Hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh kon tum lãnh đạo thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo từ năm 1991 2005 (Trang 100 - 106)

Sau 15 năm thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Kon Tum từ năm 1991 đến năm 2005 bên cạnh những thành tựu rất đáng ghi nhận cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Những hạn chế đó là:

Thứ nhất, kết quả xóa đói giảm nghèo chưa vững chắc. Đời sống nhân

dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn

nhiều khó khăn.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2001-2005 là 11%. Đây là mức tăng trưởng khá cao trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh mang nặng tính chất nông nghiệp và tốc độ tăng trưởng đó chủ yếu được quyết định bởi sự tăng trưởng của nông - lâm - thủy sản. Trong giai đoạn 2001-2005, nông - lâm - thủy sản đã đóng góp đến hơn 40% tổng giá trị tăng thêm. Mức đóng góp này gấp hơn 2 lần nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và cao hơn nhóm ngành thương mại - dịch vụ. Điều này thể hiện ở bảng 5.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao nhưng chưa thật sự ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, mà lĩnh vực này phụ

thuộc nhiều vào yếu tố khách quan, như thời tiết, giá cả nông sản…. Bên cạnh đó, mặc dù GDP bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 183 USD năm 2000 lên 287 USD năm 2005, nhưng còn quá thấp so với GDP bình quân đầu người của cả nước (hơn 640 USD). Cho nên hiện nay Kon Tum vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế lạc hậu, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh yếu…. Vì vậy, nguồn lực của tỉnh Kon Tum giành cho xóa đói giảm nghèo còn hạn chế.

Tổng số, tỷ lệ và sự phân bố hộ nghèo ở tỉnh Kon Tum năm 2005 theo chuẩn mới thể hiện ở bảng 6 (Phụ lục).

Số liệu ở bảng 6 cho thấy số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2005 tập chủ yếu trung ở nông thôn. Số hộ nghèo ở nông thôn gấp hơn 8 lần số hộ nghèo ở thành thị. Trong khi số hộ nghèo mức độ 1 ở nông thôn cao gấp rưỡi mức độ 2 thì số hộ nghèo ở thành thị phân bố gần như nhau ở 2 mức độ. Tổng số hộ nghèo mức độ 1 ở nông thôn và thành thị rất cao (chiếm 22,5% số hộ toàn tỉnh). Trên phạm vi cả tỉnh, ở khu vực thành thị chỉ có 12,38% hộ nghèo, nhưng ở nông thôn có đến 52,44% hộ nghèo (cao gấp 4 lần thành thị).

Số hộ thiếu đói hằng năm vẫn còn cao, sáu tháng đầu năm 2005 tỉnh Kon Tum có 10.047 hộ (50.309 khẩu) cần hỗ trợ cứu đói. Huyện Kon Plong có tỷ lệ hộ cần cứu đói cao nhất cũng chính là huyện nghèo nhất với 1.140 hộ (5.920 khẩu) chiếm 36,8% tổng số hộ trên địa bàn. Huyện Sa Thầy với 27,2% số hộ trên địa bàn cần cứu đói.

Tốc độ giảm nghèo ở tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2001-2005 thể hiện ở bảng 7 (Phụ lục). Bảng 7 cho thấy trong giai đoạn 2001-2005, tỷ lệ hộ đói nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum giảm nhanh. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ đói nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số hầu như không thay đổi và nhìn chung là rất cao (giao động 81-86%). Điều này chứng tỏ tốc độ giảm đói nghèo trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra chậm hơn, có nhiều khó khăn, hiện tượng tái nghèo cao.

Đến năm 2005, đói nghèo ở tỉnh Kon Tum chủ yếu diễn ra ở những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số hộ nghèo.

Huyện Konplong 100% số hộ trên địa bàn sống ở vùng nông thôn, với 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và 99,8% hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số, toàn huyện có đến 82% hộ nghèo (2772 hộ) là sống ở vùng sâu, vùng xa,

vùng đặc biệt khó khăn (vùng III). Ở huyện này xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất đã là 69,8% (xã Đăk Long), còn lại tất cả các xã đều có tỷ lệ hộ nghèo trên 80%, thậm chí có xã đến 99,45% số hộ thuộc diện đói nghèo (xã Đăk Nên). Đây là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả tỉnh và gấp hơn hai lần so với tỷ lệ đói nghèo bình quân của tỉnh.

Huyện Đăk Glei có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ hai trong tỉnh (58,2%), có ba xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo các xã này đều trên 86% (Mường Hoong là 88,6%; Ngọc Linh là 86,4%; Đăk Man là 86,1%). Ba xã này có 99% hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số.

