dựng các trường Tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch đề ra. Tính đến năm học 2009 - 2010, ở cấp tiểu học có tổng số 3.064 phòng học (trong đó tỷ lệ phòng kiên cố đạt 82%); giáo dục THCS hiện có 1944 phòng học (trong đó tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 91,2%); với giáo dục THPT có 874 phòng học (trong đó tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 93,2%). Nhìn chung, tỉ lệ phòng học kiên cố ở cả ba cấp đều tăng so với các năm học trước.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh quảng bình lãnh đạo giáo dục phổ thông tu nam 2001 den nam 2010 (Trang 60 - 64)