Ở xã Đăk Pờ Ne (huyện Kon Rẫy) tỷ lệ hộ nghèo đến 95,6% và 99,6% hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số (331/332 hộ). Xã Ya Tăng mới tách ra từ xã Ya Ly (Huyện Sa Thầy cũ) có 92,6% số hộ là hộ nghèo và 100% hộ nghèo là hộ dân tộc thiểu số.

Ở những khu vực thị trấn, thị tứ thì tỷ lệ hộ nghèo rất ít. Thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) chỉ có 7,9% hộ nghèo, thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) là 11,7% (240 hộ). Huyện Đăk Glei một trong những huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh, nhưng ở thị trấn Đăk Glei tỷ lệ hộ nghèo chỉ có 18,6%. Thị xã Kon Tum nơi chỉ có 1/3 dân số là đồng bào dân tộc thiểu số thì tỷ lệ hộ nghèo là thấp nhất (17,2% với 4261 hộ), trong đó có những phường tỷ lệ hộ nghèo thấp, như: Quyết Thắng 1,35%; Ngô Mây 5,38%; Quang Trung 5,6%. Trong khi đó vùng ven thị xã có xã tỷ lệ hộ nghèo cao, như xã Đăk Rơ Va (69,98% số hộ thuộc diện nghèo và có 97% hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số).

Theo khảo sát năm 2005, tính chung trên địa bàn toàn tỉnh, thì khu vực II và III tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 78% (khu vực II có 43,9% với 12.798 hộ nghèo, khu vực III chiếm 34,1% với 9.918 hộ nghèo).

Như vậy, kết quả xóa đói giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng và đời sống nhân dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn.

Thứ hai, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn cao so với mặt bằng chung của vùng Tây Nguyên và của cả nước.

Trong giai đoạn 1991-2005 tốc độ xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Kon Tum là khá nhanh. Giai đoạn 1993-1995 bình quân giảm được 6,7% hộ nghèo/năm. Trong giai đoạn 1996-2000 bình quân giảm được gần 9% hộ đói nghèo/năm và xóa được nạn đói kinh niên vào năm 2000. Giai đoạn 2001-2005 tỉnh Kon Tum giảm bình quân mỗi năm được gần 5% tỷ lệ hộ nghèo, với gần 3.000 hộ nghèo/năm và xóa được nạn đói vào năm 2005.

Tuy nhiên, đến tháng 12-2005, tỉnh Kon Tum vẫn còn 8,98% hộ nghèo trong khi cả nước tỷ lệ hộ nghèo là 7% (tính theo chuẩn giai đoạn 2001- 2005). Nếu tính theo chuẩn nghèo giai đoạn 2006-2010 thì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Kon Tum là 38,63% số hộ toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh so với mặt bằng chung của vùng Tây Nguyên (38%) là vẫn còn cao và rất cao so với mặt bằng chung của toàn quốc (22%).

Thứ ba, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo còn tâm

lý thụ động, ỷ lại, thiếu quyết tâm và ý chí tự lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Trình độ văn hóa của đại bộ phận nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ỏ tỉnh Kon Tum còn thấp kém. Đồng bào dân tộc thiểu số sống an phận, tự ti, mặc cảm và chịu ảnh hưởng nặng nề cách nghĩ, cách làm của người sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp. Đây là khó khăn lớn trong thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Một bộ phận người nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số còn thụ động, trông chờ và ỷ lại vào Nhà nước và sự trợ giúp từ bên ngoài, chậm chuyển biến về nhận thức, chỉ trông chờ trợ giúp. Tình trạng đói nghèo trong đồng bào do nhiều yếu tố tạo nên, trong đó có sự mê tín dị đoan. Bên cạnh việc lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn không ít những hủ tục lạc hậu, như ma chay, tế lễ lãng phí. Khi đau ốm bệnh tật thì cúng bái. Sống trong cảnh đói nghèo thì cho là “giàng bắt mình phải thế”. Một bộ phận đồng bào còn lười lao động, không biết tính toán chi tiêu, không biết để dành và không biết tính toán làm ăn cho có hiệu quả. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, những luận điệu tuyên truyền của các thế lực phản động đã và đang có ảnh hưởng tiêu cực thêm đến ý chí tự lực vươn lên trong sản xuất và đời sống của đồng bào. Vì vậy, một bộ phận đồng bào không

hiểu được rằng trong công tác xóa đói giảm nghèo, Nhà nước và cộng đồng chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ vươn lên, chứ không thể làm thay hay cứu trợ nhân đạo mãi. Yếu tố quyết định là ở chính bản thân họ phải tự lực vươn lên và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng. Chỉ như vậy kết quả xóa đói giảm nghèo mới đảm bảo tính bền vững.

Thứ tư, kết quả huy động vốn quỹ, đặc biệt vốn quỹ từ sự ủng hộ, từ sự đóng góp của nhân dân, của các tổ chức và các doanh nghiệp còn đạt ở mức thấp. Các huyện, thị xã hầu hết mới chỉ đề ra kế hoạch phấn đấu, còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại cấp trên, ở Nhà nước. Nguồn lực của chương trình xóa đói giảm nghèo chủ yếu dựa vào ngân sách. Nguồn lực đầu tư cho các xã nghèo còn ít, việc lồng ghép chương trình xóa đói giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn hạn chế.

Nguyên nhân của một số hạn chế nói trên có thể nhận thấy trên những điểm cụ thể sau đây sau:

Một là, nhận thức về xóa đói giảm nghèo ở một số sở, ban, ngành, chính

quyền địa phương còn chậm, chưa rõ và thiếu nhất quán. Từ đó “việc đầu tư con (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

người, xây dựng chương trình kế hoạch chưa được quan tâm đúng mức đúng tầm với chương trình”. Một số cơ quan, đơn vị triển khai công tác xóa đói giảm nghèo theo kiểu "mùa vụ", chưa thấy được xóa đói giảm nghèo là quá trình lâu dài, từ đó thiếu quan tâm đôn đốc trong việc sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm một các thường xuyên. Có nơi triển khai công tác chỉ diễn ra trong thời gian đầu, sau đó lắng dần rồi khoán trắng cho Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo hay các đoàn thể hoặc cán bộ chuyên trách và xem như cấp ủy, chính quyền xong nhiệm vụ.

Hai là, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu. Địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán nhiều nơi còn lạc hậu... là những rào cản thật sự đối với công tác xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Kon Tum trong thời gian 1991-2005, nhất là thời kỳ đầu sau khi tái lập tỉnh. Mặc dù tỉnh Kon Tum đã nhận được sự đầu tư lớn từ Nhà nước, nhưng các công trình kết cấu hạ tầng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương. Nhiều tuyến đường giao thông, thủy lợi được nâng cấp nhưng địa hình vùng núi hiểm trở nên nhanh xuống cấp.

Ba là, thiếu sự liên kết đồng bộ của “bốn nhà”. Từ đó chưa có chính sách thực sự có hiệu quả để bảo đảm tiêu thụ và khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Chất lượng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh chưa cao, còn mang tính chủ quan, chắp vá, thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung. Nông sản phẩm làm ra chưa được quy hoạch hợp lý nên có khi được mùa thì lại mất giá, người dân bị thua lỗ. Thị trường nông thôn miền núi trong tỉnh còn bị tư thương thao túng, đồng bào gặp khó khăn và nhiều người quay lại cách làm ăn tự cung, tự cấp. Trình độ dân trí thấp nên một bộ phận đồng bào chưa tiếp thu, vận dụng được những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cách làm ăn hiệu quả và các mô hình xóa đói giảm nghèo hay. Bên cạnh đó sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước vào công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ, giúp đỡ với vai trò liên kết, làm cầu nối chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Bốn là, đội ngũ cán bộ cơ sở và cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum về tình hình cán bộ người dân tộc thiểu số, năm 2003, tỉnh Kon Tum có 1.610 cán bộ là người dân tộc thiểu số, trong đó: trình độ cao đẳng, đại học có 249 người (15,46%), trung cấp 958 người (50,1%), sơ cấp 379 người (23,5%), còn lại chưa qua đào tạo. Về trình độ lý luận chính trị: sơ cấp 11 người (0,68%), trung cấp 68 người (4,22%),

cao cấp và cử nhân 60 người (4,09%). Như vậy, một bộ phận cán bộ cơ sở, nhất

là các xã vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đã làm hạn chế quá trình triển khai, tổ chức thực hiện tại nhiệm vụ, trong đó có công tác xóa đói, giảm nghèo ở cơ sở.

Cán bộ chuyên trách xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu. Cán bộ có tâm huyết thì trình độ năng lực yếu, cán bộ được đào tạo thì do thù lao, trợ cấp còn thấp nên còn biểu hiện xao nhãng trong công việc. Cơ chế, chủ trương, chính sách dù tốt đến mấy mà thiếu “cái gốc của mọi công việc” là cán bộ để triển khai, tổ chức thực hiện thì sẽ làm hạn chế hiệu quả của công tác.

Xác định định được những nguyên nhân của thành tựu và hạn chế trong công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong những năm 1991-

2005 sẽ giúp cho việc tổng kết kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế của công tác trong thời gian tới được nhanh chóng và có hiệu quả, góp phần đạt được mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII (12-2005) đã đề ra.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh kon tum lãnh đạo thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo từ năm 1991 2005 (Trang 100 - 106)